Hoàng Xuân Gửi đến BBC từ Sài Gòn
que ong thieu
Cuối cùng tôi đã tận mắt nhìn thấy hòn đá Dao và núi Mặt Quỷ, hai địa danh đi đôi với giai thoại lạ lùng về vị tổng thống của nền Đệ nhị Cộng hòa (miền Nam Việt Nam cũ), ông Nguyễn Văn Thiệu.
Dù vẫn nằm nguyên bao nhiêu năm nay tại quê hương ông Thiệu, nhưng có vẻ chúng nổi tiếng với người ở xa hơn là với dân địa phương.
Rất nhiều cư dân Phan Rang độ tuổi 20-30 ở ngay làng Tri Thủy thậm chí chưa hề nghe đến những cái tên này.
Giai thoại về ông Nguyễn Văn Thiệu kể rằng trong một lần đi xem phong thủy tại vùng đất nơi ông sinh ra, các thầy phong thủy nổi tiếng bấy giờ đã cho hay nhà ông Thiệu có hướng đối diện với núi Mặt Quỷ là điềm rất xấu, nhưng nhờ có đá Dao nên hòn đá này chính là vật tối quan trọng với bổn mạng của ông.
Đá Dao là một tảng đá dựng đứng trên sườn phía đông của núi Đá Chồng- một ngọn núi thấp có vô vàn tảng đá chồng chất lên nhau, mọc đơn độc giữa cánh đồng lúa xanh biếc ở làng gần thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Mặt núi hướng ra biển, địa thế tuyệt đẹp. Hòn đá mang hình lưỡi dao có mũi nhọn hướng thẳng về núi Mặt Quỷ nên mới sinh ra cái tên này. Dân gian nơi này vẫn truyền nhau câu "Đá Dao kỵ Mặt Quỷ".
Do vậy ông Thiệu đã gấp rút làm con đường quanh chân núi Đá Chồng, đồng thời xây dựng trên đỉnh núi một ngôi chùa và trên sườn núi gần đá Dao tòa Văn Thánh miếu để trấn yểm, giữ cho vận hanh thông. Đột nhiên, vào một buổi chiều năm 1974, trong khi trời quang mây tạnh, không hề có sấm chớp (nói thêm, đất Phan Rang mang khí hậu bán sa mạc, lượng mưa và lượng sấm chớp đều ít nhất cả nước), đá Dao bỗng vỡ đôi ra trong một tiếng động lớn, rồi lăn xuống chân núi. Không biết có phải ứng với điềm trời hay không, nhưng chỉ một năm sau, chính quyền ông Thiệu sụp đổ.
Sau hơn 40 năm, mảnh đá Dao vỡ ra nay vẫn còn đó nhưng đứng trên đường sẽ không thấy được do bị đá chồng che khuất. Bạn hãy theo con đường thoai thoải lên thiền viện dành cho ni, đi ra ban công phía đông nhìn xuống. Đá Dao nằm ngay đó, mũi nhọn chếch lên trời, phần chân bị che khuất trong bụi rậm. Nhìn theo hướng này sẽ thấy một ngọn núi đá xa xa có tảng đá nhô lên trên đỉnh. Đó chính là Mặt Quỷ.
Những bài báo viết về Mặt Quỷ trước giờ hầu hết đều sai lệch khi nói rằng đá Dao và Mặt Quỷ đều nằm trên một ngọn núi. Có những chi tiết sai hoàn toàn như "đá Dao lăn xuống đổ vào Mặt Quỷ khiến ba tảng đá này cũng vỡ ra", chứng tỏ người viết chưa hề đặt chân đến đây. Sự thật là Mặt Quỷ và đá Dao nằm trên hai ngọn núi nhưng cách nhau đến năm sáu cây số đường bộ và cả một mặt đầm Nại rộng lớn.
