Trong tuần thường có 1-2 ngày tôi sẽ mua một phần ăn nhanh từ siêu thị (gồm sandwich, nước uống và món ăn vặt) để ăn trưa nhằm tiết kiệm thời gian.
Bữa ăn này vào đầu năm 2022 chỉ khoảng 3,8 đồng bảng Anh, nay thì đã lên thành khoảng 4,5 đồng, mức tăng tương đương 18,4%. Tỉ lệ tăng này cao hơn một chút so với con số thống kê cho thấy giá thực phẩm nói chung tăng khoảng 17,1% vào tháng 2-2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh: AFP
Mức lạm phát chung của Anh thì thấp hơn mức tăng giá thực phẩm, vẫn đang duy trì xung quanh mốc 10,5% theo thống kê đầu tháng 1 năm nay, vì bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống. Tuy nhiên, lạm phát giảm chỉ có ý nghĩa là mức tăng của giá cả chậm lại, chứ giá cả vẫn tăng.
Ví dụ, lạm phát giảm từ 10% cuối 2022 xuống 5% cuối 2023 nghĩa là giá cả trong năm 2023 sẽ tăng 5% so với năm ngoái, chứ không phải là giảm đi 5%. Nói cách khác, lạm phát giảm nhưng vẫn dương thì có nghĩa giá cả tăng chậm lại chứ không phải là giá cả giảm.
Lãi suất vẫn tăng
Giá cả còn tăng thì các ngân hàng trung ương vẫn chưa thể yên tâm. Lấy ví dụ, ở Mỹ, một trong những thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ liên bang (FED) đặc biệt quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - PCE.
Chỉ số này đã tăng nhẹ từ 5,3% tháng 12-2022 lên 5,4% trong tháng 1-2023. Nếu loại bỏ chi phí lương thực và năng lượng, mức tăng này là 0,6% so với 0,2% của tháng 12.
Tuy không tăng quá mạnh nhưng đây là tín hiệu cho thấy lạm phát sẽ khá "lì lợm", đi xuống chậm trong mấy tháng tới.
Đồng thời, nó khiến cho quan điểm lạm phát sẽ giảm đều đặn và nhanh từ tháng 1-2023 là sai. Những người nghĩ rằng lạm phát sẽ giảm nhanh và do đó FED sẽ giảm lãi suất trong năm nay thì rõ ràng là quá lạc quan.
Mặc dù đa số các dự báo đều cho rằng lạm phát sẽ giảm nhanh hơn từ giữa năm, do tác động của đặc tính thống kê (so sánh giá cả 2023 với giai đoạn giá cả bắt đầu tăng chậm lại sau tháng 6-2022), con số lạm phát sẽ không dễ gì đạt mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Lấy ví dụ, mục tiêu kéo lạm phát về 2% của FED sẽ rất khó đạt được trong năm nay.
Lạm phát còn cao thì FED sẽ còn phải gánh sức ép tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Sau những số liệu lạm phát vừa công bố, cộng thêm việc số liệu thị trường lao động đột ngột tăng mạnh hơn 510.000 việc làm trong tháng 1 khiến nhiều nhà phân tích dự đoán FED sẽ phải tăng lãi suất lên hơn mức mục tiêu 5,1% được đưa ra trong cuộc họp tháng 12-2022.
Hiện tại nhiều nhà phân tích dự đoán mức lãi suất mục tiêu mới là 5,6%, nhưng một số còn dự đoán mức 6%.
Tóm lại, tình hình chung hiện nay là lạm phát còn cao, giá cả còn tăng thì lãi suất chính sách sẽ còn tăng. Đây là vấn đề không chỉ của Mỹ mà với châu Âu, Nhật Bản đều như vậy.
Ngân hàng Trung ương Nhật đang đứng trước sức ép phải từ bỏ chính sách duy trì lãi suất thấp trong nhiều năm qua, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm.
Chưa thấy tín hiệu suy thoái hay khủng hoảng
Với dự đoán rằng lãi suất chính sách ở Mỹ tăng, lãi suất khắp nơi trên thế giới đều đang có xu hướng bị kéo lên theo.
Lấy ví dụ, trong tuần lễ giao dịch kết thúc ngày 23-2, lãi suất cho vay mua nhà với lãi suất cố định ở Mỹ đã tăng lên 6,5% cho kỳ hạn 30 năm. Một năm trước, lãi suất này chỉ là 3,9%, nghĩa là người vay mua nhà vào cuối tháng 2 năm nay phải trả lãi vay cao hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hệ quả tất yếu là thị trường bất động sản Mỹ khó mà sôi động được. Đó cũng là tình hình chung của nhiều thị trường bất động sản khác trên thế giới.
Mặc dù mức giảm giá không quá lớn ở đa số thị trường, và tới giờ không có tình trạng giá bất động sản sụp đổ diễn ra diện rộng như 2007, sự trầm lắng của thị trường nhà đất và sức ép về mức lãi vay phải trả tăng lên nhanh có thể sẽ tạo ra những hệ lụy lên nhiều nền kinh tế trong những tháng tới.
Lãi suất cao, doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ gặp khó khăn do chi phí lãi vay tăng lên. Hậu quả dễ thấy là nhiều công ty phải hủy các dự án kinh doanh mới và cắt giảm việc làm, và người tiêu dùng phải giảm chi tiêu. Tuy nhiên, mức độ khó khăn thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi một số nhà kinh tế cho rằng FED có thể sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái với giải pháp chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất (kịch bản "hạ cánh cứng" - "hard landing"), một số khác lại đưa ra quan điểm kinh tế Mỹ sẽ "không cần phải hạ cánh gì cả" ("no landing").
Quả thật, số liệu thất nghiệp thấp kỷ lục, việc làm mới tăng mạnh ngoài dự đoán, và dự báo GDP ngắn hạn của FED đều chưa cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh", dù cứng hay mềm.
Ngay cả nền kinh tế mà ai cũng chắc mẩm là sẽ rơi vào suy thoái năm nay là Anh cũng đã được nâng triển vọng dự báo và JP Morgan là ngân hàng đầu tiên cho rằng Anh sẽ không rơi vào suy thoái năm 2023 này, trái hẳn nhiều dự đoán u ám chỉ vài tháng trước.
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn còn cao, lãi suất vẫn đang tăng, kinh doanh khó khăn hơn nhưng chưa có dấu hiệu suy thoái hay khủng hoảng. Việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc cũng góp phần tạo ra một ẩn số mới về các hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực.
Nói cách khác, lãi suất còn tăng thì kinh tế còn khó khăn. Nhưng giữa khó khăn tới suy thoái hay khủng hoảng còn là một khoảng cách khá xa. Và vấn đề của mỗi nền kinh tế mỗi khác.
Trong khi với một số nước, thị trường bất động sản ở thế cực kỳ khó khăn, với một số nước khác chỉ là suy giảm nhẹ. Và ngân hàng một số nước bắt đầu bộc lộ bất ổn, trong khi ở một số nước khác, nhà băng vẫn báo cáo lợi nhuận cao kỷ lục (nhờ lãi suất cho vay tăng mạnh, trong khi lãi suất tiết kiệm chỉ nhích nhẹ).
Câu chuyện sống chung với lạm phát hai con số ở nước Anh nơi tôi sống là một ví dụ.
Mặc dù người ta có cảm giác lạm phát hai con số, thực phẩm tăng giá 17% là cái gì đó rất khó khăn, hay nhiều người đang tưởng tượng người Anh đang lạnh cóng trong những căn nhà không đủ ga để sưởi ấm, trên thực tế mọi thứ vẫn đang diễn ra tương đối bình thường.
Quả thật nhiều người nghèo khó khăn hơn, nhưng cũng nhiều người được tăng lương mạnh để bù đắp lạm phát. Cuộc sống vẫn diễn tiến.
Giá nhà từng được dự đoán giảm mạnh 15 - 20% thì nay được điều chỉnh dự đoán chỉ giảm 8% trong 2023 (thực tế thì vẫn đang tăng 1,1% so với tháng 1-2022).
Không ai có thể phủ nhận kinh tế Anh đang gặp khó khăn, và biểu tình diễn ra khắp nơi vì chi phí sống tăng cao, nhưng mà không có dấu hiệu gì của một đợt suy thoái kinh tế tồi tệ như dự đoán. Thật ra, nhiều cuộc biểu tình là người ta chỉ kéo nhau ra đứng uống cà phê, cười nói rồi đi về!
Kinh tế có đình trệ, có xấu, nhưng mô tả nó như sụp đổ đến nơi thì cũng sai. Đôi lúc những tường thuật về kinh tế bị chi phối nhiều bởi cảm xúc và một vài câu chuyện cá biệt hơn là những phân tích số liệu thấu đáo và quan sát tường tận.
Ở thời điểm này, còn rất nhiều bất định phía trước, nhưng vội vã dự đoán kinh tế sẽ suy thoái hay kinh tế vẫn bay chứ chẳng hạ cánh thì là quá sớm. Có khi nó sẽ ở đâu đó giữa hai trạng thái đó thì sao?■
Giá thực phẩm ở Anh đã tăng 17,1% trong giai đoạn 4 tuần tính tới 19-2 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với hóa đơn thực phẩm cả năm tăng thêm 811 bảng (980 USD) với một hộ gia đình Anh, theo đài Mỹ CNN.
Số liệu được công bố chỉ vài ngày sau khi cả nước Anh trải qua đợt thiếu hụt trái cây và rau củ khiến năm trong sáu chuỗi siêu thị lớn nhất phải ấn định các hạn chế mua hàng.
Ali Capper, chủ tịch Hiệp hội Táo và Lê Anh quốc, đại diện cho 150 hãng trồng các loại trái cây này, nói với CNN rằng chi phí nhiên liệu và lao động tăng mạnh vào năm ngoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên lợi nhuận của họ.
"Yếu tố kết liễu chúng tôi chính là lạm phát", Capper nói. Giá nhiên liệu tăng đã khiến giá đầu vào tăng với mọi nông dân, chi phí sản xuất táo ở Anh được ước tính đã tăng thêm 23% từ mùa thu năm 2021 tới mùa thu 2022.
Nông dân trồng táo ở Anh thường mua ít nhất một triệu cây táo giống mỗi năm vào mùa đông để trồng, nhưng do lo lắng về mức lợi nhuận, mùa này họ đã chỉ mua 500.000 cây, theo Capper.
HỒ QUỐC TUẤN - Theo Tuổi Trẻ