Như thế đủ thấy đối với Kissinger, Mao Trạch Đông để lại một ấn tượng sâu sắc tới mức nào.
Ông mở đầu chương sách đầu tiên về Mao như sau: “Ở vị trí người đứng đầu của triều đại mới, triều đại mà vào năm 1949 đã tràn từ nông thôn ra tiếp quản thành phố, sừng sững một người khổng lồ: Mao Trạch Đông. Độc đoán, ảnh hưởng bao trùm, tàn nhẫn và xa cách, vừa là nhà thơ vừa là chiến sĩ, vừa là người đưa ra chủ trương vừa là nhà phê bình, ông thống nhất toàn Trung Quốc và đưa cả đất nước này vào một hành trình gần như hủy diệt xã hội dân sự”. Điều kỳ lạ là cho tới cuối hành trình, Trung Quốc đã trở thành một trong những siêu cường của thế giới. Vậy Mao Trạch Đông có vai trò “xây và phá” tới mức nào trong sự nghiệp của Trung Hoa thế kỷ 20? Với sự khôn ngoan và thận trọng cố hữu của một nhà ngoại giao, Kissinger không đưa ra câu trả lời trực tiếp, song người đọc có thể tự rút ra một nhận định của riêng mình.
Thần tượng Tần Thủy Hoàng
Kissinger bình luận: “Các nhà cách mạng, về bản chất, đều là những người có cá tính mạnh mẽ và luôn theo đuổi chỉ một mục đích. Gần như tất cả họ đều bắt đầu từ một vị trí yếu thế, đối lập với môi trường chính trị đương thời và đều thành công nhờ sức thu hút đối với quần chúng và vào khả năng huy động lòng thù hận, khả năng tận dụng sự sa sút về tâm lý của đối phương”. Theo những tiêu chí này thì Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng đúng nghĩa.
Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng đưa ra một nhận định có tính khái quát hóa khác: “Hầu hết các cuộc cách mạng đều được thực hiện nhân danh một sự nghiệp cụ thể. Một khi thành công thì cách mạng sẽ được thể chế hóa thành một trật tự mới, một hệ thống mới. Cuộc cách mạng của Mao không có điểm dừng chân cuối cùng; mục tiêu tối cao của nó mà Mao tuyên bố - “đại đồng” - là một ảo ảnh mơ hồ, giống như một sự tán dương tinh thần hơn là một cuộc tái thiết thật sự về chính trị. Các cán bộ của Đảng Cộng sản TQ giống như giới tăng lữ, chỉ có điều giới tăng lữ thì sứ mệnh của họ là thập tự chinh chứ không phải là hoàn thành một kế hoạch định sẵn”.
Kissinger ví cán bộ thời Mao với tăng lữ Âu châu thời Trung cổ là có lý do: Điểm chung lớn giữa họ là sự khắc khổ, nhu cầu vật chất được duy trì ở mức tối thiểu, như thể họ hành hạ thể xác để giữ gìn phần hồn.
Một cách thẳng thắn, Kissinger viết rằng tất cả những người thân cận của Mao trong cách mạng cuối cùng đều bị thanh trừng. chẳng phải ngẫu nhiên mà vị hoàng đế Trung Hoa được Mao Trạch Đông ngưỡng mộ nhất chính là Tần Thủy Hoàng. Có lần Mao nhận xét, để lãnh đạo Trung Quốc phải kết hợp được phương pháp của Mác và Tần Thủy Hoàng.
400 năm dồn nén trong 40 năm
Năm 2005, nhà văn nổi tiếng của nền văn học đương đại Trung Quốc - Dư Hoa - gây chấn động văn đàn với cuốn tiểu thuyết hai tập Huynh Đệ, tập I viết về cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Dư Hoa bảo đó là “một thời đại, tương đương thời trung cổ ở châu Âu”. Điều đặc biệt của cuốn tiểu thuyết là nó cô đọng lại một lịch sử dài dằng dặc: “Muốn trải qua hai thời đại một trời một vực như thế, một người phương Tây phải sống đến 400 năm, một người Trung Quốc thì chỉ cần 40 năm đã trải qua rồi. Những biến động của 400 năm được dồn nén trong 40 năm”.
Nếu tìm hiểu về Mao Trạch Đông qua cuốn On China của Henry Kissinger thì sẽ thấy lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20 quả thật buộc phải khốc liệt như thế, với một người cầm lái như Mao. Không thể khác được.
Kissinger viết: “Nước Trung Hoa của Mao là một đất nước chìm trong khủng hoảng vĩnh viễn; ngay từ những ngày đầu cầm quyền, Mao đã tung ra hết đợt sóng đấu tranh này đến đợt sóng đấu tranh khác. Người Trung Hoa không được phép nghỉ ngơi trên các thành quả của mình. Số phận của họ do Mao thiết kế. Ý chí của Mao thể hiện ở sự quyết liệt đoạn tuyệt với quá khứ để thanh lọc bằng được xã hội”.
Kissinger tiến hành so sánh để cho thấy sự khác biệt đến đối lập giữa Mao Trạch Đông và Khổng Tử. Theo ông, Mao đã tấn công thẳng thừng vào tư tưởng chính trị truyền thống của Trung Quốc: Trong khi Khổng Phu Tử đề cao “đại đồng” tức là một sự hòa hợp trên tổng thể, thì Mao cổ súy sự dịch chuyển, cổ vũ xung đột giữa các mặt đối lập. Triết học Khổng Tử nhấn mạnh cân bằng, hòa hợp, trung dung, nếu tiến hành cải cách thì phải dần dần và hướng tới phục hồi lại các giá trị cũ. Còn Mao Trạch Đông luôn muốn thay đổi một cách quyết liệt, ngay lập tức, chấm dứt hoàn toàn với quá khứ.