Chúng tôi trèo xuống khỏi núi Đá Chồng, theo con đường Yên Ninh (xưa gọi là đường Bình Sơn) chạy thêm khoảng 5 km về hướng cầu Tri Thủy bắc qua đầm Nại. Nơi đây như một bức tranh phong cảnh điển hình với những ngọn núi đá hoang dã nằm sát con đường nhỏ uốn lượn ven bờ đầm lăn tăn sóng, xa xa những dãy núi đậm nhạt mờ mờ như vẽ. Theo con đường quanh co đó đến làng Tân An, đến sân bóng đá tự tạo bên trái, rẽ vào con đường rẫy, nhìn bên trái, Mặt Quỷ đã hiện ra rõ ràng trong cái nắng chói chang.
Ông Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001) làm Tổng thống của Đệ nhị Cộng hòa, Nam Việt Nam
Quả không hổ danh kỳ lạ! Mặt Quỷ mang hình dạng một sinh thể dạng người với đầy đủ đầu cổ, tay chân, lưng bụng... Ở ngang bụng còn loa lóa một dải trắng giống như chiếc thắt lưng. Nó ngồi một mình gần đỉnh núi trơ trọi trong tư thế sừng sững, đĩnh đạc, oai nghiêm như vị thần núi đang phóng mắt quan sát vùng mình cai quản.
Khuôn mặt vuông vức và khá dữ, hai con mắt xếch, tay trái hơi co lại chống hông, tay phải đặt thoải mái bên người, lưng thẳng, hai chân hơi tách nhau duỗi nhẹ, mặt quay chếch về phía tay phải nhìn đăm đăm. Theo hướng Mặt Quỷ, đúng bên kia là núi Đá Chồng.
Khác với Đá Chồng mọc trơ trọi có thể đi vòng xung quanh chân núi, Mặt Quỷ nằm trong một dãy núi đá thấp và cây bụi liên tiếp. Sau nó là núi Nhỏ, núi Quít, núi Đá Keng, núi Bà Mụ, phía đông là Núi Của Đất Thánh (có tên này vì Tân An là một làng đạo Công Giáo). Chị X, một người dân sinh sống ngay dưới chân núi Mặt Quỷ kể:
"Nghe ông bà kể tại Mặt Quỷ nhìn qua nên có năm bên đó dịch bệnh chết quá chừng. Dân bên đó kéo qua đây giựt đổ Mặt Quỷ mà bao nhiêu người kéo cũng không được."
Chị X kể tiếp: "Có lần tôi cũng lên đó, thấy ngay chỗ này (chị chỉ vô cổ) đá chỉ dính vô nhau thôi mà người ta kéo mấy cũng không đổ".
Đây là nơi có căn nhà ông Thiệu xây cho cha mẹ ở Tri Thủy
Giờ xương rồng đã mọc lấp con đường mòn xưa kia dẫn từ chân núi lên đá Mặt Quỷ. Trong cái nắng lung linh như thiêu đốt của Phan Rang cuối tháng 8, vị thần núi vẫn ngồi đó chống tay quan sát, oai nghiêm và trang trọng.
Phong cảnh đầm Nại làng Tri Thủy luôn mê hoặc và gợi cho tôi những thắc mắc không dứt ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến đây, cách nay đã ba mươi năm. Nó như một mâm cỗ nhỏ xíu mà đủ đầy: chỉ trong bán kính vài cây số có cả biển, cả núi, cả đầm nước mặn và ngay cạnh là cánh đồng lúa xanh ngắt. Cậu bé Nguyễn Văn Thiệu ngày đó sáng sáng ôm tập sách bơi qua Đầm Nại đi học, chiều về dang nắng chăn bò chăn dê, và đứng trên đỉnh núi đá trập trùng phóng tầm mắt ra xa. Cậu đã nghĩ gì?
Tại làng Tri Thủy, ngôi nhà ông Thiệu xây cho ba mẹ ông vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Vẫn từ Phan Rang qua cầu Tri Thủy, rẽ vào hẻm đầu tiên bên trái, đến ngã ba đầu tiên lại rẽ phải, ngôi nhà có rất nhiều cây cảnh và hòn non bộ màu tường vôi vàng hàng rào bên trái chính là nó.
Sau 1975, ngôi nhà được chính quyền địa phương sử dụng cho rất nhiều mục đích: nó từng là trụ sở phòng văn hóa thông tin huyện, là trường mẫu giáo, là nhà kho của hợp tác xã (cất giống má, phân bón... đồ đó - một người dân địa phương kể - "đồ" có nghĩa là vân vân). Người ở hiện tại và lâu nhất là gia đình chị Lê Thị Lê, năm nay 53 tuổi. Mẹ chị Lê là bà Trương Thị Thìn, được cấp ngôi nhà này do có công với cách mạng. Sau khi bà mất, chị Lê và chồng con tiếp tục ở đây, đến nay gần ba chục năm. Chị đã lên chức bà, con cháu còn lại khoảng 5, 6 người tam đại đồng đường.
Ngôi nhà rộng khoảng 150 m2, nằm lọt giữa khu vườn nhỏ, xây theo kiểu bốn mái, bên trái có một ngôi nhà nhỏ hơn chia làm hai phòng, xưa không biết là gì còn nay gia đình chị Lê đặt một chiếc giường nhỏ ở phòng ngoài, phòng trong làm bếp. Vài bức tường phía hông sau nhà bị phá ra, để lộ vách dày khoảng 20 cm -25 cm toàn bằng đá tảng.
Hiên rộng khoảng 1,5 m chạy vòng quanh ngôi nhà, có những tam cấp bước ra vườn, có chấn song là những con tiện lớn màu men xanh đặc trưng kiểu xây cất một thời. Ngôi nhà rất mát mẻ nhờ vào hàng hiên rộng này và sảnh rộng khoảng ba bốn m2 trước khi bước vào phòng khách, mỗi phía đều có hai cửa sổ gỗ song sắt rất lớn.
Trên khu vực bàn thờ cũ vẫn còn nguyên những trang trí bằng gỗ chạm rất đẹp. Hai bên mặt tiền nhà cũng có hai bình phong cùng kiểu bằng sứ men xanh.
Trang nhã và giản dị
Cả ngôi nhà toát lên vẻ trang nhã và giản dị. Chỉ tiếc, nó đã bị biến dạng quá nhiều: chồng chị Lê làm nghề tạo non bộ cây cảnh nên đã tạo luôn hai hòn non bộ mang hình rễ cây khá lớn ở ngay trong sảnh. Trên cổng nhà cũng chưng bảng hiệu đàng hoàng (ảnh). Những cây cối trong vườn cũng bị chặt hoặc trồng thêm, vài kiến trúc bị phá hoặc xây thêm nhưng toàn thể ngôi nhà trông vẫn trang nhã. Chắc chỉ còn cây me rất lớn nằm sát cổng, um tùm che mát cả nửa ngôi nhà là của nhà cũ.
Không có hàng rào nào ngăn cách ngôi nhà này với hàng xóm trừ một tấm lưới B40 thâm thấp. Đứng nhà này có thể nhìn thấy người nhà bên cạnh đi ra đi vào. Xóm chài Tri Thủy lặng lẽ và bình yên trong cái nắng bỏng và mùi vị biển nhè nhẹ, con đường cát đọng nước đây đó như vô vàn xóm chài ven biển miền Trung khác.
Chúng tôi cũng cảm thán y như những người từng đến thăm ngôi nhà này trước đó: một ông tổng thống xây nhà cho cha mẹ mình giản dị vậy sao? Chẳng có chút gì là dấu vết vàng son của quyền lực tối cao dải đất miền Nam một thời.
Trải hàng chục năm biến động, trước kia ngôi nhà có tầm nhìn ra ao cá khá lớn, đằng sau thông thẳng ra đầm Nại, nghe dân địa phương kể ông Thiệu thường đi canô về nhà theo lối này, nay đã bị những nhà khác xây sau che khuất hết.
Một căn nhà cũ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Ninh Chữ
Gần đó, đi vòng theo đường luồn trong xóm ra đến ao cá rẽ vô tay trái, trước đây từng là ngôi nhà của cha mẹ người Bí thư kiêm Tham vụ báo chí, cũng là em họ của ông Thiệu: ông Hoàng Đức Nhã. Khi chúng tôi đến thì nó chỉ còn là một bãi đất trống. Một vị cao niên ở địa phương dẫn chúng tôi ra đó.
