TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thanh niên cực đoan phương Tây là ai?

Quang Dũng (Paris)

Phong trào “Đừng nhân danh tôi”: khắp châu Âu, hàng ngàn người Hồi giáo chân chính lên tiếng phản đối việc đồng hóa khủng bố vớai đạo Hồi. Trong ảnh: người biểu tình ở Roma, Ý với khẩu hiệu: “Tôi là người Hồi giáo, không phải khủng bố”. Ảnh: TODAYONLINE.COM

 - Một thế hệ thanh niên thất bại, mất phương hướng được chất xúc tác tôn giáo đẩy đến mức cực đoan. Thách thức đó là từ trong lòng các xã hội phương Tây chứ không phải từ xung đột văn minh, không phải từ IS ở cách xa ngàn dặm.

Tôn giáo chỉ là chất xúc tác

Cho đến mấy tháng trước, không mấy cư dân Molenbeek, một thành phố ngoại ô Brussels, nghi ngờ gì sự cực đoan của anh em nhà Abdeslam. Trong mắt họ, đó chỉ là mấy tên lưu manh vặt điển hình ở một thành phố nhập cư, những kẻ suốt ngày la cà tụ tập, hút cần sa, nốc rượu, đêm thì vào hộp đêm tán gái và hở ra là trộm cắp.

Kẻ nào bạo gan hơn thì buôn ma túy, vũ khí hoặc cướp có vũ trang. Anh em Brahim Abdeslam và Salah Abdeslam lớn lên theo đúng con đường đó, xen kẽ những khoảng thời gian lương thiện hiếm hoi khi đi làm lái tàu cho hãng tàu điện thành phố. Đó là những thanh niên tầm thường, đôi khi còn có chút chậm phát triển về trí tuệ.

Olivier Martins, một thẩm phán tòa hình sự Molenbeek từng xử tù Brahim Abdeslam cách đây vài năm vì tội buôn vũ khí, nhớ lại: “Brahim có vấn đề về thần kinh, một dạng ngớ ngẩn. Khi tôi nghe tin hắn cho nổ bung xác mình trên con phố Paris mà không gây ra nạn nhân nào, tôi tự nhủ thế thì giống hắn lắm. Tôi nghĩ hắn đã không có gan thực hiện đến cùng kế hoạch của mình hoặc có kẻ nào đó bảo hắn phải làm ngay đi, và thế là hắn giật ngòi nổ mà không nghĩ ngợi gì cả”.

Tối thứ Sáu, ngày 13-11, trên con phố Voltaire ở quận 11 Paris, Brahim Abdeslam đã kích đai nổ tự sát với ý định giết hại thường dân nhưng may mắn, không có ai trở thành nạn nhân, trừ chính hắn. Nhưng, cách đó không xa, Salah Abdeslam, người em, được cho là đã tham gia, ít nhất trong vai trò hậu cần, vào một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất trên đất châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2, cướp đi sinh mạng của 130 người tại nhà hát Bataclan và các quán cà phê vỉa hè. Salah Abdeslam giờ vẫn đang lẩn trốn và trở thành kẻ bị truy nã gắt gao nhất châu Âu.

Những câu chuyện tương tự về những thanh niên như anh em nhà Abdeslam ngày càng trở thành mô típ quen thuộc trên mặt báo. Khi nói về Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị cảnh sát Pháp tiêu diệt tại Saint-Denis hôm 18-11, hay xa hơn nữa là anh em nhà Kouachi trong vụ Charlie Hebdo hồi tháng 1 năm nay, tất cả những người quen biết những thanh niên cực đoan này đều đưa ra những nhận xét giống nhau: bình thường, có vẻ dễ gần, sống bê tha như hàng vạn thanh niên ngoại ô ít học khác. Và đặc biệt: rất ít biểu hiện của sự cuồng tín tôn giáo. Những thanh niên này không, hoặc hiếm khi đến nhà thờ Hồi giáo, không hề tuân thủ các quy định căn bản mà các tín đồ Hồi giáo chân chính phải thực hiện như không được uống rượu, dùng chất kích thích hay phải thực hành nghiêm cẩn lễ Ramadan.

Những ai biết sâu hơn, như Boumedienne, một người họ hàng của anh em Abdeslam, thậm chí khẳng định những người này không hề quan tâm gì đến giáo lý đạo Hồi và chỉ mới vài tháng gần đây mới bắt đầu có những biểu hiện khác lạ, như để râu dài hơn, không la cà hộp đêm và dán mắt vào các video tuyên truyền trên mạng của các phong trào Hồi giáo cực đoan. Một sự thay đổi rất nhanh mà dường như yếu tố tôn giáo chỉ là chất xúc tác.

Một thế hệ nổi loạn vô định

Giờ đây, khi sự đổ vỡ của xã hội đã cụ thể hóa thành bạo lực ở mức cao nhất là khủng bố, các trí thức phương Tây bắt đầu phải đi giải mã, tại sao xã hội phương Tây lại nảy sinh ra một thế hệ thanh niên lạc lối và bị cuốn theo những tư tưởng chết người đến vậy? Và đâu là những giá trị cần được cân chỉnh lại để những khác biệt được dung hòa và chung sống hòa bình với nhau?

