Đó là nhận định thẳng thắn của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình về những hạn chế của ngành tòa án trong thời gian qua.

6 tháng qua không kết oan người không có tội

Ngày 10.5, tại TP.Đà Nẵng, TAND tối cao đã tổ chức hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm của TAND với sự tham dự của TAND các tỉnh thành trên cả nước.

Theo báo cáo, trong 6 tháng qua, số lượng các loại vụ án mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng do tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự diễn biến phức tạp. Các tòa đã giải quyết 177.604 vụ án các loại trong tổng số 270.855 vụ án đã thụ lý; so với cùng kỳ năm 2015, số vụ án đã thụ lý tăng 19.333 vụ.

Công tác giải quyết xét xử các vụ án hình sự trong 6 tháng qua về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết oan người không có tội. Các tòa án đã trả 1.065 hồ sơ cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung.

Các tòa án đã xét xử sơ thẩm 234 vụ với 680 bị cáo về các tội tham nhũng. Đã tổ chức xét xử nghiêm minh 8 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo giải quyết trước thời điểm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 12.

Trong thời gian qua, TAND các cấp đã giải thích, đính chính đối với 126 bản án do tuyên không rõ ràng, có sai lầm nghiêm trọng. Do vậy, các tòa đã chủ động tăng cường phối hợp với VKS và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát lại các bản án dân sự chưa thi hành để xác minh trách nhiệm giữa các cơ quan và xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm của tòa án nhằm khắc phục tình trạng án tuyên chưa rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự.

Về bồi thường theo luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các tòa án thụ lý 4 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án và đang trong quá trình thương lượng, giải quyết. Các tòa án cũng đã thụ lý 22 vụ án dân sự khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường (trong đó 17 vụ yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, 3 vụ trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, 2 vụ trong án dân sự).

Dùng “thủ thuật nghề nghiệp”

Báo cáo chung của TAND tối cao cũng cho thấy rằng, trong 6 tháng qua, TAND các cấp còn nhiều hạn chế như tỉ lệ giải quyết các loại vụ án nhìn chung còn thấp, nhất là án hành chính; những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án tồn tại qua nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để như: vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, vi phạm thời hạn tạm giam bị cáo trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, vi phạm trong thụ lý đơn khởi kiện, chậm gửi thông báo thụ lý vụ án…

Số lượng vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của tòa án vẫn còn nhiều; chưa khắc phục được việc tuyên án không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các TAND cấp cao và TAND tối cao trong 6 tháng qua chỉ đạt 9,66%. Hiện nay, số đơn mà văn phòng TAND tối cao đã nhận nhưng chưa kịp xử lý để chuyển cho các đơn vị có thẩm quyền giải quyết còn khoảng 2.500 đơn.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định: “Vẫn còn có những vụ án chưa thực sự thuyết phục, chí công”.

Ông tâm sự với lãnh đạo các tòa án cấp tỉnh: “Khi làm việc với những đồng chí nguyên lãnh đạo tòa án thì họ có gửi gắm cho tôi một câu chuyện là chất lượng xét xử thực sự là nỗi sợ và đặc biệt là trong mảng dân sự. Hôm qua tôi có chỉ đạo xem xét lại một vụ án ở TP.Cà Mau, VKS thì đề nghị truy tố mua dâm tuổi vụ thành niên dưới 16 tuổi từ 3,5 tù giam, Tòa sơ thẩm thành phố thì đề nghị truy tố 3 năm treo. Bị cáo này là đại gia Việt kiều Mỹ nên người ta đặt ra câu hỏi có phải vì đại gia mà được treo hay không. Người ta nói ông quá may khi về VN được tù treo chứ ở Mỹ là tù hình sự.

Rồi người ta đưa ra 1 vụ án tương tự là hai cháu yêu nhau dưới 16 tuổi, cháu gái có bầu, chàng trai đi tù 4 năm và cháu gái ở nhà đẻ con chờ chàng trai về để làm đám cưới. Bây giờ người ta so sánh như vậy thì rõ ràng còn lâu chúng ta mới hình dung được gì, nhưng chúng ta băn khoăn về chất lượng xét xử”.

Ông Bình cho biết thêm: “Nguyên nhân của việc này về mặt khách quan là áp lực gia tăng, biên chế thiếu… chúng ta nói nhiều, tôi đồng tình. Nhưng cũng có những việc về mặt trách nhiệm, về điều hành. Tôi đi kiểm tra thấy tình trạng có tỉnh 1,9 án/thẩm phán/tháng; có tỉnh 18-20 án/thẩm phán/tháng. Mà tỉ lệ một tháng 18 án có nghĩa là có vấn đề về chất lượng, rủi ro rất cao; hơn 1 ngày 1 vụ, không đủ thời gian”.

Đặc biệt hơn, ông Bình còn chỉ ra việc dùng “thủ thuật” của ngành tòa án. Ông nói: “Còn những vụ án tồn tại kéo dài chưa được khắc phục như án quá hạn, án tồn đọng, kỹ năng điều hành phiên tòa, kỹ năng bản lĩnh giải quyết các vụ án dân sự, nhất là hành chính… Đôi khi để tránh áp lực về thì đua thì rất nhiều địa phương có cái cách dùng “thủ thuật nghề nghiệp”… án thì trả tới trả lui, bổ sung chỗ này chỗ kia; về mặt tố tụng thì không sai nhưng mà một vụ án kéo dài một hai nhiệm kỳ thì cái đó khó thuyết phục, dân quá bức xúc. Rồi đơn, đến tháng 9 khép lại năm công tác thì tìm cách trả tới trả lui để hướng dẫn sang năm. Chúng ta lặp đi lặp lại kỹ thuật đó thôi. Cố gắng làm sao mà chúng ta cũng góp phần thi đua nhưng cái gì có lợi cho dân thì làm”.

Thiếu biên chế, cơ sở hạ tầng

Tại cuộc họp, phần lớn ý kiến của đại diện tòa án các tỉnh, thành là việc thiếu biên chế, cơ sở hạ tầng xuống cấp và đề nghị TAND tối cao hỗ trợ về vấn đề này.

“Biên chế thiếu, thẩm phán thiếu nhưng quá thiếu hay không và thiếu bao nhiêu là một vấn đề”, ông Bình nói. “Thẩm quyền tăng biên chế bây giờ là của Bộ Chính trị chứ không phải Thủ tướng, của Thường vụ Quốc hội nữa. Bây giờ bộ máy cồng kềnh quá. Chúng ta muốn bộ máy năng động hơn, gọn nhẹ hơn nhưng không được vì cơ quan nào cũng muốn tăng. Với ngành đặc thù như tư pháp thì vẫn được tăng nhưng chúng ta phải nói rõ số lượng bao nhiêu chứ nói chung chung thì khó thuyết phục Bộ Chính trị”.

Về việc thi các chức danh thẩm phán, ông Bình cho hay: “Trong lúc chúng ta đang thiếu nhưng lại có những quy định gây khó. Anh muốn đi thi phải 5 năm sơ cấp, 5 năm trung cấp… kèm nhiều điều kiện, chúng ta cần phải xem lại vấn đề này. Phải khẩn trương xây dựng đề án việc làm và nhân sự, biên chế. Tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban cán sự đã thống nhất không nhất thiết phải xét đủ năm công tác mà sẽ tổ chức thi, nếu ở huyện mà anh thi đạt thì cũng có thể lấy lên tòa cấp cao…”.

Lê Đình Dũng

Ảnh: Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Lê Đình Dũng.