Trong lúc một cơn gió nhẹ thổi vào từ Biển Đông mang lại cảm giác thư giãn cần có cho một bữa trưa hầm hập nóng, nhóm khách Nga kiên nhẫn xếp hàng trước một cửa hàng thực phẩm để chờ mua củ cải đỏ, những lọ giấm, khoai tây nghiền và nhiều loại hàng hóa khác.
Vũng Tàu được ví như "ngôi nhà miền nhiệt đới" của nhiều người Nga làm việc tại đây - Ảnh: Bình An
|
Đó chính là quang cảnh tại ngôi làng người Nga ở Vũng Tàu, nơi những nhân viên của liên doanh dầu khí Vietsovpetro đã hình thành một cộng đồng quy mô tầm trung sống tách biệt với người bản xứ, tờ Russia Beyond the Headlines (RBTH) của Nga mở đầu bài viết đăng ngày 14.6.
RBTH bình luận “làng người Nga” này có gần như mọi thứ mà một người Nga xa quê cần. Ngoài gastronom (tên gọi gian hàng thực phẩm của người Nga), ở đây còn có một tiệm cà phê, một trung tâm văn hóa, trường học tiếng Nga và cả cánh tài xế taxi nói tiếng Nga.
Hơn 600 chuyên viên Nga, bao gồm một vài người Việt, sống cùng gia đình trong khu dân cư biệt lập này, RBTH cho hay.
Vũng Tàu đã là một điểm đến nổi tiếng của nhiều du khách trong thời thuộc địa, khi người Pháp biến nơi này thành một thành phố nghỉ mát. Tuy nhiên, chiến tranh sau đó đã tàn phá khá nhiều.
“Vũng Tàu dần hồi phục sau chiến tranh”, RBTH dẫn lời Nguyen Than An, một người dân Vũng Tàu chứng kiến sự thay đổi của thành phố biển này trước khi sang Mỹ du học vào đầu những năm 1990.
Vào năm 1981, Vietsovpetro, liên doanh giữa công ty Zarubezhneft (Nga) và tập đoàn PetroVietnam, đã được hình thành thông qua một thỏa thuận liên chính phủ giữa chính quyền Liên bang Xô Viết và Chính phủ Việt Nam.
Liên doanh này hiện là công ty lớn thứ 5 tại Việt Nam và là một trong những liên doanh nước ngoài thành công nhất của Nga,RBTH cho biết.
Những cô gái Nga đội nón lá Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Chung
|
Natasha Makarova, người từng làm việc tại thủ đô Moscow trước khi chồng cô vào làm cho Vietsovpetro, đã sống tại Vũng Tàu được 4 năm và rất thích thú với cuộc sống chậm rãi tại đây.
“So với Moscow hối hả và điên loạn, tôi thực sự thích nơi này, nhưng nhiều khi trời nóng quá”, cô cho biết, đồng thời nói thêm rằng cô luôn có thể “ra bãi biển và thưởng thức làn nước mát”.
RBTH cho hay mặc dù thực phẩm Nga, chẳng hạn như những chiếc bánh nướng mới ra lò, luôn có sẵn để mua, nhưng Makarova vẫn thích món ăn địa phương. Cô đặc biệt thích phở bò và cà phê đá.
Được sống ở vùng nhiệt đới và ăn trái cây tươi mỗi ngày là giấc mơ của rất nhiều người Nga, RBTH bình luận. Nhưng, dĩ nhiên, thời tiết nóng của vùng nhiệt đới cũng mang lại những phiền toái.
Maria Budko, quản lý nhà trẻ trong làng người Nga ở Vũng Tàu, kể lại rằng cô từng phát giác một “vị khách” không mời thò cửa vào nhà tắm khi cô đang tắm: một chú rắn. Budko cho biết những con rắn không độc này là tâm điểm của nhiều trò đùa giỡn trong làng người Nga trong một thời gian.
Sau thành công của Vietsovpetro, nhiều công ty Nga khác, chẳng hạn như Dalmorneftgaz, cũng đã thành lập chi nhánh tại Vũng Tàu. Đối với những nhân viên Nga không phải làm việc tại những giàn khoan xa bờ, việc được thưởng thức giấc ngủ trưa kéo dài 2 tiếng mỗi ngày là một phần thưởng từ công việc.
“Giấc ngủ trưa là phần tuyệt nhất của công việc này (làm việc tại Vũng Tàu). Nếu chịu được độ ẩm, thì bạn sẽ có một cuộc sống dễ chịu và khỏe mạnh tại đây”, Mikhail Starodubsev, người đã làm việc tại Vũng Tàu được 6 năm và đến từ thành phố Novosibirsk thuộc vùng Siberia lạnh giá, nói với tờ RBTH.
Bãi sau Vũng Tàu - Ảnh: Bình An
|
Do có vấn đề liên quan đến công việc với những đồng nghiệp Nga, nên Starodubsev đã rời Vũng Tàu, nhưng dự tính sẽ trở lại để mở một nhà hàng Siberia.
“Ngoài người Nga, còn có người Pháp, Ý, Anh và Ấn Độ. Tại đó đang có một thị trường du lịch khổng lồ”, Starodubsev nói khi đề cập đến Vũng Tàu.
RBTH cho biết cùng ý nghĩ với Starodubsev, đã có nhiều người Nga mở nhà hàng tại Vũng Tàu và thậm chí đã có một quán bar do một người Nga đến từ Vùng Viễn Đông làm chủ.
Tờ báo Nga bình luận rằng quan hệ chính trị giữa Nga và Việt Nam có nguội lạnh đi chút đỉnh trong thời cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin, nhưng trong vài năm qua, Moscow đã nhận thấy giá trị chiến lược của Việt Nam, quốc gia đang sắp trở thành một trung tâm chiến lược lớn của châu Á - Thái Bình Dương đủ sức cạnh tranh với những cường quốc trong khu vực.
Với việc giao thương giữa hai nước đang gia tăng, ngày càng có nhiều doanh nhiên Nga lên kế hoạch đến Vũng Tàu, khiến cho thành phố biển ngày càng mang đậm chất Nga hơn, RBTH nhận định.