TPHCM đang tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe vốn đã kéo dài nhiều năm. Thế nhưng, việc đầu tư chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả không như mong đợi, trong khi nguồn vốn bố trí cho phát triển giao thông vẫn là điểm nghẽn.
|
TPHCM cần ưu tiên khép kín các đường vành đai. Ảnh: THÀNH HOA |
Xây đường không xây nút giao
Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú, quận 2 đến cầu Long Thành) tiếp tục xảy ra trầm trọng hơn. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong các ngày lễ, Tết mà vào cả ngày thường. Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc xuất phát từ nút giao An Phú - dòng xe đi từ bốn tuyến đường Lương Định Của, Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội, đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đều gặp nhau ở nút giao này.
Lẽ ra, khi xây dựng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thì nút giao An Phú cũng phải được xây dựng song song để tránh kẹt xe khi mở đường cao tốc. Khi tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, chính quyền TPHCM đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây nút giao An Phú với quy mô ba tầng gồm cầu vượt và hầm chui. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.035 tỉ đồng. Dù đã đề xuất từ năm 2017 nhưng đến nay dự án chưa biết khi nào mới được khởi công.
Một dự án quan trọng kết nối TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Đến nay dự án có nhiều đoạn vẫn chưa mở rộng được vì chưa giải tỏa xong mặt bằng, như đoạn 800 mét ở khu vực cầu Rạch Chiếc hoặc đoạn 600 mét tiếp giáp với trường Đại học Quốc gia TPHCM, đoạn 2,2 ki lô mét trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sự mở rộng thiếu đồng bộ là nguyên nhân gây ra tình trạng nút thắt cổ chai, ùn tắc trên xa lộ này.
Cũng ở khu vực phía Đông, chính quyền TPHCM đã có chủ trương di dời cụm cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) để giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường cho khu vực này. Thế nhưng, do địa điểm xây cảng mới ở quận 9 chưa được xây dựng hạ tầng kết nối nên chưa thể di dời cụm cảng này. Mới đây, Sở GTVT TPHCM có văn bản xin lùi thời gian di dời cụm cảng Trường Thọ vì dự án thay thế cần thêm hai năm nữa để hoàn thiện hạ tầng và các hạng mục khác.
Nhìn tổng thể ở quy mô vùng, giao thông kết nối từ TPHCM đi các vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tuyến quốc lộ hiện cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trong đó, tuyến quốc lộ 1A từ Bình Chánh đến Long An hiện chưa được mở rộng nên thường xuyên xảy ra kẹt xe. Đoạn đường này có diện tích nhỏ hẹp, nhiều chỗ hình nút thắt cổ chai và có nhiều giao lộ nên lượng xe không thoát kịp mỗi khi có đèn đỏ. Ngoài ra, quốc lộ 50 kết nối TPHCM với Long An chưa được mở rộng ở phía TPHCM đã khiến tuyến đường này thường xảy ra ùn tắc.
Ở khu vực phía Tây Bắc, tuyến quốc lộ 22 kết nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh cũng trong tình trạng tương tự khi lượng xe ngày càng tăng, trong khi đường chưa được mở rộng. Tương tự là tuyến quốc lộ 13 kết nối TPHCM với Bình Dương.
Trước đây, các tuyến quốc lộ này đã có kế hoạch đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, dự án mở rộng quốc lộ 22 vốn đầu tư hơn 9.500 tỉ đồng, dự án mở rộng quốc lộ 13 mức đầu tư 5.200 tỉ đồng... Tuy nhiên, các dự án BOT đều phải tạm dừng theo Nghị quyết 437 của Quốc hội (ngày 21-10-2017, quy định không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu).
Ngoài các dự án nói trên, sự không đồng bộ của hạ tầng TPHCM thể hiện rõ nhất ở tuyến đường vành đai 2 với các đoạn từ nút giao An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái, từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Gò Dưa hiện nay chưa được khép kín. Việc đầu tư không đồng bộ khiến tuyến đường vành đai 2 chưa mang lại hiệu quả vì các loại xe chở hàng hóa vẫn phải đi qua khu vực trung tâm.
Do các dự án BOT bị tạm dừng, Sở GTVT TPHCM đề xuất các dự án mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, quốc lộ 1A qua địa bàn TPHCM chuyển sang hình thức đầu tư từ vốn ngân sách.
Thiếu vốn, xoay xở ra sao?
Phân tích về kết nối hạ tầng giữa TPHCM với cả vùng phía Nam, Phó chủ tịch TPHCM Võ Văn Hoan cho biết nhiều trục đường bộ theo quy hoạch đến năm 2020 phải hoàn thành, nhưng đến nay mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu. Kết nối vùng về giao thông còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra, kéo theo chi phí vận tải tăng cao, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.
Theo tính toán của chính quyền TPHCM, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn thành phố và một số dự án kết nối các tỉnh lân cận giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 83.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án giao thông mới đáp ứng được 35% nhu cầu khiến nhiều dự án chưa thể xây dựng theo quy hoạch.
Kỳ vọng duy nhất hiện nay là việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM chủ động trong việc quản lý, khai thác hạ tầng kết hợp tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. |
Trong bối cảnh TPHCM chỉ được giữ lại 18% tổng thu ngân sách, nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng của thành phố chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi. Nhiều dự án BOT bị dừng triển khai theo Nghị quyết 437 của Quốc hội. Còn các dự án thực hiện theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) cũng đang gặp nhiều khó khăn do quỹ đất không còn nhiều, cộng với bất cập trong phương thức thanh toán. Vì thế, việc tìm được các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho hạ tầng của TPHCM có thể nói là rất khó.
Kỳ vọng duy nhất hiện nay là việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM chủ động trong việc quản lý, khai thác hạ tầng kết hợp tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Một số nguồn khác TPHCM cũng được chủ động là thông qua một số khoản vay; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước do UBND TPHCM quản lý, để đầu tư hạ tầng.
Theo Nghị quyết 54, TPHCM được sử dụng ngân sách của thành phố đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Sau đó, ngân sách trung ương hoàn trả lại cho TPHCM. Mặc khác, với Nghị quyết 54, TPHCM cũng được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công. Khi được chủ động quyết định đầu tư, thủ tục và thời gian quản lý đầu tư sẽ được rút ngắn, tăng sự chủ động của thành phố trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Ví dụ, dự án đường vành đai 3 đoạn qua TPHCM sẽ được nghiên cứu triển khai theo Nghị quyết 54. Ở dự án này, Sở GTVT TPHCM đang hoàn tất phương án triển khai đầu tư, báo cáo chính quyền thành phố trình hội đồng nhân dân thành phố thông qua chủ trương thực hiện.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng có hạn, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), cho rằng TPHCM cần ưu tiên khép kín các đường vành đai. Bởi vì các dự án này không chỉ tăng tính kết nối mà còn giải quyết ùn tắc giao thông tại một số cửa ngõ, các xe không phải đi xuyên qua khu trung tâm sẽ có lợi rất lớn cho thành phố.
Theo TheSaigonTimes