Trong đó, Hà Nội sẽ nhận được sự hỗ trợ từ thực tế nhiều quốc gia muốn chuyển các doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh tăng giá sản xuất và cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang khuyến khích các công ty của nước họ dời chuyển các cơ sở sản xuất mà cụ thể là sang Việt Nam, - tờ South China Morning Post viết.
Còn Bloomberg xác nhận tuyên bố này và cho biết rằng Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam, từ tháng trước đã tuyên bố sẽ phân bổ 2,2 tỷ USD từ gói kích thích kinh tế của mình để cấp xung lực giúp các nhà sản xuất Nhật Bản rút dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Reuters thông báo cáo rằng để gia tăng hiệu quả sản xuất, vào mùa thu này hãng Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng lớn ở ngoại vi Bangkok và chuyển sang Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế để được lựa chọn làm nơi chuyển dịch sản xuất, chẳng hạn như sát gần Trung Quốc, có đội ngũ lao động lành nghề và kỷ luật, công lao động không đắt. Lớp cư dân trẻ của Việt Nam rất tài năng, và các nhà đầu tư có mọi cơ hội để bồi dưỡng khai thác chuyên gia lành nghề theo nhu cầu ngay tại địa bàn. Phương pháp không quá tốn kém nhưng rất hiệu quả của Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh coronavirus cũng là điểm cộng nổi bật, làm tăng thêm giá trị lợi thế cho uy tín của ban lãnh đạo đất nước.
© ẢNH : PHẠM KIÊN - TTXVN - Công nhân sản xuất sản phẩm dệt nhuộm tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam (Khu Công nghiệp Phố nối B, Yên Mỹ, Hưng Yên)
Thị trường bất động sản hứa hẹn tăng trưởng sôi động
Trong tương quan chuyển giao chuỗi sản xuất, thị trường bất động sản tại Việt Nam cũng sẽ nhận được động lực tăng trưởng, bởi người lao động trong các ngành công nghiệp mới tất nhiên cần đến nhà ở. Như thông báo trên South China Morning Post, chỉ số chỗ làm việc tại khu vực công nghiệp ở phía bắc Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng, đã tăng trung bình 200 điểm cơ bản trong quý I năm 2020 so với cuối năm 2019. Tất nhiên, chỉ số này đã giảm xuống do đại dịch Covid-19, nhưng các nhà quan sát cho rằng sự chờ đợi xuất hiện các chuyên gia nước ngoài và công nhân địa phương tại những cơ sở mới có thể cấp cho thị trường nhà ở địa phương sự hỗ trợ rất cần thiết để hồi phục và tăng trưởng. Các nhà xây dựng, quỹ đầu tư trực tiếp và chuyên gia phân tích tiếp tục đặt cược vào triển vọng đi lên của thị trường bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt là sau khi có quyết định đưa ra vào năm 2015 – cho phép cung cấp 30% cổ phần dành cho khách mua là người nước ngoài. Đặc biệt hấp dẫn sẽ là những khu chung cư ở gần ga tàu điện ngầm, bởi chẳng bao lâu nữa, tàu điện ngầm sẽ được khánh thành tại Hà Nội, và tiếp đến là ở TP Hồ Chí Minh.
Mới đây, như Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, nền kinh tế của đất nước có thể duy trì mức tăng trưởng 4-5% trong năm nay, bởi Chính phủ dự kiến tích cực thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp đang tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ.
«Đó là những con số mà tôi đã nói hồi đầu tháng Tư. Nền kinh tế Việt Nam đã tích luỹ được động lực lớn, cho phép tiến mạnh lên phía trước. Có sự hỗ trợ thuận lợi rất lớn ở chỗ Việt Nam đã ký được hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khối khác nhau, tức là ngoại thương trở nên đa phương. Nhờ các biện pháp kịp thời và nghiêm túc của Chính phủ, cư dân trong nước đã tránh được tổn thất nặng nề do đại dịch coronavirus, và kết quả này tạo điều kiện bảo tồn thị trường nội địa rộng lớn, để rồi sau đây khi chấm dứt cách ly, thị trường đó sẽ phát triển nhanh chóng, cũng là một động lực của sự phát triển kinh tế», - GS-TSKH Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, nhà lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận định.
Theo Sputnik