1- Sông Mẹ vĩ đại đang mất dần sức sống:
Sông Mê Công dài 4.880 km, đứng thứ 12 thế giới, có tổng lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m³, lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Sở dĩ nó có lưu lượng lớn như vậy là nhờ vào lưu vực rộng đến 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Ngoài lượng nước mưa nhận được tại lưu vực này, sông Mê Công còn nhận một khối lượng rất lớn nước tuyết tan trên các cao nguyên Thanh Hải và Tây Tạng.
Ảnh chụp thượng nguồn Sông Mekong Lan thương
Phần chảy trên lãnh thổ Trung Quốc dài khoảng 2.2000 km được gọi là Lan Thương Giang (瀾滄江). Đầu nguồn do hai con sông nhỏ Trát Khúc (扎曲) và Ngang Khúc (橫曲) hợp nhau tại Xương Đô (昌都). Ra khỏi Trung Quốc ở độ cao 500 m trên mực nước biển tại Mường Thông (Mengsong), Mê Công trở thành biên giới thiên nhiên giữa Lào và Mianma trước khi chảy vào đất Lào. Mê kông cũng tạo thành biên giới thiên nhiên giữa Lào và Thái Lan một đoạn dài gần 600 km trước khi chảy qua các tỉnh
Champasak, Siphandon, qua thác Khổng để vào đất Cam Pu Chia. Sau khi san sẻ một phần nước cho hồ Tonle Sap, Sông Mê Kông vào Việt Nam bằng hai
nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang. Từ đây, nó được gọi chung là Cửu Long.
Ở Đông Nam Á và trên thế giới, rất nhiều dòng sông mang tên “Sông Mẹ”. Sở dĩ như vậy là vì những con sông ấy như những người mẹ tần tảo, chảy xuyên qua vách đá, rừng già, đồi núi, thác ghềnh… đem đến nguồn nước, điều kiện sống tối thiểu nhất cho con người cứ trú dọc hai bên bờ sông và các chi lưu của nó. Ta có thể kể ra đây Mê Kông (tiếng Thái – Lào là “Mè Khoỏng”), Mê Nam (người Thái gọi là “Mè Nậm”), Sông Mã (người Lào gọi là “Nậm Mạ”), Sông Hồng (Người Việt xưa gọi là “Sông Cái” – “Cái” còn có nghĩa như Mẹ).v.v… Trong những “Sông Mẹ” ấy ở Đông Nam Á, Mê Kông là lớn nhất, dài nhất. Bắt nguồn từ sơn nguyên Tây Tạng, nó chảy qua các nước Trung Quốc (người Trung Quốc gọi là “Lan Thương Giang”), Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và kết thúc ở đồng bằng Nam Bộ với tên gọi “Sông Cửu Long” ứng với 9 cửa sông lớn đổ ra Biển Đông ở tam giác châu đứng vào tốp đầu thế giới về diện tích. Riêng ở Tam giác châu Nam Bộ này, nếu như trước đó mấy chục năm, Sông Mẹ Mê Kông đem đến nguồn nước và phù sa dồi dào cho cây lúa và thực vật sinh sôi nảy nở, thủy sản phong phú đến mức đi thuyền thò tay xuống nước là bắt được cá .v.v…
Sông Mê Công có tiềm năng thủy điện rất phong phú từ dòng chính đến các dòng nhánh trên lưu vực với tổng công suất ước tính khoảng 53.000MW, trong đó các nước hạ lưu khoảng 30.000MW bao gồm chủ yếu Lào, Camphuchia và Việt Nam. Phần thượng lưu sông Mê Kông có tiềm năng ước tính đạt 23.000 MW, chủ yếu ở Trung Quốc. Với tiềm năng thủy điện rất lớn nên cần được nghiên cứu và có chiến lược sử dụng, quản lý tài nguyên nước một cách hợp lý nhằm phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh về tiềm năng thủy điện ở lưu vực sông Mê Kông, cũng còn có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu để không những đảm bảo phát huy hết tiềm năng thủy điện mà còn đảm bảo sự công bằng về mặt sử dụng nguồn nước giữa các nước trong lưu vực và vấn đề môi trường sinh thái trên toàn lưu vực.
Sự lo ngại đó là có cơ sở. Trong hơn 20 năm gần đây, “Sông Mẹ” đã không còn khỏe khắn như trước. Xâm nhập mặt đã lấn sâu vào đồng bằng Nam Bộ hàng chục đến vài chục km. Thậm chí thành phố Cần Thơ nằm cách cửa sông hơn 70 km cũng đã bắt đầu nhiễm mặn. Những trận lũ lớn của những mùa len trâu đẻ lại những lớp phù sa màu mỡ hầu như không còn. Đồng Tháp Mười bốn mừa trắng nước nay có nguy cơ trở thành một vùng đồng lầy chết chóc.
Không chỉ Việt Nam mà Campuchia cũng không hơn gì. Hồ Tonle Sap, cái bụng chứa khổng lồ vốn đóng vai trò điều hòa thủy chế cho hạ nguồn Mê Kông nay đã mất đi hơn ¼ khối lượng nước thường có. Các loài thủy sản giảm mạnh về số lượng và chủng loài. Nghề cá tập nập trên Biển Hồ một thời nay bắt đầu khó khăn. Ngược lên qua thác Khổng, hàng mấy triệu con người sinh sống dọc theo sông Mê Kông ở Lào, Thái Lan, Myanma cũng gặp tình cảnh tương tự. Vì đâu nên nỗi ? Một số các nhà khoa học quy nguyên nhân do biến đổi khí hậu. Một số khác có quan điểm ngược lại là do con người, chính con người là biến đổi khí hậu. Một số người lại cho rằng đó là do nước biển dâng. Một số khác bảo rằng đó là do chặt phá rừng.v.v… Tóm lại là rất nhiều, rất nhiều ý kiến.
