"Đặc khu TPHCM là chưa đủ"
- Thưa ông, ông hiểu, TP.HCM là một ĐKKT như ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói là thế nào?
Gần đây, lãnh đạo TP.HCM mới chỉ định làm ĐKKT ở quận Nhà Bè và ở quận 7 với mục tiêu làm đột phá cho thành phố (TP). Quả thực, tuy lâu nay được gọi là "đầu tàu" tăng trưởng kinh tế của các nước nhưng cũng lâu, không thấy TP có đột phá nào.
Tôi cho rằng, để bứt phá hẳn lên, chỉ đặt vấn đề TP.HCM là ĐKKT là chưa đủ. Cần phải coi cả vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng thể chế đặc biệt. Có như vậy mới xây dựng được cơ chế cho cả vùng phát triển vượt trội lên, tạo thành một trung tâm phát triển cực lớn, tạo động lực kéo cả đất nước lên, trong một tầm nhìn hội nhập, cạnh tranh quốc tế gắn với sân bay Long Thành, gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải...
- Bí thư Đinh La Thăng chắc cũng không phải không nhận ra điều đó?
Tôi cho rằng, ông Thăng nói thế là vì ông ấy là Bí thư Thành ủy. Ông ấy là đại diện TP.HCM thì ông nói ở TP thôi chứ không nói cả vùng được. Nếu ông đề xuất cả vùng với tư cách là một Ủy viên Bộ Chính trị rằng, TPHCM là hạt nhân của vùng đặc khu ấy thì mới thật là tuyệt vời.
Trước đây, TP mới đề xuất đặc khu ở 2 quận. Nhưng ông Thăng mới vào, đề xuất cả thành phố là ĐKKT đã là một bước tiến ghê gớm rồi, một tầm nhìn vượt lên rồi. Tôi ủng hộ một tư duy rất mạnh như vậy. Đặc khu phải có những thay đổi mạnh về thể chế, chủ động về luật, điều hành, quản trị.
- Nhưng xưa nay, không ít người nhìn ĐKKT như là một khu vực được ưu tiên, ưu đãi về thuế, đất, tài chính... thôi mà ít thấy có nơi nào có một thể chế riêng?
Một vùng rộng lớn, có thể chế đặc biệt như vậy, không có nghĩa là phải có ưu tiên, ưu đãi gì nhiều vì cơ bản hiện nay, với các Hiệp định thương mại, thuế đều hướng về 0%. Ưu đãi ở đây là về luật lệ, thể chế nó phải cao vượt lên với cả nước, tương đương với các nước phát triển, như Singapore. Luật lệ là nó phải xử theo luật quốc tế, an ninh trật tự phải vượt lên.
Có những vùng ưu tiên kết nối, tập trung hạ tầng, tập trung đô thị để nó bứt hẳn lên, đặc biệt là kết nối giữa các vùng để nó lan toả ra. Hạ tầng giao thông phải thông suốt, nhất là phải ưu tiên kết nối quốc tế. Cách nhìn như vậy nó mới khác hẳn chứ không phải đặc khu cứ là phải ưu tiên miễn, giảm tiền thuế đất vài phần trăm, thủ tục giấy tờ bớt đi vài tiếng...
- Vậy theo ông, thời điểm này, đã hội tụ đủ điều kiện để "đầu tàu" TP.HCM thành một ĐKKT chưa hay như ông nói là "hạt nhân" cho cả một "vùng đặc khu"?
Chúng ta nên nhớ, Thâm Quyến của Trung Quốc cách đây 30 năm chỉ là vùng đất trống hốc, trống hoác, có 300 ngàn dân, thu nhập có 100 USD/người/năm, nghèo cực kỳ thế mà nay đã 10 triệu dân với GDP gấp rưỡi VN. Thì với ta bây giờ, cũng không thể không làm được mà vấn đề có phải đã đến lúc chín muồi tư tưởng của nhập cuộc hội nhập thế giới đẳng cấp cao chưa?
Tất nhiên, Thâm Quyến nó có lợi thế đặc biệt mà Việt Nam không có vì nó gần ngay Hồng Kông, nơi tập trung nguồn lực khổng lồ về tài chính của thế giới. Ta không được như vậy nhưng nguồn lực bên ngoài vẫn có, nếu có thể chế tốt cho TP.HCM cũng có thể tạo ra đột phá lớn, đóng góp 1/2 GDP cho cả nước thì cũng vĩ đại lắm rồi. Phải học như họ làm Thâm Quyến, mạnh dạn đưa ra thể chế tiến bộ là nguồn lực tràn vào ngay.
