Gần 30 năm qua, chúng ta vẫn coi lúa gạo là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Tin tức về việc chính quyền tỉnh Sóc Trăng sang Campuchia học tập kinh nghiệm kinh doanh lúa gạo khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Tôi sinh ra sau đổi mới, chỉ được biết về nó qua các bài học lịch sử. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác tự hào dân tộc khi nghe cô giáo lịch sử cấp 2 của mình nói: “Công cuộc đổi mới đã biến Việt Nam từ một nước thiếu đói nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo”. Gần 30 năm qua, chúng ta vẫn coi lúa gạo là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
Nhưng vài năm trở lại đây, báo đài dần xuất hiện nhiều hơn các bài viết nói về sự tụt hậu của ngành lúa gạo Việt Nam, rằng chất lượng gạo của chúng ta thấp, rằng gần 30 năm rồi mà chúng ta chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Rồi một vài lần mẹ tôi đi siêu thị mua về gạo Nhật, gạo Thái, cũng thấy khác so với gạo nội mình thường ăn. Hạt gạo của họ trắng hơn, to đều, không có hạt vỡ, không lẫn trấu sạn, lại thơm hơn và dẻo hơn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: “Thái với Nhật phát triển hơn Việt Nam nên mới thế”.
Một cú sốc nữa đối với ngành lúa gạo Việt Nam khi chỉ mới tháng trước, chính quyền Trung Quốc, một thị trường vốn được coi là rất dễ tính, sang Việt Nam để kiểm tra việc kiểm dịch gạo. Theo một chuyên gia trong ngành, nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đấu trộn quá nhiều. Từ năm 2017 trở đi, chỉ còn 22 doanh nghiệp được quyền bán gạo vào thị trường này.
2. Cách đây không lâu, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một doanh nhân người Campuchia kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo. Ông ta say sưa kể về công việc kinh doanh của mình, rằng mỗi năm ông ta xuất được bao nhiêu gạo, rằng giá rất tốt do gạo của ông ta là gạo hữu cơ, không dùng hóa chất... Nhưng điều người đàn ông này tự hào nhất là ông đã giúp được rất nhiều nông dân Campuchia thoát nghèo dựa trên công nghệ trồng lúa gạo hữu cơ mà ông dạy họ.
Tôi hỏi ông ta có kho chứa gạo không, dung tích bao nhiêu, có máy xát không, công suất thế nào... Ông nói lúc đầu khởi nghiệp thì chỉ đi thuê kho và máy rất nhỏ, sau có thương hiệu rồi, có nhà đầu tư khác cùng hùn vốn rồi thì mới mua sắm.
Tôi kể cho ông ấy nghe Nghị định 109 của Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho 5.000 tấn và máy xát 10 tấn/giờ. Ông ấy trợn tròn mắt và nói: Thế thì tôi cũng không thể khởi sự kinh doanh.
Tôi cũng kể cho ông ấy chuyện Công ty Cỏ May của Việt Nam làm gạo hữu cơ nhưng không thể tự mình xuất khẩu đành phải lách. Cỏ May đã phải thành lập một công ty tại Singapore. Cỏ May trong nước sản xuất ra gạo, đưa gạo của mình cho người có giấy phép xuất khẩu để bán cho công ty của chính Cỏ May ở Singapore, công ty này sau đó mới bán cho khách hàng (xem thêm bài Hạt gạo vướng nút thắt Nghị định 109/2010 trên kinhtesaigon.vn).
Người đàn ông nghĩ một lúc rồi nói nửa thật nửa đùa: “Vậy tôi mong Chính phủ Việt Nam duy trì quy định này, để gạo của tôi bớt đối thủ cạnh tranh”.
Xây dựng thương hiệu tức là khiến người tiêu dùng ghi nhớ trong đầu rằng gạo có tên A, B, C... này có chất lượng tốt. Muốn vậy, thì đầu tiên doanh nghiệp phải cung một lượng nhỏ gạo có chất lượng tốt ra thị trường. Nếu thấy thị trường đón nhận, người tiêu dùng bắt đầu ghi nhớ rằng gạo A, B, C... đó tốt rồi thì mới tìm kiếm thêm nhà đầu tư, ngân hàng để mở rộng quy mô và cố gắng duy trì chất lượng. Không ai mới bắt đầu xây dựng thương hiệu mà đã đi vay hàng chục tỉ đồng để đầu tư, cung một lượng gạo khổng lồ ra thị trường khi chưa biết thành, bại ra sao.
