Số phận của người làm công mất việc càng bấp bênh theo thời gian, cho dù rõ ràng xã hội ngày càng phát triển. Nói cách khác, khả năng tự tạo cho mình một việc làm - khi đã bị thị trường lao động đào thải do tuổi tác - càng ngày càng ít lại.
Có một thực tế là thế hệ đầu tiên làm công nhân cho các công ty nước ngoài, vào khoảng giữa những năm 1990, cho đến giờ vẫn chưa hoặc rất ít người đủ điều kiện nhận lương hưu.
Nên rất khó cho họ biết được chính xác số lương hưu họ sẽ nhận sau 30 năm làm việc quần quật là bao nhiêu. Trong khi đó, số tiền đóng bảo hiểm của không ít công nhân bị không ít doanh nghiệp thủ lạm, còn chính sách tính lương hưu vẫn không được đảm bảo nhất quán từ bộ chủ quản là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Vòng lặp khó thoát
Với nhiều công nhân, người làm việc giản đơn trong dây chuyền nhà máy công nghiệp, khi có thâm niên làm việc xấp xỉ 20 năm trở lên, lương hưu là niềm an ủi và cái đích để cố gắng duy trì công việc, dù có vất vả khó khăn thế nào.
Cứ thêm mỗi năm trôi qua là niềm hy vọng về khoản tiền cố định vĩnh viễn đấy lại càng lớn lên. Cho đến một ngày, công ty bị cắt giảm đơn hàng dài hạn.
Bản thân những công nhân có tuổi đời trên 40, tức có hơn hai thập kỷ làm việc ở nhà máy - ngay cả khi công việc ổn định, thì cuộc sống của họ cũng đã là một sự đắp đổi vá víu.
Nếu có gia đình và cả hai vợ chồng cùng làm một thứ công việc thì hầu như đa số phải hy sinh một trong hai mục đích: tập trung mua đất làm nhà, mua chung cư trả góp thì con phải gửi về quê cho ông bà nội ngoại trông; còn nếu nuôi được con ăn học ở thành phố cho đến lên cấp III thì khả năng có căn nhà để ở là vô cùng thấp.
Vốn dĩ họ rời quê đến các trung tâm công nghiệp kiếm việc làm là mong cho đời sống khá khẩm hơn và một tương lai sáng sủa hơn cho con cái, nhưng nhiều người lại phải để con về sống với ông bà, tức là con của họ chỉ được hưởng những gì mà trước đây bố mẹ chúng có trước khi rời quê.
Nỗ lực của họ sẽ rơi vào tuyệt vọng nếu như một ngày có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ phòng nhân sự, do những nguyên nhân khách quan, khi họ đã xấp xỉ 40, khi chuyện kiếm được một việc làm với mức thu nhập tương tự là điều hầu như không thể.
Họ buộc phải kiếm một công việc khác, bấp bênh hơn, nặng nhọc hơn, và gần như chắc chắn không được trả bảo hiểm xã hội.
Dễ bắt gặp nhất những người này là qua đội ngũ taxi, xe máy, shipper công nghệ, công việc mà trong trung hạn, nếu chăm chỉ và có sức khỏe, họ sẽ có được một thu nhập khả dĩ dễ thở, cho đến lúc công nghệ nâng cấp và đơn giá vận chuyển trở nên rẻ hơn rất nhiều, một vòng xoáy khác lặp lại và họ lại tiếp tục bị đào thải - xuống một thị trường lao động thấp hơn, thu nhập ít hơn và nặng nhọc hơn, khi mà tuổi của họ lại cao hơn.
Khi cơ thể cần phải giảm thiểu cường độ lao động vì tuổi tác thì sinh kế lại bắt buộc họ phải lao lực nhiều hơn. Đấy đang là hiện trạng của nhiều người làm công trong lĩnh vực công nghiệp, không chỉ là công nhân thao tác đơn giản, mà cả những công việc gián tiếp ở quy mô tổ, nhóm…, khi người lao động bước vào độ tuổi xấp xỉ 40.
Giải pháp nhiều người lựa chọn là quay trở về quê khi ở đấy cơ hội công việc trong nhà máy với thu nhập thấp hơn vẫn có, và họ có quê nhà ở sau lưng.
Tự doanh cũng không còn dễ dàng
Bản thân người lao động tất nhiên đã nhìn thấy tương lai đấy, nên nhiều gia đình sẽ có một người chuyển sang khu vực lao động dịch vụ - buôn bán nhỏ, làm các dịch vụ hỗ trợ, khi họ còn đủ năng động và mạnh dạn, để giảm thiểu mức độ phụ thuộc ông chủ nhà máy, đồng thời có thêm thời gian cho gia đình. Đấy chính là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà hộ gia đình là đơn vị trung tâm.
Nhưng như nói ở trên, sự phát triển của công nghệ sẽ lấy đi rất nhiều cơ hội của người tự doanh nhỏ lẻ và lao động giản đơn. Xe công nghệ và ngành chăn nuôi là ví dụ điển hình. Lái xe công nghệ sử dụng xe máy và sức lao động của mình.
Còn người nuôi heo chẳng hạn, hợp tác với các hãng thức ăn gia súc, chuồng trại, cơ sở vật chất là của họ. Họ cùng nhận thu nhập từ một kiểu ông chủ khác. Về lâu dài, họ vẫn là một kiểu làm công ăn lương không khác gì công nhân ngày trước, nhưng không được đóng bảo hiểm để lĩnh lương hưu.
Khi công nghệ quản lý càng phát triển, cơ hội cho cá nhân đơn lẻ tồn tại trong một nền kinh tế càng ít đi. Do thế, số phận của người làm công mất việc càng bấp bênh theo thời gian, cho dù rõ ràng xã hội ngày càng phát triển. Nói cách khác, khả năng tự tạo cho mình một việc làm - khi đã bị thị trường lao động đào thải do tuổi tác - càng ngày càng ít lại.
Giữa những năm 1990, Singapore chuyển hẳn từ sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ. Chính phủ quốc gia này đã thực thi chương trình đào tạo lại cho hàng nghìn nhân công cấp quản lý và cả giám đốc doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, chuyển sang làm nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên du lịch, thậm chí lái taxi.
Để có thị trường tiếp nhận nguồn nhân lực này, điều cốt yếu là phải tạo ra nhiều việc làm mới. Một quốc gia năng động và phát triển nhanh nhất thế giới như Trung Quốc, tất cả các chiến lược phát triển đều chỉ nhằm mục đích duy trì đủ công ăn việc làm cho gần 1 tỉ nhân công, bằng bất cứ giá nào và bất cứ chính sách gì, nếu không xã hội lập tức bất ổn.
Một thế hệ công nhân của Việt Nam đã không hoàn thành được giấc mơ ly nông một cách đàng hoàng bởi nhiều lý do. Nền kinh tế tiểu nông của Việt Nam bao lâu nay vẫn là đệm đỡ cho mọi khủng hoảng lớn nhỏ, từ khủng hoảng tài chính cho đến suy thoái toàn cầu.
Thất nghiệp thì về quê - như một liều thuốc luôn đắc dụng trong mọi tình huống, hữu hiệu hơn rất nhiều những chính sách tuy có nhưng không thực hiện được bao nhiêu của Nhà nước. Tuy nhiên, việc quốc gia hướng đến những mục tiêu phát triển phi nông nghiệp lại vẫn phải dựa vào nó để giải quyết các khủng hoảng việc làm thì chắc chắn không phải là điều tốt.
TRUNG TRẦN - Theo Tuổi Trẻ