Chúng ta có thể thấy như ở Thái Nguyên, Samsung mới đổ vào phần nổi của họ thôi, Thái Nguyên đã bùng lên. Đó là chưa biết làm, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ở đó mà đã thế rồi.
Phải là "đầu đàn", chứ không phải "lạc đàn"
- Theo ông thấy thì liệu ý tưởng của ông Thăng có thể sớm thực hiện được không?
Tôi cho là chỉ cần trên đồng ý là người ta làm. Mối năm có 11 - 12 tỉ USD kiều hối gửi về Việt Nam, riêng TP.HCM có khoảng 5 - 7 tỉ USD. TP.HCM cũng là nơi tập trung nguồn nhân lực có trình độ. Những nguồn lực đó là khủng khiếp. Tôi nghĩ, có cơ chế làm là bùng lên được thôi.
- Thực ra mấy năm vừa rồi, đã có nhiều khu kinh tế được định hướng phát triển thành đặc khu nhưng chưa thành công. Để TP.HCM thực sự là một ĐKKT lớn thì theo ông, phải có những điều kiện gì?
Đúng là mấy năm vừa rồi chưa làm cái nào được triệt để. Đề án ĐKKT Phú Quốc mãi cũng rụt rè, chưa làm được, cơ chế chưa rõ. Nhưng mới đây, với các đề án ĐKKT Vân Phong (Khánh Hoà), Vân Đồn (Quảng Ninh)... được đặt ra thì tôi nghĩ đó là những tín hiệu rất mạnh. Nó cho thấy Bộ chính trị đã chấp nhận ngồi nghe, thảo luận, hàm ý đó là ý tưởng tích cực, có điều chưa chấp nhận thôi. Tôi nghĩ với đà này nên chấp nhận.
Trong nhiều thử nghiệm ở ta, người ta hay bàn đến rủi ro trước nên sợ, không thể đột phá được. Ta muốn có đột phá nhưng vẫn muốn giữ trong vòng kiểm soát, cái đó là rất dở. Các khu kinh tế đã làm như Cầu Treo (Hà Tĩnh) hay Chu Lai (Quảng Nam) cũng vẫn là kiểu ưu tiên cho vùng nghèo nhất, ưu tiên ở đẳng cấp thấp.
Với một ĐKKT thực sự, việc cho hưởng chút lợi ích về thuế, đất đai là không quan trọng. Ưu tiên cho một ĐKKT phải là để cho người ta độc lập, thể chế phải vượt trội lên. Ví dụ ở các ĐKKT nước ngoài, nếu nhà đầu tư kiện, họ không theo luật của anh mà theo luật quốc tế vì họ tin là đảm bảo công bằng.
Những tập đoàn lớn họ thích thể chế rành mạch như vậy, không lèm nhèm. Loại lèm nhèm phù hợp với ông trình độ thấp, chộp giật, đến kiếm chác, tinh thần bỏ chạy cao. Ta lâu nay cứ tưởng giảm thuế là người ta thích. Làm sao giảm hết thuế được, thế nên, chính sách thay đổi luôn xoành xoạch, tù mù... Các tập đoàn lớn, thích chính sách ổn định, rành mạch, có thể dự đoán được. Ưu tiên về thuế là ưu tiên kiểu bán rẻ mình đi, mua lấy đầu tư mà ở đây là đầu tư chất lượng thấp.
- Nhưng đây mới chỉ là ý tưởng, còn phải có thời gian để cụ thể hoá, thưa ông?
Chắc chắn đó là một ý tưởng rất mạnh. Không phải một chốc một lát hình dung thấy thể chế vượt trội là gì. Ông phải xây dựng ra, hình dung ra, TPHCM độc lập đến mức nào để đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo quốc gia. Ông không phải là con chim lạ trên đất nước này mà là một chim đầu đàn để vượt lên. Nhưng nếu không cẩn thận, lại thành con chim lạ, lạc loài, lạc đàn, tách khỏi đội hình là không được.
- Cảm ơn ông!
Mạnh Quân/Dân Trí