Đây là các chuyên gia có liên quan đến lĩnh vực dầu khí, là những trí thức có uy tín ở bên đó. Họ được mời về Hà Nội là để trình bày những gì Thủ tướng và lãnh đạo một số bộ, ngành của Chính phủ ta rất cần biết và tham khảo một vài vấn đề có tính chất chuyên môn. Đây chính là thời điểm mà Biển Đông đang "nóng hầm hập" bởi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà chúng ta đang đối phó.
Tôi tìm gặp ông và sau đó có tâm sự thêm cùng ông xung quanh đề tài HGHHDT bởi tôi biết, ông là người thuần tuý làm khoa học, không hoạt động chính trị nên có thể sẽ bày tỏ quan điểm khách quan hơn, cởi mở hơn với cái nhìn của một trí thức kiều bào có tấm lòng với quê hương.
Tôi được TS Bùi Đạo cho hay, vào năm 1968, ông và 59 học sinh tốt nghiệp cấp 3 toàn miền Nam Việt Nam đi du học ở Mỹ do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Anh hùng, liệt sĩ yêu nước Nguyễn Thái Bình cũng được học bổng này. Hồi đó cả ông và Nguyễn Thái Bình đều thích bóng đá nên có thân quen nhau hơn. Nguyễn Thái Bình học ở Fresno, cách chỗ ông Bùi Đạo khoảng 5 tiếng lái xe nên ông hay lên thăm ông Bình và các bạn khác để đá bóng với nhau...
Ông đã cởi mở khi bày tỏ quan điểm của mình với tôi bằng cách nói của một nhà kỹ trị. Ông nói:
HGHHDT muốn đạt được thì phải bắt nguồn từ 2 chỗ: Một là tấm lòng từ bi, thông cảm hoàn cảnh của mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong khoảng 40 năm qua. Thứ hai là tấm lòng yêu nước của cộng đồng. Họ đều có chung mong muốn tạo được sức mạnh đoàn kết dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.
Thứ ba, HGHHDT không phải là một sự tha thứ của bên thắng trận đối với bên thua trận. Càng không phải là một quá trình đòi hỏi sự thuần phục của phe thua trận. Nó phải là một quá trình đi tìm sự thật như Nelson Mandela đã làm ở Nam Phi.
Thứ tư, HGHHDT có 3 "phe". "Phe thắng cuộc" (ý của ông Đạo là lực lượng Cộng sản (CS) ở cả 2 miền), “phe thua cuộc" (Việt Nam Cộng hòa) ở Việt Nam và "phe thua cuộc" ở nước ngoài. Quan trọng ở đây là sự HGHHDT của 2 phe trong nước. Kể từ năm 1975 tới nay, đã có bao nhiêu chính sách của "phe thắng cuộc" đưa ra để khuất phục tới cùng "phe thua cuộc". Chẳng hạn như chủ trương cải tạo tư sản... Đã có một chính sách nào nhằm định giá vị trí đúng đắn của họ trong sinh hoạt quốc gia, công nhận tấm lòng của họ với đất nước, là một bộ phận hữu cơ của dân tộc. Lấy một ví dụ cụ thể là trường hợp những người lính Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ta. Cách đối xử đó, cùng một vài câu chuyện khác nữa, tôi thấy chưa thu phục được tấm lòng của cộng đồng người Việt...
Đối với người Việt ở nước ngoài, Việt Nam chúng ta nên có suy nghĩ mình cần họ hơn là cứ nghĩ chỉ họ cần Việt Nam. Thực tế mấy chục năm cho thấy, Nhà nước ta tuy cũng có rất nhiều chính sách, cũng có mong muốn làm điều gì đó, nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Trở ngại chính của việc HGHHDT là quan niệm khép kín của các cơ quan công quyền.
Thứ năm, lịch sử thì cũng đã sang trang. Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ. Phần lớn các lãnh đạo và những người tham gia cuộc chiến đều đã lớn tuổi. Phần lớn dân Việt Nam mình hiện giờ cũng không trải qua cuộc chiến. Thế nên hãy để cuộc chiến tranh cho lịch sử phán quyết. Chuyện bây giờ nên coi là quan trọng, theo ông, là làm sao theo kịp các nước láng giềng.
Thứ sáu, việc HGHHDT phải đứng trên quan điểm đất nước Việt Nam hôm nay là của chung mọi người Việt Nam chúng ta, của cả “ba phe" nói trên. Khi nói của chung chính là nói mọi người đều có quyền và nghĩa vụ với giang sơn xã tắc. Mọi người đều có quyền bàn thảo, đóng góp, quyền lãnh đạo, nghĩa vụ tham gia việc nước. Đây là một vấn đề cực khó. Làm sao có thể thực thi HGHHDT được khi ta chưa thực hiện được các tiêu chí này và có những cản trở nhất định cũng bắt nguồn từ đây: Niềm tin về một đất nước thịnh vượng trong tương lai gần.
Thứ bảy, theo như ông Bùi Đạo thì nó còn có phần do cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như không ít người dân tại Việt Nam vẫn đang hoài nghi về con đường phát triển đất nước trong tương lai. Làm sao một chiếc xe hơi có thể chạy hết tốc lực khi chỉ dùng một phần động cơ xe. Và nếu không có HGHHDT thì Việt Nam sẽ đi về đâu? Chuyện này khá dễ tiên đoán. Việt Nam sẽ không phát triển đúng khả năng và sẽ ngày càng tụt xa so với thế giới và các nước xung quanh. Những mục tiêu từng đề ra, như sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại, những chân trời 90 (1990), rồi có hồi lại nói 2010, sau đó lại lùi sang 2020, khiến không ít người hoài nghi.
Liệu rằng đến năm 2030 hay lâu hơn nữa có chắc chắn hoàn thành? Ông Bùi Đạo băn khoăn...
Khi viết bài này, bất chợt tôi nhớ đến kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 gần đây, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ngậm ngùi phát biểu:
"Tăng trưởng kinh tế của đất nước hiện chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là không đạt được".
Và đó lại là hơn một lần niềm tin bị hụt hẫng khiến kiều bào băn khoăn, hoài nghi. Kiều bào ở xa Tổ quốc chắc chắn chỉ được củng cố niềm tin khi nào con đường chúng ta đang đi tươi sáng hơn và thành công thực sự. Và cũng chỉ khi nào chúng ta có HGHHDT đích thực thì khi đó mới có đoàn kết, mới có thể chung tay huy động được toàn thể dân Việt về nhân lực, tài lực và vật lực phụng sự công cuộc phát triển đất nước.
Được biết, mỗi năm Việt Nam nhận khoảng 12 - 13 tỉ USD kiều hối. Còn chính xác năm 2015 là 12,5 tỉ USD. Con số này nói lên điều gì? Nên mừng hay lo? Tôi nghĩ, nó vừa là điều mừng nhưng cũng là điều không vui. Mừng vì tình cảm của người thân xa quê vẫn luôn gắn bó họ với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt nơi quê nhà. Không vui và lo là ở chỗ nó chứng tỏ đời sống của dân mình sau 40 năm hoà bình mà vẫn quá nghèo khổ, nhiều người thân của cộng đồng ta ở hải ngoại vẫn còn phải cưu mang. Người thân nói quê nhà vẫn chưa thoát ra nổi cái "bầu sữa" kia thì buồn lắm chứ!
Khi nhìn vào một số sự kiện như hồi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Biển Đông của chúng ta; hoặc Trung Quốc xây dựng sân bay và mở rộng kiên cố các công trình quốc phòng trên các đảo bồi đắp thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; hoặc khi vừa rồi, nguồn nước sông Mekong bị cạn kiệt... thì ở hải ngoại, tức thì cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã lên tiếng, hoặc xuống đường tuần hành, hoặc đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế hoặc tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp khắc phục thiên tai. Điều này đã cho thấy tấm lòng của người Việt ở nước ngoài đối với đất nước và rằng HGHHDT đã vượt qua được chướng ngại thì mới có được những động thái quý báu đó...
Trong lớp trẻ kiều bào ta ở hải ngoại hiện nay (lớp sinh sau 1975), họ là thế hệ 2, tôi nghĩ phần lớn lớp trẻ đó cũng chẳng có hiềm khích gì chế độ dù họ mang ý thức hệ khác ta. Họ nay đã là người Mỹ (hoặc một nước nào khác) có gốc Việt. Tôi cho rằng các bạn trẻ đó vẫn luôn quan tâm đến Việt Nam. Âu cũng là bởi dù ở đâu, họ vẫn là con cháu Lạc Hồng đầy hãnh diện nhờ sự thông minh, sáng tạo và chịu khó, chăm chỉ vốn là truyền thống ở mỗi người dân gốc Việt. Còn phần đông thế hệ thứ nhất, hầu hết họ cũng chẳng còn quyết liệt chống Chính phủ Việt Nam nữa. Có thể là họ không ưa và thậm chí ghét CS cũng là có thật. Họ cũng có thể còn treo cờ vàng vì sợ bị trả thù, gặp khó khăn này khác. Số chống Cộng ầm ĩ, theo tôi chỉ là số nhỏ, rất nhỏ... Ngay như cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hoà, ông Nguyễn Cao Kỳ, hồi còn sống cũng đã nhiều lúc thể hiện mong mỏi sao đó để HGHHDT càng sớm càng tốt...
Tôi thấy vui khi Đảng và Quốc hội đã có chủ trương tăng cường thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội không là đảng viên Cộng sản nhiều hơn khoá trước. Tuy số lượng còn ít ỏi nhưng bước đầu cũng đã thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam nay đã cởi mở, dân chủ hơn trước. Điều đó cũng đã ít nhiều cho thấy đó là cách gián tiếp hướng tới mục tiêu HGHHDT thành công hơn trên đất nước Việt Nam. Việc một số ý kiến của ĐBQH khoá này kiến nghị nên sửa đổi Luật Quốc hội để sau này có những kiều bào tâm huyết và trí tuệ được tham gia Quốc hội là rất đáng ghi nhận. Tôi nghĩ, đó cũng là đề xuất cần xem xét, tiếp thu để điều chỉnh Luật Quốc hội hiện hành.
Quốc Phong
Kiều bào về thăm quê hương - Ảnh: Diệp Đức Minh.