Bán đấu giá, cắt lỗ nợ xấu, thu hồi được đồng nào hay đồng ấy, là một trong những giải pháp cần tiến hành. Muốn thế, cần nhìn thẳng vào nợ xấu dù cái nhìn có khiến cơ thể đau nhức đến đâu. Ảnh: TUỆ DOANH
LTS: Theo Tổng cục Thống kê, GDP cả nước quí 1-2016 tăng 5,46%, giảm mạnh so với mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái, riêng ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 2,69%. Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, lạm phát có khả năng tăng cao trong năm nay... là những vấn đề cần được phân tích và mổ xẻ một cách thấu đáo.
Các chuyên gia kinh tế, các cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đặc biệt giới doanh nghiệp đang rất quan tâm đến vấn đề thực chất của nợ xấu vì chỉ khi nào nắm rõ hình hài, ngọn nguồn nợ xấu ra sao, mới có thể biết hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng được bao nhiêu vốn cho nền kinh tế, với lãi suất nào. Tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng bởi chính tăng trưởng tín dụng, hay nói cách khác là khả năng hỗ trợ tiền của ngân hàng.
“Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
Hãy bắt đầu bằng cái tên đã khá phổ biến trên thị trường tài chính: Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, người thường xuyên cập nhật thông tin về tổ chức này với báo chí, cho biết đến nay VAMC đã mua vào 245.000 tỉ đồng nợ xấu gốc, và đã xử lý, thu hồi được 22.780 tỉ đồng, bằng khoảng 9% nợ xấu gốc. Như vậy số nợ xấu nằm tại VAMC còn 222.220 tỉ đồng.
VAMC xử lý số nợ xấu tầm 9% nói trên bằng cách nào? Ông Hùng nêu hai cách: thứ nhất VAMC bán tài sản đảm bảo được chừng 7.000 tỉ đồng; thứ hai các ngân hàng tự thu hồi được của khách hàng 15.000 tỉ đồng nữa. Cả hai cách trên không có gì mới, vẫn là phương thức mà các tổ chức tín dụng đã thực hiện lâu nay. Hơn nữa, số nợ mà các tổ chức tín dụng tự thu còn gấp đôi số nợ VAMC xử lý được. Xem ra VAMC cũng không “giỏi giang” gì trong quá trình “đòi nợ” cả!
Muốn xử lý nợ, VAMC như bất cứ một ông chủ nào khác, cần phải có hai thứ: tiền tươi thóc thật và cơ chế. Vốn điều lệ của VAMC có 2.000 tỉ đồng thì “nhằm nhò” gì. Về cơ chế, VAMC không đủ quyền hạn và đủ sức thiết lập một thị trường mua bán nợ. Như một định chế trung gian, khi mua bất kỳ món nợ nào, VAMC phải phân loại, đánh giá chất lượng, rồi đem nó rao bán trên thị trường. Việc rao bán thông qua đấu thầu, minh bạch, công khai, như bán doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hiện nay. Ai trả giá cao thì mua được. Còn định giá món nợ cao quá, giá khởi điểm cao quá, không ai mua, VAMC sẽ phải bán lần hai, lần ba, hạ giá xuống, cho đến khi tìm được người mua.
Trên thị trường, nợ xấu là thứ hàng hóa đặc biệt, và đã là hàng hóa, tất có kẻ mua người bán, quan trọng là giá cả. Tuy nhiên VAMC đã không bán đấu giá hàng loạt món nợ, vì sao?
Đơn giản thôi, nợ xấu ngân hàng là thứ hàng hóa đang xuống giá khủng khiếp. 70% nợ xấu là tài sản thế chấp bằng bất động sản, mà thị giá bất động sản vẫn đang trong tình trạng tụt dần. Chưa kể mảnh đất, căn nhà, xưởng máy... có giá trị, thí dụ 1 tỉ đồng, có ngân hàng định giá lên 1,5 tỉ đồng thậm chí 2-3 tỉ đồng, rồi cho vay hơn 1 tỉ đồng. Giờ bán mảnh đất, căn nhà ấy với giá thị trường tức thấp hơn số tiền đã cho vay, đương nhiên ngân hàng phải hạch toán lỗ, mất vốn.
