Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát cơ bản của Singapore đã tăng lên 5,5% trong tháng 1-2023, mức cao nhất kể từ tháng 11-2008 - thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Chính vì vậy, trong kế hoạch ngân sách tổng thể trị giá 123,7 tỉ SGD (khoảng 18,2% GDP), được Quốc hội nước này thông qua ngày 24-2, có nguyên một bộ giải pháp giúp đỡ các ông bố bà mẹ, các gia đình và cả doanh nghiệp ứng phó với lạm phát và giá sinh hoạt tăng cao.
Ảnh: Todayonline.com
Lạm phát cơ bản tháng 1-2023 của Singapore như vậy là đã tiếp tục tăng so với mức tăng rất mạnh 5,1% của tháng 12-2022.
Vật giá leo thang, doanh nghiệp gặp khó, số người mất việc cũng tăng là những thực tế buộc Chính phủ Singapore phải tái cấu trúc phần "Gói bảo đảm" (Assurance Package - AP) trong kế hoạch ngân sách 2023 để hỗ trợ mau chóng và hiệu quả những nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều và dễ tổn thương nhất.
"Gói bảo đảm" cho dân chúng
Chương trình ngân sách 2023 (áp dụng từ ngày 1-4-2023 tới hết ngày
31-3-2024) được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong thay mặt Chính phủ Singapore công bố ngày 14-2, nên ông gọi đó là món quà của ngày Lễ Tình nhân dành cho mọi người dân ở đảo quốc sư tử.
Chương trình ngân sách này đặc biệt chú trọng tăng hỗ trợ cho các gia đình, nhắm tới nhu cầu nhà ở và nhu yếu phẩm, cũng như chia sẻ với gánh nặng nuôi con với các bậc cha mẹ.
Lấy ví dụ, mục "Hỗ trợ các hộ gia đình" nêu rõ nhằm giúp người dân vượt qua giai đoạn giá cả tăng cao và giảm bớt tác động của việc tăng thuế hàng hóa dịch vụ (GST) thêm 1%, kể từ tháng 1-2023, chính phủ sẽ tăng ngân sách cho gói AP lên 9,6 tỉ SGD, tức nhiều hơn 3 tỉ SGD so với năm ngoái.
Đổi lại, để đảm bảo cán cân thu chi cân bằng, giới chuyên gia kinh tế Singapore tin rằng kế hoạch tăng thuế GST lên 9% (tăng thêm 1 điểm % so với hiện nay) trong năm tới sẽ khó trì hoãn.
Mức tăng này, theo giải thích của chính quyền Singapore trong nhiều dịp, cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn của mục tiêu đảm bảo ổn định tài chính cho đất nước khi chi tiêu công ngày càng tăng, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Irvin Seah của Ngân hàng DBS có trụ sở chính tại Singapore cho rằng do mức độ điều chỉnh với thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp (hai nguồn thu hàng đầu của ngân sách hầu hết các nước) là hạn chế, việc chuyển sang điều chỉnh thuế GST trở nên "cần thiết và không thể tránh khỏi".
Tương tự, các kinh tế gia của ngân hàng Maybank, Chua Hak Bin và Lee Ju Ye cho rằng để nền kinh tế "đứng vững", việc tăng thuế GST sẽ phải diễn ra đúng như lộ trình, lên mức 9% vào tháng 1-2024.
Đích thân ông Lawrence Wong giải thích với dân chúng Singapore: "Đó là lý do chúng tôi phải tiếp tục bước thứ hai trong tăng thuế GST vào năm 2024 theo kế hoạch. Trì hoãn sẽ chỉ đẩy tiếp các vấn đề cần giải quyết cho tương lai và khiến chúng ta có ít nguồn lực hơn để chăm lo cho số người lớn tuổi đang ngày càng tăng", báo Straits Times dẫn lời ông Wong ngày 24-2 trước Quốc hội.
Hỗ trợ có mục tiêu
Bộ trưởng Tài chính Wong nhận định lạm phát toàn phần tại Singapore được dự báo vẫn ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm nay.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia kinh tế Singapore tin rằng chính phủ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để giải tỏa bớt lo lắng về chi phí sinh hoạt của người dân. Việc tăng chi thêm ngân sách cho gói AP sẽ là "một trong những biện pháp trực tiếp nhất".
Gói bảo đảm cho sinh hoạt của người dân này bao gồm các hỗ trợ thẳng bằng tiền mặt, trợ cấp hay hoàn phí các dịch vụ công ích...
Cụ thể, trong chương trình ngân sách 2023, ở phần chi hỗ trợ tiền mặt (AP Cash), mọi công dân trưởng thành từ 21 tuổi trở lên tại Singapore có mức thu nhập chịu thuế không nhiều hơn 100.000 SGD/năm và không sở hữu nhiều hơn một bất động sản sẽ được nhận thêm khoản tiền mặt 300 - 650 SGD (tùy mức thu nhập chịu thuế) vào tháng 12 mỗi năm trong các năm còn lại của gói AP.
Như vậy, tổng số tiền được nhận theo chương trình AP Cash của một người trưởng thành Singapore sẽ rơi vào khoảng từ 700 - 2.250 SGD trong 5 năm (2023 - 2027). Ước tính khoảng 2,9 triệu người sẽ được hưởng lợi từ AP Cash.
Ngoài ra, những người mua nhà lần đầu, gia đình có con nhỏ, cặp vợ chồng trẻ mới cưới dưới 40 tuổi cần mua căn nhà đầu tiên sẽ được ưu tiên hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách chính phủ.
Các nhóm thu nhập thấp và người cao tuổi sẽ được nhận mức tiền hỗ trợ cao hơn. Ngoài ra còn rất nhiều chương trình hỗ trợ được thiết kế có mục tiêu và thiết thực khác trong gói AP - như voucher GST, hoàn tiền dịch vụ U-Save, tiết kiệm y tế MediSave, trợ cấp giáo dục cho trẻ em...
Chuyên gia kinh tế cao cấp Barnabas Gan của Ngân hàng RHB (Malaysia) cho rằng các chính sách hỗ trợ ở Singapore đã được chỉnh hướng hiệu quả để nhắm tới các nhóm dễ tổn thương và thu nhập thấp, dù cũng có một số điểm có thể làm tốt hơn.
Cụ thể, ông Gan đưa ra ví dụ chính sách hỗ trợ người thất nghiệp cần kèm thêm điều kiện về khoảng thời gian tối thiểu làm việc toàn thời gian trước khi bị sa thải chẳng hạn.
Chú trọng sự cân bằng
Các kinh tế gia cho rằng phương pháp tiếp cận có mục tiêu như vậy là cần thiết căn cứ trên nhu cầu duy trì "ngân sách cân bằng" trong nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ.
Chính quyền hiện tại của Singapore bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2020 với mức thâm hụt ngân sách kỷ lục và mức giảm chưa từng có tiền lệ các khoản dự trữ quốc gia.
Tình trạng đó khiến cơ quan lập pháp nước này trở nên rất thận trọng với các quyết định chi tiêu công, bởi lẽ ngoài giải quyết các nhu cầu bức thiết trước mắt, chính phủ còn phải tìm kiếm giải pháp cân bằng để đáp ứng các nhu cầu dài hạn, thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước.
"Cân bằng" cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong bài phát biểu ngày 24-2 của ông Lawrence Wong trước Quốc hội khi trình bày về chương trình ngân sách 2023: cân bằng giữa tăng thêm thuế và thêm các khoản hỗ trợ; giữa các ưu tiên khác vì "ngân sách không thể chi trả mọi thứ"; và tăng thuế doanh nghiệp song vẫn phải duy trì năng lực cạnh tranh.
Ông Wong giải thích về cách Bộ Tài chính Singapore dự kiến cân bằng thu chi ngân sách, đồng thời giải đáp chất vấn của các nghị sĩ trong đề nghị có thêm những hỗ trợ chi phí sinh hoạt hay các hình thức giúp đỡ khác cho các nhóm dân cư hoặc một số khu vực cụ thể.
"Vậy nên trong ngân sách lần này, chúng tôi tăng thêm các kế hoạch hỗ trợ việc nuôi con và liên quan các gia đình. Lần tới, chúng tôi sẽ tính tới các kế hoạch khác, để tất cả mọi người cùng có cơ hội" - ông Wong nói và khẳng định mọi người dân Singapore đều sẽ được hưởng lợi từ ngân sách.■
Hỗ trợ tiền nuôi trẻ từ lọt lòng tới lúc đi học
Nuôi dạy và chăm sóc con cái tại Singapore luôn được nhìn nhận là rất tốn kém. Vì thế, trong chương trình ngân sách 2023, chính phủ nước này không quên đề ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người lần đầu làm cha mẹ.
Đầu tiên phải kể tới việc tăng thêm phần quà bằng tiền mặt hiện có của chương trình Baby Bonus.
Cụ thể, gia đình sinh con đầu lòng hoặc thứ hai sau ngày 14-2-2023 sẽ được nhận món quà 11.000 SGD (tăng thêm 3.000 SGD so với trước), sinh từ con thứ ba trở đi sẽ được nhận 13.000 SGD (cũng tăng thêm 3.000 SGD so với trước).
Các khoản tiền sẽ được chi trong thời gian dài hơn, tới khi trẻ 6,5 tuổi, thay vì chia làm 5 phần trả trong 18 tháng đầu tiên như hiện nay.
Như vậy, với các bậc cha mẹ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ tiền nuôi con theo chương trình mới từ sau 14-2-2023, trong 18 tháng đầu đời của trẻ, họ sẽ nhận tới 9.000 SGD, và sau đó, từ lúc trẻ 2 tuổi cho tới năm 6,5 tuổi, cứ 6 tháng họ lại được nhận 400 SGD.
"Với cách này, cha mẹ có thể được hỗ trợ liên tục tới khi con họ vào tiểu học", Phó thủ tướng Wong giải thích.
Ngoài ra, các bà mẹ vừa làm việc vừa nuôi con sẽ được hưởng một khoản miễn trừ thuế cố định theo một chính sách của chính phủ nhằm "giữ chân" họ ở lại với công việc sau khi sinh con.
D. KIM THOA - Theo Tuổi Trẻ