Thế hệ Y nước này chia sẻ họ không cần sở hữu một bất động sản của riêng mình. Họ hài lòng với việc làm hơn 10 năm ở 1 công ty mà không thăng tiến. Đâu là nguyên nhân?
Một thế hệ trải qua quá nhiều cuộc khủng hoảng
Ở tuổi 36, Makoto Isechi cuối cùng cũng nhận thấy mình có thể thực sự tận hưởng cuộc sống.
Isechi bắt đầu đi làm sau khi tốt nghiệp trung học, làm nhân viên bán nhạc cụ ở một cửa hàng bán lẻ sau đó trở thành tay chơi ghi-ta trong một ban nhạc nhỏ. Anh thành lập một công ty IT cùng 1 nhạc sĩ khác và hiện là kỹ sư phần mềm tự do.
Isechi và vợ anh - một đầu bếp, phải mất vài tháng nữa mới trả hết nợ. Khi công ty phá sản vào năm 2019, anh gánh khoản nợ 35.000 USD. Còn vợ anh cũng phải đi vay để đóng học phí cho trường dạy nấu ăn.
Isechi buộc phải đóng cửa công ty và hiện làm thiết kế trang web tự do.Anh tự học cách viết code và dùng photoshop bằng cách xem video trên Youtube và tham dự các khóa học online.
Trong 3 năm qua, anh dần thu hút được nhiều khách hàng hơn và kiếm được 7.500 USD/tháng. Anh thở phào: "Cuối cùng thì tôi cũng có thể thấy tương lai."
Dẫu vậy, tương lai đó lại không thay đổi quá nhiều quyết định của 2 vợ chồng. Họ muốn chuyển từ Osaka về một vùng nông thôn để mở nhà hàng và cũng không có ý định sinh con, mua nhà hay làm giàu.
Giống nhiều người khác thuộc thế hệ Y ở Nhật Bản, Isechi hài lòng với hiện tại. Anh thấy hạnh phúc khi vẫn đang sống thoải mái sau thời gian chứng kiến những cuộc khủng hoảng kinh tế hay thảm họa thiên nhiên.
Theo Pew Research Centre, Nhật Bản có khoảng 27 triệu người, chiếm khoảng 1/5 tổng dân số, thuộc thế hệ Y. Trong khi đó, Mỹ là 72 triệu và Trung Quốc là 400 triệu người. Thế hệ Y của Nhật Bản là những người có quan điểm bảo thủ về tài chính, họ lớn lên khi chứng kiến "Thập kỷ mất mát" sau cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Sinh ra vào đầu những năm 1990 ở thành phố Kagoshima, miền nam Nhật bản, Isechi và em trai thấy bố mẹ phải chật vật với những khoản nợ thế chấp và mua xe trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Anh chia sẻ: "Mẹ tôi thường nói, đừng bao giờ đi vay tiền."
Dù không hoàn toàn nghe theo, nhưng Isechi đến hiện tại vẫn bị ám ảnh bởi những khó khăn về tài chính mà gia đình trải qua thời thơ ấu.
Từ năm 1986 đến 1991, Nhật Bản chứng kiến bong bóng kinh tế hình thành, khi giá bất động sản và các loại tài sản bị "thổi phồng" quá mức. Sau đó, đầu những năm 1990, bong bóng tài sản bắt đầu vỡ tung. Chỉ số Nikkei 225 khi đó giảm 40% 1 năm sau khi chạm đỉnh gần 39.000 điểm vào tháng 12/1989. Và cho đến nay, chỉ số này vẫn chưa trở lại mức đó.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trung bình khoảng 4% trong những năm 1980. Tuy nhiên, tốc độ này chỉ còn khoảng 1-3% trong hầu hết các năm kể từ những năm 1990.
Đáng chú ý, trong 10 năm kể từ 1991, Nhật Bản trải qua "Thập kỷ mất mát". Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn gấp đôi từ 2,1% năm 1991 lên mức cao chưa từng có là 5,4% vào năm 2002.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura, cho hay: "Kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ suốt 3 thập kỷ. Vì thế, thế hệ Y chưa bao giờ sống trong bối cảnh kinh tế tươi sáng. Quá trình này khiến họ thận trọng hơn trong chi tiêu và cách làm việc."
Không chỉ là "Thập kỷ mất mát", thế hệ Y Nhật Bản còn chứng kiến hết thảm họa này đến khủng hoảng khác, từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cho đến trận động đất, sóng thần năm 2011.
Tuy nhiên, Takeshita chỉ ra rằng, thế hệ Y không giống với thế hệ trước - những người thường điên cuồng làm việc vì đã chứng kiến quá nhiều điều tiêu cực. Theo ông, họ tỉnh táo và thực tế.
Không cần mua nhà hay làm việc đến chết
Nhìn chung, thế hệ Y Nhật Bản không quan tâm đến việc mua nhà và chưa đến 1/3 trong số họ sở hữu bất động sản.
Theo Statista, các thế hệ trẻ đang là chủ nhà ngày càng giảm. Năm 2018, 26% nhà thuộc sở hữu của chủ hộ trong độ tuổi từ 30 đến 34, giảm từ 46% vào năm 1983. Tỷ lệ sở hữu nhà của chủ hộ trong độ tuổi từ 35 đến 39 giảm từ 60% xuống 44% trong cùng thời kỳ.
Isechi anh chẳng bao giờ nghĩ về việc mua một ngôi nhà. Anh thấy nền kinh tế vẫn chưa đủ ổn định để mua nhà một cách an toàn. Isechi tin rằng kiến thức tài chính của mình vẫn chưa đủ để lựa chọn một bất động sản an toàn.
