Hơn bao giờ hết, chúng ta phải nhìn thẳng vào những thay đổi bằng tư duy hiện thực của thế kỷ thứ 21 chứ không phải qua những lý thuyết, những mô hình phát triển, công nghiệp hóa không còn phù hợp.
|
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng giai đoạn phát triển mới đòi hỏi có quyết tâm rất cao để cải cách, tận dụng được các cơ hội mà nỗ lực hội nhập đã mở ra. |
Trong bài viết về TPP “ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức- Hành động của chúng ta” mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thế giới vận động và phát triển rất nhanh, “các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển của nó”. Và “nhiều quốc gia chuyển sang mô hình công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị đó”.
Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một thể chế tốt với chất lượng cao, “phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế”, Thủ tướng khẳng định, phải “dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới”.
Từ những biến động toàn cầu…
Quả vậy, năm 2016 này đã bắt đầu với nhiều biến động và bất ổn khó lường. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm liên tục, cho đến 27/1/2016 đã "bốc hơi" 1.800 tỷ USD kéo theo sự lao dốc của chứng khoán toàn cầu. Đồng nhân dân tệ mất giá, giá dầu thô, nguyên liệu, nông sản giảm mạnh, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo thấp hơn so với trước đây.
Ngày 09/2/2016, thị trường chứng khoán toàn cầu lại sụp đổ nặng nề. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã áp dụng lãi suất âm, doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng không được lãi mà phải trả phí để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trước nguy cơ tăng trưởng giảm sút mạnh.
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường với nhiều điểm nóng, như chưa ai biết căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ ảnh hưởng ra sao, vấn đề người tị nạn kéo vào châu Âu sẽ được giải quyết thế nào?
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa thực dụng đang lên ngôi. Các nước một mặt phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, mặt khác tiếp tục tăng cường thương mại và hợp tác kinh tế với Trung Quốc vì quy mô của thị trường này quá lớn. Chỉ một hợp đồng Trung Quốc mua 300 máy bay Boeing đã là 38,2 tỷ USD khiến cho Boeing phải chấp nhận đòi hỏi phải xây dựng một nhà máy lắp ráp ngay tại Trung Quốc là một ví dụ.
Thế giới thực sự đã thay đổi rất nhanh và trở nên rất khó dự báo bằng những nguyên tắc và đạo lý của quá khứ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến nông-lâm-ngư nghiệp và đời sống con người trên thế giới và nước ta. Khoa học công nghệ đang tiến như vũ bão, những thành tựu mới đang làm thay đổi sâu sắc các sản phẩm, dịch vụ, đời sống con người và năng lực cạnh tranh của mỗi nước.
Tất cả đều cho thấy hơn bao giờ hết, chúng ta phải nhìn thẳng vào những thay đổi bằng tư duy hiện thực của thế kỷ thứ 21 chứ không phải qua các lý thuyết, mô hình phát triển, công nghiệp hóa không còn phù hợp. Nhà nước, doanh nghiệp đều phải rất năng động, phản ứng kịp thời, mạnh mẽ trước những thay đổi để không bị trả giá đắt mà không cần thiết. Mọi sự ngộ nhận, duy ý chí cũng sẽ bị thực tế thách thức.
Bước ngoặt TPP và yêu cầu xây dựng thể chế
Nước ta đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, năm 2015 đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà bước ngoặt quan trọng là TPP với những cam kết rõ ràng, có tính ràng buộc về công khai minh bạch, quyền của người lao động… Và khi kết thúc các hiệp định đang đàm phán, nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế, đưa nước ta lên vị trí bình đẳng về pháp lý trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất-nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh. Chưa bao giờ vị thế quốc tế của nước ta được củng cố vững chắc và có cơ sở pháp lý minh bạch như vậy.
Đó là những quyết định đúng đắn, mở ra cho nền kinh tế nước ta những cơ hội to lớn về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, những cũng đòi hỏi nước ta phải đẩy mạnh cải cách toàn diện, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, vượt qua những thách thức to lớn đang ở phái trước.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, TPP tạo ra cơ hội để nền kinh tế nước ta có thể tăng GDP thêm 8,1% vào năm 2035, xuất khẩu tăng 17,1% và tổng lượng vốn chảy vào nền kinh tế tăng 11,9%, như bảng sau đây:
Tác động của TPP tới các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Việt Nam
Trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, năm 2015, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số thành tựu và tiến bộ đáng trân trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,68%, lạm phát thấp, chỉ số CPI chỉ là 0,64% tính bình quân cho cả năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI (Global Competitiveness Index) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng đã được nâng lên 12 bậc, từ 68 trên 144 nền kinh tế năm 2014 lên 56 trên 140 nền kinh tế năm 2015.
Đại hội XII của Đảng đã có những định hướng rõ ràng về xây dựng thể chế kinh tế thị trường. Cụ thể là:
"Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Đồng thời, Nhà nước sử dụng các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối để phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, cải thiện đời sống nhân dân."
"Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi; kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học, công nghệ."
"Đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại. Không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế, dân sự. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật. Đề cao vai trò các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp”.
Đại hội cũng đã trẻ hóa một bước đội ngũ lãnh đạo, hy vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công cuộc cải cách.
Chậm chân sẽ bị trả giá
Cơ hội rất lớn, nhưng mặt khác, thách thức đối với nước ta trong thời gian tới cũng không nhỏ.
Trước hết, lộ trình và nội dung cải cách, bước đi và tốc độ thực hiện đã được cam kết trong các hiệp định, bất kỳ sự chậm chạp hay thiếu sót nào đều bị trả giá. Đến năm 2018 nước ta phải được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có những điều kiện cụ thể về cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, tỷ giá, quyền của người lao động…
Trong khi đó, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Điều rất quan trọng là pháp luật về quyền tài sản và quyền sở hữu chưa bảo vệ đầy đủ nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Một ví dụ, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ đặt mục tiêu hết năm 2016, thời gian thông quan với hàng hóa xuất khẩu là dưới 10 ngày, trong khi cam kết theo Hiệp định TPP là 48 giờ vào năm 2018. Việc bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các cam kết như vậy trên các lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực rất lớn của bộ máy và cán bộ có liên quan.
Đặc biệt, thể chế nhà nước trong kinh tế thị trường còn nhiều yếu kém và bất cập. Việt Nam vẫn có khoảng cách xa so với nhiều đối tác. Năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng lên nhưng vẫn kém nhiều nước ASEAN. Các chỉ số về thể chế đều xếp thấp hơn nhiều so với thứ hạng chung về năng lực cạnh quốc gia của Việt Nam. Cũng đáng lưu ý là chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) do tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, TI) cho thấy điểm số của Việt Nam không thay đổi từ 4 năm nay.
Mặc dầu chỉ có tính tham khảo, song rõ ràng thứ hạng rất thấp về một số chỉ tiêu đang là lực cản với nền kinh tế nước ta.
Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi có quyết tâm rất cao để cải cách, tận dụng được các cơ hội mà nỗ lực hội nhập đã mở ra. Hy vọng rằng quyết tâm và sức ép từ các cam kết quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn trong năm 2016, Bính Thân này.
TS Lê Đăng Doanh