Du khách tăng cao, sao mặt bằng trung tâm Sài Gòn vẫn ế?
Những mặt bằng ở các tuyến đường trung tâm TP.HCM vẫn bị bỏ trống, thậm chí nhiều cửa hàng khác tiếp tục đóng cửa, dù kinh tế TP tăng trưởng trở lại và du khách tăng "khủng".
Các hộ kinh doanh trên đại lộ Lê Lợi cho biết, tình trạng domino đã xảy ra khi nhiều cửa hàng theo chân nhau trả mặt bằng.
Vị trí này trên đường Đồng Khởi từng là một khách sạn. Thời hoàng kim, ngoài cho thuê lưu trú, khách sạn còn cho thuê mặt bằng tầng trệt và tầng 1 để mở nhiều cửa hàng buôn bán trang sức, đồng hồ. Giờ đây, mặt tiền khách sạn trở thành quán nước vỉa hè "tỉ đô" NT TÂM
Đồng Khởi, con đường trung tâm nhất ở trung tâm TP.HCM, không còn tráng lệ như trước đại dịch. Những căn nhà mặt tiền bỏ trống nhiều tháng bị bôi vẽ nhếch nhác
Giải mã cuộc ‘tháo chạy’ khỏi mặt bằng đắc địa giữa trung tâm thành phố
Không dễ để gặp được "chính chủ" cho thuê nhà ở khu vực trung tâm TP. Các số điện thoại cho thuê đều của môi giới và chính môi giới cũng không thể biết được "chính chủ" là ai. Nếu có khách gọi đến, môi giới sẽ "dắt" bạn tới những căn khác. Tuy nhiên, ở thời điểm trước đại dịch, những căn nhà mặt tiền ở vị trí đẹp như căn góc trên đường Đồng Khởi, rộng chưa tới 100m2, 1 trệt và 2 lầu giá cho thuê dao động từ 350 - 400 triệu đồng/tháng; các căn mặt tiền bình thường khoảng 200 triệu đồng/tháng; còn những căn thuê tầng trệt khoảng 100 triệu/tháng, chưa tính VAT
Dãy nhà trên đường Đồng Khởi treo bảng cho thuê hoặc giăng bạt phủ kín mặt tiền nhưng không sửa chữa
Một số mặt tiền trên phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng đóng cửa im ỉm suốt thời gian dài
Nhà hàng ngay cạnh khách sạn 6 sao Times Square cũng đóng cửa nhiều tháng qua
Sau 7 năm rào chắn một phần để thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, vào tháng 8.2022, đại lộ Lê Lợi được trả lại mặt bằng. Các cửa hàng bắt đầu sửa sang hoạt động trở lại nhưng ế khách đã khiến con đường từng một thời sôi động này rơi vào tình trạng vắng vẻ, đìu hiu
KTS người Pháp: ‘Mái che đường Lê Lợi phải đầu tư xứng tầm với metro tỉ đô’
Cô Mai, bán nước trên đường Lê Lợi, than vãn quá vắng du khách. "Buổi trưa, hơi nóng hắt từ mặt đường vào rát cả mặt, con đường lại không bóng cây xanh nên du khách nước ngoài né đi qua đây, cả ngày tôi chỉ bán được vài chai nước suối", cô nói
Trung tâm vàng bạc hai mặt tiền này vừa trả mặt bằng cách đây khoảng hai tháng dù vẫn còn thời hạn hợp đồng, chấp nhận mất cọc. Quán bar tầng trên cũng rời đi
Anh Hùng, đang kinh doanh hàng lưu niệm chủ yếu cho du khách nước ngoài trên đường Lê Lợi, chỉ ra 3 lý do mặt bằng khu vực này ế khách: Thứ nhất, giá cho thuê quá cao, dù gần đây đã giảm xuống; chẳng hạn mặt bằng khá nhỏ anh đang thuê thời điểm trước đại dịch 2.000 USD/tháng, nay giảm còn 1.000 USD nhưng vẫn chật vật để duy trì. Thứ hai, khách quá vắng. Thứ ba, quan trọng nhất là hiệu ứng domino đã xảy ra. "Buôn có bạn bán có phường. Nhiều người chuyển đi nên con đường không còn đông đúc du khách, khiến một số người cũng chuyển đi nơi khác. Thành ra nơi này ngày càng có nhiều mặt bằng bỏ trống là vậy", anh nói
Căn góc mặt tiền hai con đường, đối diện phía cửa đông chợ Bến Thành, nát tươm bảng hiệu
Một căn góc khác ngay đường Phan Chu Trinh và Lê Lai, đối diện phía cửa tây chợ Bến Thành
Một dãy nhà mặt tiền đường Lê Lai đang đóng cửa
Theo TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, mặt bằng khu trung tâm TP.HCM chủ yếu để kinh doanh nhóm sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế. Khi lượng khách này sụt giảm, chưa quay trở lại như trước dịch khiến doanh thu giảm thì chủ thuê nhà không còn nguồn thu, buộc phải trả mặt bằng. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi do nguồn thu giảm nên họ hạn chế mở rộng thêm. Doanh nghiệp sẽ xem xét bài toán chi phí, nếu phí thuê mặt bằng quá cao thì buộc phải tìm kiếm khu vực khác.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến TP đạt khoảng 2 triệu lượt, tăng 306% so cùng kỳ năm 2022; khách nội địa khoảng 16,4 triệu lượt, tăng 48% so cùng kỳ.
Tổng thu du lịch 6 tháng năm 2023 ước đạt gần 81.000 tỉ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,5% so với kế hoạch năm 2023. Trong khi đó, theo Cục Thống kê TP. HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 2/2023 tăng 5,87%, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 0,7% của quý đầu năm 2023. Ước tính, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ.