Một người chở hàng đi bỏ mối ở quận 11, TP.HCM trở thành một trong những “đại gia” Việt Nam đầu tiên, sau đó là tù tội và án tử hình… Người đó chính là Tăng Minh Phụng, nổi tiếng một thời ai cũng biết không chỉ là giới kinh doanh. Tài sản Tăng Minh Phụng luôn mang theo mình là những bài báo cắt dán nói về tỉ phú Lý Gia Thành - ông vua bất động sản gốc Trung Quốc, đó cũng là hướng rẽ quyết định số phận kỳ lạ của con người này…
Tay trắng làm nên
Lúc đó, về quận 11, hỏi Bảy Khùng, ai cũng biết, một chàng trai dễ mến, siêng năng, ham học hỏi nhưng luôn nói chuyện khởi nghiệp làm giàu, một vấn đề quá xa lạ trong lúc giá một chiếc xe máy là cả một gia tài và xe đạp còn là niềm mơ ước của nhiều người.
Bảy Khùng hay Tăng Minh Phụng hay Bảy Phụng đều là một. Anh luôn có mặt trên các con đường Lạc Long Quân, Bình Thới, 3 tháng 2… để đi bỏ mối hàng tự sản xuất và thường xuyên bị cô cảnh sát giao thông xinh đẹp Tr.Th.Th thổi phạt. Thổi riết rồi hai người thành vợ chồng.
|
Một buổi họp công ty của ông Tăng Minh Phụng.
|
Do chí thú làm ăn và được bạn bè giúp đỡ, Bảy Phụng khởi nghiệp với tổ hợp may nhỏ lẻ, rồi nhanh chóng phát triển thành chuỗi phân xưởng lớn nhất thành phố.
Quãng thời gian 1993-1996, người ta có thể thấy Công ty Minh Phụng nổi lên như là một “tập đoàn” kinh tế năng động, đầy thế lực, khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Khó có thể hình dung đây là cơ sở tư nhân khi tham quan các phân xưởng mang tên Minh Phụng - chủ yếu sản xuất, gia công hàng may mặc, giày dép xuất khẩu. Tính đến trước khi xảy ra vụ án, Minh Phụng có tới 15 phân xưởng sản xuất, gồm 10 phân xưởng may mặc, một phân xưởng nhựa, một phân xưởng dệt gòn, một phân xưởng bao bì PP, một phân xưởng thiết kế mỹ thuật cho hàng hóa ngành may và một phân xưởng thiết kế vi tính. Quy mô sản xuất thời điểm cao nhất có trên 9.000 lao động.
Thời gian đó, nhiều giám đốc doanh nghiệp bị khởi tố vì tham nhũng mà khởi đầu là các hành vi ăn chơi trác táng, “thuê bao” người tình là diễn viên, đánh bạc ăn thua bằng xe ôtô, dùng tay gấu như thức ăn bổ dưỡng. Nhưng Tăng Minh Phụng vẫn trung thành với lối sống khắc khổ, luôn có mặt ở phân xưởng, buổi trưa luôn là ổ bánh mì, chai nước suối và ba tờ báo.
|
Tăng Minh Phụng.
|
Giấc mơ bất động sản
Dù đang rất thành công với những đơn hàng may gia công nhưng Công ty Minh Phụng đã chuyển sang đầu tư rất lớn vào bất động sản - một lĩnh vực đầy phiêu lưu, chưa doanh nghiệp nào có kinh nghiệm.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp khác, Minh Phụng mong muốn nhanh chóng chớp thời cơ, tích lũy được càng nhiều đất càng tốt, chờ cơ hội sẽ bán ra với giá cao hơn. Ngay từ đầu, Minh Phụng đã xác định đầu tư trên quy mô lớn, nhất quyết không làm ăn “cò con”, sự tăng trưởng quá nóng vô hình trung đã biến Minh Phụng trở thành một công ty bán sỉ về địa ốc, nhà, đất “thiên la địa võng”.
Minh Phụng nhảy vào kinh doanh bất động sản từ năm 1992, cho dù khi đó, hoạt động kinh doanh địa ốc của Minh Phụng bị coi là hoàn toàn bất hợp pháp, vì doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh bất động sản.
Tính về mức độ tăng trưởng, khó có doanh nghiệp nào có thể so sánh được với Minh Phụng. Đến đầu năm 1997, ngoài các nhà xưởng sản xuất về ngành may mặc, giày dép, các dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh có tới hàng ngàn bộ máy may, tổng danh mục bất động sản của Minh Phụng có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại; hệ thống nhà xưởng tập trung, kho hàng tại các khu công nghiệp có 78 đơn vị với diện tích trên 1,2 triệu m2; đất chuyên dùng trên 2,6 triệu m2. Các tài sản trên phân bố khắp địa bàn TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng… Minh Phụng khi đó thực sự là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực địa ốc.
Nhưng số tài sản khổng lồ này có được không phải nhờ sự thành công của chiến lược kinh doanh hay tiềm lực tự thân của doanh nghiệp mà hoàn toàn từ vốn vay ngân hàng. Thực chất, toàn bộ khối tài sản đồ sộ đứng tên Minh Phụng ngay khi ra đời thì giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, đều lập tức được giao cho các ngân hàng cho vay vốn để Minh Phụng tạo dựng tài sản.
Do tăng trưởng quá nóng, đến giai đoạn 1993-1996, Minh Phụng đã ở vào thế “cưỡi trên lưng cọp”. Minh Phụng vô cùng khó khăn khi phải duy trì, phát triển khối tài sản khổng lồ trên, khi vốn đầu tư cho kinh doanh địa ốc càng nhiều, nợ vay ngân hàng chồng chất, khả năng sinh lời từ tài sản không thể có được trong thời gian ngắn. Không còn cách nào khác, Tăng Minh Phụng phải lừa các ngân hàng để có vốn tiếp tục đầu tư vào đất đai.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó, một doanh nghiệp chỉ được vay không quá 10% vốn tự có, vì thế Minh Phụng đã thành lập hàng loạt công ty con, câu kết với các quan chức ngân hàng sử dụng trên 40 pháp nhân để vay vốn. Tính đến khi xảy ra vụ án, Minh Phụng đã thực hiện trên 600 hợp đồng tín dụng với 7 ngân hàng, với tổng dư nợ hàng ngàn tỉ đồng và hàng chục triệu USD.
Ông L.Q.L - Chi cục trưởng QLTT TP.HCM, người đặt nghi vấn về nguồn vốn, hiệu quả kinh doanh và sự rủi ro trong đầu tư bất động sản từ nguồn vốn ngân hàng của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Cty Minh Phụng - nói: “Tay Minh Phụng này thật khó hiểu, chưa thấy ai mê bất động sản như chả…”.
Mê thì mê, nhưng gần đây nhìn lại, nhiều chuyên gia mới thấy tầm nhìn xa của Tăng Minh Phụng về tương lai của ngành bất động sản. Còn lúc đó, Minh Phụng chỉ mong bán được nhà đất để trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Người tính không bằng trời tính, cùng với sự hạ nhiệt quá nhanh của thị trường bất động sản, sự siết lại trong cho vay, bảo lãnh tín dụng, cùng với sự điều chỉnh chính sách đất đai…, Công ty Minh Phụng rơi vào thế nguy khi không còn đủ sức trả lãi ngân hàng…
Ngày 24.3.1997, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Tăng Minh Phụng và nhiều người khác. Khám xét nhà Tăng Minh Phụng, cơ quan điều tra không tìm thấy tài sản riêng gì có giá trị. Tăng Minh Phụng nói rằng, toàn bộ tiền tự có, tiền vay đều tập trung vào Công ty Minh Phụng.
Có lần, gặp trên đường đi hỏi cung và lần khác trong phiên tòa, Minh Phụng hỏi tôi: “Nghe nói giá đất đang lên phải không bạn?”. Hỏi bạn bè mới biết, gặp ai Tăng Minh Phụng cũng hỏi câu đó. Thật ám ảnh!
Sai phạm của Công ty Minh Phụng, tòa đã xử, án đã tuyên và Tăng Minh Phụng đã bị thi hành án tử hình nên chúng tôi không nhắc lại mà chỉ muốn nói rằng, liệu giấc mơ bất động sản của Tăng Minh Phụng có hoang đường hay không?
Đó là vấn đề đến nay vẫn còn gây tranh cãi
Thực tế, khi xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy, các danh mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, kho hàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40-50 năm, chỉ tính riêng tiền khai thác có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỉ đồng.
Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP.HCM, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá tòa án định khi xét xử. Riêng đối với các lô đất mà Tăng Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc quận 2), theo quy hoạch của TP.HCM, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn...
Nhiều chuyên gia nói rằng, Tăng Minh Phụng đã có những bước đi quá sớm, quá nóng vội, nằm ngoài quy luật thị trường và có những hạn chế về nhận thức kinh tế, pháp luật nên mới nhận lấy kết quả thê thảm như vậy.
Về phía con người, dù đã nằm xuống (ông mất năm 2003) nhưng Tăng Minh Phụng vẫn giữ được tình cảm của những người quen biết với sự trung thành, nhiệt tình, không gây nguy hại.
Giấc mơ hoang đường về bất động sản của Tăng Minh Phụng đã tan thành mây khói nhưng bất động sản luôn là lĩnh vực đầy hấp dẫn, phiêu lưu… có thể đưa doanh nghiệp lên đỉnh vinh quang hoặc rơi xuống tận bùn đen với những diễn biến luôn bất ngờ của nó.
Theo Lao Động