TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thế trung lập của Ấn Độ

Một năm hơn sau cuộc chiến Nga - Ukraine, Ấn Độ vẫn cứ trung thành với thế trung lập của mình, bất chấp những ý kiến chỉ trích, vì những lợi ích của mình.

Thấm thoát, Thủ tướng Narendra Modi cầm quyền liên tục đã gần 9 năm, sắp hết nhiệm kỳ hai. 1/3 quãng thời gian cuối vô cùng khó khăn với đại dịch COVID-19 và hơn 1 năm chiến Nga - Ukraine. 

Gần 9 năm qua, ông Modi đã "trị quốc" như thế nào để có thể mạnh dạn "luận thiên hạ" theo ý mình như lời tán thưởng chủ tịch Đảng BJP cầm quyền ở Ấn Độ J.P. Nadda mới đây: 

"Trong một thời gian dài, Ấn Độ tránh đưa ra quan điểm về các vấn đề phức tạp. Song dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ không né tránh lập trường về các vấn đề toàn cầu, và Ấn Độ chiếm vị trí vững chắc trong các vấn đề đó" (The Indian Express 22-2).

Ông Narendra Modi. Ảnh: CNN

Ông Narendra Modi. Ảnh: CNN

Đối nội thiết thực

Để "bình thiên hạ" được, cơ bản phải "trị quốc" thành công đã. Thời ông Modi, cái sự thành công "do dân, từ dân, vì dân…" đó không hề là những sáo ngữ treo đầy đường, mà là những điều hết sức cụ thể, cân đong đo đếm được, như có thể thấy trên tờ The Times of India 3-3: 

"Kết quả bầu cử ở vùng Đông Bắc cho thấy dân chúng tin tưởng vào nền dân chủ: Thủ tướng Modi nói".

Bài báo cho biết, trong các cuộc bầu cử mới đây ở các bang Meghalaya, Nagaland và Tripura, Đảng BJP cầm quyền đã dẫn đầu. 

Tờ báo dự báo rằng nếu xu hướng này được giữ vững, BJP sẽ duy trì sức mạnh không thể lay chuyển ở vùng Đông Bắc: các chính quyền do họ kiểm soát sẽ cầm quyền ở 7/8 bang vùng này, đè bẹp đối thủ chính Đảng Quốc đại Ấn Độ, vốn là đảng truyền thống của Đông Bắc.

Để dễ hình dung, có thể mượn kết quả bầu cử ở bang Nagaland, nơi tranh 60 ghế nghị viện bang. 

Liên minh NDPP - BJP (NDPP, tức Đảng Dân tộc dân chủ tiến bộ, là một đảng địa phương) giành được 37/60 ghế, Đảng Đại hội dân tộc (NCP) được 7 ghế, Đảng Nhân dân quốc gia được 5 ghế, trong khi Đảng Quốc đại không được ghế nào. Ở các bang kia, tình hình đại khái cũng như vậy.

Cộng hòa Ấn Độ, tính từ năm 1947 tới nay, đã trải qua 14 trào thủ tướng. Xét thời gian tại vị, dẫn đầu là thủ tướng tiên khởi Jawaharlal Nehru, cầm quyền từ năm 1947 tới 1964. Nữ thủ tướng Indira Gandhi xếp thứ nhì với 11 năm 59 ngày cầm quyền. 

Người tiền nhiệm của ông Modi là ông Manmohan Singh đứng thứ ba về thời gian cầm quyền, tổng cộng 10 năm 4 ngày. Nay ông Modi đã cầm quyền được hơn 3.200 ngày, tính từ 22-5-2009 tới nay. 

Trong khi đó, từ trào thủ tướng thứ tư là ông Morarji Desai tới thủ tướng thứ 12 là ông Inder Kumar Gujral, tất cả đều không trụ được hết một nhiệm kỳ, có vị chỉ được 170 ngày (Charan Singh).

Chuỗi những thủ tướng liên tiếp lên nắm quyền rồi xuống cho thấy định chế dân chủ ở Ấn Độ trong giai đoạn đó không hề ổn định, và thật ra ngay bây giờ vẫn còn vô vàn những vấn đề chưa được giải quyết như sự phân chia đẳng cấp xã hội, nền chính trị "chia phe" phân rã, nạn tham nhũng, tình trạng kỳ thị phụ nữ… Vấn đề là cỗ xe Ấn Độ vẫn chạy, dù có lúc cà giựt.

Ảnh: Wikipedia

Ảnh: Wikipedia

Nay thì tình hình coi như tạm ổn, dân chúng bớt phản đối, các chính phủ thôi thi nhau sụp đổ cũng đã được suýt soát 20 năm, từ 2004 với thủ tướng Singh và từ 2014 với Thủ tướng Modi. Chính vì vậy mà nay ông Modi nói dân chúng Ấn đang "tin tưởng vào nền dân chủ".

Ông nhắc tới chính phủ tiền nhiệm của Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) cùng những tai tiếng nổi danh toàn cầu như vụ Coalgate - vụ bê bối chính trị lớn liên quan đến việc Chính phủ Ấn Độ lúc đó phân bổ các mỏ than của quốc gia cho các doanh nghiệp khu vực công và các công ty tư nhân; hay việc Ấn Độ mang tiếng là, theo lời ông Modi, "thiếu khả năng đối đầu trực diện với chủ nghĩa khủng bố" (The Hindustan Times 8-2).

Những điểm son của ông Modi

Chê người thì dễ, vậy chớ ông Modi có gì để hãnh diện? Thiệt ra, thành tích kinh tế của ông cũng không hẳn là cao, song có những thành quả cụ thể mà người dân có thể cảm nhận được một cách khoan khoái để sau này bỏ phiếu tiếp cho ông. 

Đó là hạ tầng cơ sở: 

(1) Chính phủ của ông đã xây dựng trung bình 36km đường cao tốc mỗi ngày, so với chỉ 8 - 11km của người tiền nhiệm. Đây có thể nói là một bài học Việt Nam đang rất cần học trong bối cảnh còn quá nhiều vùng trong cả nước, bao gồm những vùng kinh tế trọng điểm, mức độ phủ đường cao tốc còn quá èo uột. 

(2) Công suất năng lượng mặt trời và gió được lắp đặt ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi sau 5 năm, hiện ở mức khoảng 100 gigawatt. Ấn Độ như vậy đang trên đà đạt mục tiêu 175 gigawatt vào năm 2023 (BBC 22-6-2021).

Một điểm ngoạn mục trên thành tích biểu của ông Modi, rất "thế giới thứ ba", được BBC đặc biệt nhấn mạnh: "Các nhà kinh tế cũng phần lớn hoan nghênh các kế hoạch mang tính dân túy của ông Modi: hàng triệu nhà vệ sinh mới để giảm tình trạng đi vệ sinh bừa bãi, cho vay mua nhà ở, trợ cấp gas nấu ăn và nước máy cho người nghèo".

Vậy còn đại dịch COVID-19 và nạn đói kém đe dọa toàn cầu mà Ấn Độ với 1,4 tỉ người phải rất lưu tâm thì sao? 

Trong một cuộc họp đầu năm 2023, chủ tịch Đảng BJP là ông JP Nadda đã có thể mạnh dạn tuyên bố rằng vào lúc cả thế giới rơi vào khủng hoảng và mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng, người dân Ấn Độ có thể thấy may mắn khi đất nước được lãnh đạo bởi Thủ tướng Modi, rằng ông Modi đang đưa Ấn Độ tiến lên ngay cả trong những điều kiện bất lợi.

Ảnh: The Hindu

Ảnh: The Hindu

Ông Nadda ca ngợi: "Vào lúc mà ở Mỹ vẫn chưa hoàn tất chích ngừa COVID-19 [do dân Mỹ nhiều người chống đối, chứ không phải do Mỹ thiếu vắc xin], thì ở Ấn Độ đã chích xong 2,2 tỉ liều. Thủ tướng Modi đã thành lập đội đặc nhiệm để có được hai loại vắc xin Corona chỉ trong 9 tháng. Trong khi trước đó, thời Đảng Quốc đại, phải mất nhiều năm để các vắc xin phòng các bệnh như lao và bại liệt được đưa vào Ấn Độ". 

Về chuyện vắc xin COVID-19, cần lưu ý khác biệt của Ấn Độ so với nhiều nước là "chỉ trong vòng hai năm, Ấn Độ đã phát triển bốn loại vắc xin nội hóa", theo lời Bộ trưởng Khoa học và Kỹ thuật liên bang Jitendra Singh (PIB Dehli 27-1).

Chưa hết, ông Modi còn được kể công trong lĩnh vực khác: "Các chính sách của ông ấy, như ngũ cốc miễn phí, đã giảm tỉ lệ nghèo cùng cực trong nước xuống dưới 1%" (ANI News 2-1).

