Một trong những quy hoạch quan trọng nhất của ngành điện nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung được các doanh nghiệp mong chờ từ lâu là Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo ông, đâu là thách thức và thuận lợi khi bắt tay vào thực hiện bản quy hoạch này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Không chỉ là chuyện thay quy hoạch này bằng quy hoạch khác để đảm bảo cung ứng nguồn điện mà là thay đổi toàn diện cấu trúc phát triển, với việc lấy ngành điện làm tọa độ để xem xét, quy chiếu bởi điều kiện, bối cảnh hiện tại đã khác hẳn thời gian trước.
Những cấu trúc của năng lượng tới đây cũng sẽ thay đổi rất căn bản. Công nghệ để phát triển cũng như vậy. Đây là những thay đổi đi theo phạm vi toàn cầu, chứ không riêng giải quyết vấn đề điện của Việt Nam, nhằm đảm bảo các vấn đề về cung – cầu, môi trường, cam kết với quốc tế (như phát thải bằng 0 tại COP 26 vừa qua).
Điểm cốt yếu là, khi điều kiện và nguyên tắc vận hành đòi hỏi thay đổi, cấu trúc của ngành điện và năng lượng lẫn cấu trúc, thể chế cũng phải thay đổi. Quy hoạch điện VIII ra đời trong bối cảnh như vậy và phản ánh được những thay đổi về cơ cấu sản xuất – tiêu dùng.
Quy hoạch này cơ bản vận động theo đúng xu hướng phát triển, nên có hai điểm đặc biệt về khó khăn và thách thức.
Thứ nhất, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, là chúng ta phải thay đổi những cái cũ, không dùng được nữa. Về nguyên tắc, là thay đổi bằng một hệ thống, cấu trúc khác.
Tuy vậy, cơ hội dành cho chúng ta từ việc hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII cũng rất lớn, nếu thực hiện được sự thay đổi hoàn toàn cấu trúc ngành điện cũ, phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay.
Cũng có thể quy hoạch điện VIII vẫn còn chưa hoàn thiện, nhưng về nguyên tắc, mạch của quy hoạch đã đáp ứng đúng xu thế của thời đại và chúng ta đang nỗ lực thực hiện điều đó.
Về tổng thể, cấu trúc về điện đã thay đổi theo yêu cầu của thế giới về giảm phát thải mà Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ. Mặc dù các nguồn điện phát thải cao (như than) vẫn rất nhiều, nhưng chúng ta có lợi thế để thay đổi khi dựa vào năng lượng tái tạo. Với việc chuyển hướng ngành điện, chỉ sau 2-3 năm điều chỉnh, cam kết chuyển sang sử dụng và phát triển năng lượng tái tạo sẽ mạnh khác thường.
Do đó, quyết tâm và cách tiếp cận đúng hướng của Việt Nam là có cơ sở thực hiện. Cần nhắc lại, khi thế giới đang rất ủng hộ mà Việt Nam cam kết mạnh mẽ như vậy trong bối cảnh nền kinh tế chưa mạnh thì chúng ta sẽ được tin cậy hơn rất nhiều.
Cần nhấn mạnh rằng, bản quy hoạch điện VIII chứa đựng tinh thần cam kết với quốc tế (về giảm phát thải) thể hiện qua vấn đề năng lượng tái tạo. Lâu nay, Việt Nam đưa ra các mục tiêu nói chung không mạnh và thiếu tính thực thi theo thời hạn. Lần này, chúng ta cam kết rất rõ ràng và có thời hạn chi tiết. Với bản quy hoạch này, như tôi đã phân tích về bối cảnh, sẽ là bài thử năng lực của Việt Nam để biết chúng ta làm được những gì.
Xác suất thành công của nỗ lực thực hiện quy hoạch điện là rõ nét, nếu nhìn vào những gì chúng ta đã và đang thực hiện thời gian gần đây. Điển hình là việc Chính phủ và Quốc hội mới đây đã thông qua việc triển khai đầu tư đường cao tốc với mục tiêu thực hiện hàng nghìn km chỉ trong vài năm. Từ đầu năm tới nay, đã thông tuyến hàng trăm km, trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó, nhất là vấn đề đầu tư công.
