Trung tướng, nhà văn Hữu Ước nói: Sẽ làm đến cùng để không bị xúc phạm danh dự. Các dự án mà báo CAND xin Hà Nội là phục vụ quyền, lợi ích của cán bộ, chiến sỹ của báo chứ không vì tư lợi.
“Tướng ngoài chiến trường thì phải quyết trước, báo cáo sau”
Giải thích với VietNamNet về những dự án xin cấp đất xây nhà cho cán bộ, chiến sỹ báo CAND đang vướng vào những nghi vấn lùm xùm, ông Hữu Ước nói: “Sở TN&MT Hà Nội đã có kết luận thanh tra rõ ràng về từng dự án. Đây là câu trả lời chính xác nhất”.
|
Trung tướng - nhà văn Hữu Ước: Thử hỏi tôi tư lợi ở chỗ nào? |
Kết luận thanh tra số 1089 ngày 20/7/2015 của Sở TN&MT Hà Nội có nội dung làm rõ việc chấp hành luật Đất đai đối với báo CAND tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Cụ thể: Về dự án xin đất diện tích 5.409m2 tại phường Xuân Đỉnh, báo CAND đã được Hà Nội đồng ý chủ trương và ra quyết định cấp đất. Báo đã lập dự án xây dựng tòa nhà văn phòng hỗn hợp.
Tuy nhiên, những vướng mắc do người dân đã xây dựng nhà kiên cố trên đất dự án; hợp đồng do xã Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Đỉnh) cho các tiểu thương thuê xây ki-ôt… khiến báo CAND không có khả năng đền bù giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, đối chiếu với hồ sơ đồ án quy hoạch chung của Hà Nội tầm nhìn 2050, khu đất cấp cho báo CAND nằm trong khu vực xác định với chức năng là đất cây xanh, công viên vui chơi, giải trí.
|
Luật sư Trần Đình Triển |
“Thời điểm báo CAND được Hà Nội giao cho khu đất này, tôi chưa về làm Tổng biên tập. Sau đó, báo CAND sáp nhập cùng báo An ninh Thế giới, số lượng cán bộ, chiến sỹ lên tới 400 nên khu đất này không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Do đó, báo đã thống nhất trả lại thành phố, xin cấp khu khác phù hợp hơn” – ông Ước nói.
Tiếp đến là khu đất 23.000m2 tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm), báo CAND và công ty cổ phần Gia Lộc Phát nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng, báo CAND đã báo cáo TP Hà Nội xin thôi, không phối hợp với đối tác này để thực hiện dự án.
Sau đó, báo đã xin một khu đất khác tại đường Nghiêm Xuân Yêm, hiện tại đã xây dựng nhà ở phân bổ cho cán bộ, chiến sỹ của báo.
“Mọi việc đều rạch ròi, rõ ràng. Tôi không tư lợi bất kỳ cái gì” – ông Ước khẳng định. “Tôi là người tướng ra trận thì lúc cấp bách phải ra quyết định, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ, Tổng cục sau”.
Vai trò của ông Chi như thế nào trong các dự án?
Ông Lê Kim Chi – cán bộ của báo CAND, người đang bị CQĐT Công an Hà Nội điều tra về những dấu hiệu vi phạm pháp luật, cũng là người có đơn tố cáo và đang được VP luật sư Vì Dân của luật sư Trần Đình Triển vào cuộc.
Theo giải thích của ông Hữu Ước, ông Chi là người được ban biên tập và Đảng ủy báo giao nhiệm vụ lo các thủ tục, tìm đối tác… để xin dự án nhà xây cho cán bộ, nhân viên.
Ở dự án 5.000m2 tại Xuân Đỉnh, báo đã hỗ trợ cho chính quyền xã Xuân Đỉnh tivi, máy móc, nhà văn hóa thôn… tương đương hơn 200 triệu đồng. Cá nhân ông Chi bỏ ra hơn 280 triệu.
Khi đối tác mới tiếp nhận dự án này, họ phải thanh toán lại cho Báo khoản tiền hơn 200 triệu mà báo đã đầu tư cho xã; trả chi phí hơn 280 triệu mà anh Chi đã bỏ ra. Báo đã đứng ra làm chứng về việc này. Như vậy, dự án thứ nhất (hơn 5.000m2) đã chấm dứt và rạch ròi” – ông Ước cho hay.
Ông Lê Kim Chi sau đó đã tìm được khu đất 23.000m2 tại Cổ Nhuế - Chèm và giới thiệu công ty Gia Lộc Phát làm đối tác thực hiện dự án.
“Đối tác này thực chất là chỗ quen biết của ông Chi. Cơ quan đã thống nhất “trả công” thêm cho ông Chi 2 suất đất bên cạnh 1 suất mà ông này được hưởng theo tiêu chuẩn chế độ.
Tuy nhiên, khi có dự án này rồi, ông Chi cùng ông Đạt, Giám đốc công ty Gia Lộc Phát đã bán nhà trên giấy, mượn danh của báo. Rất nhiều người đã nộp tiền mua nhà, nhưng sau đó không thấy đất đâu đã kéo lên báo để đòi đất. Lúc đó báo CAND mới biết sự việc.
Tình thế vô cùng căng thẳng. Tôi đã ngay lập tức cho dừng dự án này và ra thông báo trên báo CAND, ANTG, phát trên truyền hình ANTV để những người mua nhà biết.
Sau đó, sự việc đã được CQĐT Công an Hà Nội điều tra hành vi vi phạm pháp luật này của ông Chi. Ông Chi đã mượn pháp nhân của báo để đi bán nhà trên giấy, lập chứng từ giả, phiếu thu, giả mạo chữ ký, scan chữ ký của lãnh đạo báo (ông Hữu Ước và ông Miên – Phó tổng biên tập lúc đó - PV) để bán”.
Ông Ước nói, nội dung mà luật sư Trần Đình Triển nói ông tư lợi, biến tấu hơn 28.000m2 đất thực chất là như vậy. “Mọi việc trắng đen rõ ràng như thế, thử hỏi tôi tư lợi chỗ nào?”.
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet, trước những vi phạm của ông Lê Kim Chi, tại sao báo CAND không đưa ra cơ quan pháp luật để xử lý, ông Ước cho hay: “Tất cả là vì tình người. Đảng ủy, ban biên tập đã cho ông Chi cơ hội tự khắc phục, giải quyết. Trường hợp ông Chi không tự khắc phục, giải quyết thì lúc đó mới đưa ra cơ quan pháp luật xử lý”.
Nhấn mạnh quan điểm cá nhân, ông Ước nói, “đã là lính chiến thì không sợ trận mạc”, và cho biết sẽ theo đến cùng để chứng minh sự trong sạch của mình.
Trước đó, ngày 12/5, trên facebook cá nhân, luật sư Trần Đình Triển đăng toàn văn nội dung văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ Công an về vụ việc liên quan dự án nhà ở của cán bộ, chiến sỹ báo Công an Nhân dân; vụ việc liên quan tới Thượng tá Lê Kim Chi (Phó trưởng Ban báo này khiếu nại Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội).
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Đình Triển cho hay: Toàn bộ nội dung vụ việc đã được VP Luật sư Vì Dân nêu trong văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an.
"Bản thân tôi khi được thân chủ đồng ý và tài liệu thu thập được phải có cơ sở tôi mới đưa thông tin.
Mục đích chính là nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tổ chức và cá nhân. Mặt khác, pháp luật đã quy định: “Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật” thì bất cứ cá nhân nào khi vi phạm pháp luật cũng đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc.
Tôi nhận bào chữa miễn phí cho Thượng tá Lê Kim Chi nên không cần đánh bóng tên tuổi của mình” - ông Triển nói.
|
Kiên Trung