Hàng loạt dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đã bước vào thời kỳ giảm phát - cho dù thực tế có được truyền thông nước này công nhận hay không thì nền kinh tế số 2 thế giới đã và đang vấp phải nhiều vấn đề khách quan. Các dự địa tăng trưởng được thiết kế cách đây vài thập kỷ giờ đã tới hạn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát chính tại nước này trong tháng 7/2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây ở mức 4,4%, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Tổng cầu thị trường giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 - 24 tuổi trong khu vực thành thị trên 23%.
Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm. Trung Quốc mất vị trí nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất tại Mỹ vào tay Mexico và Canada. GDP quý II/2023 nước này chỉ đạt 6,3%, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7,3% và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại sau hơn 30 năm phá triển thần tốc.
Nhìn chung, hoạt động nền kinh tế Trung Quốc không còn sôi động như trước. Cú sốc bất động sản, lĩnh vực chiếm 25% tổng thu nhập quốc dân là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến hiện tượng giảm phát hiện tại.
Nhưng nếu nhìn dưới góc độ chính trị, xã hội học, Trung Quốc đang cố gắng tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng lại các trụ cột tăng trưởng mới thay cho các động lực cũ gần như phát tiết hết khả năng. Vậy động lực cũ đã tới hạn là gì?
Từ khi mở cửa thương mại và cải cách nền kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhờ vào bốn yếu tố: chi tiêu khổng lồ từ Chính phủ cho cơ sở hạ tầng; khu vực sản xuất thâm dụng lớn vốn và lao động (các ngành công nghiệp nặng, may mặc, chế biến, chế tạo..); chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu và các yếu tố con người.
Chính 4 yếu tố trên, giờ đây không còn linh hoạt để gánh vác tham vọng lớn, đại kế hoạch “100 năm lần thứ 2”. Đơn cử, việc thâm dụng vốn vào hạ tầng cơ sở đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, những suất đầu tư khổng lồ bằng ngân sách, vốn vay được tính vào GRDP địa phương đóng góp cho con số tăng trưởng toàn quốc ấn tượng.
Nhưng hệ lụy của hiệu suất sử dụng vốn thấp (chỉ số ICOR) đang phát tác, quá nhiều công trình lãng phí, tồn dư hàng chục triệu căn hộ, thậm chí một số địa phương xây hẳn thành phố bỏ không,…dẫn đến tình trạng nợ công tại nhiều tỉnh, thành trên mức báo động “đỏ”.
Từ thập niên 90 đến những năm 2010, Trung Quốc sở hữu thế hệ dân số “vàng” cho ra đời đội ngũ lao động dồi dào, sẵn chấp nhận điều kiện tối thiểu,…Họ trở thành “miếng mồi” thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Nói cách khác, Trung Quốc dùng chính tài nguyên “nhân khẩu học” để cạnh tranh và chiến thắng tuyệt đối để trở thành “công xưởng toàn cầu”.
Những lợi thế về lao động, dân số, tài nguyên,… ngày càng eo hẹp, chuyển hóa thành gánh nặng về an sinh xã hội. Đó là vấn đề mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt do quy luật già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên không tái tạo,…
Còn tiếp,…
TRƯƠNG KHẮC TRÀ - Theo DienDanDoanhNghiep