Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuối tháng 4.2023 cho thấy nhiều số liệu mới về tình hình nợ xấu và hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng.
Cụ thể theo các dữ liệu của NHNN, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 2.2023 là 2,91% tổng dư nợ, tăng mạnh so với con số 2% cuối năm 2022. Đồng thời duy trì mức tăng lớn so với tỉ lệ 2,46% vào cuối năm 2016 và 1,49% vào cuối năm 2021.
Riêng trong tháng 2.2023, hệ thống ngân hàng xử lý được 21.300 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu chủ yếu xử lý thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỉ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng đạt được kết quả tích cực và lũy kế đến nay toàn hệ thống xử lý được 416.000 tỉ đồng nợ xấu.
Đáng chú ý trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội vào cuối tháng 4.2023 vừa qua, NHNN cũng cho hay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đang được kiểm soát ở mức dưới 3%.
"Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái..." - đại diện NHNN cho hay.
Cơ quan ngân hàng trung ương theo đó cho rằng cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2.2023 ước chiếm tỉ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Như vậy trong trường hợp các khoản nợ bán và nợ tiềm ẩn chuyển nhóm nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể vọt tăng từ con số 2,91% hiện nay lên mức 5%.
Dư nợ tín dụng với nền kinh tế biến động mạnh thời gian vừa qua, đi kèm là tỉ lệ nợ xấu tăng lên. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước
Tại thời điểm cuối tháng 2.2023, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế theo số liệu của NHNN là trên 12,026 triệu tỉ đồng. Với tỉ lệ 5% như tính toán của NHNN, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể sẽ lên tới 600.000 tỉ đồng.
Để kiểm soát và xử lý nợ xấu, NHNN cho hay trong năm 2023, cơ quan này định hướng dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro… để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Đồng thời làm việc trực tiếp với một số ngân hàng để nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ xấu, cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Trên cơ sở đó, chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
LAM DUY - Theo Lao Động 06/05/2023