Tôi thì tôi cho rằng tất cả các nhà khoa học ấy đều đúng. Nhưng tôi thiên về nguyên nhân do con người nhiều hơn. Bởi lẽ, thời đi học phổ thông, một thầy giáo dạy sinh vật đã ra cho chúng tôi một câu đố: “Loài động vật nào phàm ăn nhất và mạnh nhất ?” Chúng tôi trả lời mỗi đứa một phách. Đứa bảo rằng con voi ăn nhiều nhất, đứa bảo rằng con lợn ăn nhiều nhất, đứa cho rằng con hổ ăn dữ nhất .v.v… Cuối cùng, thầy giáo bảo: “Con người ăn nhiều nhất và ăn mạnh nhất. Lý do rất đơn giản. Mỗi con vật chỉ ăn một số con khác. Nhưng con người thì ăn tất cả những con khác, từ cào cào, châu chấu cho đến cá voi”. Vì thế, tôi thiên về nguyên nhân con người gây ra những điều đó.
Học theo các nhà làm phim “Ký sự Mê Kông”, tôi thử đi dọc theo con “Sông Mẹ” hùng vĩ này để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Tất nhiên tôi không có ô tô địa hình và xuồng cao tốc như các bác ấy nên đành nhờ “Chuyên cơ Google Map” để “đằng vân giá vũ”. Tôi không đi xuôi dòng từ thượng nguồn đến hạ nguồn như các bác làm phim mà lần ngược dòng từ Đồng bằng Nam Bộ trở lên. Chuyến đi đã phát hiện được nhiều điều rất thú vị nhưng cũng rất đau xót.
Dọc theo sông Mê Kông từ thị xã Krachie trở lên, những cánh rừng bạt ngàn ở hai bên bờ đã thưa thớt đi rất nhiều. Phần lớn trong số đó là rừng mọc lại chưa đầy 40 năm tuổi, hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở Đông Dương (1945-1975). Qua thác Khổng sang đất Lào, ngoài một số vạt rừng già còn được giữ lại ở tả ngạn, còn lại bên hữu ngạn là bán sơn địa Pắc Xế, nối với vựa lúa miền Nam Thái Lan. Khi Mê Kông trở thành biên giới thiên nhiên giữa Lào và Thái Lan, hai bờ sông trở nên rất khác nhau. Phía hữu ngạn (Thái Lan) kéo dài từ phía Bắc thị xã Pakse đến Muong Paklay hầu như không còn rừng. Tất cả chỉ là một vùng bồn địa bazan đỏ quạch ngút tầm mắt. Vậy mà người ta tính rằng bồn địa Thái Lan chiếm tới 25% của toàn bộ diện tích lưu vực Mê Kông. Trái lại, bên tả ngạn trên đất Lào vẫn còn nhiều rừng già, trong đó có cả rừng nhiệt đới nguyên sinh. Lào gần như nằm trọn trên lưu vực sông Mê Kông với 35 % tổng diện tích lưu vực. Ngoài khoảng 10% diện tích lưu vực nằm ở Cam Pu Chia, Việt Nam và Mianma, Trung Quốc chiếm khoảng 35% diện tích lưu vực sông Mê Kông.
Tuy nhiên, việc tàn phá rừng đầu nguồn chỉ có thể thay đổi thủy chế của con sóng bởi tổng lượng mưa trên cùng một diện tích lưu vực dù có trồi sụt hàng năm nhưng hầu như không thay đổi. Vấn đề còn lại là lũ lớn hay lũ nhỏ và thủy chế trở nên thất thường do đất không còn rừng để giữ lại một phần nước và điều hòa lưu lượng nước mà thôi. Nếu còn trừng thì ngay cả trong những năm hạn hán khắc nghiệt nhất, nguồn nước dự trữ trong đất từng vẫn đủ để “nuôi sống” dòng chảy.
Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân làm tăng giảm lượng nước trong một dòng sông. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra. Lẽ ra với sự nóng lên của trái đất, băng tuyết trên các đỉnh núi cao của các dãy Himalaya và Conlon tan ra nhiều hơn và Mê Kông sẽ nhận được nhiều nước hơn. Nhưng điều đang diễn ra lại là ngược lại. Lưu lương nước của Mê Kông từ trung nguồn đến hạ nguồn đã giảm khoảng 15% đến 20% trong 30 năm qua.
Vậy thì cái gì đang diễn ra ? Ai đã “cướp nước” của dòng Sông Mẹ ? Và tôi bắt đầu đi tìm nguyên nhân khác. Đó là THỦY ĐIỆN và THỦY LỢI. Cả hai thứ này đều alf sản phẩm của con người chứ không phải do thiên nhiên.
Bài học thủy lợi sử dụng nước thì đã rất rõ ràng và đắt giá với điển hình là biển Azov ở Uzbekistan (Liên Xô cũ). Do cần rất nhiều nước để “biến sa mạc thành cánh đòng bông” bạt ngàn nên hai con sông Syr Daria và Amu Daria sau 30 năm đã trở thành hai dòng sông chết. Còn biển Azov, nơi nhận nước chủ yếu từ hai con song này cũng trở thành một “biển chết”theo đúng nghĩa đen của từ này. Đến năm 2005, độ mặn của biển này đã lớn hơn độ mặn của “Biển Chết” ở Israel và diện tích đã thu hẹp chỉ còn 25% so với 30 năm trước đó.
