Những đứa trẻ được ra đời thỏa mãn nguyện vọng sinh sôi tự nhiên của loài người một cách dễ dàng hơn nhờ nhân bản vô tính, nhờ mang thai hộ - xét về phương diện nào đó, là nhân đạo. Nhưng phía sau đó, lại là mối âu lo muôn thuở về một cuộc khủng hoảng nhân tính và cả những xáo trộn về văn hóa, chính trị cho xã hội loài người tương lai.
- Ngày 14-2-2003, chú cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được con người tạo ra từ nhân bản vô tính, qua đời bằng một mũi thuốc trợ tử, kết thúc bảy năm sống trong Viện Roslin (Scotland) như một biểu tượng kiêu hãnh của tiến bộ khoa học nhân bản vô tính.
Cú sốc không nhỏ cho nhiều người đặt niềm tin tuyệt đối vào tiến bộ sinh học, đó là con cừu nổi tiếng nhờ được tạo ra từ phương pháp chuyển nhân tế bào này chỉ có tuổi thọ bằng một nửa tuổi thọ của đồng loại của nó đang sống ngoài thiên nhiên. Chưa nói, Dolly cũng mắc những chứng bệnh như mọi chú cừu khác: viêm khớp khi lão hóa và đặc biệt là ung thư phổi trước khi qua đời.
Cái chết êm ái của chú cừu được tạo ra từ phòng thí nghiệm vẫn không làm chùn bước những nhà khoa học theo đuổi mục tiêu nóng trong cuộc cách mạng sinh học ở thế kỷ này. Và sẽ chẳng có gì là trái đạo lý, theo họ, một khi khoa học này hướng đến cứu cánh chính đáng là kiếm tìm những phương pháp mới để xử lý các bệnh nan y thế kỷ. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi về đạo đức vẫn cứ tiếp tục gay gắt bên cánh cửa của phòng thí nghiệm, sau mỗi báo cáo lạc quan và hẳn là cả ở ngay trong chính nội tại những người làm khoa học.
Đầu tháng 12-2015, tập đoàn Boyalife Group ở Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng cho việc tạo ra con người nhân bản vô tính, sau khi đã áp dụng thành công với bò, chó cảnh sát, ngựa nuôi thuần chủng và đang tiến hành với loài linh trưởng.
Nếu như trước khi có chú cừu Dolly, người ta nói tới nhân bản vô tính như một thứ khoa học viễn tưởng thì bây giờ, hiện thực đang xảy ra trước mắt. Cũng nên nhớ lại rằng, cách đây chừng 20 năm, mang thai hộ là một chuyện ít ai dám nghĩ tới, vậy mà giờ đây, hình thức sinh sản này đã trở nên quá phổ biến ở nhiều quốc gia: Ấn Độ có cả một ngành công nghiệp mang thai hộ và dù với mức độ ràng buộc mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhiều nước, trong đó có Việt Nam năm 2015, cũng đã bật đèn xanh về pháp lý.
Khi nền văn minh còn sự phản tư, thì ở đó luôn tìm thấy sự cân bằng, đó không chỉ có lo âu, mà còn những nỗ lực kiếm tìm sự hài hòa, thống nhất trong đa phương.
Những đứa trẻ được ra đời thỏa mãn nguyện vọng sinh sôi tự nhiên của loài người một cách dễ dàng hơn nhờ nhân bản vô tính, nhờ mang thai hộ - xét về phương diện nào đó, là nhân đạo. Nhưng phía sau đó, lại là mối âu lo muôn thuở về một cuộc khủng hoảng nhân tính và cả những xáo trộn về văn hóa, chính trị cho xã hội loài người tương lai.
Vẫn biết, không thể đổ lỗi cho những nhà nghiên cứu hạt nhân về những thảm họa hủy diệt trong các cuộc chiến tranh. Vẫn biết, giữa nghiên cứu khoa học và mục tiêu, động lực ứng dụng vào thực tế là hai thứ cần phải được rạch ròi. Và vẫn biết chỉ có thấu triệt như thế thì mới tạo điều kiện cho sự tiến hóa của khoa học, có hành xử đúng đắn với khoa học. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy một điều, sự kiếm tìm khách quan khoa học, sự trong sáng trong cống hiến của giới nghiên cứu xưa nay thường bị lợi dụng bởi quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế là phổ biến. Đó là lý do mà chúng ta buộc phải nhìn thấy trước thế giới tương lai sau cuộc cách mạng sinh học này sẽ ra sao để chuẩn bị cho một tâm thế sống phù hợp và cân bằng.
Biến đổi gen, nhân bản vô tính, mang thai hộ... sẽ tạo ra một tương lai có vẻ như con người được sinh ra là một chọn lựa tối ưu, phục vụ cho những mục đích nào đó mà chính những con người thông minh vượt bậc đã định sẵn (một vài tôn giáo gọi đây là sự thay Thượng đế tạo ra loài người). Những trẻ em mới thuộc về tương lai ấy được sinh ra khỏe mạnh, như ý. Con người mới sẽ được tiêu chuẩn hóa, ít bệnh tật và có tuổi thọ (thế giới trong trường hợp này có nguy cơ trở thành một viện dưỡng lão khổng lồ để cưu mang những người già mà không chịu chết). Nhưng cũng ngược lại, một học giả chống lại thuyết ưu sinh nói đại ý: khi con người ta có thể tạo ra những kẻ cưỡi ngựa thì cũng hoàn toàn có thể sản xuất ra những giống người thay thế cho ngựa. Sự bất bình đẳng xã hội sẽ gia tăng cao độ.
Đứng từ góc độ nhân văn, nhiều trí thức lớn đã chỉ ra sự nguy hiểm của thuyết ưu sinh, nhưng cũng đồng thời cho chúng ta thấy trước viễn cảnh về một tương lai mà ở đó con người trở thành một thứ đồ vật của chính mình. Sự phát triển phổ biến của những loại thuốc có tác động kiểm soát cơ chế tinh thần, sinh lý: gây ngủ, chống trầm cảm, gia tăng hưng phấn, ma túy... con người có thể sai khiến bộ não của mình. Tưởng đó là điều tuyệt vời, nhưng hóa ra lại cũng tiềm tàng nhiều thảm họa. Triết gia Edgar Morin viết trong quyển Phương pháp 5 - Nhân loại phức hợp(1) rằng: “Tương lai bi thảm là tương lai mà tinh thần con người sẽ kiểm soát được hết thảy, ngoại trừ chính bản thân mình. Xin nhắc lại rằng, tinh thần tùy thuộc vào một chủ thể tự kỷ - trung tâm vừa vị tha và một nền văn hóa chứa đựng đủ cả bất cập và man rợ. Tâm trí con người có thể bị cuốn vào cơn điên cuồng tự kỷ - trung tâm bằng sức mạnh hoặc vào tệ nạn man rợ tập thể mà vẫn đủ năng lực để thừa sức kiểm soát nguyên tử và tế bào thần kinh”.
Điều này cũng kéo theo những hệ lụy về phương diện chính trị. Triết gia, tác giả của bộ 6 quyển Phương pháp rất quan trọng cho thế kỷ chúng ta đã viết: “Một nhà nước cực quyền kiểu mới trong tương lai có thể sẽ trực tiếp kiểm soát đến cả bộ não, tức là kiểm soát tâm trí (bằng cách hòa vào nước các hóa chất gây phấn khích hay phục tùng). Một nhà nước như thế sẽ có khả năng quyết định (bằng cách biến đổi gen các lựa chọn ưu sinh) nhằm thủ tiêu hết mọi bất bình, phản kháng, mọi bạo động, mọi hành vi bất phục”.
Khi con người ta có thể tạo ra những kẻ cưỡi ngựa thì cũng hoàn toàn có thể sản xuất ra những giống người thay thế cho ngựa. Sự bất bình đẳng xã hội sẽ gia tăng cao độ. |
Đáng tiếc, trong dấu ngoặc đơn ở trên, Edgar Morin đã lấy một hình ảnh cụ thể, đó là “hòa các hóa chất vào nước” - xem ra có vẻ hơi trực quan và giản đơn. Trên thực tế, những nhà nước cực quyền có nhiều cách tinh vi và tàn độc hơn trong việc kiểm soát xã hội (social control) mà chẳng cần đến một loại hóa chất nào.
Siêu nhân hôm nay là hình tượng được các em bé trên toàn cầu say mê. Hình tượng ấy gieo vào não bộ chúng những mơ ước vạn năng của con người quyền biến trong thế giới tương lai. Đó không còn là những homo sapiens (con người thông minh) nữa, mà là những con surhumain (siêu người) với đầy đủ những yếu tố hiện hữu siêu nhân tính. Những biểu tượng siêu nhân thường không chỉ to lớn vạm vỡ về thể chất, mà còn bao bọc quanh người thứ trang phục kim loại che chắn tổn thương do kẻ khác tạo ra, và những trang bị vũ khí hiện đại có thể xuất ra trên bất kỳ bộ phận nào anh ta muốn để có thể chống lại kẻ thù, giành phần thắng trong những cuộc chiến thiện - ác muôn thuở.
Lịch sử của thời đại các siêu nhân sinh học và công nghệ dựng nên lúc ấy sẽ ra sao, văn hóa sẽ thế nào, con người là ai, y có còn sự xúc cảm cho những kinh nghiệm sống, cuộc sống có còn sự thú vị của những ngẫu hứng hay thăng hoa, hoặc chỉ còn là một cỗ máy được vận hành một cách hoàn hảo? Văn hóa, tôn giáo và cả những giá trị tinh thần trong thế giới đó sẽ ra sao? Liệu có xảy ra tình cảnh khi con người điều khiển để da thịt mình trở thành những súc thịt vận động không biết đau đớn và tổn thương, não bộ mình là những trung tâm điều khiển thuần túy, không còn cảm giác rung động, trắc ẩn, khổ đau? Khi có thể điều chuyển cảm giác khổ đau ra khỏi cơ thể mình, con người dễ dàng hơn trong những cách thế tạo ra tổn thương hay hủy diệt tha nhân. Cuộc sống hẳn sẽ man rợ hơn. Những cuộc thánh chiến kiểu mới sẽ được kích hoạt giản đơn hơn, điên rồ hơn. Con người rồi đây liệu có còn biết nhỏ lệ trước hình ảnh một đồng loại ba tuổi đời nằm chết trên bãi biển trong chuyến vượt biên tìm đất hứa như đã từng thấy trong thảm cảnh tị nạn chiến tranh ở Syria hay chỉ biết lạnh lùng lao vào các cuộc chiến với những khí giới hiện đại vạn năng được gắn thêm vào những mảnh cơ thể đầy nộ khí, không biết đớn đau?
Trong cuốn Tương lai hậu nhân loại, Francis Fukuyama đưa ra những giả định về một thế giới tương lai khi sự tiến bộ sinh học và công nghệ vượt bậc sẽ chi phối mọi thứ, nhào nặn nên con người và lẽ dĩ nhiên, nhào nặn cả hình thái chính trị. “Nhiều người giả định là thế giới hậu nhân loại sẽ khá giống thế giới của chúng ta - tự do, bình đẳng, sung túc, có tinh thần quan tâm lẫn nhau, có lòng nhân ái - chỉ khác thế giới chúng ta là có sự chăm sóc y tế có chất lượng hơn, có tuổi thọ dài hơn, và có thể là có trí thông minh cao hơn ngày nay.
Tuy nhiên thế giới hậu nhân loại cũng có thể là một thế giới phân chia giai cấp và cạnh tranh hơn thế giới hiện tại rất nhiều, và kết quả là tràn ngập mâu thuẫn. nó có thể là một thế giới trong đó mọi khái niệm về “bản chất đặc trưng của loài người” sẽ biến mất, bởi vì chúng ta sẽ pha trộn gen người với gen của nhiều loài khác đến mức chúng ta không còn ý niệm rõ ràng được cái gì là con người nữa. Có thể là một thế giới mà con người trung vị sẽ sống ổn đến tận thế kỷ thứ hai của đời mình, rồi ngồi trong một viện dưỡng lão mong tới ngày được chết đi. Hoặc nó cũng có thể là một thế giới thuộc thể loại độc tài mềm như đã được giả định trong quyển Brave New World (2), trong đó mỗi người đều khỏe mạnh và hạnh phúc nhưng lại quên mất ý nghĩa của hy vọng, sợ hãi hoặc đấu tranh”.
Và cũng trong quyển sách trên, nhà tư tưởng chính trị có ảnh hưởng bậc nhất hiện nay cũng nêu ra một thái độ hành xử hướng đến tinh thần tự do mới: “Chúng ta không cần phải chấp nhận bất kỳ một thế giới mới nào được mô tả ở trên chỉ vì chiêu bài tự do giả hiệu, cho dù đó là quyền vô hạn về sinh sản hoặc quyền tự do về nghiên cứu khoa học. Chúng ta không cần phải coi chúng ta là nô lệ của tiến bộ không tránh khỏi của ngành công nghệ kỹ thuật khi những tiến bộ này không phục vụ cho mục tiêu chính đáng của con người. Tự do thực sự chính là tự do của các cộng đồng chính trị trong việc bảo vệ các giá trị mà cộng đồng này quý trọng nhất, và đó chính là thứ tự do mà chúng ta cần vận dụng trong tương quan với cuộc cách mạng sinh học này” (3).
Các nhà khoa học vẫn say mê với sứ mệnh của mình trong một bối cảnh chính trị thế giới ngày càng hỗn loạn và những nhà tài phiệt - con người công cụ kinh tế, con người của xã hội thị trường - vẫn loay hoay xoay chuyển thế cục quyền lực vật chất. Chúng ta có một truyền thống của những điều tất định và phải thay đổi trong tư duy lẫn thể chất để chờ đón một tương lai bất định đang đến. Trong sự đợi chờ đó, có cả sự phản tư về bản sắc nhân loại.
Và chỉ biết ủi an rằng, khi nền văn minh còn sự phản tư, thì ở đó luôn tìm thấy sự cân bằng, đó không chỉ có lo âu, mà còn những nỗ lực kiếm tìm sự hài hòa, thống nhất trong đa phương. Và sẽ còn đó sắc thái của niềm hy vọng.
--
(1) Edgar Morin, quyển Phương pháp 5 với chủ đề Nhân học phức hợp - Nhân loại về nhân loại - Bản sắc nhân loại (Chu Tiến Ánh dịch, Phạm Khiêm Ích biên tập và giới thiệu, NXB Tri thức 2015)
(2) Tác phẩm ấn hành và gây tiếng vang của Aldous Huxley; tấn công vào mô hình xã hội lý tưởng kiểu Utopia mà các chính trị gia luôn ra sức tô vẽ. Cuốn sách ra đời năm 1932 này cũng là góc nhìn về một tương lai bi quan.
(3) Francis Fukuyama, Tương lai hậu nhân loại, do Hà Hải Châu dịch, NXB Trẻ, 2014