“Mua nhà hơn 30 năm vẫn bị đòi lại” về việc gia đình ông Diên đã bị TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm tuyên phải trả lại nhà, mặc dù việc mua bán đã hoàn thành từ năm 1979.
Ngoài những điểm bất hợp lý của bản án đã nêu trong bài trước, trang Pháp luật & cuộc sống kỳ này xin trở lại một vấn đề mà vụ án đã đặt ra, đó là liệu sau 24 năm thời hiệu khởi kiện của một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà vẫn còn?
Xin giới thiệu ý kiến của hai luật sư.
|
Vợ chồng ông Phan Đăng Diên và căn nhà bị đòi lại - Ảnh: Nhất Hùng |
Nếu nội dung vụ kiện đúng như báo phản ánh thì về nội dung, có thể khẳng định căn nhà đã được bán cho ông Phan Đăng Diên. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, căn nhà trên là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Lan và bà Lê Thị Vỹ. 24 năm sau, bà Vỹ mới khởi kiện đòi lại nhà là một vấn đề không bình thường, sao tòa án các cấp không xem xét đánh giá? Đây không phải là trường hợp bà Vỹ khởi kiện đòi chia thừa kế di sản của chồng để lại, nên thời hiệu khởi kiện không thể tính từ khi ông Lan chết (năm 1995) mà phải tính từ khi giao dịch hoàn tất (1979).
Ngoài ra theo tôi, tòa án chỉ cần xác định bà Vỹ có biết việc mua bán hay không là có thể chấp nhận hay bác đơn khởi kiện của bà, chứ không cần phải giám định chữ ký trong giấy chuyển nhượng có đúng chữ ký của bà Vỹ hay không.
Lẽ ra khi xét xử lại, ngoài việc cho giám định lại chữ ký của bà Vỹ trong giấy chuyển nhượng nhà còn phải thu thập các chứng cứ khác để xác định khi bán nhà bà Vỹ có biết không. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về chữ ký bà Vỹ cho rằng do quá ít mẫu chữ ký để đối chiếu nên “không đủ cơ sở kết luận”, tại sao tòa án lại không tiến hành lấy đủ mẫu chữ ký của bà Vỹ để giám định?
Với các tình tiết của vụ việc như báo nêu, tôi đồng tình với ý kiến cho rằng việc mua bán căn nhà giữa ông Phan Đăng Diên với vợ chồng ông Lan và bà Vỹ đã hoàn tất, bên mua đã giao đủ tiền, bên bán đã giao nhà. Theo nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 thì ông Phan Đăng Diên là người có quyền sở hữu căn nhà trên. Thiết nghĩ chánh án TAND tối cao hoặc viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại, vì bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng có sai lầm nghiêm trọng.
Đây là một vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ký từ năm 1977 nên hình thức, nội dung hợp đồng mua bán phải căn cứ vào nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 và thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT giữa TAND tối cao, Viện KSND tối cao hướng dẫn áp dụng nghị quyết 58/1998.
Bên mua nhà đã thực tế chiếm hữu, sử dụng, kê khai nộp thuế suốt mấy chục năm trời một cách công khai, minh bạch mà bên bán nhà không hề khiếu nại, thắc mắc gì, để 24 năm sau mới kiện là một điều rất bất thường. Theo quy định của pháp luật, thời hiệu để khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà chỉ là hai năm kể từ ngày giao kết hợp đồng, chỉ có trường hợp khởi kiện đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ mới không bị ràng buộc thời hiệu hai năm.
Bốn phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cho thấy các tòa đều đã xử theo hướng hợp đồng mua bán nhà vô hiệu chứ không phải theo hướng đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ. Do đó nếu tòa xác định đúng quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng mua bán nhà thì vụ kiện này đã hết thời hiệu khởi kiện từ lâu, bên bán không có quyền kiện nữa.
Để giải quyết các uẩn khúc, bất thường nêu trên, cách tốt nhất hiện nay là cần kháng nghị giám đốc thẩm để xét xử lại vụ kiện từ đầu.
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM(ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)