Đối ngoại cân bằng

Ngay từ đầu cuộc chiến Ukraine, Ấn Độ đã cho thấy mình đứng ở đâu, vì sao, và được lợi ích gì. 5 ngày sau khi chiến sự nổ ra, chuyên san ngoại giao The Diplomat 29-2-2022 đã nêu vấn đề: "Cuộc tranh luận lớn về tính trung lập của Ấn Độ trong chiến tranh Ukraine". 

Tranh luận này là giữa những người theo chủ nghĩa thực tế và những người theo chủ nghĩa chuẩn mực, những người coi lợi ích quốc gia là động lực chính của quan hệ quốc tế và những người chú trọng đến những giá trị chung, tỉ như dân chủ và nhân quyền, nôm na mà nói là "đạo đức học" .

The Diplomat trích nhiều ý kiến khác nhau. Tỉ như trong nhóm "đạo đức học" có ý kiến của Sumit Ganguly, theo đó, Ấn Độ đã không chỉ vì "tình hữu nghị lịch sử với Nga mà còn do tùy thuộc vào vũ khí Nga". 

Hay Derek Grossman của Rand Corporation cho rằng Ấn Độ có nhiều mối bận tâm địa chính trị cần cân nhắc. Chẳng hạn Nga và một trong những đối thủ hàng đầu của Ấn Độ là Trung Quốc hiện duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ. 

Nga cũng quan hệ tốt với một đối thủ hàng đầu khác của Ấn Độ là Pakistan. Ý kiến "duy lợi ích" thì có Jeff Smith thuộc The Heritage Foundation, theo đó Mỹ nên tập trung vào lợi ích lớn hơn: quan hệ Ấn - Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thành ra, thay vì công khai chỉ trích Ấn Độ chuyện không bỏ phiếu lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc, Washington nên thừa nhận mối quan hệ phức tạp của Ấn - Nga.

Tất nhiên, New Delhi cũng không cứ để mọi chuyện "cuốn theo chiều gió". Trái lại, ông Modi đã mấy lần "nói chuyện phải quấy" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Như hôm 16-9-2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan, ông nói: "Thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh, và tôi đã nói với ông điều này qua điện thoại". Ông Modi còn nói với ông Putin rằng dân chủ, ngoại giao và đối thoại giữ cho thế giới gắn kết được (Reuters 16-9-2022).

Có thể thấy Ấn Độ không lựa chọn ngay, nhưng cũng không có thế trung lập nào là tuyệt đối. "Từ khi cuộc chiến của Nga tiến triển, New Delhi đã bỏ cụm từ "lợi ích an ninh hợp pháp của tất cả các bên" khỏi các tuyên bố của họ tại Liên Hiệp Quốc và bắt đầu nhắc lại tầm quan trọng của Hiến chương, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. 

Điều này được thiết kế nhằm neo mối quan hệ của Ấn Độ với phương Tây", theo lời Angshuman Choudhury (Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ấn Độ).

Tất nhiên, việc lựa chọn, ngay cả có diễn ra, cũng không thể một sớm một chiều. Theo The Economic Times 5-3, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga tăng vọt lên mức kỷ lục 1,6 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 2, hiện cao hơn so với nhập khẩu từ các nhà cung cấp truyền thống là Iraq và Saudi Arabia cộng lại.

Theo đó, Nga tiếp tục là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ trong tháng thứ 5 liên tiếp, hiện chiếm hơn 1/3 lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu. 

Các số liệu nói lên nhiều điều: "Từ thị phần dưới 1% trong giỏ nhập khẩu của Ấn Độ trước khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022, tỉ lệ nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng lên 1,62 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 2-2023, chiếm 35% tổng số". 

Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Có thể họ đang hưởng lợi lớn từ việc Nga phải tìm thị trường cung cấp khác ra sao.

Thành ra, trung lập cũng dăm bảy đường trung lập.■

Cần nhắc, Ấn Độ vẫn là một thành viên của liên minh Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, và Úc nữa. Tháng 5-2022, các lãnh đạo Quad họp thượng đỉnh tại Tokyo. Thông cáo chung sau đó chỉ nêu cuộc chiến Ukraine là cuộc chiến của trật tự dựa trên luật pháp, chứ không nêu tên cụ thể một ai. Trước hội nghị 5 ngày, tờ Nikkei của nước chủ nhà đã "đánh tiếng" giùm Tokyo: "Phương Tây cần chấp nhận tính trung lập của Ấn Độ về cuộc chiến tranh Ukraine". Bài xã luận của báo này không quên giải thích: "Mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc ràng buộc New Delhi với Matxcơva".

DANH ĐỨC - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness