Lễ ký kết hợp tác giữa Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford - Ảnh: Đ.H
Hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo
Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford là viện nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, Mỹ, tập trung vào phát triển tiền lâm sàng các phương pháp trị liệu mới để chống lại các bệnh do virus gây ra. Song song, các nhà khoa học còn tập trung phát triển các thuốc mới điều trị ung thư, sốt xuất huyết, viêm gan…
Đại học Stanford hiện sở hữu 1 trong 9 phòng labo nghiên cứu về vi sinh, bệnh truyền nhiễm lớn nhất nước Mỹ, là nơi làm việc của hàng ngàn nhà khoa học về lĩnh vực này, tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, không chỉ COVID-19.
Hiện Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford đã chính thức thành lập Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford - Việt Nam, nhằm kết nối nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa hai bên.
Theo ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch HĐQT Hệ thống BVĐK Tâm Anh, hợp tác này là dấu mốc đặc biệt quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên. "Qua đó, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người bệnh", ông Dũng khẳng định.
Đại diện Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford, Giáo sư Jeffrey S. Glenn - viện trưởng Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford - cho biết: "Việc đưa các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới về Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để người dân có thể sớm tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh mới và tốt trên thế giới".
Giáo sư Jeffrey S. Glenn - viện trưởng Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford - tại lễ ký kết - Ảnh: Đ.H
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - chuyên gia cấp cao Trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá sự kiện này là một dấu ấn quan trọng, tiếp tục phát huy quan hệ tốt đẹp trong hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Mỹ.
"Đặc biệt, ở thời điểm này, chúng ta tin tưởng rằng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục mang lại những điều kiện tốt để những hợp tác khoa học, y học được hỗ trợ phát triển nhanh chóng đi đến thành công, mang lại những lợi ích cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người Việt Nam", bà Dung cho biết.
Theo bà Dung, Đại học Stanford là đơn vị nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ số một tại Mỹ. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sở hữu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại không thua kém các bệnh viện, viện nghiên cứu lớn của nước ngoài.
Hợp tác giữa hai đơn vị sẽ mang đến cơ hội ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là công nghệ AI, chuyển giao nhiều công nghệ mới trong khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Sớm thực hiện những dự án y tế quan trọng
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Tâm Anh (Hệ thống BVĐK Tâm Anh) - cũng chia sẻ thêm rằng, sau lễ ký kết, đơn vị này sẽ sớm thực hiện những dự án quan trọng như xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan D; phát triển thuốc điều trị ung thư liên quan đến cơ chế miễn dịch, thuốc điều trị sốt xuất huyết…
"Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường trao đổi đào tạo, trao đổi hợp tác chuyên môn giữa các nhà khoa học của hai bên tại Việt Nam và Mỹ, thắt chặt hơn nữa hợp tác về khoa học, giáo dục, y tế và kinh tế giữa hai quốc gia", GS.TS Tuấn nói.
Ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống BVĐK Tâm Anh, phát biểu tại lễ ký kết - Ảnh: Đ.H
Trong quá trình hợp tác, các nhà nghiên cứu Stanford sẽ chia sẻ, phối hợp chuyên môn cùng Viện nghiên cứu Tâm Anh. Viện nghiên cứu Tâm Anh với lợi thế về hệ thống bệnh viện, hệ thống trang thiết bị máy móc cho xét nghiệm, nghiên cứu hiện đại hàng đầu, sẽ là nơi lý tưởng để các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu, xét nghiệm, phát triển các thuốc điều trị.
Điểm ấn tượng trong hợp tác giữa hai viện nghiên cứu này là sự góp mặt của các kỹ sư công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Theo Tiến sĩ Lương Minh Thắng, cố vấn cấp cao AI của Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford, trí tuệ nhân tạo đã mở ra kỷ nguyên mới cho loài người khi tận dụng những trí tuệ lớn của nhân loại để đề xuất những ứng dụng mới, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
"Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nghiên cứu khoa học sẽ góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Từ đó, quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, vắc xin được tiết giảm thời gian và giảm giá thành", TS Thắng cho biết.
Giáo sư Jeffrey S. Glenn, viện trưởng Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford, thể hiện sự đánh giá cao với Phó giáo sư Trịnh Tuấn Dũng khi sở hữu Trung tâm giải phẫu bệnh BVĐK Tâm Anh với những trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới - Ảnh: Đ.H
Hợp tác giữa hai đơn vị được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả đột phá, đóng góp đáng kể cho sự phát triển năng lực y tế, mang lại giá trị tốt đẹp cho người dân.
Tại buổi lễ, Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện nghiên cứu vi sinh & chống dịch Stanford đã ký kết hợp tác nghiên cứu 4 dự án quan trọng: Nâng cao năng lực công nghệ nghiên cứu sinh học tại Việt Nam qua việc xây dựng hệ thống thử nghiệm lâm sàng và các phòng nghiên cứu hiện đại; Đào tạo về khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) cho ứng dụng y tế; Nghiên cứu phát triển thuốc mới phòng chống sốt xuất huyết; Nghiên cứu về tỉ lệ lây nhiễm và tầm soát virus HDV viêm gan D tại Việt Nam.
D.KHOA - PHƯƠNG HỒ - Theo Tuổi Trẻ