Ít ngày trước, cũng lại là Ngân hàng Bank of China vi phạm luật nợ xấu. Lần lượt ngày càng nhiều những cái tên tầm cỡ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc được nhắc đến. Tuy nhiên, theo Bloomberg, đây không chỉ là vấn đề của riêng 1-2 ngân hàng, mà nó đang là khó khăn chung của cả hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong kỷ nguyên của chính sách nới lỏng tiền tệ.
Theo quy định, các ngân hàng sẽ bị cho là vi phạm luật nợ xấu nếu tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu vượt quá mức 150%. Vì vậy để lách luật, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã tránh công bố báo cáo lợi nhuận quý I giảm sút, bằng cách để tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu chỉ ở mức 141,2%. Bằng cách này, lợi nhuận trong quý I năm nay củaICBC thậm chí còn được “phù phép” tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng này đã lên tiếng bào chữa rằng, sự giảm tốc của nền kinh tế và chính sách nới lỏng tiền tệ đã khiến các ngân hàng Trung Quốc phải vật lộn để duy trì lợi nhuận. Đây cũng là lời biện hộ của Ngân hàng Bank of China hồi đầu tuần này với cáo buộc tương tự.
“Giới chức Trung Quốc nên áp dụng tỷ lệ dự phòng nợ xấu linh động hơn với từng ngân hàng, tránh trường hợp các ngân hàng tìm cách để tỷ lệ này ở dưới mức quy định tối thiểu” - ông Andrew Collier - Giám đốc điều hành Orient Capital nói.
Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm. Điều này cho thấy, bài toán nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc vẫn đang là vấn đề nan giải mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.