Ông cúi xuống sờ sờ vào những kiềng nhà vẫn còn nguyên móng vẫn còn, kể: ngôi nhà mới bị đập cách đây một tháng. "Hình như ông Nhã không còn người thân nào ở địa phương nên không có ai đến nhận nhà. Cứ để đó riết dần dần nó rệu rã sắp sụm xuống nguy hiểm quá, thêm vô đám cờ bạc ở đâu tới biến chỗ này thành tụ điểm cờ bạc, nên xã quyết định đập nó luôn."
"Nhà ông Thiệu bình thường, chứ nhà này mới đồ sộ, xây kiểu Huế, lớn, đẹp lắm"-ông nói thêm.
Cách đây ba năm, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận từng chỉ đạo các ban ngành trong tỉnh đề xuất biến ba ngôi nhà này (nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã và một quan chức chính quyền cũ là ông Trần Đình Thống) thành điểm du lịch, nhưng không rõ vì sao chủ trương này chưa thành sự thật.
Chưa kể, chị Lê cho hay ngôi nhà ông Thiệu đang rục rịch muốn giao cho Hội người cao tuổi, nhưng họ ngần ngại không muốn nhận vì lịch sinh hoạt của Hội khá thưa, lâu lâu đến họp rồi lại đóng cửa thì chẳng ai bảo quản căn nhà.
Dấu vết ông Thiệu để lại ở vùng này khá nhiều. Ngoài ngôi nhà xây cho cha mẹ nói trên, còn có ngôi nhà hóng gió bằng gỗ cất kiểu nhà sàn ở bờ biển Ninh Chữ, chỉ cách mép sóng độ mười lăm hai chục mét, tầm nhìn bao trọn một vòng cung biển xanh ngắt tuyệt đẹp.
Dân địa phương gọi là Trại Mát hay Nhà Mát. Vẫn theo họ kể, cách đây khoảng hai mấy năm ngôi nhà này vẫn còn nguyên, nhưng sau đó nó bị đập ra và xây lại bằng xi măng mái ngói cũng với hình dạng cũ. Tuy nhiên, trước kia sàn nhà cách mặt đất đến ngang hông người lớn, trẻ con rất thích chạy chơi dưới đó thì giờ khoảng cách đó chỉ còn phân nửa.
Nó được dùng làm nhà hàng hải sản mang tên Nhà Mát, thuộc quyền quản lý của khách sạn Sài Gòn-Ninh Chữ. Có vẻ rất vắng. Hôm chúng tôi đến, đúng vào giờ ăn mà cả nhà hàng chỉ lèo tèo đúng hai người khách.
Ninh Thuận từ nhiều năm nay là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nhưng cũng được trời ban cho những thắng cảnh và câu chuyện độc đáo không nơi nào có. Những chứng tích, di vật và giai thoại lịch sử ở Ninh Thuận gắn liền với những nhân vật nổi tiếng của Việt Nam một thời tạo nên một vòng tròn du lịch hoàn hảo cho những ai ưa khám phá.
Vì vậy tôi nghĩ nhìn ở góc độ ngắn và thực dụng nhất thì việc tận dụng những điều này nhằm kéo khách du lịch đến sẽ giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu lâu dài. Mặt khác, tôi nghĩ những dấu vết, chứng tích còn lại đều bổ ích để có thêm nhìn nhận về một nhân vật của lịch sử, thuộc về lịch sử.
Không biết bao giờ tỉnh Ninh Thuận mới giữ gìn và đối xử với những chứng tích quý giá này như chúng đáng phải thế? Thật xót xa khi chứng kiến chúng đang mất đi với tốc độ ngày càng nhanh và có những thứ đã hoàn toàn biến mất.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Hoàng Xuân từ TPHCM. Bài đã sửa chi tiết về vị trí của hòn Đá Chồng là ở gần thị trấn Khánh Hải, không phải xã Tri Thủy.