Nguồn: James Palmer, “China’s Overrated Technocrats”, Foreign Policy, 04/07/2019. Biên dịch: Phan Nguyên
Bắc Kinh nổi tiếng với việc đưa các kỹ sư và nhà khoa học lên làm lãnh đạo. Nhưng điều đó không tạo ra các nhà lãnh đạo tốt hơn.
Nhiều nghị viện phương Tây có số đông thành viên là những người có bằng luật, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại thường được đào tạo làm kỹ sư và nhà khoa học, hay các ngành tương tự. Những người ủng hộ phương pháp được cho là đặc trưng này của Trung Quốc, chẳng hạn như doanh nhân Elon Musk, cho rằng nó tạo ra các nhà lãnh đạo biết áp dụng một cách tiếp cận thực dụng và thiên về kỹ thuật để giải quyết các vấn đề. Và theo lý thuyết trên, các khoa học-chính trị gia này có nhiều khả năng sẽ cai trị hiệu quả, một phần vì họ không chịu gánh nặng ý thức hệ.
Nhưng những người ủng hộ cách tiếp cận được cho là kỹ trị của Trung Quốc không chỉ sai về lý lịch của giới lãnh đạo hiện tại của Bắc Kinh. Họ còn bị nhầm lẫn cơ bản về cách nền tảng đào tạo, học vấn hình thành chính sách. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, đã được định hình chủ yếu không phải bởi nền tảng giáo dục của họ và phần lớn là bởi nhu cầu củng cố quyền kiểm soát và giành ưu thế trong các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đúng là một thế hệ các nhà lãnh đạo có gốc kỹ sư đã từng thống trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng giờ đây họ đã nghỉ hưu, đã chết hoặc đang ngồi tù. Dàn lãnh đạo hiện nay đang đặc biệt thiếu các kỹ sư; ông Tập là thành viên duy nhất của Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy người có bằng kỹ sư hoặc khoa học tự nhiên. Điều đó phù hợp với xu hướng chung: Trong số các quan chức cấp cao sinh trước năm 1948, tức nhóm chiếm đa số trong dàn lãnh đạo trước thế hệ hiện tại, có khoảng một phần ba là có bằng kỹ sư. Nhưng đối với những người sinh sau năm 1948, bao gồm cả những người được gọi là “thế hệ lãnh đạo thứ năm”, thì cứ 7 người mới có 1 người được đào tạo làm kỹ sư. Tỷ lệ này tiếp tục giảm; những người có gốc luật hoặc kinh tế đã trở nên phổ biến hơn nhiều.
Chuyên ngành học vấn ít quan trọng hơn hầu hết những gì các nhà quan sát nghĩ. Trung Quốc không giống như phương Tây, nơi có bằng giỏi về luật hoặc kinh tế thường dẫn đến một sự nghiệp thành công, qua đó mở đường cho họ bước vào chính trị, chẳng hạn như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton từng dạy luật, hoặc Thị trưởng London Sadiq Khan từng làm trong lĩnh vực nhân quyền. Đối với một số quan chức Trung Quốc, việc đi học của họ thường là vội vàng cho có, và rất hiếm khi được chuyển thành kinh nghiệm làm việc thực tế. Như giáo sư Đại học Carnegie Mellon Vivek Wadhwa và những người khác đã chứng minh, chất lượng giáo dục các ngành kỹ thuật ở Trung Quốc, đặc biệt là trước năm 2010, thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế rất nhiều. Nhiều bằng kỹ sư sẽ hầu như không đủ tiêu chuẩn để so sánh với các chứng chỉ kỹ thuật tại Hoa Kỳ.
Mặc dù ông Tập tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư hóa tại Đại học Thanh Hoa năm 1979, nhưng chương trình học tập của ông chứa một lượng lớn các khóa học về chủ nghĩa Mác hơn là các khóa học về kỹ thuật, như thường thấy ở giai đoạn cuối Cách mạng Văn hóa. Và ông Tập không bao giờ làm việc như một kỹ sư. Là con trai của Tập Trọng Huân, một trong những người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, công việc đầu tiên của ông khi ra trường là làm thư ký riêng cho một quan chức chính phủ cấp cao, là bạn của cha của ông, Cảnh Biểu (Geng Biao). Giống như nhiều người được gọi là “thái tử Đảng” khác, Tập nhanh chóng được thăng tiến trên nấc thang quyền lực, và sự nghiệp của ông ta hoàn toàn nằm trong ngạch công chức.