Bài học thủy điện gần đây mới trở nên “nóng sốt” khi người ta phát hiện ra rằng chính con đập Tam Hiệp khổng lồ ở trung lưu sông Dương Tử (Trung Quốc) đã làm thay đổi hệ động thực vật ở hạ nguồn và là nguyên nhân gây biến đổi khí hậy trên toàn bộ lưu vực của dòng sông. Vậy thì điều tương tự liệu có thể xảy ra đối với Mê Kông hay không ? Câu trả lời là có và thậm chí là tồi tệ hơn thế. Nếu như con người không biết dừng lại trước khi quá muộn.
2- Những con đập thủy điện, thủy lợi đang “bức tử” Sông Mẹ Mê Kông:
Những nhà làm phim “Ký sự Mê Kông” cũng đã từng thảng thốt trước sự hùng vĩ và vẻ đẹp của những con đập và hồ chứa trên dòng Mê Kông mà khi đó, chưa thể nhận ra rằng đó là những vẻ đẹp chết người. Đằng sau vẻ đẹp ấy, là số phận của hàng trăm triệu nước sinh sống nơi hạ nguồn và cũng là số phận của chính Sông Mẹ vĩ đại. Dọc theo chiều dài hơn 3.000 dặm Anh của Mê Kông, người ta dễ dàng nhận thấy có cả cả hàng trăm con đập thủy điện và thủy lợi lớn nhỏ cả trên dòng chính cũng như các chi lưu của con sông, tạo ra những hồ chứa có dung tích từ vai trăm triệu đến trên 2 tỷ m³ nước. Về vị trí, chúng được chia làm hai loại: đập trên dòng chính và đập trên chi lưu của sông Mê Kông. Về kỹ thuật và hiệu dụng, chúng được chia thành ba loại: đập thủy điện, đập thủy lợi và đập lưỡng dụng.
a) Hồ đập trên dòng chính: (Xem ảnh A)
* Cho đến này, Trung Quốc là nước đầu tiên xây đập ngăn dòng chính của sông Mê Kông và là nước có nhiều đập nhất ngăn dòng chính của sông Mê Kông (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương). Bắt đầu từ đoạn sông Lan Thương chảy vào đất Lào ngược lên phía Bắc, cho đến nay đã có 6 đập thủy điện lớn được xây dựng và đi vào hoạt động: (Nguồn tài liệu chính: https://www.internationalrivers.org/…/ir_lacang_dams_2013_5…)
- Được xây dựng và hoàn thành sớm nhất trên đầu nguồn sông Lan Thương là đập Mạn Loan (漫湾). Đập Mạn Loan (漫湾大坝 - Mạn Loan đại máng) là đập thủy điện lớn đầu tiên được hoàn thành trên sông Mê Kông. Đập này nằm ở tọa độ 24°37′20″Bắc, 100°26′56″Đông, khởi công ngày 1-5-1986 và hoàn thành ngày 5-6-1995, dung tích 1.548,1 km 3. (Chi tiết xem ảnh 1)
- Sau đập Mạn Loan, Trung Quốc cho xây dựng Đập thủy điện Đại Triều Sơn (大朝山) được xây dựng trên khúc sông Lan Thương cũng chảy qua huyện Vân, Vân Nam Trung Quốc ở vị trí có tọa độ 24°01′28″Bắc 100°22′09″Đông, dung tích 1.126,7 km3. Khởi công năm 1996, hoàn thành năm 2003. (Chi tiết xem ảnh 2).
- Tiếp theo phải kể đến Đập Tiểu Loan (小湾坝). Đập này không hề nhỏ như tên gọi của nó. Tiểu Loan là một đập thủy điện rất lớn được xây dựng ở vị trí tọa độ 24°42′11″Bắc 100°05′31″Đông trên sông Lan Thương, thuộc huyện tự trị Nam Cương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dung tích 15.000 km m3, Khởi công năm 2002, hoàn thành năm 2013. (Chi tiết xem ảnh 3).
- Năm 2012, quy mô hồ chứa và công suất của Đập thủy điện Tiểu Loan đã bị Đập Nọa Trát Độ (糯扎渡) vượt qua. Đập được xây dựng ở vị trí tọa độ 24°01′28″Bắc 100°22′9″Đông trên sông Lan Thương ở thị trấn Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dung tích tồi đa 21.749 km3. Công trình được khởi công năm 2004 và hoàn thành năm 2012. (Chi tiết xem ảnh 4)
- Đập Cảnh Hồng (景洪) được khởi công năm 2003, hoàn thành năm 2008. Đập này nằm cách ngã ba biên giới Trung Quốc, Mianma và Lào khoảng 70 km, ở vị trí tọa độ 22°03′9″Bắc, 100°45′58″Đông, có dung tích 240 km3. (Chi tiết xem ảnh 5)
- Đập thủy điện Công Quả Kiều là đập bê tông trọng lực ngăn dòng sông Lan Thương dần trấn Vân Tử, huyện Vân Long, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tại vị trí có tọa độ 25°35′10.42″Bắc 99°20′8.06″Đông. dung tích 120 km3. (Chi tiết xem ảnh 6)
Ngoài các đập đã hoàn thành và đin vào sử dụng, Trung Quốc tiếp tục khỏi công thêm một số đập thủy điện khác trên dòng chính của Mê Kông. Hầu hết đều dự kiến hoàn thành trước năm 2020:
- Đập thủy điện Miêu Vĩ ngăn dòng sông Lan Thương được khởi công năm 2010 tại phía Bắc thị trấn Trường Thành, huyện Vân Long thuộc Châu tự trị dân tộc Bạch - Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có trị trí tọa độ 25°51′15.66″Bắc 99°9′40.78″Đông, dung tích tối đa 660 km3. (Chi tiết xem ảnh 7)
- Đập thủy điện Hoàng Đăng có vị trí cao nhất trên dòng Lan Thương tại Huyện tự trị dân tộc Bạch và dân tộc Phổ Mễ - Lan Bình, một đơn vị hành chính của châu tự trị dân tộc Lật Túc Nộ Giang thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có vị trí tọa độ 26°33′21.65″N 99°6′40.55″E , có dung tích 1.613 km3. Khởi công năm 2010, bắt đầu tích nước năm 2015. (Chi tiết xem ảnh 8).
