Trung Quốc sẽ xả nước liên tục hay gián đoạn?
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ tăng thêm lưu lượng xả 2.190m3/giây "theo yêu cầu của phía Việt Nam".
Miền Tây Nam Bộ của Việt Nam đã bị thiên tai xâm nhập mặn tấn công, dẫn đến tình trạng nước mặn vào sâu đất liền với độ mặn cao.
Trong khu vực, các nước Lào, Thái Lan, Campuchia cũng đều đang chịu tác động từ đợt hạn hán nghiêm trọng này.
"Chúng tôi sẽ xả nguồn nước khẩn cấp từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng từ 15/3 đến 10/4" - Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu từ Đại học Cần Thơ nhận định: "Lượng nước xả như vậy khi đến Đồng bằng Sông Cửu Long không còn bao nhiêu nữa. Khi Trung Quốc xả nước ra, chắc chắn là Thái Lan, Lào, Campuchia sẽ lấy nước ra trong tình trạng khan hiếm nước thế này. Lượng nước sẽ giảm đi".
"Thứ hai, khi nước chảy xuống, sẽ lấp vào những khoảng trống như hồ, ao hay các đầm đang bị khô cạn. Kể cả những khu vực như Biển Hồ Tonle Sap, nước hiện tại đang rất thấp rồi. Trên đường nước đi, có rất nhiều khu đất ngập nước đang bị cạn. Dòng chảy tự nhiên khi chảy từ trên xuống sẽ lấp vào các chỗ trống như vậy."
"Vì thế, khi nước đến Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không đủ để đẩy mặn được. Tính toán của chúng tôi cho rằng nếu cần đẩy mặn, thì nước tới Đồng bằng Sông Cửu Long cũng ít nhất phải từ 10.000m3/giây mới có thể đẩy mặn hiệu quả trong hoàn cảnh này".
Có đủ nước để xả?
Ông Tuấn đặt nghi vấn: "Ngoài ra đập Cảnh Hồng có dung tích là 249 triệu m3 nước. Mình giả thiết là cái hồ này đầy một cách lý tưởng, nhưng chắc chắn là hồ này không thể đầy tới mức chứa tối đa của nó như vậy được, đem chia cho lưu lượng nước xả. Quy ra thời gian và lưu lượng xả như vậy thì hơn một ngày, xả liên tục, chỉ hơn 30 giờ là hết nước rồi. Không thể nào đủ nước xả đến ngày 10/4 được?"
"Trong thông báo của Trung Quốc, họ nói xả theo lưu lượng 2.190m3/giây theo yêu cầu Việt Nam nhưng không nói xả liên tục hay gián đoạn, hai cái đó khác nhau lắm, phải nói rõ cái đó mình mới đánh giá được. Nếu xả liên tục chỉ hơn một ngày là hết nước rồi. Còn Trung Quốc nếu họ cũng xả nước xuống dưới nhưng nếu không xả liên tục thì không thể đẩy mặn được." - Ông Tuấn khẳng định.
Một hình ảnh cho thấy tình trạng hạn hán tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng nằm trên dòng sông Lan Thương (tên gọi của sông Mekong ở khu vực Trung Quốc) ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sức chứa của hồ thủy điện tại đây là 249 triệu m3 nước. Một phần điện từ nhà máy này sản xuất ra được bán cho Thái Lan, theo thông tin từ tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers).
13.845/14.759 ha diện tích trồng lúa của tỉnh Bến Tre bị thiệt hại vì đợt xâm nhập mặn này. Các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang đều chịu thiệt hại nghiêm trọng vì đợt xâm nhập mặn này.
"Có lẽ mọi người không nhất thiết phải ra Vũng Tàu để tắm biển mà có thể cảm thấy ngay độ mặn ở thành phố Bến Tre", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nói trong một phát biểu với báo VnExpress. Ông cũng nói đã có 160 trong tổng số 164 xã ở Bến Tre đã bị nước mặn bao vây.
Thiên tai xảy ra dưới tác động của El Nino, tình trạng xâm nhập mặn đã bắt đầu xảy ra từ trước Tết Nguyên Đán 2015.