Một quỹ đạo tương tự cũng được áp dụng với bốn thành viên khác của thường vụ Bộ Chính trị, mỗi người trong số họ đều làm công chức hoặc lãnh đạo đảng ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học ngành chính trị hoặc kinh tế. Hai trường hợp ngoại lệ là Lý Khắc Cường (Li Keqiang), một nhà kinh tế học nổi tiếng và về mặt lý thuyết là nhân vật thứ hai của Trung Quốc, và chiến lược gia về tư tưởng và giáo sư luật học Vương Hỗ Ninh (Wang Huning).
Ý tưởng cho rằng Trung Quốc được cai trị bởi một tầng lớp quan lại có học thức gợi lại thời kỳ vinh quang hồi thế kỷ 18 của Trung Quốc dưới triều nhà Thanh. Những điểm ưu việt của hệ thống thi cử, được cho là giúp đề bạt những người giỏi giang và có học, đã được ủng hộ bởi những nhân vật như Voltaire vốn đang tìm kiếm một phương thức để đánh bại xã hội của chính mình. Trong khi mô hình khoa bảng chắc chắn có giá trị của nó, phần lớn việc bổ nhiệm vào các vị trí quan lại thời đó, như các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, là kết quả của ô dù quan hệ hoặc nạn hối lộ.
Việc những người bên ngoài cứ khăng khăng coi nền kỹ trị dựa trên năng lực và phi chính trị trong giới lãnh đạo Trung Quốc, dựa trên các bằng cấp họ có từ mấy thập niên trước, tiết lộ về những tưởng tượng của phương Tây về Trung Quốc nhiều hơn là về chính nền chính trị ở Bắc Kinh. Trên thực tế, cuộc đấu tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản rất khốc liệt và dữ dội, như số vụ tự tử và các bản án chung thân được tuyên trong cuộc thanh trừng của Tập cũng như tình trạng tham nhũng tràn lan của các nhân vật như nhà lãnh đạo ngã ngựa Bạc Hi Lai (Bo Xilai) đã cho thấy. Và đó mới chỉ là một phần nhỏ mà người ngoài có thể nhìn thấy: Chỉ cần mở cửa sổ ra thêm chút nữa thôi máu cũng đã chảy tràn ra.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn làm mọi thứ có thể để thúc đẩy bộ mặt chế độ nhân tài. Trên giấy tờ, họ vẫn là một nhóm có trình độ học vấn cao: Tập có bằng tiến sĩ luật từ Đại học Thanh Hoa năm 2002, trong khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), kiến trúc sư của chương trình trại cải tạo Tân Cương, nhận bằng tiến sĩ quản lý từ Đại học Công nghệ Vũ Hán năm 2004. Nhưng bằng cấp cao lại ít gây ấn tượng trong thực tế. Ngoài Lý và Vương, các nhà lãnh đạo hàng đầu đều chủ yếu có được bằng cấp thông qua các khóa học tại chức vì các quan chức đều làm việc toàn thời gian, gần như không thể đủ thời gian để học hành đàng hoàng, điều đặt ra câu hỏi là ai đã thực sự giúp họ làm công việc học hành.
Trong những trường hợp hiếm hoi khi các phóng viên có thể tận mắt được đọc luận văn của các nhà lãnh đạo, họ đã phát hiện tình trạng đạo văn tràn lan. Trong một số trường hợp, việc viết các luận văn này đã được gửi gắm cho các sinh viên tại các trường đại học hàng đầu Bắc Kinh với một khoản phí. Có vẻ kỳ lạ là những bằng cấp này là “giả” chứ không phải được trao dưới dạng bằng danh dự, nhưng có một động lực ý thức hệ đằng sau sự giả vờ tin rằng các lãnh đạo Trung Quốc là các học giả đàng hoàng. Quan niệm cho rằng khoa học có vai trò quan trọng có sức nặng đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc, một phần nhờ vào niềm tin của những nhà canh tân đầu thế kỷ 20 cho rằng khoa học là lối thoát cho sự lạc hậu của đất nước. Trở nên khoa học (kexue) trong những năm 1920 chính là trở nên hiện đại, tiên tiến và chính xác.