Thế nhưng con mắt phân tích của Kissinger lại nhận thấy rằng cuối cùng đằng sau sự đối lập đó, đường lối lãnh đạo của Mao vẫn là của một con người chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo: Vẫn thể chế ấy, cách dùng người ấy, hệ thống “có trên có dưới” ấy… Ông không viết ra nhưng độc giả có thể cảm nhận, Trung Hoa thời Mao Trạch Đông vẫn có màu sắc của một triều đại phong kiến.
Những cuộc gặp gỡ cuối cùng
Hai cuộc gặp cuối cùng giữa Kissinger và Mao diễn ra vào tháng 10 và 12-1975. Trong On China, Kissinger cũng hé lộ đôi chút về nội dung đối thoại trong các cuộc tiếp xúc này, càng cho thấy rõ hơn cá tính mạnh mẽ, quyết liệt của vị lãnh tụ tối cao của Trung Quốc.
Khi ấy Mao đã rất yếu, phải có hai y tá kèm bên mới có thể đứng dậy và cần một phiên dịch “viết” vì bản thân ông nói không còn rõ tiếng nữa.
Mao:Giờ tôi 82 rồi. (Chỉ tay vào Ngoại trưởng Kissinger). Ông bao nhiêu tuổi? Chắc 50?
Kissinger:51.
Mao: (Chỉ tay vào Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình) Anh này 71. (Xua tay) Và sau khi chúng tôi - tôi, anh này (Đặng), Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh - chết hết thì các ông vẫn sống đúng không? Thấy không? Chúng tôi già cả rồi chẳng làm được gì. (…) Ông biết đấy, tôi bây giờ là để triển lãm cho khách đến xem thôi.
Nói vậy nhưng Mao Trạch Đông vẫn mạnh mẽ và dữ dội như vậy, nhất là khi cuộc đối thoại kết thúc, ông đột ngột thách thức như để khẳng định tinh thần kiên định cách mạng:
Mao:Tôi muốn mọi người chửi vào mặt tôi (cao giọng, đập tay vào thành ghế). Ông phải nói, rằng Mao Chủ tịch là một ông lãnh đạo quan liêu thì tôi mới muốn gặp ông. Khi ấy tôi sẽ vội vàng gặp ông ngay. Nếu ông không chửi thì tôi chẳng gặp ông đâu, tôi đi ngủ cho yên.
Kissinger:Như vậy khó cho chúng tôi quá, nhất là lại gọi ông là lãnh đạo quan liêu.
Mao:Tôi khẳng định thế đấy (đập mạnh vào thành ghế). Tôi sẽ chỉ thích thú khi tất cả những người ngoại quốc đều đập bàn đập ghế và chửi tôi.
Mao chuyển sang giọng hăm dọa.
Mao:LHQ có thông qua một nghị quyết, do Mỹ tài trợ, nói rằng Trung Quốc tham gia xâm lược Triều Tiên.
Kissinger:Chuyện đó là từ 25 năm trước rồi.
Mao:Phải. Như thế tức là không liên quan trực tiếp đến ông. Đấy là vào thời Truman.
Kissinger:Vâng, đã lâu rồi và chúng tôi đã thay đổi quan niệm.
Mao: (Chạm tay vào trán) Nhưng nghị quyết vẫn chưa bị bãi bỏ. Tôi vẫn còn phải đội cái mũ “xâm lược”. Tôi vẫn coi đấy là vinh dự lớn nhất mà chẳng vinh dự nào to lớn hơn được. Tốt, tốt lắm.
Kissinger:Vậy chúng ta có cần thay đổi nghị quyết của LHQ không?
Mao:Thôi, không làm thế. Chúng tôi chưa bao giờ đề nghị như thế… Chúng tôi không có cách nào phủ nhận. Quả thật chúng tôi đã đưa quân vào Đài Loan và cả bán đảo Triều Tiên. Ông có thể giúp tôi ra một tuyên bố công khai (về việc này) không?
Kissinger:Tôi sẽ giúp ông công bố. Có thể tôi đã không nhận được bản tuyên bố nào chính xác cho đến nay.
Ngày 9-9-1976, Mao Trạch Đông qua đời - theo như Kissinger viết thì phải tới lúc đó vị chủ tịch mới đầu hàng bệnh tật. Ông để lại một nước Trung Hoa thống nhất, với nhiều di sản của quá khứ bị tàn phá tan hoang trong Cách mạng Văn hóa. Nhưng cho đến giờ vai trò của Mao Trạch Đông đối với Trung Quốc hiện đại vẫn là vấn đề để lịch sử phán xét, luận công định tội. Với Kissinger, vai trò ấy có phần giống như của Tần Thủy Hoàng: Con người vĩ đại sáng lập ra cả một triều đại, thống nhất đất nước, đồng thời cũng kéo dân tộc vào những hành trình khủng khiếp, nơi lịch sử 400 năm bị ép lại chỉ còn 40 năm…
ĐOAN TRANG tổng thuật