TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Vì sao Khổng Tử được gọi là chó không nhà?

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Trong danh mục Mười cuốn sách lớn (xuất bản tại Trung Quốc) năm 2007 do Hội Bình luận sách Trung Quốc (China Book Review Academy) công bố, xếp đầu bảng là cuốn sách 丧家狗——我读《论语》 Chó không nhà: Tôi đọc “Luận Ngữ”.

Đây là kết quả bình chọn của 42 cơ quan truyền thông, trong đó có nhiều tờ báo lớn như báo Thanh niên Trung Quốc, nhật báo Quang Minh, Phương Nam cuối tuần, báo Tân Kinh… Sách lớn ở đây là sách (thuộc lĩnh vực văn học, lịch sử …) được nhiều bạn đọc quan tâm và có ảnh hưởng lớn với họ, có giá trị quan trọng về tư tưởng, văn hóa. Một số cuộc bình chọn sách khác cũng xếp Chó không nhà ở đầu bảng, với sự nhất trí cao của các học giả tham dự bình sách.

Chó không nhà: Tôi đọc Luận Ngữ dày 390 trang do Nhà xuất bản Nhân dân Sơn Tây (Trung Quốc) xuất bản tháng 5/2007, tác giả là Lý Linh (sinh 1948), giáo sư ĐH Bắc Kinh, nổi tiếng uyên thâm trong lĩnh vực khảo cổ, giải thích từ ngữ cổ, văn bản cổ. Hai tác phẩm khác của ông xuất bản năm 2005 và 2006 đều được chọn là sách hay của năm. 

Chó không nhà lập tức gây ra một “trận động đất” trên văn đàn Trung Quốc. Tất cả chỉ vì tác giả dám bảo Khổng Tử – bậc chí thánh tiên sư bao đời nay người Trung Quốc thờ phụng – thực ra chỉ là một người bình thường, một “Chó không nhà”.

Hai vế của tên sách

Vế chính là ba chữ Táng gia cẩu (Sangjiagou) in rất to ngoài bìa. Tác giả giải thích Táng gia cẩu là chó không có nhà để về, còn gọi là chó lang thang, tiếng Anh homeless, cũng dùng để chỉ người không có nhà để về. “Bất cứ người nào ấp ủ lý tưởng mà không tìm được quê nhà tinh thần của mình trong thế giới hiện thực thì đều là Chó không nhà” – hàng chữ nhỏ này in ngay ngoài bìa sách, chắc để người đọc đỡ sốc về mấy chữ Chó không nhà.

Táng gia cẩu 喪家狗tiếng Việt lẽ ra phải dịch là “chó mất nhà”, nhưng như thế không đúng với Khổng Tử, vì cụ vẫn có khu nhà ở rất to ở Khúc Phụ đấy chứ. Vả lại “nhà” ở đây là “quê nhà tinh thần” chứ không phải nhà để ở; tác giả còn nói thêm ý: Người trí thức Trung Quốc cũng là Chó không nhà. Nguyên nghĩa Táng gia cẩu thời cổ là “chó của nhà có việc tang”, tức chó mất chủ (chữ Hán喪có hai nghĩa “táng” và “tang”), nhưng về sau dân gian dùng quen với nghĩa “táng” (mất). Từ này không có nghĩa xấu, trước đây nhà văn Vương Tiểu Ba dùng để gọi những người lang thang trong nỗi lòng cô đơn. Cũng có người trách Lý Linh sao không dùng chữ “khuyển” thanh nhã hơn chữ “cẩu”.

Vế thứ hai Tôi đọc Luận Ngữ in chữ nhỏ, muốn nói nội dung sách này rút ra từ việc đọc sách Luận Ngữ (tiếng Anh: The Analects of Confucius), chứ không phải từ các sách khác của Khổng Tử. Trước đây đã có khá nhiều sách dùng cái tên Đọc Luận Ngữ. Trong khi nhiều người chưa đọc Luận Ngữ đã có ám thị tâm lý coi đây là sách thánh hiền cao siêu, vì thế khi đọc sẽ hiểu sai Khổng Tử, suy diễn ra đủ thứ triết lý kỳ diệu và kỳ quặc, thì Lý Linh coi Luận Ngữ là một cuốn lịch sử tư tưởng, kinh điển quan trọng nhất của Nho học; ông đọc nó là để tìm một Khổng Tử chân thực, một đức Khổng sống, chứ không phải một đức Khổng người ta tạo dựng nên (nhân tạo). Ông viết: Tôi đọc Luận Ngữ là đọc nguyên điển (bản gốc của kinh điển); suy nghĩ của Khổng Tử thế nào, phải đọc nguyên tác. Mọi kết luận của tôi đều phát biểu bằng lời của chính Khổng Tử. Đây chính là lý do khiến người ta khó lòng phản bác ông. Trong sách, những lời ông viết chỉ là sự hướng dẫn đọc nguyên bản. Sách gồm hai phần:

    • giáo trình Lý Linh viết;
    • nguyên bản Luận Ngữ, có thêm Trích lục chủ đề, Bảng kê nhân vật của Luận Ngữ và Chỉ dẫn tra cứu nhân vật.

“Nguyên điển” ấy có từ mấy ngàn năm trước, viết trên thẻ tre bằng chữ cổ, văn cổ (chẳng có dấu ngắt câu, xuống dòng, toàn bộ tác phẩm viết trong một câu liền tù tì …), cực kỳ khó hiểu. Các bản Luận Ngữ ngày nay đều đã được nhiều học giả viết lại, sắp xếp lại, có thêm đủ loại dấu ngắt câu, ngoặc đơn ngoặc kép vốn không có trong văn Trung Quốc cổ. Lý Linh cả đời “kiếm cơm” bằng nghề khảo cổ, giải thích từ ngữ cổ và văn bản cổ, chuyên nghiên cứu văn tự chép trên thẻ tre khai quật từ các mộ cổ, dĩ nhiên có tiếng nói uy tín nhất trong giới nghiên cứu sách cổ Trung Quốc. Chính vì thế mà những người phản đối Chó không nhà cũng đều phải thừa nhận sách này có giá trị học thuật.

Ai nói Khổng Tử là Chó không nhà?

Trong Chó không nhà, Lý Linh viết về Khổng Tử như sau (chúng tôi tóm gọn):

Luận Ngữ chép: Tử Cống (một học trò của đức Khổng) nói Khổng Tử là thánh, ngay lúc ấy bị Khổng Tử phủ nhận. Ngài chỉ là một người xuất thân hèn mọn nhưng lại lấy các nhà quý tộc cổ (chân quân tử) làm tiêu chuẩn lập thân, một người học không biết chán, dạy người không biết mỏi, một người có đạo đức, học vấn nhưng lại chẳng có quyền thế gì, một người đi khắp nơi du thuyết, lo nghĩ thay cho tầng lớp thống trị, rát cổ bỏng họng thuyết phục chúng cải tà quy chính, gian nan phiêu bạt như một con chó lang thang không có nhà để về.

Năm 492 trước Công nguyên, đức Khổng 60 tuổi xa rời các môn đệ của mình, bôn ba đến nước Trịnh. Có người bảo Tử Cống rằng bên ngoài cổng thành có một người nửa trên có chút vẻ thánh nhân nhưng nửa dưới thì như con chó không nhà. Tử Cống nhắc lại nguyên văn câu đó với Khổng Tử, Ngài đã không khó chịu mà còn cười nói: Hình ảnh không quan trọng, nhưng bảo ta như “Táng gia cẩu” thì rất đúng.

Khổng Tử tuyệt vọng với tổ quốc mình, đi khắp các nước chư hầu, có tài mà chẳng được dùng, cuối cùng vẫn phải về sinh quán, cuối đời sống trong nỗi đau, khóc cạn nước mắt rồi chết trong nhà mình – nhưng cụ đâu có nhà (có lẽ tác giả nói mái nhà tinh thần).

Từ Khổng Tử, tôi (Lý Linh) nhìn thấy số phận của người trí thức …

Cảm nghĩ của tôi sau khi đọc Luận Ngữ là hai chữ: cô đơn. Khổng Tử rất cô đơn. Ngày nay có người mời cụ làm thầy thuốc tâm lý; thật ra tâm bệnh của cụ còn chưa được ai chữa cho. Trong sách này tôi muốn nói rằng Khổng Tử không phải là thánh; người mà bao đời vua chúa ca ngợi ấy không phải là Khổng Tử đích thực, chỉ là “Khổng Tử nhân tạo” thôi.

Dường như bây giờ nhiều người mới biết Khổng Tử tự nhận là Táng gia cẩu. Chuyện này Luận Ngữ không chép, nhưng Tư Mã Thiên có viết trong “Sử Ký” (“Tử Cống dĩ thực cáo Khổng Tử. Khổng Tử hân nhiên tiếu viết: ‘Hình trạng, mạt dã. Nhi vị tự táng gia chi khuyển, nhiên tai! Nhiên tai!”); có lẽ chỉ các học giả mới để ý tới. Lạ thay, Khổng Tử vui vẻ nhận mình là Chó không nhà, nhưng bây giờ các hậu duệ cụ lại nổi giận vì Lý Linh dám chép lại chuyện ấy! Phải chăng đây là sự khác nhau giữa quân tử với người thường?

Luận Ngữ viết gì?

Theo Lý Linh, Luận Ngữ viết mấy chuyện:

    • Thầy trò Khổng Tử sôi nổi bàn luận về lý tưởng và hiện thực;
    • Khổng Tử đi chu du các nước, có tài mà chẳng được dùng, mệt mỏi như con chó không nhà;
    • Sau khi thầy mất, mỗi môn đệ của thầy hùng cứ một mảng, tranh giành danh vị chính thống, song lại đồng tâm hiệp lực dựng Khổng Tử làm thánh nhân.

Các suy nghĩ thực sự của Khổng Tử là:

    • Phải học tập, chớ làm ruộng; học giỏi mới được làm quan, mới thực sự giải quyết chuyện đói nghèo;
    • Trong xử thế phải khôn ngoan giữ mình, nơi yên ổn thì đến, không yên ổn thì lánh đi, đã không dấn thân vào nơi nguy nan cũng chẳng tìm đến chỗ chết;
    • Có thể mưu cầu giàu sang, song giàu sang mà bất nghĩa thì chỉ là thứ phù vân;
    • Nghèo và giàu, hài hòa và bất an, tốt và xấu, lý tưởng và hiện thực, trị người và bị người trị, dưới bầu trời này đều là những thứ chẳng khác nhau mấy.

Gáo nước lạnh giội lên những cái đầu nóng

Chó không nhà: Tôi đọc Luận Ngữ xuất bản đúng vào lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc từ người lớn tới trẻ con đang lên Cơn sốt Quốc học, đỉnh cao mới của phong trào phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa kéo dài nhiều năm nay. Quốc học dùng để phân biệt với Tây học; hầu hết người Trung Quốc đều cho rằng nội dung chính của Quốc học là Nho học (ta quen gọi Nho giáo).

Trong cơn sốt ấy, người ta đua nhau đọc Luận Ngữ – “Vạn thế Kinh điển” của Nho giáo, tương đương Kinh Thánh ở phương Tây. Năm 2004 Khoa Trung văn ĐH Bắc Kinh nơi Lý Linh công tác cũng mở khóa học Luận Ngữ, chia 3 lớp; do nhận nhiệm vụ dạy một lớp; Lý đã đọc lại Luận Ngữ, viết giáo trình, nay in thành sách trên.

Có nhiều điều đáng nói về Cơn sốt Quốc học. Lịch sử cho thấy, khi dân trí chưa cao, nhiều phong trào quần chúng ở giai đoạn cuối thường nảy sinh những nhận thức nông nổi, ấu trĩ, nhất là khi mọi người đã “sốt”. Nhưng chẳng mấy bậc thức giả nào dám giội nước lạnh lên những cái đầu nóng ấy, bởi lẽ có sức mạnh nào đáng sợ hơn sức mạnh của quần chúng?

Phong trào phục hưng văn hóa Trung Quốc khi lên Cơn sốt Quốc học cũng có tình trạng như vậy. Cơn sốt này tăng nhiệt mạnh khi xảy ra Hiện tượng Vu Đan. Qua Vu Đan, người Trung Quốc thấy Khổng Tử từng nói nhiều câu rất hữu dụng cho họ; Luận Ngữ trở thành món chicken soup (canh dưỡng sinh) khoái khẩu ai cũng thích; Khổng Tử trở thành vị thầy thuốc tâm lý chữa bệnh cho người Trung Quốc đang bơ vơ về lý tưởng và bế tắc trước các tệ nạn của kinh tế thị trường và lối sống công nghiệp.

Trước cơn sốt ấy, hầu hết giới học thuật im lặng; tuy lúc đầu có 10 vị tiến sĩ tuyên bố chống lại Vu Đan. Sử gia nổi tiếng Chu Duy Tranh nói Vu Đan “dám giảng giải cả những điều bà không hiểu”. Song lời nói của họ chìm nghỉm giữa muôn ngàn tiếng khen ngợi Vu Đan. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng Cơn sốt Quốc học là một điển hình của bệnh nông nổi văn hóa; Vu Đan chỉ phổ cập văn hóa, không phải là nghiên cứu lý luận; trong giải thích kinh điển, các học giả có “trận địa” riêng, khác tầng nấc và tính chất với phổ cập văn hóa, vì thế họ tránh phê phán người khác, không muốn tiếp tay hoặc gây rắc rối cho người khác tầng nấc.

Trong cơn sốt đó, phái Tân Nho gia đã đi xa quá đáng, lại thêm sự cổ xúy vì mục đích thương mại của các đầu nậu truyền thông xuất bản từng vớ bẫm trong “Hiện tượng Vu Đan”. Quốc học trở thành công cụ kiếm tiền; tính thương mại lấn át tính văn hóa ban đầu; hậu quả có thể khôn lường. Khổng Tử được sùng bái quá mức; Luận Ngữ được đưa lên vị trí quá cao; Nho giáo lấn át các giá trị văn hóa khác như Đạo gia, Pháp gia, Phật gia…

GS Chu Học Cần (ĐH Thượng Hải) nhận xét: Khổng Tử bị nâng lên tới độ cao đáng sợ, hoàn toàn thoát ly bộ mặt vốn có của Ngài. Dư Anh Thời (giải Kluge 2007, còn gọi là giải Nobel khoa học xã hội nhân văn) nói: Tư tưởng Trung Quốc đâu chỉ có Nho gia? Chỉ nên coi Khổng Tử là người đầu tiên nêu ra giá trị tinh thần, một người rất bình thường, chớ nên trang điểm Ngài thành một người cao sâu không thể đo được. Và Lý Linh xưa nay chỉ viết những tác phẩm học thuật buộc phải lên tiếng bằng một cuốn sách viết rất công phu nhưng có cái tên thiếu vẻ học thuật Chó không nhà. Rõ ràng, gáo nước lạnh này nhằm làm hạ nhiệt cơn sốt Quốc học.

Tranh cãi

Chó không nhà tuy chỉ in 15 nghìn cuốn nhưng đã gây tiếng vang lớn, được giới văn hóa và xuất bản trân trọng đón nhận, người đọc tranh nhau tìm mua. Giới học thuật đã tổ chức một số buổi hội thảo về sách này. Tiếng nói chối tai, đơn độc của Lý Linh không hề bị nhấn chìm giữa biển người say sưa tung hô Khổng Tử.