Không chỉ một khoản nợ xấu, không chỉ một ngân hàng, hàng ngàn khoản nợ xấu, mười mấy ngân hàng ở trong tình trạng đó. Nếu VAMC bán nợ xấu theo cách đấu giá, theo giá thị trường, thì “bộ mặt” thật nợ xấu “lòi” ra hết.
Bề nổi nợ xấu 7,75%
Tỷ lệ nợ xấu nằm ở VAMC chiếm 4,85% tổng dư nợ, cộng thêm 2,9% nợ xấu còn nằm ở các ngân hàng, như vậy số nợ xấu có thể cân đong đo đếm được là 7,75%. |
Những số liệu mà NHNN công bố trên trang web được tập hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng và hãy tìm hiểu những con số này.
Đến cuối tháng 1-2016, tỷ lệ cấp tín dụng trên nguồn vốn huy động của cả hệ thống là 89,31%. Cũng theo NHNN, dư nợ đối với nền kinh tế đến cuối tháng 11-2015 là hơn 4,58 triệu tỉ đồng, trong khi tổng tiền gửi của cả dân cư và tổ chức kinh tế là hơn 4,95 triệu tỉ đồng, tính ra tỷ lệ cho vay/huy động lên tới 92,57%. So với cuối tháng 11-2015, tỷ lệ dư nợ/huy động đến cuối tháng 1-2016 đã giảm.
Nhưng chưa vội mừng. Điểm nhấn ở chỗ tỷ lệ cho vay/huy động bình quân của các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh (kể cả ba ngân hàng được NHNN mua với giá 0 đồng) cao chưa từng thấy 99,11%. Điều này có nghĩa ngân hàng huy động được bao nhiêu, cho vay bấy nhiêu, cho vay hết mọi đồng, không có dự trữ bắt buộc, khả năng chi trả, dự phòng thanh khoản. Hoặc NHNN đã cho phép các ngân hàng quốc doanh được “đặc biệt” hưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0%; hoặc các tổ chức tín dụng này đi vay liên ngân hàng, vay nước ngoài, vay NHNN qua tái cấp vốn... để cho vay lại. Cho dù ứng dụng cách thức gì để có tiền cho vay, thì tỷ lệ bình quân 99,11% vẫn quá nguy hiểm.
Các “ông lớn” quốc doanh cho vay nhiều, tăng trưởng tín dụng cao, để làm gì? Để hạ tỷ lệ nợ xấu xuống. Ngoài ra không loại trừ khả năng đảo nợ, để trên bảng cân đối tài chính, nợ xấu không cao. Còn nhớ giữa năm ngoái, NHNN đã chỉ đạo và phân bổ chỉ tiêu cho từng tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC, để làm sao cuối năm 2015, nợ xấu toàn ngành phải dưới 3% tổng dư nợ.
Cuối năm ngoái, NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu đã về 2,9%.
Như trên đã nói, nợ ở VAMC là nợ xấu và số còn lại là 222.220 tỉ đồng, so với tổng dư nợ toàn hệ thống là hơn 4,58 triệu tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu nằm ở VAMC chiếm 4,85% tổng dư nợ. Cộng thêm 2,9% nợ xấu còn nằm ở các ngân hàng, số nợ xấu có thể cân đong đo đếm được là 7,75%.
Tỷ lệ nợ xấu trên hiện là vốn “chết”. Một phần không nhỏ trong đó có lẽ đã “bốc hơi” rồi, nhưng cái xác vẫn còn đó, vẫn nằm trên bảng hạch toán của các ngân hàng hoặc của VAMC. Câu chuyện giờ đây là phải bóc tách nó ra, sử dụng quyết tâm chính trị và giải pháp thị trường để xử lý nó. Bán đấu giá, cắt lỗ nợ xấu, thu hồi được đồng nào hay đồng ấy, là một trong những giải pháp cần tiến hành. Muốn thế, cần nhìn thẳng vào nợ xấu dù cái nhìn có khiến cơ thể đau nhức đến đâu.