Hoạt động sản xuất công nghiệp của TPHCM đang đứng trước thách thức không nhỏ về cơ sở hạ tầng khi các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu đang dần bị lấp đầy diện tích đất cho thuê trong khi các KCN mới thành lập chậm triển khai. Những hạn chế nêu trên khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của TPHCM gặp khó khăn.
Thông tin này được lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) chia sẻ trong báo cáo về tình hình hoạt động KCX – KCN năm 2021 và Kế hoạch công tác năm 2022.
Qũy đất tại các KCN – KCX trên địa bàn TPHCM ngày càng lấp đầy khiến việc thuê đất cho sản xuất của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Cụ thể theo Hepza, quỹ đất thu hút đầu tư vào các KCX và KCN ngày càng thu hẹp do các KCN hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy. Trong khi các KCN mới đã thành lập nhưng chậm triển khai. Đó là các KCN: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng do bị vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án, pháp lý của chủ đầu tư.
Mặt khác, các KCN đã có trong danh mục quy hoạch KCN thành phố nhưng chậm được thành lập (như KCN Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3). Ngoài ra, việc phát triển thêm các khu công nghiệp khác ngoài quy hoạch hiện gặp nhiều khó khăn về thủ tục và thời gian.
Tại một số KCN như: Đông Nam, Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN do vướng thủ tục pháp lý; dẫn đến Công ty phát triển hạ tầng KCN không thể triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao nền tái định cư, và chưa xây dựng các dịch vụ tiện ích, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia làm việc tại KCN.
Trước đó, đại diện Hepza cũng chia sẻ lo ngại những thách thức do thiếu quỹ “đất sạch” và diễn tiến dịch bệnh Covid-19 khiến việc thu hút đầu tư bị ảnh hưởng nhiều.
Đáng chú ý hiện nay quỹ “đất sạch” để cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều. Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ còn số ít đất để sẵn sàng cho thuê nhưng lại phân tán ở nhiều khu vực khác nhau. Trong khi đó, để thu hút được các dự án có quy mô vốn lớn thì yêu cầu quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại một khu công nghiệp phải lớn.
Với những hạn chế trên, Hezpa đặt mục tiêu thu hút đầu tư trong năm 2022 này chỉ đạt 500 triệu đô la Mỹ, thấp hơn hơn 100 triệu đô la so với kết quả thu hút được năm 2021.
Trong thời gian tới, Hepza sẽ tham mưu các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền tiến tới việc thành lập và từng bước đưa vào khai thác KCN Phạm Văn Hai theo định hướng kỹ thuật cao. Mặt khác, Ban quản lý sẽ đôn đốc xây dựng 20.000 m2 nhà xưởng cao tầng; thực hiện cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên 30% trong năm nay.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Hepza, để đạt được mục tiêu đó, Hepza sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất và cải cách hành chính…
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy việc sớm thành lập và đưa vào khai thác khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai 668 ha sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp thành phố. Phối hợp với UBND các quận, huyện cùng các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù, thủ tục pháp lý để triển khai các KCN đã thành lập mới và mở rộng gồm: KCN Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng và các KCN trong danh mục quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc 3).
“Hepza cũng định hướng mô hình phát triển các KCN mới, phối hợp với các sở, ngành xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vào các KCX, KCN trên cơ sở vốn đầu tư/ha, lao động/ha, ngành nghề thu hút,… Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam; nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Hepza thông qua việc hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vượt khó trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, Hepza cũng chú trọng phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình triển khai, sử dụng đất của các dự án đầu tư; thu hồi quỹ đất đối với những dự án không triển khai theo đúng tiến độ đăng ký để triển khai các dự án khác hiệu quả hơn.
Lê Hoàng - Theo TheSaigonTimes