Kinh tế Việt Nam trong quý II/2021
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 và tháng 5 tăng tương ứng 24,1% và 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý lĩnh vực chế biến chế tạo dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lên tới 29,1% trong tháng 4 và 14,6% trong tháng 5. Ngành sản xuất và cung cấp điện cũng vươn lên với tốc độ tăng trưởng khá cao 16,4% và 12%. Nhóm ngành khai khoáng ngày càng có đóng góp giảm sút trong giá trị sản xuất công nghiệp, tháng 4 chỉ tăng 1,8% còn tháng 5 giảm 919.8%.
Tính chung cho giai đoạn 5 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm -7%, làm giảm -1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Xét cả tăng trưởng kinh tế quý I và hoạt động lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021, có thể nhận thấy nền kinh tế đang có sự phục hồi tương đối tốt. Tuy nhiên, việc dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 5 năm 2021 có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả tăng trưởng kinh tế trong tháng 6 do sự đình trệ hoạt động tại một số khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, cũng như tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Về thương mại
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 và tháng 5 đều đạt khoảng 26 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 131 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cũng có sự tăng trưởng khá trong tháng 4 và tháng 5, đạt lần lượt 27,78 và 28 tỷ USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng hợp cho cả 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%. Như vậy, mặc dù khu vực có vốn ĐTNN tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên khu vực trong nước cũng đã có sự khởi sắc nhất định trong hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế.
Xét theo đối tác thương mại, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021, chiếm tỷ trọng 28,7%, xếp thứ hai là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD chiếm 15,2%. Tuy nhiên, về phía nhập khẩu, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, chiếm 33% tổng giá trị nhập khẩu, tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, chiếm 16%; ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tương đương 18,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4 nhập siêu 1,5 tỷ USD còn tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Tính tổng hợp 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại dự kiến nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Như vậy, tăng trưởng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu ở mức cao phần nào cho thấy nền kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi mạnh mẽ, chuỗi cung ứng sản xuất đang được kết nối lại.
Về đầu tư
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020, gồm có: Vốn Trung ương quản lý đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch năm; vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 13%.
Trong 5 tháng đầu năm, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giảm 49,4% về số dự án nhưng giá trị vốn đăng ký lại cao hơn 18,6%, cho thấy giá trị quy mô vốn trung bình của các dự án đã tăng lên đáng kể. Ngược lại, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 546,7 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 143,5 triệu USD, đồng thời có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 403,2 triệu USD.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh tại hầu hết các quốc gia và khu vực, tình hình dòng vốn FDI vào vẫn được duy trì ở mức khá cao cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng về thu hút dòng vốn nước ngoài.
Về tình hình doanh nghiệp
Trong tháng 4, cả nước có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 94,6 nghìn người; giá trị vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng trong tháng 4 có 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.608 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, trong tháng 4 có tới gần 12 nghìn doanh nghiệp chính thức ngừng hoạt động.
Bước sang tháng 5, số liệu thống kê cho thấy có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng bao gồm 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; tổng cộng gần 9 nghìn doanh nghiệp.
Các con số nói trên cho thấy, tình hình doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất khó khăn, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vẫn tương đối lớn và tăng cao. Sự xuất hiện làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 vào đầu tháng 5/2021 càng tăng thêm tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất – kinh doanh.
Tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và làm thủ tục giải thể đã bắt đầu xuất hiện ở những doanh nghiệp qui mô lớn và "khỏe hơn" so với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động ở giai đoạn trước cho thấy dịch bệnh kéo dài đang có những tác động nặng nề hơn. Điều này đang đặt ra bài toán thực hiện gói hỗ trợ tiếp theo để thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của doanh nghiệp trong nửa sau của năm 2021 cũng như đảm bao an sinh xã hội cho người lao động.
Về tình hình lạm phát, tiền tệ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Tính chung CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Sự nhích lên của CPI khiến cho lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,15% so với tháng 4 và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước; tính tổng thể, chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020. Những nguyên nhân chủ chốt khiến CPI và lạm phát tăng lên là do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; về phía người tiêu dùng thì giá điện, nước sinh hoạt tăng lên theo nhu cầu của xã hội.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
Thách thức và triển vọng
Nhìn chung, các số liệu kinh tế vĩ mô của tháng 4 và tháng 5 và 5 tháng đầu năm vẫn thể hiện những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế trong những tháng tiếp theo của năm 2021 là nhiều rủi ro, khó đoán định. Trên thế giới, chỉ số đơn đặt hàng của nhà quản trị (PMI) ở nhiều nơi trên thế giới tăng nhưng ở Đông Á và Đông Nam Á lại giảm mạnh, sự phục hồi như vậy là không đồng đều và thống nhất. Triển vọng của kinh tế Việt Nam những tháng cuối của năm 2021 thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, nguy cơ lan rộng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại với xuất hiện nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn do đó có tốc độ lây lan nhanh hơn, dễ lan rộng hơn. Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động của các trung tâm kinh tế, trong đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất tại nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và do đó ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và việc chưa nhập đủ vắc-xin sẽ là thách thức lớn cho quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và mua đủ vắc-xin.
Thứ hai, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Việc dịch bệnh lây lan nhanh có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Số liệu về doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 4 và tháng 5, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể có xu hướng tăng lên so với các tháng trong quý I/2021 và so với cùng kỳ năm 2020. Qua 5 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng hơn 20%, doanh nghiệp tạm ngừng kinh đoanh có thời hạn tăng 23%, đây là những con số đáng lo lắng. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp gần như đã đến giới hạn sau hơn một năm phải đối phó với dịch bệnh, rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thứ ba, nguy cơ lạm phát gia tăng. Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 4, tháng 5 chỉ tăng nhẹ và đang được kiểm soát tốt, nhưng sức ép lạm phát từ bên ngoài dự báo sẽ tăng lên trong giai đoạn tới. Các gói hỗ trợ của các nền kinh tế lớn của thế giới Mỹ, EU, Trung Quốc có tác động trễ và sẽ làm cho lạm phát tăng. Thêm vào đó, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng lên tạo sức ép tăng giá. Trong khi đó, về phía cung, kể từ đầu năm đến nay, giá cả các nguyên liệu đầu vào xu hướng tăng lên. Theo Ngân hàng Thế giới, "từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, giá năng lượng (dầu thô và than đá) toàn cầu tăng 30% so với đầu năm, giá hàng hóa khác (phi năng lượng) tăng 16%, trong đó giá lương thực tăng 16%, giá phân bón tăng 24% và giá kim loại, khoáng chất tăng 25%".
Quy mô tín dụng của nước ta đang ở mức cao so với trung bình các nước khu vực: Quy mô tín dụng so với GDP của Việt Nam cuối năm 2019 đạt 138% GDP, cao hơn so với bình quân ASEAN-9 (86% GDP). Cung tiền và tín dụng (%GDP) ở mức cao cùng với giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng tạo áp lực làm tăng tỷ lệ lạm phát và điều này có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế. Việc giảm cung tiền hay tín dụng có thể làm giảm phần nào áp lực gia tăng lạm phát nhưng ngược lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nếu điều này xảy ra, Chính phủ sẽ phải đương đầu với quyết định khó khăn là lựa chọn giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, nguy cơ bong bóng tài sản tài chính. Một vấn đề khác nảy sinh vào đầu năm 2021 là giá bất động sản tại nhiều địa phương tăng lên mạnh mẽ. Sự hình thành bong bóng bất động sản sẽ là rủi ro lớn cho sự ổn định của hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 29/4/2021 đã có Công văn số 3029/NHNNTTGSNH đánh giá về "Một số vấn đề trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài", trong đó có nêu những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro trong một số tổ chức tín dụng như:
- Nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng so với cuối năm 2019;
- Tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước;
- Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao;
- Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư TPDN;
- Một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư TPDN tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản;- Cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng lớn so với năm trước (đặc biệt trong Quý IV/2020); - Chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng suy giảm mạnh so với cuối năm 2019;
- Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019.
Có thể thấy NHNN đã xác định rõ những vấn đề nguy cơ của hệ thống tài chính trong giai đoạn hiện nay, cần có các giải pháp kịp thời nhằm giải quyết các này trước khi chúng gây tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Bên cạnh đó chỉ số chứng khoán VN Index liên tục tăng và liên tiếp lập các kỷ lục trong tháng 4 và tháng 5 cũng đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng bong bóng trong chứng khoán.
Tuy vậy, tình hình thực tiễn và các xu hướng vận động của nền kinh tế cho thấy triển vọng của nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm 2021 chủ yếu vẫn là tích cực. Nhưng để đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đề ra cho cả năm 2021 (tăng trưởng đạt khoảng 6,5% và tỷ lệ lạm phát dưới 4%) đòi hỏi có những giải pháp chính sách mạnh mẽ và kịp thời để phát huy những mặt tiêu cực và khắc phục những hạn chế, khó khăn.