Câu trả lời chắc chắn nhất cho những câu hỏi trên là: Không ai biết! Nhưng các nhà lãnh đạo, nhà đầu tư và người dân trong cũng như ngoài khu vực đều đang đánh cược với sức mạnh của Trung Quốc. Kể cả các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng nỗ lực phán đoán khi họ xây dựng chiến lược quay lại châu Á cho Tổng thống Barack Obama.
Nếu bạn chỉ có thể tham khảo một người trong thế giới hiện đại về những câu hỏi trên thì nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ rất thông tỏ Trung Quốc Henry Kissinger khuyên bạn nên tìm đến Lý Quang Diệu.
Là thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến 1990, ông Lý không chỉ đặt nền móng cho một Singapore hiện đại mà còn vận dụng trí tuệ sắc sảo của mình để giữ cho đảo quốc này thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình cũng như các đời tổng thống Mỹ từ Richard Nixon đến Barack Obama đều rất tôn trọng ý kiến của ông Lý Quang Diệu. Điều này đem lại cho ông một góc nhìn độc nhất vô nhị về tình hình địa chính trị và địa kinh tế giữa phương Đông và phương Tây.
Ông Lý Quang Diệu. Ảnh: Foreign Policy
Trong bài viết được tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đăng tải ngày 16-2, ông Lý Quang Diệu trả lời cho ba câu hỏi trên như sau: Có, có và không.
- Có! Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh gấp nhiều lần so với Mỹ và các kình địch phương Tây khác trong thập kỷ tới và có thể còn lâu hơn nữa.
- Có! Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất có tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu châu Á và cả thế giới.
- Không! Trung Quốc sẽ không đơn giản chỉ ngồi vào ghế của mình trong trật tự thế giới thời hậu chiến mà Mỹ đã lập ra. Nói cách khác, “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc số 1 thế giới và muốn được nhìn nhận là Trung Quốc chứ không phải một thành viên danh dự của phương Tây” - ông Lý nhận định trong một bài phát biểu năm 2009.
Theo quan điểm của ông Lý, người Trung Quốc sẽ “không vội vàng thế chỗ Mỹ”. “Một số người Trung Quốc mường tượng thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc, trong khi số khác hy vọng sẽ chia sẻ thế kỷ này với Mỹ”.
Ông Lý nhận định Trung Quốc xây dựng chiến lược chiếm thế thượng phong bằng cách “sử dụng lực lượng lao động ngày càng được đào tạo kỹ lưỡng để xây dựng nền kinh tế của các nước khác”.
Về mặt quân sự, Trung Quốc sẽ không tính đến khả năng đối đầu cho đến khi nước này “lật đổ được Mỹ trong lĩnh vực phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ”. “Trung Quốc nhận ra rằng nếu tiếp tục “trỗi dậy hòa bình” và chỉ tranh giành vị trí số một về kinh tế và công nghệ thì họ không thể thua. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ trung thành với bí quyết của Đặng Tiểu Bình: “Ẩn mình chờ thời” - ông Lý nói với Foreign Policy.
Cựu thủ tướng Singapore nghiêng về viễn cảnh thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên Trung Quốc. Nếu ông đúng, Foreign Policynhận định cả Trung Quốc và Mỹ đều phải đối mặt với thử thách khổng lồ trong những thập kỷ tới khi một cường quốc đang lên đối đầu với một cường quốc đang thống trị. Lịch sử cho thấy 11 trong số 15 trường hợp như vậy kể từ năm 1500 đến nay đều kết thúc bằng chiến tranh.
Hải Ngọc (Theo Foreign Policy)