Olivier Roy là Giáo sư chính trị học ở Đại học Florence (Ý), chuyên nghiên cứu về Hồi giáo. Trong hai cuốn sách nổi tiếng của mình là Đi tìm phương Đông bị đánh mất và Nỗi sợ đạo Hồi, Olivier Roy cố gắng giải thích sự lạc lối này bằng cái nhìn sâu về tâm lý học và xã hội học hơn là khía cạnh tôn giáo. Olivier Roy bác bỏ các lý thuyết cho rằng sự đổ vỡ hiện nay là cuộc đối đầu giữa các nền văn minh, giữa văn minh Hồi giáo không thể dung hòa với văn minh phương Tây, giữa các thế hệ thanh niên Hồi giáo không chấp nhận sự can thiệp của phương Tây vào Trung Đông và sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội phương Tây với người có nguồn gốc nhập cư. “Nếu đó là các căn nguyên có tính cấu trúc thì tại sao những kẻ cực đoan chỉ là vài ngàn người trên tổng số vài chục triệu tín đồ Hồi giáo ở châu Âu?” - Olivier Roy lập luận, “Nguyên nhân vì thế, như phần đông các trí thức phương Tây đang ủng hộ, xuất phát từ sự mất phương hướng của cả một thế hệ”.

Thế hệ này được cấu tạo từ hai thành phần chính, đầu tiên, và đông đảo nhất, là con cái các gia đình nhập cư từ Trung Đông hay Bắc Phi. Những thanh niên này hầu hết được sinh ra và lớn lên ở châu Âu, nói ngôn ngữ châu Âu và sống theo lối sống phương Tây. Thành phần thứ hai, ít nhưng vẫn đáng chú ý, là các thanh niên gốc gác phương Tây nhưng cải sang đạo Hồi. Các thanh niên này lớn lên trong giai đoạn mà các quan hệ gia đình bị buông lỏng, cha mẹ hầu như không quan tâm đến con cái, kéo theo là việc học hành dở dang và không có công ăn việc làm. Họ chơi vơi giữa hai thế giới, một mặt không thể sống như cha mẹ mình, mặt khác lại không đủ kỹ năng để hòa nhập vào xã hội hiện đại. Đó là cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt.

Tại Pháp, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tại các khu ngoại ô, được gọi là ZUS - “các khu vực nhạy cảm về an ninh” mà Saint-Denis là ví dụ điển hình, thường xuyên trên mức 40%, có nơi lên đến 50%. Thất học, không công ăn việc làm, bị đói nghèo và tình trạng tội phạm bủa vây, các thanh niên thế hệ thứ 2 của các gia đình nhập cư, gần như mất hết niềm tin vào tương lai và mang trong mình mặc cảm của những kẻ thất bại. Có rất ít lựa chọn cho các thanh niên này: hoặc đi vào con đường phạm tội rồi sớm muộn cũng sẽ vào tù hoặc đi theo tiếng gọi của các phong trào cực đoan.

Giá trị và sự giải thoát tự hão

“Đi vào con đường cực đoan là cách mà những thanh niên này cảm thấy mình tìm lại được chút giá trị của bản thân, thấy mình đang thực hiện một điều gì đó có ý nghĩa” - Etienne Pingaud, một nhà xã hội học nhận định. Con đường cực đoan ngắn nhất là đến với Hồi giáo cực đoan. Với những người chưa phải tín đồ Hồi giáo, cải đạo là việc đơn giản: chỉ cần đọc lời tuyên thệ với kinh Coran trước sự chứng giám của một imam (thầy cả) là đã được vào đạo. Giáo lý sẽ học sau, nhưng như các điều tra sau đó, hầu như chẳng mấy thanh niên quan tâm đến giáo lý.

Đó là lý do mà các mạng lưới Hồi giáo cực đoan có tổ chức dạng bang hội kín hơn là tính chất của một tổ chức tôn giáo có luật lệ nghiêm khắc. Các mạng lưới này có mang nặng tính chất bạn hữu, gia đình. Bạn bè, anh em rủ nhau và thế là thành một mạng lưới. Tính huyết thống, ái hữu giữa các thành viên như một sự khẳng định sự đoạn tuyệt rõ ràng hơn với gia đình của cả một thế hệ. Ở Toulouse ba năm trước có anh em Mohamed Merah, vụ Charlie Hebdo có anh em nhà Kouachi, và vụ Paris 13-11 có anh em nhà Abdeslam, cùng Abaaoud, một người bạn lớn lên cùng khu phố với anh em Abdeslam. Tên gọi của các mạng lưới cũng chính là nơi các thanh niên thất bại này sinh sống, như mạng lưới Buttes-Chaumont của anh em Kouachi, mạng Artigat ở Toulouse hay mạng Verviers ở Bỉ. “Đó là một thế hệ nổi loạn và sống vô định” - Patrick Simon, chuyên gia dân số xã hội ở INED - Viện Quốc gia nghiên cứu dân số Pháp, nhận định.

Đặt những thanh niên không phương hướng này lên hàng thánh chiến vì xung đột văn minh, vì thế, có lẽ là một sự “đánh giá cao” sai lầm. Đó trước hết là những thanh niên thất bại, những kẻ lưu manh tầm thường và bế tắc, lao vào con đường cực đoan như một sự giải thoát và tự hão về tâm hồn. Đó là căn bệnh ung thư trong lòng các xã hội phương Tây, xuất phát từ đói nghèo, thất học và chia rẽ văn hóa rồi được chất xúc tác tôn giáo đẩy đến mức cực đoan. Thách thức đó là nghiêm trọng nhất với các xã hội phương Tây chứ không phải từ IS ở cách xa ngàn dặm.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness