(Dân trí) - Khi cả thế giới dõi theo siêu bão Sandy làm mưa làm gió tại Mỹ và gây ngập lụt nghiêm trọng cho New York, một kỳ quan kỹ thuật tuyệt vời, giúp bảo vệ thủ đô Nhật trở thành ví dụ điển hình cho cách thức con người đối phó với thảm họa tự nhiên.
Một sảnh khổng lồ bên trong hệ thống đường hầm.
Ðược gọi là “Ðường hầm thoát nước” (Water Discharge Tunnel), cấu trúc ngầm khổng lồ này cao hơn tòa nhà 5 tầng và bảo vệ 13 triệu dân Tokyo, nơi còn thường xuyên bị động đất đe dọa, khỏi những trận mưa lớn và những trận bão nhiệt đới có thể gây ngập lụt.
Nằm ở ngoại ô Tokyo, phía sau một tòa nhà chính phủ nhỏ, lối vào cấu trúc được ghi danh trong sách Kỷ lục Guinnes này luôn luôn khóa chặt, vì vậy mà không ai có thể vào hoặc thậm chí là nhận ra sự tồn tại của nó. Với mức đầu tư xây dựng lên tới gần 3 tỷ USD, hệ thống hầm ngầm chống lụt này được xây trong 13 năm từ năm 1993-2006.
Một trong những chiếc giếng khổng lồ sâu tới 70m để chứa nước ngập.
Hệ thống ngầm phức tạp này có 5 bồn chứa khổng lồ, mỗi bồn sâu hơn 70m, để chuyển nước dọc theo một đường hầm dài 6,3km. Sau khi bước xuống những bậc thang dài dằng dặc của một trong những đường hầm, là một sảnh khổng lồ, được miêu tả như đền Parthenon ngầm.
Những trận mưa lớn ở khu vực tỉnh Saitama đã từng gây ngập lụt ở lưu vực sông Naka, vùng đất canh tác quan trọng của Nhật. Nhưng giờ đây vùng này được hệ thống thoát nước khổng lồ bảo vệ.
Ðường hầm hay còn được mệnh danh là
"dòng sông ngầm" dài 6,3km.
Trong trường hợp đường hầm và bể chứa đã đầy, một tổ hợp 4 tua bin giống như động cơ máy bay Boeing 737 sẽ chuyển lượng nước ngập vào sông Edo gần đó. Các kỹ sư phụ trách đường hầm cho biết hệ thống được phát triển nhằm đối phó với mưa lớn và có thể sẽ không hiệu quả để chống chọi với tình trạng ngập lụt do bão như bão Sandy gây ra. Tuy nhiên, đây là ví dụ điển hình để bảo vệ các thành phố lớn khỏi một số thảm họa do thiên nhiên gây ra.
Trung tâm điều khiển công trình được cho là
kỳ quan kỹ thuật của Nhật.