- Đập thủy điện Wunonglong được khởi công trong năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2018 tại vị trí tọa độ 27°55′49.12″N 98°56′1.74″E thuộc huyện tự trị Duy Tây của tộc người Lật Túc, thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Dêqên, phía Bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có dung tích tối đa 272 km3. Bắt đàu tích nước năm 2015. (Chỉ tiết xem ảnh 9)
- Dự án thủy điện Đại Hoa Kiều được hoạch định xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Lan Thương đoạn chảy qua huyện tự trị dân tộc Bạch và dân tộc Phổ Mễ Lan Bình. Vân Nam, Trung Quốc tại vị trí có tọa độ 26°20′26.40″Bắc 99°8′36.50″Đông. Hồ chứa có dung tích dự kiến 293 km3. (Chi tiết xem ảnh 10)
- Dự án thủy điện Quý Châu:
Xem toàn văn Dự án thủy điện Quý Châu (Trung Quốc):
(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3776388/:
* Sau Trung Quốc, Lào cũng có một số dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông đoạn chảy qua Lào.
- Dự án đập thủy điện Sainyabuli (Xayboury) ngăn dòng sông Mê Kông tại bản Pak Nơn. tỉnh Sainyabuli, Lào, nằm tại vị trí tọa độ 19°15'14,5"Bắc, 101°48'49,2"Đông, dung tích hiệu dụng 1.300 km3. (Chỉ tiết xem ảnh 11 và 12)
Ngày 4-5-2007, chính phủ Lào ký kết một bản ghi nhớ với Công ty Phát triển công cộng Ch. Karnchang của Thái Lan cho việc phát triển kế hoạch thủy điện Sau đó một hợp đồng phát triển kế hoạch được ký tháng 11-2008. Một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường được đệ trình vào tháng 2-2010. Tháng 7-2010, một bản ghi nhớ về mua bán năng lượng được ký kết giữa “Electricity Generating Authority of Thailand” và chính phủ Lào. Chính phủ đã bắt đầu xây dựng sơ bộ vào đầu năm 2012 nhưng hoãn việc xây đập vì các nhà hoạt động phản đối dự án do nó có các ảnh hưởng xấu tới môi trường và con người sinh sống dọc sông Mê Kông ở hạ nguồn con đập.
- Dự án Don Sahong là dự án thủy điện thứ hai của Lào trên dòng chính của sông Mê Kông trên một trong các dòng con phía hạ lưu hệ thống thác Khổng giữa hai tỉnh Siphandon và Champasak tại vị trí có tọa độ 13°56′37.87″Bắc 105°57′22.62″Đông, giáp biên giới Lào – Cam Pu Chia. Dự án đang ở giai đoạn tiền khả thi. (Chi tiết xem ảnh 13)
* Theo gót Trung Quốc và Lào, Cam Pu Chia cũng xây dựng một số dự án thủy điện ngăn dòng chính của sông Mê Kông:
- Dự án thủy điện Sambor trù tính đặt tại phía Nam làng Sambor, huyện Prek Kampi, tỉnh Kratie có vị trí tọa độ 12°47′N 105°57′E; là một đập thủy điện khổng lồ do Công ty điện lực Hoa Nam, Trung Quốc (China Southern Power Grid Company ) làm tổng thầu, dung tích dự kiến dung tích 3.794 km3. (Chi tiết xem ảnh 14)
Chính phủ Pháp và Ngân hàng thế giới (WB) đã xem xét tài trợ cho chương trình nghiên cứu dự án tiền khả thi của công trình này. Người ta dự kiến sẽ khởi công vào năm 2020. Nhiều nhà nghiên cứu môi trường và thủy văn đã cảnh báo chính phủ Cam Pu Chia rằng công trình thủy điện Sambor này nếu được xây dựng sẽ bóp chết Hồ Tongle Sap (Biển Hồ) và nơi đây chỉ còn lại là một vùng đồng lầy chết chóc thay vì là một khu dự trữ sinh quyển của thế giới, Ngoài ra, khí hậu trong vùng sẽ có những biến động lớn không thể lường trước được.
b) Hồ đập trên chi lưu sông Mê Kông:
Các nước trên lưu vực sông Mê Kông đều xây dựng nhiều đập thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trên các chi lưu của nó. Đoạn sông Lan Thương chảy trên đất Trung Quốc không có chi lưu lớn đáng kể. Tuy nhiên, ở trung lưu con sông, các nước Lào, Thái Lan, Việt Nam và Cam Pu Chia đều xây dựng các đập thủy điện, thủy lợi trên các chi lưu lớn của con sông này. Các đập thủy điện lớn gồm có:
* Các đập thủy điện của Lào:
- Houay Ho là đập thủy điện trên con sông cùng tên là một chi nhánh của sông Xe Kông, phụ lưu sông Mê Kông, được xây dựng ở huyện Samakkhi Xay thuộc tỉnh Attapeu, Lào; tại vị trí có tọa độ 15°3′34″N 106°45′39″E. Tổng dung tích 3.530 km3. (Chi tiết xem ảnh 15)
- Đập thủy điện Nậm Ngừm ở phía Bắc thủ đô Viên Chăn 60 km trên con sông cùng tên, tại vị trí có tọa độ 18°31′51″N 102°32′51″E, dung tích 4.700 km3. (Chỉ tiết xem ảnh 16)
- Đập thủy điện Xekaman 1/2 là công trình hợp tác năng lượng Việt – Lào được khởi công xây dựng ngày 6-3-2011 tại huyện Xan Xay, tỉnh Attapeu, Lào. Đập nước có cao trình 117,5 m, tạo ra hồ chứa có diện tích mặt nước 149,8 km2, dung tích 4.800 km3 (Chi tiết xem ảnh 17)
- Đập thủy điện Xekaman 3 được xây dựng trên Sông Nam Pagnou, nhánh chính của sông Xekaman, phụ lưu của sông Mê Kông, huyện Dak Chung, tỉnh Sekong, Lào, có dung tích 1.085 km3. (Chi tiết xem ảnh 18)
- Hệ thống Nậm Thơn 1/2 là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Lào, sau dự án Xaynaburi được xây dựng tại sông Nậm Thơn (còn gọi là sông Kading), một nhánh của sông Xê Bang Phai, chi lưu của sông Mê Kông thuộc tỉnh Khăm Muộn, miền Trung Lào; tại vị trí có tọa độ 17°59′49″N 104°57′10″E, tổng dung tích 3.530 km3. Chi tiết xem ảnh 19, 20)
- Dự án thủy điện Xekaman 4, bậc thanh cuối cùng trong tổng dự án thủy điện Xekaman hợp tác Việt – Lào dự kiến xây đập ngăn sông Xekaman tại huyện Dak Chung, tỉnh Se Kong (Lào). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 284 triệu USD, gồm hai công trình là Công trình thủy điện Xekaman 4, Công trình thủy điện Xekaman 4A , với công suất thiết kế 182MW. Ngày 27-8-2012, hợp đồng phát triển dự án thủy điện Xekaman 4 đã được ký kết giữa Chính phủ Lào và Công ty Cổ phần điện Việt - Lào.
- Dự án thủy điện Se Pian - Se Namnoy là dự án tay ba có giá trị 830 triệu USD được đầu tư bởi Liên doanh gồm Chính phủ Lào (24% vốn góp), Công ty Hàn Quốc “SK Engineering & Construction” (26%), Công ty Hàn Quốc “Korean Western Power” (25%), và Công ty Thái Lan “Ratchaburi Electric Generating Holding PLC”. Các công trình đầu mối gồm đập tràn chuyển dòng và 2 đập ngăn sông. Đập đất đá hỗn hợp Xe Pian cao 49 m và Đập đá lõi đất Xe Namnoy cao 78 m. Nhà máy thủy điện gồm 3 tuabin kiểu Pelton có công suất 3 × 124 MW, sản lượng 1.927 GWh/năm. Sau khi hoàn thành vào năm 2019, 90% sản lượng điện sẽ xuất khẩu sang Thái Lan.
* Cam Pu Chia cũng có một số dự án thủy điện lớn xây dựng trên các phụ lưu vùng cận hạ nguồn của sông Mê Kông, trong đó có một công trình phối hợp hoạch định dự án với phía Việt Nam.
- Dự án đập thủy điện Hạ Sê San 2 được dự kiến xây dựng trên phía hạ lưu ngã ba sông Sê Rê Pôk và Sê San, cách thị xã Stung Treng 25 km về phía Đông, tại vị trí có tọa độ 13°32′59.5″N 106°15′49.4″E, hồ chứa dự kiến rộng 355 km2. (Chi tiết xem ảnh 21)
- Dự án thủy điện Stung Sen trù tính xây dựng một con đập dòng sông cùng tên chảy từ tỉnh Preah Vihear qua tỉnh Kompong Thom đến Biển Hồ, Cam Pu Chia, tại vị trí có tọa độ 13°18′13.4″N 105°15′11.5″E. (Chi tiết xem ảnh 22).
- Dự án thủy điện Hạ Sre Pok 2 có quy mô lớn thứ 3 của Cam Pu Chia sau dự án Sambor và Hạ Sê San 2. Người ta dự kiến xây dựng một con đập lớn tại phía hạ lưu chỗ hợp dòng giữa sông Srepok và sông Sê San tại tỉnh Stung Treng. Một con đập cao 25 km sẽ tạo ra hồ chứa nước có diện tích mặt nước 120 km2, tổng dung tích 420.000.000 m3., cung cấp nước cho 4 tổ máy tua bin phát điện có tổng công suất 222 MW, sản lượng điện hàng năm ước tính đạt 1.174 GW. Dự án đang trong giai đoạn tiền khả thi
* Việt Nam là nước có nhiều công trình thủy điện nhất được xây dựng trên các phụ lưu của sông Mê Kông bắt nguồn từ Tây Nguyên và dãy Trường Sơn:
- Đập thủy điện Yali được xây dựng trên thác Yaly, trên địa phận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, thuộc lưu vực sông Pô Kô và Đăk Bla, thượng ngồn sông Sê San là chi lưu của Mê Kông, tại vị trí có tọa độ 14.227°N 107.829°E. Hồ chứa rộng trên 20 km2, dung tích 1.200 km3. (Chi tiết xem ảnh 23)
- Đập thủy điện Sê San 3 được xây dựng trên sông Sê San, phụ lưu của sông Mê Kông, phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam thuộc xã Ya Khai, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. Hồ chứa có dung tích hiệu dụng 38 km3. (Chi tiết xem ảnh 24).
- Đập thủy điện Sê San 4 cũng được xây dựng trên sông Sê San, phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam thuộc huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai, khởi công năm 2003, hoàn thành năm 2010. dung tích hiệu dụng 26 km3. (Chi tiết xem ảnh 25).
- Đập thủy điện Pleikrông được xây dựng trên địa bàn tỉnh KonTum, trên sông Krông Pôkô nhánh lớn thuộc phần thượng lưu của sông Sê San, toàn bộ các hạng mục xây dựng công trình thủy điện Pleikrông thuộc địa phận xã Sa Bình, huyện Sa Thầy và xã Kroong, thị xã Kontum. Dung tích hồ chứa 1.048 km 3. (Chi tiết xem ảnh 26).
- Đập thủy điện Srepok 3 được khởi công xây dựng vào ngày 25-12-2005 hoàn thành năm 2010, thuộc địa phận hai xã Eapo, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk và Ea nuol, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. (Chi tiết xem ảnh 27)
- Đập thủy điện Srepok 4 là bậc thang thủy điện cuối cùng trên sông Srepok được tại xã Eawer, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắc Lắc và xã Ea Pô, huyện Cư Jut thuộc tỉnh Đắc Nông. Công trình tháng 2 năm 2008 và hoàn thành vào tháng 10 năm 2010. Dung tích toàn bộ hồ chứa là 31 km3. (Chi tiết xem ảnh 28)
- Đập thủy điện Buôn Kuốp nằm trong địa phận các xã Hòa Phú (huyện Cư Jút), Nam Đà (huyện Krông Nô) và Dray Sáp (huyện Krông Ana), cách chỗ hợp lưu của các sông Krông Nô và Krông Ana khoảng 10 km về phía hạ lưu. Công trình có công suất 280 MW này (lớn thứ hai ở Tây Nguyên sau công trình thủy điện Yaly) được khởi công vào ngày 21-12-2003, hoàn thành tháng 3-2010. (Chi tiết xem ảnh 29, 30).
- Đập thủy điện Buôn Tua Srah được khởi công xây dựng năm 2004 trên sông K’rông Nô, nhánh phải của sông Srepok, chi lưu của Mê Kông, thuộc địa phận xã Nam Ka (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) và xã Quảng Phú (huyện Rông Nô, tỉnh Đắk Nông), hoàn thành năm 2008. (Chi tiết xem ảnh 31).
- Cụm thủy điện Dray Hling 1 – Dray Hling 2 nằm ở thượng nguồn thác Dray Hling thuộc xã Hòa Phú, tỉnh Đăk Lăk gồm 2 giai đoạn phát triển. Dray Hling 1 được ngăn dòng ngày 30-4-1984, hoàn thành tháng 2-1990. Năm 2004, dự án Dray Hling 2 được khởi công và hoàn thành năm 2007. (Chi tiết xem ảnh 32, 33)
* Tuy là nước có diện tích lưu vực của sông Mê Kông chiếm đến 36% diện tích lãnh thổ với 18% số dòng chảy phụ lưu của Mê Kông nhưng do địa hình bồn địa Đông Thái Lan tương đối bằng phẳng nên tiềm năng thủy điện trên các chi lưu của Mê Kông thuộc lãnh thổ Thái Lan không lớn. Tuy vậy, từ đầu những năm 1960, nước này cũng tận dụng khai thác hầu hết tiềm năng thủy điện khoảng 400 MW của họ với hàng chục dự án lớn nhỏ. Tất cả các dự án này đều kết hợp giữa thủy điện và thủy lợi để tưới tiêu cho vùng bồn địa Đông Thái Lan:
- Đập thủy điện Sirindhorn nằm ở vị trí có tọa độ 15°12′22.82″Bắc 105°25′44.96″Đông trên sông Dom Noi thuộc tỉnh Uban Rachathani, Thái Lan, khởi công năm 1968, hoàn thành năm 1971. Hồ chứa có dung tích 1.966 km3. (Chi tiết xem ảnh 34)
- Đập thủy điện Chulabhorn nằm ở vị trí có tọa độ 16°32′10.56″Bắc 101°39′0.13″Đông trên thượng nguồn sông Phrom, một chi lưu của Mê Kông thuộc xã Thung Lui Lai, huyện Khon Sai, tỉnh Chaiyaphum, khởi công năm 1970, hoàn thành năm 1972. Hồ chứa có dung tích 165 km3. (Chi tiết xem ảnh 35)
- Đập thủy điện Huai Kum nằm trên trung nguồn sông Phrom đoạn chảy qua huyện Kaset Somboon, tỉnh Chaiyaphum, miền Bắc Thái Lan. Khởi công và hoàn thành trong năm 1980. Hồ chứa có dung tích 38 km3. (Chi tiết xem ảnh 36)
Ngoài hai đập thủy điện nói trên, hàng chục đập thủy lợi ngăn dòng lấy nước dùng cho nông nghiệp và sinh hoạt dọc con sông đã làm cho dòng chảy Phrom khi đổ ra sông Mê Kông chỉ còn là một con kênh nhỏ.
- Đập thủy điện Ubol Ratana (còn gọi là đập Nậm Phong) được xây dựng năm 1966 tại tọa độ 16°46′31.42″Bắc 102°37′5.97″Đông, nằm trên sông Phong thuộc xã Kok Soong, huyện Ubol Ratana, tỉnh Khon Kaen, miền Bắc Thái Lan. Đây là dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á khi đó. Hồ chứa có diện tích mặt nước lên đến 410 km2, dung tích 2.559 km3. (Chi tiết xem ảnh 37)
- Đập thủy điện Pak Mun được xây dựng trên khúc sông Mun (chi lưu lớn nhất của Mê Kông ở Thái Lan) tại vị trí có tọa độ 15°16′55″Bắc 105°28′6″Đông, trên địa phận hai xã Nong Chart và Hua Heo, tỉnh Ubon Rachathani, cách nơi hợp lưu giữa Sông Mun và Mê Kông 5,5 km. Hồ chứa rộng 117 km2, dung tích 2.250 km3. (Chỉ tiết xem ảnh 38)
- Đập thủy điện Nậm Búng (Nam Pung) được xây dựng trên dòng sông Phan (còn gọi là Nậm Pao, một chi nhánh của sông Chi, phụ lưu của sông Mun đổ ra Mê Kông) đoạn chảy qua huyện Kut Bak, tỉnh Sakon Nakhon, Thái Lan. Hồ chứa có diện tích mặt nước 21 km2, dung tích tối đa 165 km3. (Chi tiết xem ảnh 39)
- Đập thủy điện Lum Takhong ( Lăm Tắc Hông) được xây dựng trên sông Lum Takhong, một chi nhánh của sông Mun, phụ lưu của Mê Kông, có vị trí tọa độ 14°51′54″Bắc 101°33′37″Đông, phía Tây thị trấn Khlong Phai, giữa hai huyện Pak Chon và Si Khiu thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima, miền Trung Thái Lan. Hồ chứa có tổng dung tích 310 km3. (Chi tiết xem ảnh 40)
c) Các đập thủy lợi lớn trên các chi lưu của Mê Kông:
- Đập thủy lợi Lam Phra Phloeng nằm ở huyện Nakhon Ratchasima được xây dựng trên con sông cùng tên, là nhánh của sông Mun, một chi lưu lớn của Mê Kông ở Thái Lan. Có vị trí tọa độ 14°30′19″Bắc 101°46′50″Đông, Dự án được khởi công năm 1962, hoàn thành năm 1967. Con đập cao 11 m tạo ra một hồ chứa có dung tích 1.965 km3 nước. Do bối lắng, đến năm 1991, dung tích hiệu dụng tối đa chỉ còn 1.080 km3. (Chi tiết xem ảnh 41)
- Đập thủy lợi Kok ở Chiềng Mai, Thái Lan (Ảnh 42)
- Đập thủy lợi ở Se Don, Lào (Ảnh 43)
- Đập thủy lợi ở sông Nậm U, Lào. (Ảnh 44).
3- Thủ phạm “bức tử” sông Mê Kông:
Qua những thông tin chỉ tiết trên đây, người ta không khó để nhận diện thủ phạm đã gây ra những thay đổi bất lợi cho con người trên sông Mê Kông, đó là THỦY ĐIỆN. Nhưng điện gì thì cũng do con người làm ra (trừ điện sấm sét) nên cuối cùng, thủ phạm chính vẫn là con người. Không kể đến những dự án chưa khởi công thì với trên 30 công trình thủy điện hạng lớn và hạng trung trên dòng Mê Kông và các chi lưu của nó vừa được dẫn ra ở trên, chẳng cần phải là một thiên tài toán học cũng tính toán được những công trình này đang găm giữ một lượng nước khổng lồ vốn thuộc về dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông: 51.484 km3 nước hay 51.484 tỷ m3 nước. Một con số thật đáng sợ. Trong đó, Trung Quốc “chiếm dụng” nhiều nhất với 42.066 tỷ m3. Tiếp theo là Lào với 17.645 tỷ m3. Đứng thứ ba là Thái Lan với 9.418 tỷ m3. Thứ tư là Việt Nam với 3.146 tỷ m3. Lượng nước mà Cam Pu Chia và Myanma “găn giữ không đáng kể bởi họ chưa triển khai những công trình thủy điện lớn trên dòng chính của sông Mê Kông và các phụ lưu lớn của nó chảy trên lãnh thổ hai nước này.
Nếu như chặt phá rừng đầu nguồn chỉ có thể làm thay đổi thủy chế của dòng sông một cách cực đoan như lũ lớn và khô hạn, còn tổng lưu lượng nước không thay đổi thì các công trình đập thủy điện, đập thủy lợi có thể làm thay đổi hoàn toàn tổng lưu lượng nước vốn có. Thủy điện có thể giúp điều hòa lượng nước trên các con sông nhưng nếu nguồn nước ấy bị lạm dụng, nó có thể gây hậu quả khôn lường. Nếu như hạn hán mới chỉ là một góc của thảm họa thì xâm nhập mặn ở hạ nguồn mới là đại thảm họa. Một khi Mê Kông không còn đủ sức mạnh để đẩy nước mặn ra biển thì mặn sẽ xâm nhập trở lại rất sâu vào đồng bằng Nam Bộ vốn chỉ có độ cao trung bình từ 1,5 đến 5 m trên mực nước biển. Đất đai khô hạn thì chỉ cần một lượng nước ngọt vừa đủ là có thể chống hạn. Nhưng một khi đất đai đã bị nhiễm mặn, người ta cần phải tốn một khối lượng nước gấp 10 lần đề rửa mặn. Trên những vùng đất đã bị nhiễm mặn, nếu không bị tiếp tục xâm nhập mặn thì cũng phải đến hàng chục năm sau mới có thể tái sử dụng. Đó là một thảm họa đã được báo trước mà bây giờ, chúng ta mới chỉ đang ở khúc dạo đầu của nó.
Việc xây dựng và lên kế hoạch xây dựng hàng chục con đập trên dòng Mê Kông mang lại một số lợi ích cho những quốc gia sở hữu chúng nhưng lại gây ra vô vàn hệ lụy cho trên 70 triệu con người sống phía dưới hạ nguồn, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng. Những dự án thủy điện được phát triển thái quá đã tác động trực tiếp rất xấu tới an ninh lương thực của khu vực. Trên thực tế, những vựa lúa nằm ở lưu vực sông Mekong cung cấp lượng lớn gạo xuất khẩu trong khi thủy sản nước ngọt đánh bắt trên dòng sông sông này chiếm 1/4 tổng sản lượng của cả thế giới. Cái giá phải trả cho thủy điện lớn hơn rất nhiều lần so với những khoản vốn đầu tư khổng lồ mà người ta đã đổ vào các dự án thủy điện. Vì vậy, một KW điện thương phẩm không chỉ có giá nhỉnh hơn gia thánh sản xuất ra nó mà còn phải cộng vào đó những tổn thất có thể tính bằng tiền mà thủy điện đã gây ra cho nền nông nghiệp và đời sống của dân cư trên lưu vực. Riêng về tổn hại môi trường thì không thể có nguồn lợi nào bù đắp được.
Những gì xảy ra trên sông Mê Kông không chỉ tác động tới khu vực mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Dòng sông tạo ra những đồng bằng trù phú, cung cấp lượng cá nước ngọt dồi dào cũng như đóng vai trò điều hòa khí hậu thế giới. Dòng sông còn mang tính biểu tượng và ý nghĩa văn hóa đối với các quốc gia nó chảy qua. Việc đề cao giá trị năng lượng trên dòng Mê Kông có thể làm tổn hại nhiều lĩnh vực khác mà con người cần nghiêm túc đánh giá. Thế nhưng việc phối hợp kém bài bản giữa các quốc gia cùng chung dòng sông Mê Kông tiếp tục đẩy tình trạng khu vực trở nên bi đát.
Không kể Trung Quốc vốn từ lâu đã cự tuyệt việc tham gia Ủy ban sông Mê Kông (Mekong River Commission), 4 thành viên của tổ chức này là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, không thể tìm được tiếng nói chung trong việc ngừng xây dựng các công trình thủy điện. Mặc cho các nước hạ nguồn kêu gọi đánh giá minh bạch, độc lập về tác động của những công trình thủy điện tới môi trường và xã hội, các quốc gia thượng nguồn, đặc biệt là Trung Quốc vẫn phớt lờ. Gần đây, cho dù Trung Quốc có tuyên bố sẽ tăng lượng xả nước của đập Cảnh Hồng từ 1.100 m3/s lên 2.190 m3/s thì lượng nước đó cũng không đủ để chống hạn chứ chưa nói đến đẩy mặn ra biển. Qua những thông số ở trên, chúng ta có thể thấy với dung tích chỉ khoảng 249 km3, đập Cảnh Hồng cần sự trợ giúp xả nước của tất cả các đập thủy điện trên thượng nguồn Lan Thương, trong đó có hai đập khổng lồ là Tiểu Loan và Nọa Trát Độ mới có thể bù đắp được ít nhất 1/3 lượng nước vốn có của Mê Kông.
Từ lâu, vấn đề các đập thuỷ điện ở thượng nguồn của Trung Quốc, và các dự án do Lào, Thái Lan xây dựng ở hạ nguồn, đang “tiêu diệt” hệ sinh thái của dòng sông Me Kông bao gồm cả những người nông dân sống dựa vào nguồn nước dòng sông này, đã được nhắc tới. Nhưng cho đến hôm nay, vấn đề vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Và trong một đợt hạn hán, bất giác người ta nhận ra rằng những đập thuỷ điện ở đầu nguồn sông Mê Kông có thể là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của các nước ở hạ nguồn.
Sông Mẹ Mê Kông đang bị con người, vì sự ích kỷ nhân dân một quốc gia, “bóc lột” một cách àn tệ với tần suất ghê gớm. Những đập thuỷ điện lớn, ngoài việc hủy hoại không gian sống của những người bản địa và hệ sinh thái chính nơi nó được xây dựng, đã làm thay đổi thủy chế của dòng sống ở hạ nguồn. Khu vực này là nơi sinh sống của hàng chục triệu con người, trong đó có một tỷ lệ rất lớn phụ thuộc vào tài nguyên nước. Theo thống kê của National Georaphic, chỉ riêng số người sinh sống phụ thuộc vào nguồn cá ở dọc sông và trên lưu vực sông Mê Kông để làm thực phẩm đã là khoảng 50 triệu.
Người ra đã rất sợ hãi khi phải đề cập đến một viễn cảnh không xa là Sông Mẹ Mê Kông có thể bị “giết chết” như cách mà người Trung Quốc đã làm với sông Dương Tử. Hiểm hoạ là rõ ràng. Nó hiển hiện trên chính gương mặt của những người nông dân đang đối mặt với xâm nhập mặn nghiêm trọng với nòng độ lớn và sâu đến trên 100 km ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiểm hoạ là rõ ràng khi nó hiển hiện trong sự phớt lời những lời kêu gọi về việc xả nước chống hạn của nước bạn. Hiểm họa đó là rõ ràng khi nguy cơ mất trắng khoảng nửa triệu ha đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đang cận kề.
Trong cuộc sống, sự trả thù của con người đối với con người đã là ghê gớm. Nhưng sự “trả thù” của thiên nhiên đối với con người thì không một ngòi bút nào có thể mô tả hết. Khốn thay hậu quả của sự “trả thù”ấy là không nhằm vào đúng thủ phạm mà trước hết, lại nhằm vào những người nông dân, ngư dân nghèo, những người không thể làm gì được trước đòn “trả thù âm thầm ấy”.