Được đưa vào hoạt động ngày 29/4/2015 với kinh phí đầu tư gần 430 tỷ đồng, sức chứa gần 6.000 người, sau 6-8 tháng vận hành, phố đi bộ Nguyễn Huệ đang thu hút nhiều đại gia bán lẻ, đặc biệt trong ngành ẩm thực, ăn uống (F&B).
Hôm 23/12, McDonald's đã khai trương nhà hàng mới trên phố Nguyễn Huệ kèm theo hệ thống McCafé. Đây là nhà hàng đầu tiên của thương hiệu đình đám này tại tuyến phố đắt đỏ bậc nhất thành phố. Trước đó, gu chọn mặt bằng của doanh nghiệp định vị ở khu vực cửa ngõ phía Đông, Tây Sài Gòn hoặc tầng trệt ở trung tâm thương mại lớn.
Tuy mặt bằng bán lẻ trên tuyến phố này nổi tiếng đắt đỏ, khó săn lùng vì khan hiếm nhưng thương hiệu F&B của Mỹ vẫn đầu tư quy mô hoành tráng với mặt tiền rộng bằng hai căn nhà phố gộp lại. Diện tích sàn 450 m2, một trệt, một lầu và một tầng lửng, nhà hàng có tổng sức chứa 172 chỗ ngồi, thiết kế trẻ trung và nội thất sáng tạo.
Từ chối tiết lộ giá thuê mặt bằng tại đây, ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đã mang thương hiệu McDonald's về Việt Nam chia sẻ: "Chi phí mặt bằng trên tuyến đường này đắt hơn nhiều so với những vị trí trước đó của chúng tôi. Việc tìm kiếm, lựa chọn cũng rất kỳ công, tuy nhiên, bù lại tiềm năng và vị thế của khu vực này cũng rất lớn".
Ông Hoàng cho hay, để đi đến quyết định chọn mặt gửi vàng, ngoài giá thuê đắt đỏ, McDonald's đã phải chấp nhận thay đổi một số nguyên tắc khi chọn mặt bằng cho phù hợp với tình hình chung của phố đi bộ này. Một trong số đó là nguyên tắc ký hợp đồng thuê 10 năm phải rút ngắn lại mặc dù hình thức đầu tư nhà hàng đẳng cấp của thương hiệu theo chuẩn toàn cầu vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt. "Đây là một thách thức không hề nhỏ", ông nói.
|
Nhà hàng mới của McDonald vừa khai trương trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, tuyến đường được cho là có giá thuê mặt bằng đắt nhất nhì Sài Gòn. Ảnh: Vũ Lê
|
Cùng trên tuyến đường Nguyễn Huệ, cách McDonald’s vài chục mét là sự hiện diện của Starbucks, một ông trùm thức uống khác của Mỹ, với cửa hàng mới khá bắt mắt cũng vừa khai trương. Không chỉ có các ông lớn nhập cuộc, những thương hiệu ẩm thực bình dân cũng đua nhau đổ về tuyến phố này.
Bất chấp giá thuê ngất ngưỡng, mặt bằng nhỏ hẹp, gần một năm qua, thị trường cho thuê mặt bằng quanh khu vực này luôn nhộn nhịp. Càng về cuối năm, nhiều thương hiệu F&B càng quy tụ về đây. Phúc Long, Xóm nhà lá - Take away corner, Ngon Asia House, Coco5, Meet Fresh Signature Herbal Jelly (một thương hiệu chè đến từ Đài Loan), Tea & cake, Eleven Cafe, Sài Gòn ơi, Partea Cafe... đều đã xuất hiện với tốc độ lấp đầy rất nhanh hai bên tuyến đường này, từ tầng trệt đến các tầng lầu.
Phó tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản có bộ phận khảo sát chi phí thuê mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm Sài Gòn cho biết, so với thời điểm phố đi bộ vừa đưa vào hoạt động (tháng 4/2015), các cửa hiệu đã có nhiều thay đổi lớn. Hàng ăn uống đủ phân khúc từ cao cấp đến bình dân, đa dạng về chủng loại và cách phục vụ, hình thức thuê mặt bằng cũng linh hoạt hơn. Thị trường cho thuê mặt bằng ở tuyến đường này cũng đã xuất hiện nhà đầu tư mạnh dạn gom các mặt bằng lẻ lại để thiết kế thành một khu ẩm thực rồi cho thuê từng gian nhỏ.
Vị này đánh giá, do được xếp vào nhóm một trong 3 tuyến đường có giá đất đắt đỏ nhất TP HCM, giá thuê mặt bằng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tăng khoảng 15-25% từ tháng 4/2015 đến nay, thậm chí có nơi đã tăng cao hơn mức trung bình. 6-8 tháng qua, nơi này dần trở thành địa điểm check-in hàng đầu của giới trẻ, các bạn tuổi teen, dân văn phòng Sài Gòn và những gia đình có trẻ em. Các bạn trẻ thường chọn nơi đây để tụ tập chơi nhạc acoustic, ngắm nhạc nước, xem biểu diễn hip hop hay đơn giản là lang thang dạo phố, tụ tập hội hè, nhu cầu ăn uống, giải trí vì vậy ngày càng lớn.
|
Nhiều thương hiệu F&B đang đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Saigon Garden
|
Ông cho hay, các mặt bằng ở tầng trệt, tầng một và tầng hai với mặt tiền tiêu chuẩn rộng 4m sẽ có giá thuê dao động từ 10.000-15.000 USD/tháng tùy vào chiều dài của căn nhà. Những mặt bằng ở tầng cao hơn (từ tầng 3 trở lên) sẽ có giá thuê mềm hơn khoảng 15-40% tùy vào thời hạn thuê và thỏa thuận riêng hoặc cam kết tăng giá khi hoạt động kinh doanh vào guồng. "Xu hướng tăng giá thuê mặt bằng trên phố đi bộ này có thể sẽ tỷ lệ thuận với mức độ nhộn nhịp, sôi động của tuyến đường đặc biệt này", ông dự báo.
Bà Võ Thị Phương Mai, Phụ trách Bộ phận Cho thuê và Tư vấn Bán lẻ Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá đường Nguyễn Huệ vốn dĩ đã là điểm đến vui chơi của đông đảo người dân Sài Gòn. Phố đi bộ từ khi hoàn thiện đến nay đã và đang thu hút rất nhiều người dân đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ, gia đình trẻ.
"Khu vực này thu hút mạnh các thương hiệu F&B với một lượng khách rất cao, ban ngày thì dành cho giới văn phòng tại các cao ốc gần đó và khách du lịch, buổi tối và ngày lễ là địa chỉ tụ họp của giới trẻ và gia đình", bà Mai nhận xét.
Nguyên nhân phố đi bộ thu hút được giới trẻ nhiều như vậy vì nơi đây đáp ứng được nhu cầu “Ăn và chơi” thiết thực của giới trẻ. Với lợi thế rộng rãi, thoáng mát, có hành lang đi dạo, thích hợp cho trẻ em vui chơi, giao lưu nên địa bàn này thu hút nhiều khách tham quan, kèm theo đó là các hoạt động ăn uống phát sinh nhanh chóng.
Bà Phương nhận định, hiện nay hầu như các thương hiệu F&B đình đám đều muốn thương hiệu của mình xuất hiện tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, bất chấp diện tích khá hạn chế, giá thuê thuộc loại đắt nhất nhì Sài Gòn. Điểm hạn chế của khu vực này đa phần thuộc sở hữu nhà nước nên khó có thể thương thảo thời hạn cho thuê lâu dài như những khu vực khác.
Việc quy tụ nhiều thương hiệu có mặt ở phố đi bộ còn giúp cho giá trị thương hiệu và độ nhận diện thương hiệu tại đây được phủ sóng rộng rãi, góp phần thu hút nhiều các thương hiệu khác, đặc biệt là F&B sẽ đổ bộ về trong thời gian tới. "Đây là điểm mạnh nhưng cũng gây áp lực khiến giá thuê đứng trước thách thức tiếp tục tăng. Cạnh tranh mạnh về mặt bằng cho thuê tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vì vậy cũng ngày càng khốc liệt", bà Mai dự báo.
Vũ Lê