Mới đây, Ðơn vị tư vấn đã báo cáo phương án tích hợp trong việc thực hiện lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, cùng các sở, ban ngành thành phố và các quận, huyện. Các ngành chức năng thành phố và các địa phương cũng đã đóng góp ý kiến thiết thực cho Quy hoạch TP Cần Thơ, phù hợp với tình hình thực tế phát triển của thành phố trung tâm vùng ÐBSCL.
TP Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng ĐBSCL.
Chiến lược năm 2030
Tháng 12-2021, đơn vị tư vấn đã nộp bản báo cáo lần thứ nhất và đang trong quá trình chỉnh sửa để nộp lại báo cáo lần thứ 2. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng tích cực làm việc với các sở, ngành thành phố để xin ý kiến đóng góp cho Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản chính thức của Quy hoạch tổng thể TP Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2022; bao gồm các nội dung chi tiết như: bản đồ và hệ thống bản đồ, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và cơ sở dữ liệu quy hoạch Cần Thơ…
Theo đơn vị tư vấn, các bước chính và phân tích để xây dựng chiến lược phát triển cho TP Cần Thơ gồm: xây dựng chiến lược tổng thể nhằm định hướng được tầm nhìn cho thành phố về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường bền vững; tinh chỉnh các phương án tiếp cận, áp dụng các ngành ưu tiên phù hợp nhất cho thành phố phát triển; so sánh với các thành phố, vùng trên thế giới, từ đó đưa ra phương hướng, tầm nhìn phù hợp nhất cho thành phố; phác thảo các kịch bản phù hợp nhất phát triển Cần Thơ. Chiến lược năm 2030 cho Cần Thơ là trở thành “trái tim” của vùng ÐBSCL: phát triển trở thành trung tâm kinh doanh nông nghiệp, trung tâm sản xuất và dịch vụ giá trị cao, mục tiêu trở thành thành phố đáng sống ở Việt Nam vào năm 2050.
Thực hiện những định hướng phát triển này, Quy hoạch cho TP Cần Thơ cần chú trọng vào cả 3 trụ cột phát triển và các yếu tố hỗ trợ là: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bền vững môi trường. Các yếu tố hỗ trợ chủ yếu là sử dụng tài nguyên đất tối ưu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp với tương lai, phát triển nguồn lực con người, thu hút đầu tư đồng thời triển khai chiến lược một cách mạnh mẽ và cân bằng. Các ngành ưu tiên cho Cần Thơ phát triển, đây cũng là những ngành có thế mạnh tự nhiên và có tiềm năng tăng trưởng cao, gồm: kinh doanh nông nghiệp (thủ phủ của trung tâm nông nghiệp quốc gia), du lịch (có sân bay quốc tế, lượng khách du lịch lớn, ổn định), hậu cần (có vị trí chiến lược tại ÐBSCL, gần TP Hồ Chí Minh với cơ sở hạ tầng giao thông quy hoạch nâng cấp…), bán lẻ (thủ phủ của thị trường khu vực rộng lớn, ÐBSCL chiếm 20% thị trường Việt Nam), năng lượng và dược phẩm (hiện có sự góp mặt của những doanh nghiệp dược hàng đầu, cụm ngành y tế mạnh).
Ðơn vị tư vấn cũng trình bày phát triển không gian phù hợp với định hướng của vùng ÐBSCL và thành phố. Ðó là hướng đến đô thị mang bản sắc sông nước ÐBSCL; có vành đai sông nước, kênh rạch chạy dọc theo sông Hậu (từ Thốt Nốt, Ô Môn, đến Phong Ðiền) để tạo vành đai kết nối về mặt cây xanh và mặt nước các khu vực khác nhau của TP Cần Thơ...
Về kịch bản phân vùng công năng, phát triển cân bằng, gồm 10 vùng: trung tâm đô thị lịch sử Ninh Kiều - Bình Thủy - Cái Răng; cụm văn hóa và giải trí ven sông (Ðông Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng); khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thành phố sinh thái thông minh mới - Phong Ðiền - Tây Cái Răng; thành phố sân bay (Bắc Bình Thủy); thành phố du lịch sinh thái (Ô Môn - Thốt Nốt); khu năng lượng và công nghệ cao trung tâm, thành phố kết nối - Ô Môn; trung tâm nông nghiệp - Cờ Ðỏ, Tây Thới Lai và Tây Phong Ðiền; hành lang công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh; khu năng lượng tái tạo (Vĩnh Thạnh).
Phấn đấu sớm hoàn thành quy hoạch
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng: Xác định quy hoạch tích hợp này là quy hoạch mới, nên cần làm rõ mức độ tích hợp trong quy hoạch này đối với các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển đô thị; nhất là giữa quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất không chồng chéo. Cần khẳng định quy hoạch tích hợp đô thị hiện nay ở mức độ cấu trúc phân vùng và các tính năng cơ bản. Ðối với phát triển không gian, nhìn chung cấu trúc không gian hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và phân vùng công năng cần quan tâm đến một số cơ chế đặc thù. Ðặc biệt là đối với một số khu vực chức năng như: đô thị sinh thái; trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ÐBSCL và một số phân vùng khác.
Còn theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, thống nhất hợp phần chung quanh về phân vùng, phân bổ đất đai theo khu chức năng và các loại đất tới đơn vị quận, huyện. Việc phát triển không gian, trong đó có phát triển quy mô về đất thì quan điểm giảm dần đất nông nghiệp, đất trồng lúa và tăng đất hạ tầng và các loại đất khác là phù hợp với xu thế phát triển, cũng như phù hợp với Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố vừa được Quốc hội thông qua…
Chủ tịch UBND quận Ô Môn Lê Việt Sĩ cũng cho rằng: Ô Môn đã có góp ý cho dự thảo quy hoạch tư vấn đề ra. Ðơn vị tư vấn đã đưa ra phương án tổng thể hơn, có tầm nhìn TP Cần Thơ là “trái tim” của ÐBSCL, đồng thời gắn liền với sinh thái sông nước và trong đó có địa bàn quận Ô Môn. Ô Môn thống nhất với phương án này, cũng như mong muốn đơn vị tư vấn có cuộc làm việc lại với địa phương, để bàn chi tiết cho phù hợp tình hình thực tế. Quận Ô Môn gắn liền với nhà máy điện, thời gian tới phát triển về điện, khu công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao…
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong cập nhật nhanh những thông tin về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố vừa được Quốc hội thông qua. Ðơn vị tư vấn còn bám sát Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị để lập quy hoạch; xác định được xây dựng TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL… Xác định quy hoạch này sẽ tạo thuận lợi trong kêu gọi đầu tư vào thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn cố gắng đến tháng 3-2022 hoàn thiện Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6-2022. Sở Kế hoạch và Ðầu tư có kế hoạch cụ thể từ nay đến thời điểm hoàn thành, lấy ý kiến đóng góp các ngành, địa phương và HÐND thành phố, để quy hoạch đảm bảo về mặt chất lượng và thời gian.
ANH KHOA - Báo Cần Thơ