Điểm đáng chú ý của quy hoạch điện lần này, là cách tiếp cận phụ tải và nguồn chạy nền dự phòng cho hệ thống điện đã hướng tới phương án xử lý vấn đề năng lượng tái tạo một cách tích cực. Tất nhiên, thời điểm hiện tại phương thức đó chưa thể khớp với thực tế, vì có nhiều biến số thay đổi. Nhưng cơ cấu nguồn đó, đảm bảo được đa mục tiêu: nhu cầu cung cấp điện, hiệu quả phát triển tổng thể quốc gia và cam kết quốc tế. Đó là điểm ưu của cơ cấu nguồn điện.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về quy hoạch điện VIII trả lời TheLEADER về quy hoạch điện VIII. Ảnh: Hoàng Anh
Ông đánh giá ra sao về yếu tố hydro xanh trong bản quy hoạch điện VIII?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Ở Việt Nam, quan tâm và hiểu biết thực sự về hoạt động sản xuất hydro xanh chưa nhiều, nhưng thế giới đã nhìn nhận đó là công nghệ năng lượng của tương lai, của loài người trong 10 năm tới. Chúng ta cần tận dụng những yếu tố bất lợi (nắng, gió) thành lợi thế. Đây là cách tiếp cận rất can đảm và hoàn toàn có cơ sở thể thực hiện được.
Hiện nay, có ý kiến từ người phụ trách ngành điện cho rằng chi phí sản xuất hydro rất đắt. Nhưng qua theo dõi chi phí sản xuất hydro, tôi thấy thế giới giảm rất nhanh (nhưng là giảm theo nghĩa Việt Nam không nghĩ rằng có thể nhanh như vậy). Nhưng, mức giá này đang trên đà giảm mạnh, điều này phù hợp với logic của thế giới rằng: mỗi lần khủng hoảng năng lượng, là một lần thay đổi cơ bản công nghệ để sản xuất năng lượng.
Ví dụ như cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973-1978 ở Trung Đông, thì nước Nhật thắng lợi lớn nhờ công nghệ ô tô tiêu thụ ít xăng (so với Mỹ). Lần này, sự thay đổi còn quyết liệt hơn, bởi tích hợp nhiều loại công nghệ. Công nghệ sản xuất hydro gắn liền với công nghệ sản xuất xe điện, sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo ngành năng lượng toàn cầu.
Chúng ta phải bỏ ngay tư duy ‘đủng đỉnh’ và chờ đợi, trước xu hướng chuyển dần sang năng lượng tái tạo thông thường, và sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydro.
Những nghiên cứu nhằm tạo ra đột phá công nghệ sẽ ngày càng dày đặc hơn, thương mại hóa cao hơn. Chúng ta phải bỏ ngay tư duy ‘đủng đỉnh’ và chờ đợi, trước xu hướng chuyển dần sang năng lượng tái tạo thông thường, và sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydro.
Việt Nam có khả năng trở thành một thế lực trong hệ thống năng lượng mới của loài người và chúng ta cần chuẩn bị cho vị thế đó để có thể nhảy vọt.
Quy hoạch điện VIII có giúp gì cho các nhà đầu tư điện, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Có nhưng chưa rõ nét. Nguyên nhân là hệ thống giá điện có tính thị trường thấp, chưa có thị trường giá điện đúng nghĩa. Thị trường ấy bị áp lực độc quyền khá nặng. Cách làm giá điện như thế, dẫn đến giá điện chưa phải giá thị trường.
Nhưng thị trường điện không chỉ thể hiện bằng giá. Công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh, mà giá áp dụng trong 20 năm (FIT) là ‘chết’. Một trong những điểm yếu trong hệ thống điện, là chưa đặt trên nền tảng thị trường điện cạnh tranh đầy đủ. Do đó, thị trường đang rất ‘lỉnh kỉnh’: chúng ta cứ đưa ra những khuyến khích, cam kết, đến khi đầu tư thực hiện ào ào thì lôi ra vi phạm nọ, vi phạm kia...
Chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi tư duy (điển hình là giá FIT: giá điện thấp quá, cần khuyến khích tiêu dùng điện nhiều hơn, trong khi đó lại cản trở đầu tư phát triển nguồn (vì giá điện thấp). Nền kinh tế mở cửa lại vô hình chung kêu gọi những nhà đầu tư/dự án công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng vào Việt Nam.
Điều đó lý giải cho thực tế các hoạt động đầu tư xi măng, thép đều mang công nghệ rất thấp tràn vào. Hiện nay, trong danh sách các nhà đầu tư, tỷ lệ công nghệ cao chỉ khoảng 10-15%, công nghệ thấp phải đạt hơn 50%.
Nói như vậy, để thấy rằng giá điện giữ vai trò quan trọng đối với thay đổi chất lượng nền kinh tế. Chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh giá điện lên, bởi giá điện bán ra thấp, giá FIT lại cao trong suốt thời gian dài 20 năm. Chúng ta vẫn để cho giá điện bán ra thị trường theo nguyên lý giá thấp.
Theo nguyên lý đó, tiêu thụ cao sẽ được hưởng lợi. Từ đây, việc khuyến khích tiêu dùng điện bị lệch và nền kinh tế bị ‘nhốt’ trong cấu trúc công nghệ thấp là như thế. Đồng thời, chúng ta ‘thỏa hiệp’ với cấu trúc tiêu dùng điện như thế quá lâu. Trong khi phần tiêu thụ điện của người dân (cá nhân/hộ gia đình) ngày càng thấp đi. Cấu trúc tạo thành giá điện đang có vấn đề.
Bản chất thị trường điện chưa được bình thường. Các nhà đầu tư nước ngoài mang hàng chục tỷ USD và công nghệ mới vào tìm cách phát triển điện gió, điện mặt trời ở nước ta, nhưng vẫn bị ngừng 2 năm nay. Việc ngừng là có lý do, nhưng có đáng để mất đi cơ hội tiếp cận khối tài sản khổng lồ cho đất nước như vậy không? Đó là tài sản mang lại nguồn lợi rất lớn cho chúng ta.
Cũng may mắn, nắng nóng gay gắt như vừa qua mới thấy là cần phải đưa điện năng lượng tái tạo vào sử dụng, nếu không là gay. Cách ứng xử như vậy là bị động. Thậm chí, cách ứng xử đó làm hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia thấp đi đáng kể.
Đối với một dự án điện giả sử quy mô đầu tư 100 tỷ đồng, khi một khâu gặp trục trặc nhỏ (định giá khoảng 100 triệu đồng), thì ngay lập tức nhận được đánh giá là dự án có vấn đề và phải ngưng lại. Theo tôi, bên cạnh việc phải xử lý phần sai, thì khối tài sản đó (tổng thể dự án) cần được sử dụng. Điều đó không có nghĩa là tha thứ cho sai phạm. Do chúng ta không rạch ròi nên mới xảy ra tình trạng như vừa nêu.
Khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đến từ Đan Mạch là một điển hình) đã tìm tới Việt Nam để nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, đến nay các thương hiệu đó vẫn chỉ dừng ở khâu khảo sát với lý do chờ chính sách, hướng dẫn từ Chính phủ, bộ ngành. Ý kiến của ông về việc này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Sẽ chẳng nhà đầu tư nào hài lòng về chính sách. Dù được tạo thuận lợi đến mấy thì họ vẫn ‘kêu’. Ngược lại, chúng ta phải hiểu về xu thế của thế giới và biết thế mạnh của mình để ‘mặc cả’. Để đàm phán được với nhà đầu tư ngoại, chúng ta phải đủ năng lực. Cần nhắc lại rằng tính ưu đãi về chính sách của Việt Nam đã thuộc hàng cao nhất. Tuy nhiên, họ ‘kêu’ cũng đúng vì những thứ được cho là ‘khấp khiểng’, ‘lèm nhèm’, gây mất chi phí thời gian cơ hội.
Các nhà đầu tư ngoại đang đàm phán với chúng ta theo đúng luật của thị trường theo hướng ‘hạ giá được thì cứ hạ giá’, đòi được thuận lợi thì cứ đòi. Đàm phán cơ bản chỉ xoay quanh mức giá và thời gian. Nhất là về thời gian, khi công nghệ thay đổi thì chi phí cũng thay đổi theo. Nếu để kéo dài như giá FIT (20 năm) thì ‘chết’. Theo tôi, có thể áp dụng công thức 10+10 hoặc 5+5+5+5 cho giá bán điện, tức: sau 10 năm đàm phán lại một lần, hoặc sau mỗi 5 năm đàm phán.
Thực sự, trong tất cả những gì được coi là tương lai của Việt Nam, tôi kỳ vọng nhất vào vai trò của ngành điện cũng như chuỗi sản xuất liên quan. Tất nhiên, chúng ta có nhiều chuỗi, nhưng chuỗi sản xuất ngành điện là của trời cho. Xưa nay đã chịu khổ vì nắng gió, thì bây giờ ta sẽ tận dụng điều đó, đúng thời điểm xu hướng phát triển của thế giới thay đổi. Đây chính là thời cơ cực lớn của chúng ta.
Tình thế bất thường thì ứng biến khác thường
Ông có đồng tình với quan điểm cho rằng việc thiếu điện hiện tại cho thấy, cung ứng điện vẫn chỉ phụ thuộc chính vào thủy điện và nhiệt điện truyền thống?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Cứ nhìn vào cơ cấu nguồn cung điện sẽ thấy. Điện gió và điện mặt trời chỉ giữ tỷ trọng khoảng 11-12%, tức nguồn cung vẫn dựa vào các nguồn truyền thống (không thể tái tạo như than và gây ô nhiễm tới hơn 30%). Như thế là chúng ta lúc nào cũng phải trông đợi, chứ không phải bây giờ mới trông đợi vào các nguồn đó.
Trong bối cảnh này, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang ách tắc, chưa thể đàm phán được. Tôi nghĩ rằng, việc này lẽ ra EVN và các đối tác điện phải thông tin đầy đủ hơn nữa. Tại sao đàm phán lại tắc nghẽn như vậy? Một phần lý do là …sợ sai. Tình trạng này đang phải gỡ, mà cần gỡ theo nguyên tắc sai ở khâu nào thì khâu đó chịu trách nhiệm và xử lý khâu đó. Nếu có những điều kiện, quy định rõ ràng thì sẽ không có chuyện sai ở một khâu mà bắt dừng toàn bộ cả dự án.
Nếu có những điều kiện, quy định rõ ràng thì sẽ không có chuyện sai ở một khâu mà bắt dừng toàn bộ cả dự án.
Chúng ta không để đánh đồng câu chuyện thiếu điện lâu nay. Lâu nay, điện cơ bản được đáp ứng. Chỉ có ‘tâm lý thiếu điện’ mới xảy ra triền miên. Bản thân nguồn điện cung cấp mấy năm nay khá tốt. Gây căng thẳng và đổ tội hết cho ngành điện, cho EVN là không công bằng.
Còn trong khuôn khổ tâm lý sợ thiếu điện, thiếu điện xảy ra như vừa qua không phải thông thường, mà là dạng ‘vỡ trận’ ở những ngày nắng nóng cực điểm. Những thời điểm Hà Nội nắng cực điểm, TP.HCM nóng cực điểm, việc EVN duy trì đáp ứng cấp điện đảm bảo đã là nỗ lực rất lớn. Vì thế, ưu tiên cho ngành điện là chính đáng, không thể coi là lợi ích nhóm.
Như mới đây, khi chúng ta đề nghị đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ nhường khí để sản xuất điện, thì phải hiểu đây là mục tiêu ưu tiên tuyệt đối trong một đoạn ngắn (chứ không phải dồn hết cho điện mà quên đi những thứ khác). Đây không phải điện, mà là những nhu cầu sống còn. Tình thế bất thường thì ứng biến khác thường, là như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Cảnh - Theo TheLeader