Địa vị của khoa học (tự nhiên) ngày càng được nâng cao với việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chủ nghĩa cộng sản khoa học – niềm tin rằng chủ nghĩa Mác là một môn học chính xác và khách quan như toán học – là một trong những nền tảng của hệ tư tưởng đảng.
Mặc dù thế hệ lãnh đạo trước Tập có kinh nghiệm kỹ thuật thực tế hơn nhiều và thường làm các công việc trong vai trò kỹ sư trước khi trở thành quan chức, nhưng những bằng cấp đó không đảm bảo một sự lãnh đạo liêm chính, kỹ trị như người phương Tây vẫn nghĩ. Chu Vĩnh Khang, một trong những nạn nhân cao cấp nhất trong cuộc thanh trừng của Tập, không chỉ làm việc như một nhà địa chất mà vẫn giữ một chân trong lĩnh vực này trong suốt thời gian ông làm quan chức, vẫn lãnh đạo các đoàn nghiên cứu thực địa vào cuối những năm 1990. Nhưng thay vì là một nhà kỹ trị trung lập, ông lại là một trong những nhà lãnh đạo tư tưởng quyết liệt nhất những năm 2000 và đầu những năm 2010, thắt chặt sự kiểm soát xã hội thông qua vai trò như là một ông trùm an ninh nội địa, đồng thời sử dụng quyền lực để tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ và vài chục tình nhân.
Ngay cả đối với những thành viên thật thà hơn trong ban lãnh đạo Trung Quốc, một nền tảng kỹ thuật cũng không nhất thiết phải đi kèm sự thực dụng. Như các nhà xã hội học Diego Gambetta và Steffen Hertog đã lập luận trong nghiên cứu của họ về lý lịch của những kẻ đánh bom tự sát, các kỹ sư lớn lên với một ý thức hệ mạnh mẽ, cho dù đó là chủ nghĩa Hồi giáo hay chủ nghĩa cộng sản, có thể nằm trong số những nhà tư tưởng cứng nhắc nhất. Nền tảng kỹ thuật là “hấp dẫn hơn đối với các cá nhân tìm kiếm sự khẳng định kiến thức và các câu trả lời rõ ràng, khác với các ngành khoa học theo hướng mở hơn”, Gambetta và Hertog viết. Và nền tảng đào tạo đó dường như khuyến khích ý tưởng về một “hộp công cụ” có thể áp dụng cho bất kỳ vấn đề nào, chẳng hạn như việc áp dụng các ý tưởng Mác xít vào xã hội, tạo ra sự tàn bạo cứng nhắc thời kỳ Mao-ít, và nghiền nát những người bất đồng chính kiến dưới thời của Tập những năm 2010.
Thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng tin tưởng vào khả năng ứng dụng rộng rãi của kỹ thuật; các dự án xây đập và đường sắt khổng lồ của Bắc Kinh minh chứng cho điều này theo nghĩa đen. Nhưng giới lãnh đạo cũng là những “kỹ sư xã hội”, kết hợp sự sợ hãi với tuyên truyền nhằm thắt chặt kiểm soát xã hội.
Di sản thực sự của sự sùng bái khoa học của Trung Quốc chính là Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall), một dự án kỹ thuật khổng lồ nhằm ngăn chặn truy cập internet tự do và được thiết kế để siết chặt kiểm soát xã hội và chính trị đối với công chúng. Nếu Tập là một kỹ sư, ông ta chính là dạng kỹ sư mà Joseph Stalin từng khuyên các nhà thơ nên làm: “kỹ sư tâm hồn”.
James Palmer là biên tập viên cao cấp của tạp chí Foreign Policy.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế