Ngập giữa mùa khô vì sao?
Tại TP.Cần Thơ, nhiều người dân bất ngờ khi một số tuyến đường bị ngập nước trong đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch. Bất ngờ là vì, tình trạng ngập thường chỉ xuất hiện vào thời điểm trước Tết Nguyên đán; còn sau tết, đặc biệt từ tháng 2 là giai đoạn giữa mùa khô. Dù mức độ ngập không nghiêm trọng như thời điểm tháng 10.2022 và thời gian ngập ngắn, chủ yếu sáng sớm và chiều tối nhưng cũng gây ra nhiều bất tiện cho sinh hoạt và di chuyển của người dân.
Một số tuyến đường ở TP.Cần Thơ bị ngập do đợt triều cường đầu tháng 2, dù đây là thời điểm giữa mùa khô - ĐÌNH TUYỂN
Theo số liệu quan trắc từ cơ quan khí tượng thủy văn, trong đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch, mực nước cao nhất tại TP.Cần Thơ đạt 1,87m vào 22.3 dưới báo động (BĐ) 2 chỉ 3cm. Trong khi đó, tại nhiều trạm khác ở khu vực hạ lưu đều cao hơn BĐ 3. Cụ thể, tại Mỹ Thuận trên sông Tiền cao hơn BĐ 3 là 7cm hay trên sông Cổ Chiên tại Trà Vinh cao hơn BĐ 3 đến 20cm… "Đây là đợt triều cường cao, cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp ven sông và ven biển. Mức độ rủi ro thiên tai tại khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu ở cấp độ 1. Mực nước cao trên BĐ 1 khả năng duy trì hết 24.2", Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết.
Giải thích về hiện tượng bất thường này, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL, nói: Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 5 năm sau và cao điểm mùa khô vào tháng 3 - 4. Đối với hiện tượng TP.Cần Thơ ngập giữa mùa khô có 5 yếu tố kết hợp. Đầu tiên là yếu tố con nước rong (triều cường). Thứ 2 là do thủy điện Mê Kông xả nước trong mùa khô. Cụ thể là tuần rồi, các đập thủy điện thượng nguồn xả 500 triệu m3 nước và mực nước sông Mê Kông tại Stungtreng (Campuchia) cao hơn 0,6m so với tự nhiên.
Đây là 2 nguyên nhân trực tiếp nhưng cũng cần đặt trong bối cảnh chung là toàn vùng ĐBSCL đang bị sụt lún nên ngập năm sau cao hơn năm trước, ngày càng tăng. Một xu hướng khác là nước biển vẫn đang dâng, dù chậm nhưng tích lũy dần. Thêm vào đó, hiện đồng bằng không có không gian cho thủy triều lan tỏa vì tất cả các nhánh sông đều có đê sông hai bên và ruộng vườn đều có đê bao khép kín. Thủy triều chỉ đi trong dòng chính nên thọc sâu vào đất liền, gặp thủy điện xả nước mùa khô ở trên xuống, hai loại nước này gặp nhau gây ngập ở vùng giữa đồng bằng.
"Mê Kông xanh" là gì?
Trong bản tin mới nhất, MDM cho biết: Trong tuần qua, các đập thủy điện trên toàn lưu vực đã xả tổng cộng 535 triệu m3 nước để sản xuất thủy điện. Những lần xả nước đang khiến dòng chính tăng lên mức cao hơn bình thường. Cụ thể, tại Chiang Saen (Thái Lan) tổng lượng nước cao hơn bình thường khoảng 15%, còn tại Stungtreng (Campuchia), mực nước cao hơn bình thường khoảng 0,6m. "Việc xả đập vào mùa khô có hại cho hệ sinh thái của sông Mê Kông và các cộng đồng sống dựa vào nguồn tài nguyên của sông", bản tin cảnh báo.
Tại nơi hợp lưu của dòng chính Mê Kông (phải, nước sông trong xanh) và Biển Hồ (phía trên bên trái). Biển Hồ có màu nâu, giàu trầm tích khi chảy vào sông Mê Kông - NGUỒN: MDM
Đáng chú ý, MDM đã đưa ra khái niệm "Mê Kông xanh" để cảnh báo về những bất thường của dòng sông. Khái niệm nhằm chỉ nước sông Mê Kông chuyển sang màu xanh, không còn chứa phù sa như thông thường. Nguyên nhân là do các đập ở thượng nguồn và việc khai thác cát đã lấy đi lượng trầm tích phong phú của sông Mê Kông, thứ tạo nên màu nâu đặc trưng của con sông hầu hết thời gian trong năm. Không còn phù sa và trầm tích dòng sông nâu đặc trưng chuyển sang màu xanh - một dấu hiệu cho thấy tình trạng không lành mạnh của dòng sông. Nơi dễ quan sát thấy "Mê Kông xanh" vào thời điểm này trong năm là ở Phnôm Pênh (Campuchia).
Theo một số chuyên gia, hiện tượng "Mê Kông xanh" mà MDM đưa ra rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, về mặt tự nhiên thì vào mùa khô dòng chảy yếu và lượng phù sa giảm so với mùa lũ. Việc các con đập thủy điện giữ lại trầm tích và khai thác cát quá mức trên dòng Mê Kông là điều rõ ràng. Tuy nhiên, hiện tượng "Mê Kông xanh" trong mùa khô cần thêm thời gian để có những bằng chứng và đánh giá đầy đủ hơn.
Chí Nhân - Theo Thanh Niên