Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đưa ra đề xuất TP Hồ Chí Minh trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải, với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình.
Siêu đô thị - Động lực giúp các nền kinh tế cất cánh
Trên thực tế, các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong giai đoạn đầu đều dành nhiều nguồn lực cho những vùng đô thị có khả năng phát triển, các trung tâm, đặc biệt là các siêu đô thị và sự thần kỳ đã xảy ra.
Động lực của các nền kinh tế này chính là các vùng siêu đô thị như Tokyo, Osaka ở Nhật, Seoul và Busan ở Hàn Quốc, và sau này là Thượng Hải và Thẩm Quyến ở Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê những năm gần đây, các đặc khu kinh tế đóng góp khoảng 22% GDP của Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 60% kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm khoảng 30 triệu việc làm và tăng thêm 30% thu nhập cho những người nông dân.
Đề xuất TPHCM trở thành đặc khu như Thượng Hải của Bí thư Đinh La Thăng nếu được xem xét thông qua và thực thi hiệu quả có thể là động lực giúp TPHCM tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành đầu tàu kéokinh tế Việt Nam cất cánh.
Vậy TPHCM có thể học gì từ mô hình như Thượng Hải?
Về quản lý và xây dựng chính quyền đô thị
Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc như Thượng Hải hay Thẩm Quyến vốn được lập nên giúp cho các công ty trong và ngoài nước hay nhà đầu tư quốc tế có thể giao dịch, kinh doanh mà không chịu sự kiểm soát hoặc những quy định được đưa ra bởi chính quyền Bắc Kinh. Điều này khác so với các địa phương khác khi họ phải tuân theo các chính sách từ trung ương.
Việc phân tách quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan công quyền mang ý nghĩa quyết định trong mô hình kinh tế như Thượng Hải. Theo đó, các Viện nghiên cứu chính sách, Hội đồng và Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua và các Sở chỉ thực thi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn bộ.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Trần Du Lịch nhận định, mô hình Thượng Hải rất phù hợp với TPHCM khi xây dựng chính quyền đô thị.
"Mô hình thành phố trước đây chúng ta đã đi nghiên cứu rất nhiều nơi như Thượng Hải (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc), Paris (Pháp)... và nghiên cứu xem áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì như thế nào. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy mô hình Thượng Hải rất phù hợp.
Thượng Hải quy định rất rõ, Thị trưởng nắm gì, còn lại giao cho các Cục (tương đương với Sở). Các Cục quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm hết còn Thị trưởng chỉ cần nắm quy hoạch.
Tách biệt Văn phỏng Ủy ban chỉ chịu trách nhiệm về nghiên cứu chính sách. TP HCM cũng có Viện Nghiên cứu phát triển. Các Viện làm nghiên cứu chính sách, chứ các Sở không làm nghiên cứu mà chỉ thực thi và quản lý Nhà nước.
Khi chính sách đã được nghiên cứu, được HĐND và UBND thông qua thì giao các Sở thực thi. Không có chuyện anh vừa thực thi lại vừa đề xuất, vừa nghiên cứu... rồi có chuyện cái dễ phần mình, cái khó đẩy sang cho người khác".
Về phân bổ nguồn lực, ngân sách
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ, tỷ lệ chi ngân sách/GDP của TPHCM chỉ bằng 30% Thượng Hải.
Theo đó, cho dù chi tiêu ngân sách quốc gia của Trung Quốc thường dưới 20% GDP, nhưng chi tiêu ngân sách của Thượng Hải trong nhiều năm qua lại thường xuyên trên 21% GDP.
Trái lại, 2 thập kỷ qua mức chi ngân sách của TPHCM chưa đến 7% GDP, (khoảng 30% của Thượng Hải hay Hong Kong và chỉ bằng một nửa Singapore), trong khi tạo ra gần 20% GDP và hơn 30% ngân sách quốc gia, và chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu.
Cùng trong giai đoạn này, chi ngân sách quốc gia bình quân của Việt Nam lên đến 29% GDP, gấp hai lần Singapore, 1,5 lần Trung Quốc và Hong Kong.
Ngoài ra, chính quyền Thượng Hải đã chủ động xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sự phát triển không chỉ riêng mình mà còn tạo động lực cho nền kinh tế Trung Quốc cất cánh.
Kết quả là, Thượng Hải ngày nay đã trở thành thành phố có sức cạnh tranh toàn cầu. Năm 2011, tổng GDP của Thượng Hải đạt 297 tỷ USD và là một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 20 năm qua.
Rõ ràng với ngân sách để lại khá eo hẹp như hiện nay, TP.HCM sẽ rất khó để tái đầu tư nhằm phát huy tiềm năng lợi thế trung tâm thương mại quan trọng nhất của cả nước.
Thử hình dung mức độ phát triển của TP.HCM sẽ như thế nào nếu ngân sách trong hơn hai thập niên qua có được tỉ lệ so với GDP bằng Singapore, Thượng Hải, tức là gấp đôi hoặc gấp ba thực tế?
Theo Kiến Anh - Trí thức trẻ/CafeBiz