Đó là cách mà Nghị định 109 đã góp phần giết chết những nhà khởi nghiệp và giết chết thương hiệu gạo của Việt Nam.
3. Làm việc sâu trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, tôi ngày càng thấm thía một điều rằng, để phát triển một ngành sản xuất nào đó, không cần Nhà nước phải ưu đãi, hỗ trợ, hay quy hoạch, cấp phép gì hết, chỉ cần Nhà nước bảo hộ quyền tài sản và quyền hợp đồng của nhà đầu tư trong lĩnh vực đó một cách toàn vẹn và lâu dài, chắc chắn ngành đó sẽ phát triển.
Đất canh tác là cơ sở đầu tiên để đầu tư vào lúa gạo. Nhưng quyền tài sản của nhà đầu tư đối với đất trồng lúa bị giới hạn bởi hai chính sách: (1) hạn điền và (2) thu hồi đất.
Hạn điền làm tăng chi phí canh tác, bởi chẳng ai có thể ứng dụng máy móc vào một mảnh ruộng bé tí hon. Nhưng tai hại hơn, hạn điền còn khiến chất lượng gạo không ổn định. Doanh nghiệp mua gạo của hàng trăm ngàn hộ nông dân khác nhau thì không có cách nào để bảo đảm chất lượng gạo đồng đều.
Doanh nghiệp tập huấn cho bà con, cung cấp giống, phân, thuốc rồi giám sát để bảo đảm chất lượng gạo đồng đều ư? Chỉ cần khi đến vụ, giá gạo bên ngoài cao hơn 100 đồng/ki lô gam là nông dân lật kèo, doanh nghiệp có đủ chứng cứ cũng không thể đi kiện bởi vì hệ thống tư pháp quá mất thời gian và không hiệu quả. Quyền hợp đồng không được Nhà nước bảo hộ thì không thể bảo đảm cho những mô hình hợp tác như vậy.
Chính sách thu hồi đất cũng tác hại không kém. Giả sử bạn là người có tiền, bạn có thể mua cổ phiếu của một doanh nghiệp trồng lúa hoặc một doanh nghiệp sân golf. Bạn biết rằng Nhà nước chỉ thu hồi đất trồng lúa để làm sân golf chứ chẳng bao giờ thu hồi đất làm sân golf để trồng lúa. Vậy bạn sẽ có xu hướng mua cổ phiếu của ai?
Thu hồi đất còn khiến không ai dám đầu tư lâu dài. Muốn trồng gạo hữu cơ đòi hỏi đất không được sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong ít nhất ba năm. Sẽ không ai dám làm điều này nếu họ không thể chắc chắn rằng họ có quyền sử dụng mảnh đất đó trên 10 năm. Trên 10 năm tức là phải trải qua ba nhiệm kỳ chủ tịch tỉnh, người có quyền ký quyết định thu hồi đất, không ai dám chắc ông chủ tịch tiếp theo không làm điều này.
Hạt gạo vướng nút thắt Nghị định 109/2010
Gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: KINH LUÂN
Quá trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam trên thực tế có những mâu thuẫn do chính sách, mà cụ thể là nút thắt từ Nghị định 109/2010/NĐ-CP, quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trường hợp doanh nghiệp tư nhân Cỏ May ở Đồng Tháp là một ví dụ.
Cỏ May tham gia lĩnh vực chế biến và kinh doanh gạo từ năm 1986, đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước. Hiện tại, nhà máy chế biến gạo có công suất 80.000 tấn/năm.
Năm 2014, Cỏ May tìm cơ hội xuất khẩu gạo sang thị trường Singapore với mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo và xây dựng thương hiệu gạo của mình. Việc thuyết phục các nhà nhập khẩu gạo khó tính của Singapore chưa bao giờ là điều dễ dàng nhưng với giống gạo ngon và mức giá cạnh tranh, công ty đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Đến khâu chốt hợp đồng, Cỏ May cho biết họ sẽ ủy thác một đơn vị khác xuất khẩu.
Đối tác Singapore từ chối vì nghĩ rằng Cỏ May chỉ là một anh cò không đáng tin cậy, trong khi họ muốn mua tận gốc. Mọi công sức xem như đổ sông đổ biển và không có bất cứ hợp đồng nào được ký kết.
Lý do rất đơn giản. Cỏ May dù có nhà máy nhưng không thể được cấp phép xuất khẩu gạo do không đáp ứng được quy định của Nghị định 109/2010, theo đó, doanh nghiệp phải có ít nhất 01 (một) kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm ngàn) tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 01 (một) cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Do không được cấp giấy phép xuất khẩu gạo dù hạt gạo do chính nhà máy mình chế biến và đóng gói, Cỏ May phải ủy thác xuất khẩu qua một doanh nghiệp khác. Nhưng đây lại là vấn đề mấu chốt trong câu chuyện ký hợp đồng bất thành của Cỏ May với đối tác Singapore, vì nó tác động đến niềm tin. Phía đối tác Singapore chắc cũng không có nhiều thời gian để nghe giải thích hoặc tìm hiểu, vì ngoài Cỏ May, họ có thể tìm được rất nhiều đối tác khác từ Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia... đang mong muốn hợp tác với họ.
Để giải bài toán này, doanh nghiệp bắt buộc phải đi đường vòng. Cỏ May đã lập một công ty lấy tên Cỏ May Singapore tại đảo quốc sư tử để nhập gạo của chính mình từ quê nhà qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu.
Chia sẻ với TBKTSG, ông Phạm Hải Bằng, Giám đốc Cỏ May Singapore, cho biết đây là bước đi tốn nhiều thời gian và chi phí. “Chúng tôi vừa tốn thời gian soạn thảo hợp đồng ký kết với đối tác xuất khẩu gạo, vừa tốn chi phí thêm 2 đô la Sing cho mỗi tấn gạo xuất đi, chưa kể vô số các chi phí hành chính khác và chi phí vận hành của Công ty Cỏ May bên Singapore”, ông nói.
Vào đầu tháng 3 năm nay, với 150 tấn gạo được xuất sang Singapore, giá bán lẻ là 2,5 đô la Sing (khoảng 40.000 đồng)/ki lô gam, Cỏ May chính thức bắt đầu chinh phục thị trường Singapore. Dĩ nhiên, Công ty Cỏ May Singapore sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 17% cho chính phủ nước sở tại. Việt Nam sẽ chẳng thu được đồng thuế nào nếu như Cỏ May tại Việt Nam bán huề vốn khi xuất khẩu.
Trong trường hợp Cỏ May mở rộng thêm một thị trường mới, họ hoặc phải lập một công ty chi nhánh tại nước sở tại tương tự như ở Singapore; hoặc xuất khẩu gián tiếp qua Cỏ May Singapore; hoặc nếu may mắn được đối tác chấp nhận xuất khẩu qua con đường ủy thác, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ lộ thông tin khách hàng và mất mối kinh doanh. Đằng nào cũng là những con đường vòng, doanh nghiệp thì gặp nhiều khó khăn mà Nhà nước thì rất có thể chẳng thu được đồng thuế nào.
Cỏ May hẳn không phải là doanh nghiệp nhỏ đầu tiên vướng Nghị định 109/2010. Trước đó, vào năm 2014, Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú ở Cà Mau với thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa cũng từng đối mặt với nguy cơ phải đền hợp đồng khi không xin được giấy phép xuất khẩu gạo do sản xuất quy mô nhỏ, không đáp ứng các điều kiện nghị định đưa ra. Rất may sau đó, vì nhiều lý do, công ty được cấp cơ chế đặc thù để xuất khẩu. Tuy vậy, theo Giám đốc Võ Minh Khải, đây là loại giấy phép phải xin gia hạn hàng năm và mỗi lần như thế phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. “Ngay như năm nay, hồ sơ xin cấp phép của chúng tôi vẫn bị ngâm hơn 30 ngày mà chưa được giải quyết”, ông Khải nói.
Qua câu chuyện của Cỏ May và cơ chế đặc thù cấp cho Viễn Phú, ở một khía cạnh nào đó, rõ ràng, Nghị định 109/2010 đã bộc lộ những bất cập, gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo và gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Cần nhìn lại vào thời điểm năm 2010, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam rất sôi động, nhưng không đồng nghĩa tích cực, khi các doanh nghiệp tranh mua tranh bán, thậm chí bán phá giá với phần lớn là các dòng gạo thuộc phân khúc bình dân. Trong bối cảnh như vậy, Nghị định 109/2010 ra đời để siết điều kiện kinh doanh, loại những doanh nghiệp nhỏ, hạn chế đầu mối xuất khẩu gạo.
Nhưng cũng cần có những đánh giá cụ thể để xác định tính hiệu quả của nghị định này, nhất là bối cảnh hiện nay đã thay đổi, Việt Nam có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo, trong khi Nghị định 109/2010 đang là rào cản, ngăn các doanh nghiệp nhỏ, năng động tìm thị trường xuất khẩu cho mình.
Hồi đầu tháng 3-2016, cộng đồng mạng hồ hởi với bài viết trên The New York Times, ca ngợi chocolate Marou - sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, với 100% nguyên liệu Việt Nam và được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Sẽ ra sao nếu xuất khẩu chocolate cũng phải có điều kiện như xuất khẩu gạo, nơi những doanh nghiệp nhỏ đừng hòng chen chân?
Dĩ nhiên, chocolate khác gạo, so sánh như vậy có vẻ không hợp lý. Nhưng cũng thật vô lý nếu một nghị định đã bộc lộ bất cập lại không được nhìn nhận và điều chỉnh.
10 năm ông Dũng: Ôtô 7 tỷ chịu 5 tỷ tiền thuế
Ngân sách cạn kiệt, nợ như chúa chổm. Chỉ còn cách móc túi dân.
Theo Bạch Dương VnExpress 13/4/2016 – Một chiếc xe dung tích lớn như Lexus LX 570 sẽ tăng giá từ 5,6 tỷ lên 7,3 tỷ đồng từ 1/7 tới do áp dụng biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới.
Quốc hội vừa thông qua việc sửa đổi một số điều trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế. Theo đó, thuế áp với từng dòng xe sẽ có những thay đổi riêng.
Cụ thể, từ 1/7, các dòng xe có dung tích dưới 1.5 lít sẽ được giảm thuế từ 45% xuống còn 40%. Ngược lại, thuế của các dòng xe dung tích lớn sẽ tăng mạnh. Với các dòng xe có dung tích trên 2.5-3 lít, thuế sẽ tăng lên 55%, dòng xe 3-4 lít là 90%, xe từ 5 đến 6 lít là 130%, xe trên 6 lít thuế áp dụng mức 150%. Đây được xem là mức thuế TTĐB cao kỷ lục áp dụng với các dòng xe này khi thuế suất áp dụng hiện hành chỉ 60%. Các xe phổ thông cỡ lớn hoặc xe sang, siêu sang, xe thể thao là những phương tiện hay lắp động cơ này.
Các đơn vị nhập khẩu dự báo giá nhiều loại xe ôtô từ 1/7 sẽ tăng mạnh do tác động từ biểu thuế mới.
Giá một số loại xe nhập khẩu thay đổi theo cách tính thuế TTĐB mới:
Loại xe |
Động cơ (lít) |
Thuế hiện hành |
Giá niêm yết tính đến tháng 4 (triệu đồng) |
Thuế mới |
Giá mới (triệu đồng) |
Kia Morning Si |
1.2 |
45% |
425 |
40% |
396 |
Kia Rio 4 cửa |
1.4 |
45% |
488 |
40% |
471 |
Ford Fiesta Fox Sport |
1.0 |
45% |
659 |
40% |
636 |
Toyota Land Cruiser Prado |
2.7 |
50% |
2.257 |
55% |
2.332 |
Lexus RX 350 |
3.5 |
60% |
3.337 |
90% |
3.962 |
Mercedes-Benz S500L |
4.7 |
60% |
5.049 |
110% |
6.626 |
Mercedes-Benz S600 Maybach |
5.5 |
60% |
9.969 |
130% |
14.330 |
Rolls-Royce Phantom |
>6.0 |
60% |
30.000 |
150% |
46.875 |
.
Theo đó, với mức thuế tăng mạnh ở các dòng xe dung tích lớn, giá trị thuế phí sẽ ở mức cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của một chiếc ôtô.
Theo một nhà nhập khẩu, xe Lexus LX570 (5.7 lít) thuế TTĐB mới là 130%, cao hơn so với mức 60% hiện hành. Dòng xe đang được bán ra phổ biến ở mức 5,6 tỷ đồng này, sẽ tăng lên mức 7,3 tỷ đồng do thuế TTĐB tăng từ 1,46 tỷ đồng lên 3,2 tỷ, cộng với thuế nhập khẩu (83%, tương đương 1,1 tỷ đồng), giá trị gia tăng (10%, 560 triệu đồng) đưa tổng số thuế người mua phải nộp lên ít nhất 4,86 tỷ đồng (chiếm tới gần 70% giá trị xe). Trong khi đó với mức thuế đang áp dụng, tổng số thuế chỉ phải mất 2,9 tỷ đồng cho chiếc xe trị giá 5,6 tỷ (chiếm 51% giá trị xe).
Kèm theo đó là hàng loạt các chi phí khác như: thuế trước bạ tại Hà Nội là 12% giá trị xe (876 triệu đồng), bảo hiểm xe 5% (365 triệu đồng), phí đăng kiểm 270.000 đồng, phí bảo trì đường bộ 135.000 đồng một tháng, phí cấp biển số 20 triệu đồng, bảo hiểm trách nhiệm 490.000 đồng. Như vậy, để “lăn bánh” chiếc xe nêu trên, người mua phải mất thêm 1,3 tỷ đồng nữa.
Tương tự, với dòng xe có dung tích nhỏ hơn của Lexus là RX350 (3.5 lít) phiên bản năm 2015, thuế TTĐB cũng tăng lên 90%, khiến giá bán đội khoảng 600 triệu đồng, lên mức hơn 3,9 tỷ đồng.
Một số dòng xe sang khác như Toyota Camry, Mercedes S500, Audi A8L, Lamborghini Huracán… cũng tăng giá từ 100 triệu đồng lên tới hàng tỷ đồng. Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Như Quỳnh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần 999999999 cho biết, các dòng xe càng đắt tiền, có dung tích động cơ lớn thì thuế càng tăng mạnh, như một chiếc Rolls-Royce Phantom lửa thiêng giá hơn 50 tỷ đồng hiện nay có thể lên trên 70 tỷ đồng.
“Tăng thuế TTĐB khác với việc thuế nhập khẩu bởi thuế này được tính dựa trên luỹ kế giữa giá CIF và thuế nhập khẩu, khiến giá càng tăng mạnh”, ông Quỳnh nói. Vị này cũng cho rằng việc thay đổi thuế TTĐB lần này chủ yếu hướng tới các đối tượng có thu nhập cao. Tuy nhiên, việc chính sách thuế thay đổi liên tục cũng gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Để giảm giá đến mức khách hàng có thể chấp nhận, các đơn vị có thể phải tính tới việc giản lược, thay thế một số chi tiết xe.
Trong khi đó, các dòng xe có dung tích nhỏ phổ biến hiện nay như Kia Morning, Chevrolet Spark, Toyota Vios, Honda City, Ford Fiesta… sẽ được giảm giá tương ứng khoảng 5-10%. Chẳng hạn, với xe Kia Morning Si 1.2 lít, giá bán hiện khoảng 425 triệu đồng sẽ được giảm khoảng 30 triệu đồng. Các dòng xe dung tích nhỏ được dùng khá phổ biến tại Việt Nam do giá cả phải chăng.
Trước đó, tại một hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đại diện của Ford, Mercedes cũng cho rằng chính sách thuế ôtô của Việt Nam thay đổi liên tục khiến công ty không thể đưa ra các kế hoạch dài hạn cũng như kịp tính toán để thích ứng với các điều luật mới. Cùng với đó là chi phí đi đường, phí cầu đường cũng tăng mạnh khiến việc tiêu thụ xe gặp khó khăn hơn.
Đầu năm 2016, Bộ Tài chính cũng đã thay đổi cách tính thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Theo quy định cũ, giá tính thuế chỉ là giá CIF nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu. Do đó, chi phí nhân công, vận chuyển, quảng cáo… cũng được gộp vào tính thuế.
Theo lộ trình, đầu năm 2018, thuế TTĐB của một số dòng xe sẽ tiếp tục thay đổi. Dòng xe dưới 1.5 lít sẽ giảm về mức 35%, dòng xe 2.5-3.0 lít sẽ tăng lên 60%.
Mỗi ngày người Việt tiêu thụ 663 ôtô
Theo Hiệp hội những nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính chung trong quý I/2016, người Việt tiêu thụ khoảng 59.685 xe ôtô, tăng 23% so với cùng kỳ. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày người Việt tiêu thụ khoảng 663 ôtô cao hơn so với mức 541 xe cùng kỳ năm 2015. Trong đó xe nhập khẩu nguyên chiếc là 22.005 và xe lắp ráp đạt 33.782.
10 năm ông Dũng: Gần 46% doanh nghiệp đã “chết”
Tư Giang (TTĐ) Theo TBKTSG Online – Gần 46% doanh nghiệp đã “chết” trong 10 năm qua – Tổng cộng có đến 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong giai đoạn 2007-2015, theo một báo cáo công bố ngày 13-4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Lãi suất quá cao và gánh nặng thuế phí trong thời gian dài
đã bào mòn sức sống của nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: TL TBKTSG
Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 cho biết, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nêu trên tương đương với 45,5% tổng số doanh nghiệp được thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000 đến nay.
Trích số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo cho biết chỉ trong năm 2015, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động là 71.391 đơn vị, tăng 22,4% so với năm 2014.
Bình luận với TBKTSG Online, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những người có công trong xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2000, khẳng định con số doanh nghiêp “chết” như vậy là “hoàn toàn không bình thường”.
Theo ông Doanh, tỷ lệ doanh nghiệp chết đi ở các quốc gia khác cũng cao, khoảng 30%, nhưng không cao như của Việt Nam. “Điều đáng lo lắng là tỷ lệ của Việt Nam rất cao, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam rất không thuận lợi”, ông nói.
Theo ông Doanh, lãi suất quá cao, gánh nặng thuế phí chính thức rất cao, gánh nặng thuế phí không chính thức còn cao hơn nữa đã bào mòn sức sống của doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo của VCCI cho biết, trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trong giai đoạn 2007-2015, cả nước có 692.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập lên khoảng 941.000.
Trừ đi số doanh nghiệp đã “chết” (428.000), cả nước còn gần 513.000 doanh (54,5%) nghiệp tính đến cuối năm 2015.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp giảm mạnh chỉ còn 7,7%/năm trong giai đoạn 2012-2015, từ mức trung bình trên 20%/năm giai đoạn 2007-2011.
Báo cáo cho biết, số lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 người năm 2007 xuống còn 29 người năm 2015, tức tương ứng với quy mô của một doanh nghiệp nhỏ.
Bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, khẳng định: “Điều này cho thấy tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng gia tăng, và nguy cơ Việt Nam tiếp tục thiếu các doanh nghiệp cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu”.
Theo báo cáo có đến 99% số doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Số lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp đã tăng gần 70% trong giai đoạn 2007-2015, từ 7,2 triệu người lên 12,8 triệu người với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,4%/năm, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng về số doanh nghiệp trong cùng thời kỳ.
“Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô ngày càng nhỏ”, bà Hằng giải thích.
Báo cáo cho biết, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp trong nền kinh tế đã tăng gần 5 lần, từ 4,8 triệu tỉ đồng năm 2007 lên 23,9 triệu tỉ đồng năm 2015.
Doanh thu của khu vực doanh nghiệp tăng 4,4 lần từ 3,5 triệu tỉ đồng năm 2007 lên 15,5 triệu tỉ đồng năm 2015.
10 năm ông Dũng: vẫn “xin khất” Luật Biểu tình
Lê Thọ Bình (TTĐ) Theo VietTimes – Cải tiến công tác xây dựng luật và chọn người tài đức vào Quốc hội khóa XIV là những vấn đề mà VietTimes đã đặt ra với Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội TP HCM khóa XIII).
Vì sao chậm ra luật?
■ Thưa ông, nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua của mình, ông có thấy mình còn nợ với cử tri điều gì không?
– Tôi là đại biểu Quốc hội (QH) kiêm nhiệm. Theo quy định thì đại biểu kiêm nhiệm phải dành ít nhất 30% thời gian cho hoạt động QH. Thời gian cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là anh có dành tâm trí, tâm huyết, tâm sức, suy nghĩ, trăn trở cho công việc của một đại biểu hay không, chứ không phải cứ chờ đến tháng 5, tháng 10, khi kỳ họp diễn ra mới dành thời gian cho hoạt động QH. Về vấn đề này, tôi tự thấy mình đã dồn nhiều tâm trí và sức lực cho hoạt động QH; thời gian là hơn 30% khá nhiều.
Còn việc mình đã làm được hết những gì mình muốn làm với vai trò là một đại biểu hay chưa, thì tôi thấy là chưa. Bởi vì có những điều mình mong muốn bày tỏ sâu hơn, nhiều hơn thì không có điều kiện, thậm chí có những điều mình muốn đấu tranh, tranh luận quyết liệt hơn nữa nhưng cũng chưa làm được. Trong tổng kết hoạt động của QH, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua, ngoài việc khẳng định những vấn đề đã làm tốt, QH, Chính phủ vẫn cho rằng, QH, Chính phủ còn nợ người dân những việc chưa làm tốt. Vì vậy, với vai trò của một đại biểu, mình cũng thấy còn nợ cử tri nhiều điều.
■ Trên diễn đàn QH nhiệm kỳ vừa qua ông là một trong những đại biểu phát biểu nhiều vấn đề hết sức tâm huyết, chỉ ra những bất cập vướng mắc trong việc thực thi công vụ; nói lên những bức xúc, tâm tư nguyện vọng của cử tri, được cử tri cả nước đánh giá cao. Nhưng thưa ông, thay vì “nói mạnh” QH phải ra những bộ luật để điều chỉnh các hành vi mà nhân dân đang đòi hỏi, đang bức xúc ấy. Tuy nhiên có những bộ luật quan trọng như Luật về hội, Luật Biểu tình, thì QH lại chậm trễ ban hành. Như vậy, vô hình trung, chính QH lại đang là tác nhân gây ra những bức xúc ấy?
– Ở đây có hai vấn đề khác nhau: làm luật và thực thi luật. Để giải quyết một số vấn đề lớn, vấn nạn của đất nước thì chúng ta phải xây dựng luật pháp, phải hoàn thiện thể chế. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì trong vấn đề luật pháp và thể chế có việc ban hành và thi hành luật pháp. Hai vế này phải song hành với nhau. Luật pháp và thể chế chưa tốt thì tác động xã hội chưa đầy đủ, nhưng mà luật pháp tốt rồi thì khâu con người tổ chức thực hiện mà chưa tốt thì luật pháp ấy chủ yếu nằm trên giấy.
Tôi đồng ý rằng muốn thay đổi, cải thiện một số vấn đề của cuộc sống, của đất nước trước hết phải làm luật cho tốt, nhưng tôi xin nhấn mạnh thêm rằng ở đâu cũng vậy, nhất là đất nước ta, phải tổ chức thực hiện luật pháp cho tốt.
■ Trên lý thuyết thì là như vậy, nhưng trên thực tế có những bộ luật đáng ra phải được thông qua từ 5, 10 năm trước, nhưng cơ quan soạn thảo hết lần này đến lần khác xin hoãn mà QH cũng chấp nhận đấy thôi, thưa ông!
– Đúng là có những đạo luật đã đề ra trong nghị quyết, chương trình, kế hoạch của QH nhưng đã không thực hiện được. Khi chúng ta ban hành Hiến pháp 2013, chúng ta nói rằng, có một điểm tiến bộ rất lớn so với các Hiến pháp trước đây. Đó là sự công nhận các quyền con người như những quyền tự do, dân chủ phổ quát, do đó được quy định tại chương 2, chỉ sau chương 1 về chế độ chính trị.
Để thực thi Hiến pháp thì phải nhanh chóng làm những đạo luật để đưa những quyền hiến định ấy thành hiện thực và tạo ra động lực mới cho xã hội, cho người dân. Tuy nhiên chúng ta lại chậm triển khai. Tôi có đọc lại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị năm 2005 về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” thì thấy Nghị quyết này đã đề ra nhiệm vụ là xây dựng Luật Biểu tình. Tức là đã 10 năm rồi, và đây là nhiệm vụ của QH khóa XII, chứ không phải của khóa XIII, nhưng rồi khóa XIII, thậm chí đưa ra lấy ý kiến cũng chưa làm được chứ chưa nói gì đến việc thông qua.
Rõ ràng đây là những bất cập, vừa chậm trễ, vừa thiếu quyết tâm trong việc thông qua quyền lập pháp để tạo ra động lực mới nhằm giải quyết những vấn nạn xã hội. Pháp luật không hoàn thiện, không đồng bộ đã cản trở, hạn chế việc giải quyết những yếu kém, tiêu cực của đất nước, trong đó có vấn đề tham nhũng, bộ máy hành chính tiêu cực…
■ Vậy, đâu là nguyên nhân của việc chậm trễ này thưa ông?
– Một trong những nguyên nhân chính là do cơ cấu QH của chúng ta tương đối đặc thù. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phần trong QH từ phía hành pháp là quá đông. Mà các đại biểu QH từ phía hành pháp đều là kiêm nhiệm. Chính phủ lại là cơ quan soạn thảo và trình dự thảo luật, trong khi nhiệm vụ chính là quản lý về hành chính công. Không phải cứ là cán bộ quản lý một lĩnh vực thì sẽ đủ trình độ và kỹ năng soạn thảo luật.
Thực tế cho thấy, chính phủ luôn bị quá tải trong việc hoàn thành tiến độ soạn thảo luật, và chất lượng một số dự thảo cũng không cao. Chưa kể, việc giao chính phủ chủ trì soạn thảo và trình dự án luật cũng ảnh hưởng đến nội dung của các đạo luật. Ví dụ trong một số đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, pháp luật về đất đai, thuế, hải quan, kể cả pháp luật về tố tụng, điều tra hình sự có biểu hiện dành thuận lợi nhiều hơn cho cơ quan quản lý nhà nước, gây phiền hà, chậm trễ cho người dân, cho doanh nghiệp.
Cần thay đổi quy trình làm luật
“Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Do đó, ghi nhận quyền biểu tình trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận một quyền cơ bản tự nhiên của công dân, mà còn là cam kết của Đảng đối với dân. Chúng ta đã từng có nhiều cuộc biểu tình do các đoàn thể hay Nhà nước tổ chức. Nhưng mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân. Đấy là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt”LS Trương Trọng Nghĩa
■ Như ông vừa nói, có những đạo luật như Luật về hội, Luật Biểu tình, nếu làm đúng nghị quyết Đảng thì đáng ra phải làm từ 10 năm trước. Thậm chí tại phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ QH trước khi khai mạc kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, khi Chính phủ xin hoãn trình Dự thảo Luật Biểu tình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu phải trình, nhưng rồi QH cũng bất lực khi Chính phủ vẫn xin hoãn trình. Trong khi đó, ông là người xin tự soạn thảo và trình, nếu Chính phủ không làm được. Vậy tại sao QH lại bất lực trong khi QH thừa sức làm?
– Xin nói cho rõ, tôi đã đề nghị cho tôi, với tư cách thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam, được huy động các luật sư, luật gia tham gia soạn thảo Luật Biểu tình, nếu chính phủ bị quá tải. Như tôi đã nói, cách xây dựng luật pháp của chúng ta hiện nay nhiều khâu, đặc biệt là những khâu như điều tra, khảo sát, đánh giá tác động… chủ yếu dựa vào chính phủ, mà chính phủ thì công việc chính là quản lý, điều hành. Vì vậy việc tập trung lực lượng cho quá trình xây dựng luật chắc chắn bị hạn chế.
Theo tôi, chúng ta cần thay đổi quy trình làm luật. Thay vì giao cho chính phủ, QH nên nắm lấy quyền xây dựng các ban soạn thảo luật và thông qua các ủy ban chuyên trách của mình để xây dựng pháp luật. QH có các ủy ban chuyên trách với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn khá cao. .
Ngoài ra, QH hoàn toàn có quyền, có nguồn lực để huy động các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, nhiều tầng lớp xã hội. Ví dụ khi xây dựng một đạo luật cụ thể nào đó, QH có thể thành lập một ban soạn thảo, mời các chuyên gia giỏi nhất trong các lĩnh vực ấy, mời các nhà khoa học, có thể mời cả các chuyên gia giỏi đã từng quản lý, điều hành các lĩnh vực ấy nhưng đã nghỉ hưu, cùng tham gia. Như thế vừa tận dụng được kinh nghiệm, trí tuệ của xã hội, vừa sát với thực tế của cuộc sống. Như vậy quá trình soạn thảo luật sẽ không còn bị phụ thuộc vào bộ này hay bộ kia.
■ Như ông nói, QH của chúng ta có quá nhiều đại biểu của cơ quan hành pháp. QH khóa XIV tới chắc sẽ vẫn là như vậy. Nếu muốn thay đổi quy trình làm luật sao chúng ta không tạo điều kiện rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân có thể tham gia nhiều hơn vào QH?
– Đúng là chúng ta cần có cơ chế để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cần tăng số lượng những người ngoài Đảng tham gia ứng cử để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào QH. Trong 90 triệu dân chỉ có vài triệu đảng viên, nên không thể nói trong gần 90 triệu dân còn lại không có người đủ tài đức để ra tranh cử. Mở cơ chế rộng hơn để nhiều người tham gia hơn. Tức là cử tri có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tuy nhiên cũng có một thực tế là sự lựa chọn của cử tri cũng phải hết sức kỹ càng. Bởi nếu không sẽ lọt vào QH những đại biểu mà cả nhiệm kỳ hầu như không bao giờ phát biểu. Mà đối với đại biểu QH, phát biểu là rất quan trọng. Trước khi thông qua một đạo luật, quyết định một vấn đề hệ trọng, cần có ý kiến phân tích, thảo luận, tranh luận để luật ra đời được chặt chẽ, sát với cuộc sống, những vấn đề hệ trọng của đất nước được quyết định đúng đắn, chứ nếu chỉ làm mỗi việc “bấm nút” thì người phát biểu hay không phát biểu gì cũng chỉ có một phiếu mà thôi.
Hơn nữa người dân không thể chấp nhận những người vào QH mà lại có những hành động cá nhân chủ nghĩa, trong khi lẽ ra phải nỗ lực suy nghĩ, tích cực phát huy sáng kiến, góp sức tìm tòi giải pháp vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân.
■ Xin cám ơn ông!