GS Chu Học Cần nói sách này thể hiện tinh thần phê phán có suy nghĩ độc lập trong giải thích Luận Ngữ (ý nói không a dua theo phong trào có sự hậu thuẫn của chính quyền); học thuyết Nho gia giỏi lắm chỉ có chức năng đạo đức tu thân dưỡng tính mà thôi chứ không thể thay thế các giá trị phổ quát hiện đại là quan niệm chính trị dân chủ và pháp chế, lại càng không trị quốc bình thiên hạ được; chỉ có dựa vào các giá trị phổ quát ấy mới giữ được sự ổn định tinh thần trong xã hội Trung Quốc hiện nay.

Người bình sách của library.sh.cn nhận định: Chó không nhà cho thấy Khổng Tử là một Đôn Kihôtê (Don Quixote, người theo chủ nghĩa lý tưởng một cách phù phiếm, xem Cervantes); đọc sách này, ta không thể còn lú lẫn mơ hồ nữa, lại càng không thể biết mà vờ lú lẫn (là sự lú lẫn của nhà trí thức); trong cơn sốt đọc kinh điển đã xuất hiện nhiều nhận thức nông nổi như coi Luận Ngữ là phương thuốc cứu đời, hoặc một thứ chicken soup tâm linh chữa bách bệnh.

Tiền Lý Quần viết: đọc Chó không nhà, nhiều người thấy được các chỗ hiểu sai hoặc chưa hiểu Luận Ngữ. Tạp chí Diễn đàn Khoa học số 10/2007 nhận xét: Sách Lý Linh là tảng thiên thạch rơi vào tấm gương tư tưởng Khổng Tử của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Những lời chê sách chủ yếu tập trung vào sự bất kính của Lý Linh đối với Khổng Tử, ngoài ra chưa thấy có lý lẽ nào bác bỏ được các lập luận của tác giả. Phái Tân Nho gia phản kích hăng nhất. Tưởng Khánh (tác giả thuyết đưa Nho giáo vào chính quyền) chê Lý Linh “ngạo mạn khinh miệt và sỉ nhục thánh hiền”. Trần Bích Sinh nói Lý Linh có thái độ ngạo mạn khinh đời của Đạo gia và bất mãn sâu sắc với hiện thực; Lý Linh có quan điểm giải cấu trúc Nho học một cách quá đáng. Người duy nhất viết bài phản bác là Trần Minh (GS ĐH Sư phạm Bắc Kinh, Tổng Biên tập tạp chí Nguyên Đạo). Ông viết: “Văn tài của nhà văn + tầm nhìn của nhà giải thích từ ngữ cổ + tâm trạng “Phẫn thanh” (để tình cảm chi phối lý trí, ngôn ngữ chỉ trút tình cảm mà không chú ý tình hình thực tế) = Chó không nhà: Tôi đọc Luận Ngữ”. Ông chê sách Lý Linh nói văn hóa mà chửi chính trị, trong sách chứa đựng sự hằn thù, căm ghét sâu sắc đối với tư tưởng Nho giáo, tuy sách có tính học thuật nhưng việc chọn tên sách có tính cợt nhả bất kính, khó chấp nhận.

Tranh cãi về Chó không nhà chỉ là sự tiếp diễn cuộc đấu tranh dai dẳng giữa cái gọi là phái theo chủ nghĩa bảo thủ văn hóa với phái theo chủ nghĩa tự do, hoặc phái Sùng Nho với phái Phản Nho (trước đây còn có phái chủ nghĩa Mác, nay không thấy lên tiếng). Thực chất là vấn đề đánh giá vai trò của Nho giáo, của Khổng Tử. Vấn đề này rất rộng và thú vị, nếu có dịp xin bàn sau.

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness