TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

ỨNG XỬ THẾ NÀO VỚI CHÍNH TRỊ CƯỜNG QUYỀN 28-2-2022?

Cả thế giới chỉ trích, lên án Mỹ cấm vận Cuba. Tôi nói “cả thế giới” là hơi ngoa một chút, vì tất nhiên Mỹ không tự lên án chính hành động của họ. Trong suốt sáu thập kỷ qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã 29 lần ra nghị quyết lên án các lệnh cấm vận thương mại phi lý của Mỹ áp đặt với Cu Ba. Các nghị quyết này luôn nhận được số phiếu tuyệt đối. Tôi lại nói ngoa chữ “tuyệt đối”, bởi gần nhất, ngày 23-6-2021, có 184 quốc gia bỏ phiếu thuận cho nghị quyết lên án Mỹ về việc này, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống (Colombia, UAE và Ukcraine bỏ phiếu trắng).

Hiếm có một tranh chấp song phương nào giữa hai quốc gia mà lại đạt tỉ lệ đồng thuận cao như vậy từ cộng đồng quốc tế, trong đó nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng lên án Mỹ. Nhưng kết quả như thế nào? Các bạn biết cả rồi đấy. Mỹ duy trì cấm vận và không từ bỏ mục tiêu thay đổi chế độ ở Cu Ba. Và người dân sống trên “đảo ngọc, đảo say” (lời thơ Tố Hữu) vẫn phải sống trong khó khăn chồng chất, lâu dài bởi cấm vận. Lương tri nhân loại lên tiếng, nhưng có mấy quốc gia dám “vi phạm” lệnh cấm vận của Mỹ? 

Trái đất của chúng ta, đến thời điểm này, về cơ bản vẫn đủ chỗ cho 8 tỉ người, gần 200 quốc gia cùng sinh sống, phát triển. Nhưng chúng ta đã luôn luôn, và có thể là mãi mãi, phải chứng kiến những sự chèn ép, bắt nạt, những hành vi phi lý mà quốc gia này áp đặt cho quốc gia khác. 

Ấy là thói chính trị cường quyền. Giống như trong đại dương, cá lớn nuốt cá bé.

Chúng ta luôn đồng thuận cao là phải phê phán, chỉ trích, thậm chí lên án thói chính trị cường quyền, đặc biệt là cường quyền côn đồ. Nhưng, đối đầu và cổ vũ đối đầu, trong một số trường hợp, lại là chuyện khác. Đó là chưa nói đến thói đạo đức giả trên thế giới này. Chúng ta có dám chắc tất cả 184 nước bỏ phiếu lên án Mỹ cấm vận Cu Ba đều thành lòng muốn Mỹ bỏ cấm vận? Và chúng ta có dám chắc tất cả các nước cổ vũ Ukraine “đánh tới cùng” cuộc xâm lấn bằng súng đạn của Putin đều thực lòng muốn một Ukraine lớn mạnh? 

Tôi thì tin rằng, mục đích lớn nhất mà Mỹ và đồng minh Phương Tây hướng đến là làm nước Nga suy yếu, hơn là để giúp đỡ cho Ukraine lớn mạnh lên. 

Trong đại dương, những con cá bé để không bị cá lớn nuốt chửng, thì đương nhiên phải tránh mọi sự đối đầu, và nhiều khi cần đến cả may mắn nữa. 

Khi tôi bình luận về chiến tranh Nga – Ukraine, có một số (ít thôi) quý vị nhảy vào mắng mỏ, vu cho tôi cái tội “sùng Nga”, “ủng hộ Putin”… Nếu quý vị hiểu được tiếng Việt, đọc tốt tiếng Việt, thì đều thấy rằng tôi viết rõ là phản đối chiến tranh, không ủng hộ Putin – người gây chiến. Tôi chỉ khác quý vị là không vào hùa chửi bới Putin và ca ngợi Zelensky. Đây là chủ quyền của cá nhân tôi trên Facebook. Kêu gào dân chủ mà lại đi chửi bới người có ý kiến không vào hùa với mình, thì khác nào tự hủy hoại lý tưởng. 

Quay trở lại với Ukraine, khi tôi chê hình ảnh Zelensky ra chiến hào chụp hình thì có quý vị liền up hình Bác Hồ ngồi trên mỏm đá núi quan sát trận Đông Khê (1950); khi tôi cho rằng việc Tổng thống Ukraine kêu gọi người dân lấy chai lọ làm bom xăng trong bối cảnh này là vô ích, thì có quý vị so sánh với lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “ai có cuốc, thuổng, gậy gộc thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(1946); khi tôi không đồng tình việc Mỹ và đồng minh bơm thêm vũ khí của Ukraine, thì có quý vị liền dẫn các ví dụ về Trung Quốc, Liên Xô từng viện trợ vũ khí để chúng ta kháng chiến…

Để tranh luận chuyện này thì tôi sẽ phải viết khá dài, với một số quý vị không muốn hiểu, thì thật ra cũng mất thời gian không cần thiết. Còn với những người biết so sánh (giữa bối cảnh các cuộc chiến tranh, thời điểm cách nhau đã gần 80 năm, tình thế cụ thể của chiến trường…, thì hiểu ngay thôi). Bác Hồ bí mật lên một mỏm núi cao để quan sát trận đánh, đánh giá khả năng tác chiến của quân đội ta và địch, khác hẳn với một anh Tổng thống đương đại cứ tí lại ra hiện trường quay cái clip up lên mạng xã hội. Việc Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến xong thì cho quân rút dần khỏi Thủ đô vào rừng sâu Việt Bắc để xây dựng lực lượng kháng chiến trường kỳ, để người dân Hà Nội tản cư về các vùng an toàn, khác hẳn với việc bảo dân lấy chai lọ làm bom xăng tấn công xe tăng, phát súng săn cho dân đương đầu với đội quân đang sử dụng đại pháo và tên lửa… Ngay cả vị tướng trận Võ Nguyên Giáp, khi đối đầu với quân địch mạnh, thấy thế trận rủi ro, để giảm bớt máu xương cho quân sỹ, cũng phải bấm bụng kiên nhẫn ra lệnh “kéo pháo ra”. 

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh thì đúng rồi, thề quyết tâm hy sinh đến người cuối cùng thì đúng rồi, nhưng xua thường dân cầm bom xăng ra chặn xích xe tăng địch thì không được. Ở Ukraine những ngày qua, chúng ta thấy những hình ảnh dân lấy chai lọ chế tạo bom xăng, một số được phát vũ khí hạng nhẹ, nhiều người xếp hàng chạy ra khỏi Thủ đô, trú ẩn dưới các ga xe điện ngầm…, và đến nay đã có gần 500.000 người, tức hơn 2% đã rời khỏi đất nước đi lánh nạn. Hãy nhìn “bức tranh” một cách đầy đủ.  

Bác Hồ, trước khi sử dụng các biện pháp “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại”, đã nhắc nhở dân ta rằng “phải mang sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chứ đâu có chuyện mới đánh nhau vài ngày đã than vãn sao các ông lại để tôi phải chiến đấu một mình. Bảo vệ độc lập dân tộc mà mới cầm súng ngày đầu tiên đã trông chờ vào viện binh từ nước ngoài, thì không nô thuộc vào Nga cũng sẽ làm tay sai cho Mỹ mà thôi.

Khi tôi trình bày như vậy, một số quý vị lại mắng: đấy là lựa chọn của họ, mình có quyền gì mà bảo họ thế này thế kia. Tôi lại đành phải trả lời lại: đây là bình luận của tôi, tôi không có ý định bình luận thay cho một vài quý vị.

Quay trở lại với vấn đề chính trị cường quyền và ứng xử của nước nhỏ. Chúng ta đều biết rằng trên thế giới có những ví dụ nước nhỏ thành công nhờ vào tài trị quốc của lãnh đạo nước họ và trí khôn, nỗ lực tuyệt vời của nhân dân. Singapore bé xíu mà phát triển nhất Đông Nam Á. Israel cũng bé xíu lại sống trong vòng vây thù địch mà phát triển thành một quốc gia lớn mạnh cả kinh tế và quân sự, áp đặt được cường quyền lên nước khác. UAE bình an và thịnh vượng giữa khu vực bất ổn hàng đầu thế giới. Đấy đều là do “trí khôn tao đây” của các nhà khai quốc và giới tinh hoa đất nước họ, trong sự tương tác với thế giới bên ngoài.

Việt Nam ta rất đáng tự hào vì thế kỷ 20 không chỉ giành được độc lập dân tộc mà còn đánh thắng 2 đế quốc to, kháng cự vẻ vang trước quân xâm lược Trung Quốc năm 1979. Nhưng Thái Lan họ cũng có quyền tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc nào cả. Như mỗi con người, dân tộc cũng có số phận, có những sự kiện như định mệnh diễn ra, không có lựa chọn khác, khi cần đánh nhau thì buộc vẫn phải đánh nhau thôi, nhưng đấy là lựa chọn cuối cùng bởi cái giá nó luôn quá đắt.

Trước khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Hồ Chủ tịch đã phải đích thân xuất dương sang Pháp để tìm mọi cách đàm phán, kêu gọi sự ủng hộ, nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh hoặc trì hoãn thời điểm nó xảy ra lâu nhất có thể. Bằng hành động này, cụ Hồ đến tận nanh vuốt của kẻ thù, đối mặt với chính trị cường quyền để mong tránh cuộc đối đầu, dũng cảm hơn nhiều thói quen chụp ảnh up phây của anh Tổng thống nọ. Và ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, giữa sự toan tính của các nước lớn, tức là giữa bao vây của chính trị cường quyền, Việt Nam đã phải ký vào Hiệp định Gieneve, chấp nhận chia cắt tạm thời đất nước. Chúng ta không có quyền xét lại lịch sử, nhưng nếu mấy anh hung hăng cứ nêu câu hỏi tại sao không đánh để thống nhất luôn, thì chắc cũng hiểu rằng nếu chỉ có cuốc thuổng gậy gộc thì không thể lập tức thống nhất được giang sơn.

Tôi chê Zelensky khá nhiều (người không nắm rõ và phán đoán được tình hình, nên khi Mỹ và EU nói Nga sắp đánh Ukraine thì cựu diễn viên hài vẫn không tin chuyện đó, còn yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng; đến khi Nga đánh thật thì than vãn là đơn độc, trách các nước lớn không giúp đỡ…), nhưng đã ủng hộ anh quyết định đàm phán với Nga, cho dù cuộc đàm phán này là quá khó khăn cho Ukraine. Putin đã tuyên bố rõ trước khi đánh Ukraine mục đích của mình: phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, không chiếm đóng. Để tôi tạm dịch mục đích của Putin: triệt hạ tiềm lực quốc phòng của Ukraine, NATO không được phép hiện diện trên lãnh thổ Ukraine, thay đổi chính quyền Zelensky, rồi mới rút quân. 

Tôi đã sai khi lúc đầu nhận định Putin sẽ không đánh Ukraine trên quy mô rộng lớn. Nhưng với việc tuyên bố mục đích như trên, tôi nghĩ sẽ không có cuộc chiến tranh chớp nhoáng.

Việc buộc bánh xe chiến tranh dừng lại đòi hỏi tiếng nói của loài người có lương tri, trong đó các biện pháp phi súng đạn nên được ủng hộ. Vào lúc này, đừng nói chuyện với Putin bằng súng đạn. Tôi không ủng hộ việc Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine vì tôi tin chắc rằng vào thời điểm này, súng đạn tăng thêm không những không làm thay đổi được cục diện trên chiến trường mà còn làm tăng thêm sự tàn khốc, chịu đau thương nhất là người dân Ukraine.

Sáng nay tôi đọc lướt ở đâu đấy thấy có anh nào bảo là không được nhân nhượng Putin, thế giới cần ủng hộ Ukraine “nói chuyện với súng đạn bằng súng đạn”, thậm chí còn “đòi” các nước tham gia tẩn Nga để hủy diệt Putin. Tôi nghĩ là Tổng thống Mỹ Joe Biden hiểu chuyện này hơn những người đưa ra quan điểm này, nên từ khi Nga chưa đánh Ukraine đã tuyên bố sẽ không đưa quân đội vào can thiệp. Chúng ta đều biết rõ rằng, chỉ cần 3-5% kho vũ khí nguyên tử trên thế giới này “phát huy tác dụng”, thì 8 tỉ người có kết cục như nhau: thành tro bụi.

P/S: Tôi đã phải bỏ một trận bóng đá chiều tối nay (và giờ này lẽ ra tranh thủ đọc phân tích giá cổ phiếu thì phải dành để nghĩ ngơi, vì mệt) để viết một bài tương đối kỹ, trình bày quan điểm của mình trên mạng xã hội về một vấn đề nghiêm túc. Quý vị nào đọc xong mà vẫn còm men chửi bới kiểu “ủng hộ Putin” hay “sùng Nga” thì đề nghị ra chơi ở chỗ khác.

Tôi yêu mến dân tộc Nga bởi đó thật sự là một dân tộc vĩ đại, có nền văn hóa đặc biệt, và mấy hôm nay hình ảnh những người phản chiến trong lòng nước Nga đã khiến chúng ta rất cảm kích. Nga và Ukraine là hai dân tộc anh em, có quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa và cả huyết thống nữa. Tôi cũng tin rằng, sẽ rất nhiều người Nga và Ukraine đau khổ hôm nay nhìn cảnh huynh đệ tương tàn, đối đầu bằng súng đạn. Họ là nạn nhân của một bên là thói chính trị cường quyền, một bên là sự yếu kém của một nền chính trị rối ren mất phương hướng suốt hai thập kỷ qua.

Tôi đồng cảm với các nạn nhân của thói chính trị cường quyền ở các quốc gia khác, bởi dân tộc Việt Nam của chúng ta luôn phải đối mặt với thói chính trị cường quyền nước lớn suốt ngàn năm qua. Cha ông đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị. Độc lập dân tộc là bất biến, sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ độc lập dân tộc là khẩu hiệu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng cha ông ta lại dạy rằng, trong những thời điểm nhất định, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, chứ đánh nhau mà để người cuối cùng hy sinh thì dân tộc có còn đâu mà đòi còn tổ quốc!

Hiển hách nhất trong những chương chúng ta chiến tranh chống thói cường quyền và bành trướng Phương Bắc hẳn là cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc của Lê Lợi – Nguyễn Trãi. Những người biết cương đúng lúc, nhu khi cần, lúc vào rừng nếm mật nằm gai, lúc dũng mãnh đương đầu liên hồi trống trận. Thắng trận tưng bừng rồi lại kết nghĩa ăn thề, sửa soạn cầu đường, cấp lương cấp ngựa cho quân xâm lược hồi hương.

Chứ chủ nghĩa anh hùng rơm thì chẳng những không bảo vệ được độc lập dân tộc, mà còn làm cho nội sự rối ren lên.

Khi tôi viết đến đây, thì Nga và Ukraine đang ngồi vào bàn đàm phán. Cả 2 bên đều đang chịu nhiều sức ép khác nhau. Nga chịu sức ép từ dư luận quốc tế, các biện pháp trừng phạt về kinh tế của Mỹ và EU. Ukraine chịu sức ép từ khói súng của kẻ mạnh hơn họ gấp nhiều lần. Chúng ta thành lòng cầu chúc cho cuộc đàm phán sớm đạt kết quả hòa bình. Tôi ủng hộ liên minh quốc tế chống chiến tranh mà không phải sử dụng đến súng đạn.

Tôi cũng xin chân thành chúc Ukraine, một đất nước rộng lớn và giàu tiềm lực ở Châu Âu, sẽ trưởng thành hơn sau sự kiện khắc nghiệt này.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness