TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thách thức dầu khí

Nếu giá dầu không phục hồi trong tháng 3-2016, thì quí 1 năm nay sẽ là quí tệ hại đối với các doanh nghiệp của tập đoàn PVN. Ảnh TL SGT

Ngay cả những doanh nghiệp vốn dĩ không liên quan gì đến dầu khí giờ đây cũng dành chút thời gian ngó nghiêng giá dầu thô quốc tế. Trong nền kinh tế hầu hết các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ đều trực tiếp hoặc gián tiếp có quan hệ với vận tải với nguyên liệu sử dụng chủ yếu là xăng dầu. Giá xăng dầu bán lẻ trong nước lên hay xuống, cứ nhìn vào giá dầu thế giới mà đoán định.

Tháng 1-2016 là thời điểm không vui đối với tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam). Theo PetroVietnam, giá bán dầu bình quân tháng của cả tập đoàn chỉ đạt 32,4 đô la Mỹ/thùng, thấp nhất trong thập kỷ qua. Khó có thể tính đầy đủ giá thành khai thác dầu bình quân của Việt Nam bao nhiêu, tuy nhiên những mỏ có giá thành khai thác thấp nhất ước đâu đó 20 đô la Mỹ/thùng, cao thì tới 40 đô la Mỹ/thùng. Cứ với đà lao dốc chưa có dấu hiệu dừng lại của “vàng đen”, khả năng nhiều mỏ của Việt Nam sẽ phải ngưng khai thác.

Những cánh chim đầu đàn của PetroVietnam như Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí; Tổng công ty Dầu và một số doanh nghiệp dịch vụ đã báo lỗ trong tháng 1-2016. Nếu giá dầu không phục hồi trong tháng 3-2016, thì quí 1 năm nay sẽ là quí tệ hại đối với các doanh nghiệp của tập đoàn.

Mối quan ngại của giới làm ăn hiện nay không chỉ gói gọn ở giá dầu, giá nguyên liệu, mà còn ở sự yếu đi ngày càng rõ nét hơn của nền kinh tế láng giềng Trung Quốc.

Phần nộp ngân sách của PetroVietnam trong tháng đầu tiên của năm cũng xuống thấp chưa từng có, chỉ đạt 3.200 tỉ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Theo cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính, dự toán thu từ dầu thô năm nay chỉ còn 54.500 tỉ đồng, giảm mạnh so với dự toán 93.000 tỉ đồng của năm 2015. Để đảm bảo dự toán năm, số nộp ngân sách bình quân của tập đoàn phải ở mức 4.540 tỉ đồng/tháng. Lãnh đạo một công ty dầu khí tính toán giá dầu quốc tế phải ở mức 40 đô la Mỹ/thùng, thì con số nộp trên mới khả thi.

Ngân sách sẽ phải nhìn vào các mảng khác để nguồn thu không hao hụt. Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách tháng 1-2016 chỉ bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thuế thu nhập cá nhân tăng ấn tượng từ 14-20%. Điều này phù hợp với định hướng của cơ quan hành thu khi tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến tăng 7,6% từ mức 150.855 tỉ đồng năm 2015 lên 162.393 tỉ đồng năm 2016. Nên nhớ thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay áp mức 20% thay cho 22% năm trước. Nếu thuế suất giảm mà tổng số thu vẫn tăng, doanh nghiệp sẽ nộp thuế nhiều hơn, tức tổng lợi nhuận làm ra phải nhiều hơn. Đây là một thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khi sức mua trong nước chưa đạt mong muốn, cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, thủy hải sản đang ngày một khó khăn do giá nguyên liệu hàng hóa thế giới quá thấp và đồng tiền Việt được định giá cao so với các đồng tiền trong khu vực trong mối tương quan với đồng đô la Mỹ.

Mối quan ngại của giới làm ăn hiện nay không chỉ gói gọn ở giá dầu, giá nguyên   liệu, mà còn ở sự yếu đi ngày càng rõ nét hơn của nền kinh tế láng giềng Trung Quốc. Giới truyền thông quốc tế bắt đầu mổ xẻ cơ cấu dự trữ ngoại hối còn khoảng 3.000 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc, theo đó không phải tất cả bằng tiền mặt. Một phần dự trữ ngoại hối của nước này dưới dạng vàng hay trái phiếu chính phủ Mỹ hay những tài sản khác mà thanh khoản của chúng không phải lúc nào cũng cao. Ngày 11-2-2016, hãng tin CNBC còn đăng tải nhận định của những quỹ đầu tư mạo hiểm về khả năng mất mát do nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể lớn gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng tín dụng nợ dưới chuẩn của các ngân hàng Mỹ trước đây. (CNBC: China banks may lose 5 times US banks’ subprime losses in credit crisis). Bài báo dẫn chứng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã lên tới 34.500 tỉ đô la Mỹ trong vòng 10 năm từ mức 3.000 tỉ đô la Mỹ và khối nợ xấu, tất nhiên, là một con số khổng lồ.

Trong bối cảnh đó, ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan cũng đề cập đến sự mất giá của đồng nhân dân tệ với mức độ ít nhiều khác nhau như một sự tất yếu. Bất kể sự mất giá nào của đồng tệ đều ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, năm ngoái Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 49,3 tỉ đô la Mỹ, nâng mức nhập siêu của nước ta với thị trường này ước tính hơn 32 tỉ đô la Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên bội chi ngân sách, sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và tác động sự mất giá của đồng nhân dân tệ là những vấn đề được giới đầu tư cả trong và ngoài nước nhắc đến thường xuyên hơn khi phân tích các thách thức mà kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm con Khỉ này. Nhìn xa qua thách thức, tìm những điểm sáng kỳ vọng, phải nhắc chuyện các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thu được 1.517 tỉ đồng chỉ trong một tháng. Một khi Nhà nước áp dụng những hình thức đấu giá linh hoạt như thoái vốn cổ phần trọn lô, xác suất thành công trong việc bán vốn nhà nước chắc chắn sẽ cao hơn. Nếu công cuộc cải cách doanh nghiệp quốc doanh được đẩy mạnh, thu hút và giải ngân vốn FDI vẫn tăng trưởng, kiều hối tiếp tục dồi dào, thì vẫn còn đó cơ hội cho Việt Nam vượt qua những thách thức trước mặt!

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness