Cơ quan về khí hậu thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho hay 7 năm qua là thời gian nóng nhất trên trái đất.
Cháy rừng lan qua một khu dân cư ở Colorado, Mỹ vào ngày 30.12.2021 - REUTERS
Đài CNN ngày 10.1 dẫn phân tích của cơ quan về khí hậu thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho thấy 7 năm qua là thời gian nóng nhất trên trái đất, trong bối cảnh nhiệt độ tiếp tục gia tăng do phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), năm 2021 là năm nóng thứ 5 trong lịch sử. Các nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nhiều thảm họa thời tiết gắn với tình trạng ấm lên trong toàn cầu trong những năm gần đây.
Úc và vùng Siberia của Nga xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn, Bắc Mỹ chịu đợt nắng nóng 1.000 năm có một, cũng như mưa lớn gây lũ lụt tại châu Á, châu Phi, Mỹ và châu Âu.
Nhiệt độ trung bình hằng năm cao hơn thời tiền công nghiệp (1850-1900) từ 1,1 - 1,2 độ C, bất chấp hiện tượng thời tiết La Nina tự nhiên giúp hạ nhiệt.
“Năm 2021 là một năm nhiệt độ cao, với mùa hè nóng nhất ở châu Âu, những đợt nắng nóng ở Địa Trung Hải, chưa kể nhiệt độ cao chưa từng thấy ở Bắc Mỹ”, theo giám đốc C3S Carlo Buontempo.
“Những sự kiện này là lời nhắc nhở rằng chúng ta cần thay đổi, có các hành động quyết đoán và hiệu quả hướng đến xã hội bền vững và giảm phát thải ròng carbon”, ông kêu gọi.
C3S còn ghi nhận sự tích tụ các loại khí làm ấm hành tinh như CO2 và methane trong khí quyển, với sự gia tăng không hề có dấu hiệu giảm lại.
Ông Vincent-Henri Peuch, giám đốc Cơ quan Quan trắc khí quyển Copernicus cho rằng những bằng chứng quan sát được có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực nhằm tránh “thảm họa khí hậu”, thông qua việc hạn chế phát thải CO2 và methane.