TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Dù ngân hàng đang chữa bệnh thừa tiền, vay đảo nợ ngân hàng không dễ

Tín dụng tăng thấp, ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền", do vậy khi quy định được vay vốn để trả nợ ngân hàng khác chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9, nhiều ngân hàng đã tích cực quảng bá chương trình này với mức lãi suất khá thấp.

Các ngân hàng đang tranh thủ đẩy mạnh cho vay do tín dụng từ đầu năm đến nay tăng rất thấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các ngân hàng đang tranh thủ đẩy mạnh cho vay do tín dụng từ đầu năm đến nay tăng rất thấp

Nhưng thực tế có dễ vay như hình dung?

Ngân hàng tranh thủ cơ hội đẩy tiền ế

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngay khi thông tư 06 có hiệu lực, các ngân hàng đã dồn dập thông báo đến khách hàng về chương trình này. Sớm nhất là các ngân hàng trong nhóm Big4.

BIDV công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất 6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 6,8%/năm với các khoản vay trung và dài hạn thực hiện theo thông tư 06.

Đối tượng vay là khách hàng đang vay vốn sản xuất, kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay.

Trong khi đó, Vietcombank là ngân hàng công bố sớm nhất chính sách này với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, nếu cố định trong 24 tháng đầu lãi suất là 8%/năm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng không chịu ngồi yên với các quảng cáo rất "kêu". Điểm chung của nhiều ngân hàng là đều ân hạn nợ gốc trong 12 - 24 tháng, thời gian cho vay dài, áp dụng với các khoản vay bất động sản. Có ngân hàng còn ghi chú rõ là "dành cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác".

Khó cho người chỉ có một tài sản thế chấp

Về phía khách hàng, sau khi các ngân hàng triển khai chương trình này cũng đã nôn nóng muốn được chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để giảm bớt số tiền lãi phải trả.

Thế nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, việc này chỉ dễ với khách hàng có nhiều hơn một tài sản thế chấp hoặc có sẵn tiền mặt để trả nhằm rút tài sản thế chấp. Còn với khách vay chỉ có một tài sản thế chấp duy nhất thì khá nan giải.

Anh Nguyễn Trung Hải (Hà Đông, Hà Nội) cho biết hôm 7-9 có hỏi BIDV và một số ngân hàng khác về thủ tục và lãi suất cho vay để có thể vay để trả 800 triệu đồng mua nhà cho một ngân hàng khác. Lãi suất hiện đang vay là 12,8%/năm dù đã được giảm 1%/năm so với hồi đầu năm nhưng vẫn cao so với thu nhập của anh.

"Điều tôi quan tâm là lãi vay và thủ tục vay mới trả nợ cũ sẽ như thế nào. Thế nhưng, thủ tục thì phải làm lại như hồ sơ vay từ đầu mà còn phức tạp hơn khi chờ định giá lại tài sản đảm bảo" - anh Hải cho hay.

Chị Phan Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói đang xem xét vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay mua ô tô. Lãi vay mới khá hấp dẫn, thấp hơn 3%/năm so với mức mà chị hiện đang vay. Tuy nhiên, nếu vay là phải thế chấp căn hộ thay vì chính chiếc xe. Hơn nữa, phí phạt trả nợ trước hạn ngân hàng đang vay là 1,8% cũng khiến chị ngán ngại.

Chị Thảo, nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, thông tin những ngày gần đây khá nhiều khách hàng đến hỏi về chương trình này. Hầu hết người vay đều nghĩ rằng chỉ cần thông báo với ngân hàng rằng muốn vay trả nợ ngân hàng khác là sẽ được giải ngân trả món nợ cũ, rồi rút tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để làm thủ tục thế chấp với ngân hàng mới. Tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy.

"Với người có hai tài sản thế chấp thì khá dễ dàng vì có thể thế chấp căn nhà/mảnh đất khác để vay tại ngân hàng mới với mục đích trả nợ khoản vay cũ, sau đó lấy tiền trả nợ và rút tài sản thế chấp kia về.

Tương tự với người có sẵn tiền mặt cũng có thể trả nợ rồi rút tài sản thế chấp để đi vay tại ngân hàng khác. Nhưng với người chỉ có một tài sản thì khá khó khăn vì ngân hàng không thể cho vay tín chấp một khoản lớn trước rồi mới nhận tài sản thế chấp sau", chị Thảo nói.

Lãi vay có hạ nhiệt?

Đại diện lãnh đạo một ngân hàng có vốn nhà nước cho hay, theo quy định, khách hàng được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác phải không có nợ quá hạn. Số tiền và thời hạn vay để trả nợ không quá so với dư nợ và thời hạn đang vay.

Đơn cử một khách hàng vay 1 tỉ đồng trong 15 năm để mua căn hộ, dùng chính căn hộ đó làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Tính đến nay, nợ gốc còn 600 triệu đồng và thời gian vay còn 9 năm. Như vậy, số tiền được vay ở ngân hàng mới tối đa chỉ 600 triệu đồng và trong thời gian không quá 9 năm. Thực chất là chuyển nợ của ngân hàng A sang ngân hàng B mà thôi.

Giải thích về thủ tục vay có phức tạp hơn, lãnh đạo ngân hàng nói trên cho hay là thủ tục, hồ sơ cho vay phải làm lại từ đầu. Với ngân hàng A, đây là khoản vay mới nên hồ sơ phải làm lại từ đầu gồm đánh giá năng lực trả nợ của khách hàng, lịch sử tín dụng của khách xem có nợ xấu không...

Hơn nữa trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, việc định giá tài sản đảm bảo là bất động sản hiện nay cũng không thể như giai đoạn thị trường giao dịch sôi động.

Liệu có cuộc chạy đua cạnh tranh để thu hút khách hàng, giảm lãi suất để giành thị phần hay không? Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với chính sách này, lãi suất cho vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Thực chất lãi vay hạ nhiệt là do lãi suất đầu vào giảm. Mặt khác, các ngân hàng đang dư thừa vốn nên buộc phải hạ lãi suất.

Còn có cuộc chạy đua giành khách hàng hay không qua cho vay để trả nợ ngân hàng khác? Ông Hiếu cho rằng không dễ dàng vì thủ tục và điều kiện để giải ngân khoản vay mới không hẳn dễ dàng.

Ngân hàng cho vay để trả nợ sẽ đánh giá rất chặt chẽ các điều kiện của khách hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng đều chủ động tìm cách hạ lãi vay để giữ chân khách hàng hiện hữu trước khi mở rộng thêm khoản vay mới, khách hàng mới.

Phí phạt trả nợ trước hạn là rào cản

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác mới phát hành, Công ty chứng khoán ACBS cho rằng phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

"Thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng", báo cáo nêu.

LÊ THANH - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness