Sự sụp đổ của SVB và First Republic Bank - hai ngân hàng Mỹ có quy mô tổng tài sản trên 200 tỷ USD - không phải do thua lỗ. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với trường hợp của Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 05/5, Chính phủ họp phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế, xã hội trong 4 tháng đầu năm và những giải pháp trong thời gian tới.
Tín dụng tăng chậm, 6 tỷ USD "chảy" về Ngân hàng Nhà nước
Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi không chắc chắn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái kinh tế, rủi ro ngân hàng khiến các NHTW chậm lại đà tăng lãi suất, chỉ số USD hạ nhiệt,…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, toàn diện các mặt hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Nhìn từ góc độ hoạt động ngành, Thống đốc nêu rõ: NHNN đã theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Dương Giang)
Về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, tăng trưởng tín dụng tính đến 25/4 đạt 2,75%. Theo đánh giá của Thống đốc, tín dụng tăng chậm trong bối cảnh đầu năm không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn thấp.
Đề cập nguyên nhân của tình trạng trên, theo Thống đốc đó là do các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi Covid-19 nên không đủ điều kiện vay vốn; Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%).
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án. Hiện, Bộ xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, điều kiện để xác định dự án.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành trên cơ sở kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ với điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm. Kết quả cho thấy về cơ bản, tỷ giá được ổn định, NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay.
Cũng theo Thống đốc, các nhiệm vụ khác được NHNN tiếp tục triển khai như: Thực hiện các công việc liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật TCTD; Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính (vừa qua NHNN đứng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số PAR index, đây là năm thứ 7 NHNN đứng đầu trong Bảng xếp hạng).
Ngoài ra, NHNN cũng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai Đề án 06. Vừa qua, Bộ Công An và NHNN đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều công việc quan trọng, tiến hành ký kết Kế hoạch triển khai Đề án này trong thời gian tới, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
Sự sụp đổ của ngân hàng 200 tỷ USD, Thống đốc lo tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng
Cũng tại phiên họp, Thống đốc đã nêu ra 2 kiến nghị.
Thứ nhất, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cần có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục thuộc rất lớn vào xuất khẩu (cầu nước ngoài, tỷ lệ xuất khẩu/GDP gần 100%), do đó trong điều kiện các nước vẫn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, theo Thống đốc khả năng cải thiện cầu nước ngoài "không thể nhanh được".
Số liệu cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, loại trừ giá tăng 8,3% trong khi 4 tháng năm 2022 chỉ tăng 3,9% (khách quốc tế đến Việt Nam tăng 19,2 lần cùng kỳ năm ngoái). Đây là yếu tố giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian qua và cần được quan tâm khai thác cầu nội địa.
Hai là, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
"Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam. Khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền", Thống đốc phân tích.
Dẫn ý kiến đánh giá của một số nhà phân tích, Thống đốc cho hay sự sụp đổ của SVB và First Republic Bank - hai ngân hàng Mỹ có quy mô tổng tài sản trên 200 tỷ USD - không phải do thua lỗ. Hai ngân hàng này đã có lãi ít nhất trong 53 quý liên tục kể từ năm 2010 đến nay, với nợ xấu thấp dưới 0,2%, giá trị trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chính là các ngân hàng này đầu tư vào các tài sản kỳ hạn dài, dễ mất giá trong môi trường lãi suất tăng. Từ đó, tư lệnh ngành ngân hàng lo ngại nếu tăng trưởng của Việt Nam dựa quá nhiều vào tín dụng.
"Bởi vậy, đối với trường hợp của Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn, thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần thúc đẩy đầu tư công và các nguồn vốn khác để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.
H.Anh - Theo Dân Việt, Thứ sáu, ngày 05/05/2023