Thế hệ Y Nhật Bản được cho là có suy nghĩ việc sở hữu nhà không quá quan trọng. Mặc dù vậy, Gin Gujin, một kỹ sư cơ khí 37 tuổi ở Kyoto, vẫn đầu tư bất động sản. Năm ngoái, anh vay 430.000 USD để mua 2 bất động sản mà anh đã cải tạo thành căn hộ chung cư. Sau đó, Jin sẽ cho thuê lại.
Anh có thể có tới 12 người thuê và tính phí 470 USD/người tháng. Theo đó, thu nhập mỗi tháng sẽ là 5.600 USD. Với khoản vay và lãi hàng tháng phải trả là 1.000 USD, Jin sẽ mất khoảng 7 năm để thanh toán hết.
Hiện tại, anh sống ở 1 trong 2 bất động sản trên. Anh cho biết, nếu không phải vì kinh doanh thì anh cũng sẵn sàng đi thuê nhà ở cùng người khác. Jin nói: "Tôi nghĩ người Nhật sẽ vui vẻ với việc đi thuê nhà đến hết đời."
Theo Takeshida, người trẻ Nhật không làm việc đến chết nhưng họ vẫn làm việc trong nhiều giờ.
Thông thường, Jin làm việc 12 tiếng trên văn phòng. Anh làm thiết kế smartphone, máy ảnh và máy tính bảng trong 13 năm qua. Jin về nhà lúc 10 giờ tối, chơi game, đọc truyện cả đêm và anh chỉ ngủ khoảng 4 giờ.
Jin cho biết việc làm thêm 20 giờ/tuần và ở lại công ty muộn là điều bình thường.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Thế hệ Y nước này đang bắt đầu né tránh văn hóa làm thêm giờ. Theo OECD, người Nhật Bản đã làm việc ít giờ hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Một lao động Nhật Bản trung bình làm việc 1.644 giờ/năm vào năm 2019, giảm 5% so với năm 2010.
Không muốn thăng tiến hay sinh con
Với nhiều mối lo lắng, thế hệ Y Nhật Bản cũng ít suy nghĩ đến việc lập gia đình.
Suganuma Natsuki, 33 tuổi, sống ở Tokyo, đã nghỉ việc vào năm 2021 để thành lập công ty nghiên cứu vi sinh. Một số đồng nghiệp của cô đã có 1 hay 2 con. Tuy nhiên, cô và chồng cho rằng có con sẽ cản trở công việc của họ ở công ty. Cô nói: "Chính phủ khuyến khích chúng tôi sinh con. Nhưng hầu hết mọi người đều không có tiền để nuôi."
Còn Isechi chia sẻ, vợ chồng anh một phần không muốn có con vì họ thích di chuyển đến nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản vài năm 1 lần. Nếu có con, họ sẽ phải sống ổn định ở một nơi. Anh cho hay: "Sinh con là thay đổi lớn trong cuộc sống và thật khó để trở thành một phụ huynh tốt. Tôi cũng không biết khi nào mình sẽ sẵn sàng."
Trước quá nhiều biến cố của nền kinh tế, người trẻ Nhật Bản cũng chi tiêu rất thận trọng. Họ tiết kiệm hơn nhiều so với thế hệ trước.
Suganama tiết kiệm khoảng 15% cho mức lương 5.700 USD/tháng. Cô cũng phải trả khoản nợ sinh viên 60.000 USD. Phần lớn chi tiêu cho hoạt động giải trí của cô dành cho các chuyến du lịch khắp châu Âu và châu Á.
Trong khi đó, Jin có mức lương 78.000 USD/năm. Anh tiết kiệm tới 70% thu nhập sau thuế và đầu tư chứng khoán, Bitcoin. Anh hạn chế chi tiêu những khoản lớn, chỉ đi du lịch ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Jin vẫn lên kế hoạch cho chuyến đi đến Bờ Tây nước Mỹ với 2.000 USD.
Còn Isechi thì chia sẻ sau khi trả tiền thuê nhà, thuế và nợ, vợ chồng anh không còn tiết kiệm được khoản nào.
Nhìn chung, người trẻ Nhật Bản không còn cống hiến hết mình cho công việc. Trước khi thành lập công ty, Suganuma đã có 7 năm làm việc tại một công ty thực phẩm lớn, nghiên cứu tác động đến sức khỏe của sữa chua. Cô thường xuyên phải làm việc vào cuối tuần để theo dõi nghiên cứu.
Dù Suganuma chưa từng được thăng chức nhưng cô lại… hài lòng. Cô chia sẻ: "Tôi nghĩ người trẻ không muốn được thăng chức. CEO của các công ty lớn không hẳn là yêu thích công việc của họ, chỉ là họ đang làm việc rất chăm chỉ."
Đến năm 2021, Suganuma quá mệt mỏi vì công việc này. Cô bỏ việc và thành lập công ty riêng.
Jin cũng chưa bao giờ được thăng chức dù đã làm việc 13 năm ở một công ty. Anh cho hay: "Ở các công ty Nhật Bản, mọi người làm việc rất chăm chỉ nhưng thường không đạt được vị trí cao."
Jin chấp nhận việc đó và tìm kiếm sự hài lòng ở một công việc khác. Anh muốn có giấy phép giảng dạy ngôn ngữ và chuyển ra nước ngoài sống, có thể là Thái Lan.
Chẳng có nhà hay con cái, Isechi cho biết mình cũng không giàu có hơn thế hệ trước - những người đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990. Anh nói: "Tôi nghĩ mình cũng đang trải qua những khó khăn như cha mẹ mình. Nhưng tôi vẫn hài lòng vì đây là cuộc sống của tôi."
Tham khảo BI
Vu Lam - Theo Nhịp sống thị trường