TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG THỪA KẾ

Ngày 13 tháng 3 năm 2012, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên Tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh cấp chia tài sản chung và chia thừa kế tài sản”giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Văn Hai sinh năm 1952;

2. Ông Nguyễn Văn Ba sinh năm 1954;

(ông Hai, ông Ba cùng trú tại nhà số 1/3 ấp 4, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh).

3. Bà Nguyễn Thị Tư sinh năm 1957; trú tại nhà số 5 Long Bình, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bà Nguyễn Thị Thu Phương sinh năm 1965; trú tại nhà số 45/22 Thạch Lam, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn tại Tòa án cấp sơ thẩm là ông Trần Hữu Lộc sinh năm 1961; trú tại nhà số 227 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và tại Tòa án cấp phúc thẩm là ông Đặng Văn Cường; trú tại thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Bị đơn: Ông Trà Anh Kiệt sinh năm 1959; trú tại nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo uỷ quyền là bà Lâm Thị Gái; trú tại nhà số 150/18 Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lê Quang Ty (vợ của ông Kiệt) sinh năm 1961; trú tại cùng địa chỉ với ông Kiệt. Đại diện theo uỷ quyền là bà Lâm Thị Gái; trú tại nhà số 150/18 Huỳnh Văn Bánh, phường 12, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ông Trà Anh Tuấn (anh ruột của ông Kiệt) sinh năm 1953; hiện định cư tại Mỹ Đại diện theo uỷ quyền là ông Dương Đức Thiện sinh năm 1964, trú tại nhà số 18/B410 chung cư Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

3. Bà Trà Thị Tuyết (em ruột của ông Kiệt) sinh năm 1969; hiện định cư tại Mỹ. Đại diện theo uỷ quyền là bà Đặng Thi Cẩm Vân sinh năm 1955; trú tại nhà số 29 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Cụ Trà Thị Út sinh năm 1937; hiện định cư tại Canada.

5 . Ông Võ Chánh Trung sinh năm 1940; hiện định cư tại Mỹ.

6. Bà Võ Hoa Liêng sinh năm 1945; hiện định cư tại Mỹ.

7. Bà Võ Kim Oanh sinh năm 1948; hiện định cư tại Mỹ.

8 . Bà Võ Ngọc Thanh sinh năm 1951 ; hiện định cư tại Mỹ.

9. Chị Võ Thanh Tuyền sinh năm 1974; hiện định cư tại Mỹ.

Cụ Út, ông Trung, bà Liêng, bà Oanh, bà Thanh và chị Tuyền cùng uỷ quyền cho ông Trần Hữu Lộc sinh năm 1961; trú tại nhà số 227 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

10. Bà Võ Thị Rê sinh năm 1943; hiện định cư tại Mỹ. Đại diện theo ủy quyền tại Tòa án cấp sơ thẩm là ông Trần Hữu Lộc sinh năm 1961; trú tại nhà số 227 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo ủy quyền tại Tòa án cấp phúc thẩm là ông Đặng Hoàng Tuấn; trú tại nhà số 72/13 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

11. Bà Phạm Thi Hạnh sinh năm 1957;

12. Chị Võ Thị Mai Thi sinh năm 1978;

(Bà Hạnh, chị Thi cùng trú tại nhà số 988/3D ấp 3, phường An Phú Đông, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh).

13 . Anh Võ Thanh Tùng sinh năm 1969 ;

14. Chị Võ Thanh Thuỷ sinh năm 1971;

15. Chị Võ Thị Thanh Loan sinh năm 1976;

(Anh Tùng, chị Thủy, chị Loan cùng trú tại nhà số 13/8 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh)

16. Bà Nguyễn Trung Thu sinh năm 1962;

17. Anh Nguyễn Hữu Hưng sinh năm 1986;

(Bà Thu, anh Hưng cùng trú tại nhà số 7 Long Bình, tố 340, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh).

18. Công ty TNHH một thành viên Cam Ly. Đại diện theo uỷ quyền là anh Trương Ngọc Hoà Sinh năm 1985; trú tại nhà số 10/14 Nguyễn Công Trứ, phường 4, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

19. Anh Phạm Trường Giang sinh năm 1972; tạm trú tại nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

Tại “Đơn khởi kiện" ngày 22/01/2008 và quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn là các ông bà Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Thu Phương và người đại diện theo ủy quyền thống nhất trình bày: Vợ chồng cố Lê Thị Láng (chết năm 1977), cụ Trà Văn Tiếu (chết năm 1982) có 5 người con là: Cụ Trà Thị Buộn (chết năm 1994); cụ Trà Thị Rớt (chết năm 2006); cụ Trà Thị Sanh (chết năm 2007); cụ Trà Văn Tám (chết năm 2004) và cụ Trà Thị Út. Sinh thời, cố Tiếu, cố Láng là chủ sở hữu căn nhà số 11/5 dường Huỳnh Quang Tiên (nay là số 9/1 Đặng Văn ngữ), phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Khi qua đời, cố Láng, cổ Tiếu đều không để lại di chúc. Sau khi hai cố chết cụ Tám là người trực tiếp quản lý, sử dụng căn nhà. Ngày 13/4/2004, cụ Tám được Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở với tư cách là đại diện các thừa kế của cố Tiếu, cố Láng. Sau khi cụ Tám qua đời, ông Kiệt là người quản lý, sử dụng căn nhà. Như vậy căn nhà nêu trên là tài sản chung của cụ Buộn, cụ Rớt, cụ Sanh, cụ Tám và cụ Út. Nay các con của cụ Sanh là ông Nguyễn Văn Hai, ông Nguyễn Văn Ba, bà Nguyễn Thị Tư và bà Nguyễn Thị Thu Phương yêu cầu Tòa án chia tài sản chung là căn nhà nêu trên cho các thừa kế của cố Tiếu, cố Láng.

Cụ Trà Thị Út yêu cầu được hưởng 1/5 giá trị căn nhà là phần di sản mà cổ Tiếu, cố Láng để lại cho cụ sau khi qua đời. Ngoài ra, do cụ Rớt không có chồng con và đã chết trước cụ Sanh nên yêu cầu Tòa án chia phần tài sản của cụ được hưởng cho cụ và các đồng thừa kế của cụ Sanh mỗi bên 1/2. Tổng phần tài sản cụ yêu cầu được hưởng là 3/10 giá trị căn nhà.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn gồm các ông bà Võ Chánh Trung, Võ Thị Rê, Võ Hoa Liêng, Võ Kim Oanh, Võ Ngọc Thanh (các con của cụ Buộn); các anh chị Võ Thanh Tùng, Võ Thanh Thủy, Võ Thanh Tuyền và Võ Thị Thanh Loan (thừa kế của ông Võ Văn Tốt, con của cụ Buộn); bà Phạm Thị Thanh và chị Võ Thị Mai Thi (thừa kế của ông Võ Tấn Xuân, con của cụ Buộn nhất trí với lời trình bày và yêu cầu của các nguyên đơn và xin nhận thừa kế đối với phần tài sản được thừa hưởng của cụ Buộn.

Bị đơn là ông Trà Anh Kiệt thừa nhận nguồn gốc căn nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, quan hệ huyết thống gia tộc như các nguyên đơn đã trình bày; đồng thời ông Kiệt và người đại diện theo ủy quyền trình bày bổ sung: Ngày 16/02/1993, cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt đã làm “Giấy khước từ di sản" có nội dung để lại toàn bộ quyền sở hữu căn nhà cho cụ Tám. Từ khi làm văn bản nhường cho cụ Tám quyền hưởng di sản cho đến khi qua đời, cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt đều không có ý kiến gì thay đổi. Năm 1997, cụ Út về nước và có lập giấy ủy quyền cho cụ Tám được toàn quyền định đoạt phần tài sản của cụ Út trong căn nhà nêu trên trong thời hạn 10 năm. Ngày 13/7/2004, cụ Tám được Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (500,5 m2) và quyền sử dụng đất ở (716,5 m2). Cụ Tám đã qua đời ngày 05/10/2004. Ông Kiệt không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn. Đối với phần của cụ Út, mặc dù năm 1997, cụ Út đã ủy quyền cho cụ Tám được toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt phần nhà đất mà cụ Út được thừa kế; nhưng nay cụ út đòi lại thì ông Kiệt đồng ý trả giá trị theo kết quả định giá của Tòa án.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn là ông Trà Anh Tuấn (con của cụ Tám), bà Lê Quang Ty (vợ của ông Kiệt) nhất trí với lời trình bày và quan điểm của ông Kiệt, không đồng ý yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Bà Trà Thị Tuyết trình bày: Bà là con của cụ Tám. Bà đồng ý chia tài sản chung là căn nhà của ông bà nội để lại. Phần tài sản cha bà được hưởng trong khối tài sản chung nêu trên, để lại cho ông Kiệt, ông Tuấn thì bà và ông Kiệt, ông Tuấn sẽ tự thương lượng, giải quyết.

Anh Phạm Trường Giang xác nhận anh có thuê của ông Kiệt một phần nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ. Anh không có ý kiến gì đối với việc họ tộc ông Kiệt có tranh chấp căn nhà nêu trên và cam kết chấp hành quyết định của Tòa án.

Anh Thương Ngọc Hòa đại điện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cam Ly cũng xác nhận Công ty Cam Ly có thuê của ông Kiệt một phần nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ. Công ty Cam Ly không có ý liến gì đối với việc họ tộc ông Kiệt có tranh chấp căn nhà nêu trên, đồng thời cam kết chấp hàm quyết định của Tòa án.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 3288/2009/DSST ngày 03/11/2009 , Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 147 và Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005; điểm a khoản 2.4 Điều 2 Mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ/HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Hai, bà Nguyễn Thị Ba (chính xác phải là ông Nguyễn Văn Ba), bà Nguyễn Thị Tư và bà Nguyễn Thị Thu Phương về việc yêu cầu chia tài sản chung đối với căn nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ (số cũ 11/5 đường Huỳnh Quang Tiên), phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

Chấp nhận yêu cầu của cụ Trà Thị Út về việc yêu cầu chia tài sản chung là 1/5 giá trị căn nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. ghi nhận việc ông Trà Anh Kiệt, bà Lê Quang Ty đồng ý hoàn lại cho cụ Trần Thị Út giá trị căn nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận bằng 6.161.900.000đ là tài sản chung và cụ Út được hưởng trong căn nhà nói trên. Việc giao trả trong thời hạn 1 tháng.

Các thừa kế của cụ Trà Văn Tám được quyền sở hữu căn nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi giao trả cho cô Trà Thị Út 6.161.900. 000đ là 1/5 giá trị của căn nhà nêu trên.

Ghi nhận việc các thừa kế của cụ Trà Văn Tám là ông Trà Anh Tuấn, ông Trà Anh Kiệt, bà Trà Thị Tuyết tự giải quyết việc phân chia di sản của ông Trà Văn Tám là căn nhà số 9/1 Đặng Văn Ngữ (số cũ 11/5 Huỳnh Quang Tiên) phường 10, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định: Các nguyên đơn và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đứng về phía các nguyên đơn có đơn kháng cáo cho rằng việc cụ Buộn, cụ Sanh, cụ Rớt khước từ quyền hưởng di sản vào năm 1993 là không có hiệu lực vì nằm ngoài thời hạn pháp luật cho phép; Tòa án cấp sơ thẩm định giá tài sản tranh chấp quá thấp, không phù hợp với giá thị trường.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 73/2010/DSPT ngày 09/4/2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chi Minh quyết định sửa bản án sơ thẩm:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vê việc chia tài sản chung của cha mẹ và chia di sản thừa kế của chị ruột để lại tài sản của cố Trà Văn Tiêú, cố Lê Thị Láng, di sản thừa kế của cụ Trà Thị Rớt)

Xác định nhà, đất số 9/1 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh là tải sản chung của cố Tiếu và cô Láng chết để lại, đựơc chia đều các con.

Xác định phần tài sản của cụ Rớt đựơc hưởng của cha mẹ là di sản thừa tế của 02 người em ruột là cụ Trà Thị Sanh và cụ Trà Thị Út.

Cụ Trà Văn Tám đựơc hưởng 2/10 giá trị đất của căn nhà trên và 718.217. 500đ. Cụ Tám chế năm 2004. Hai con của cụ Tám là ông Trà Anh Kiệt, ông Trà Anh Tuấn được hưởng (ông Kiệt đại diện nhận, sau này từ chia lại ).

Cụ Trà Thị Sanh hưởng 3/10 giá trị đất của căn nhà (Trong đó 2/10 tài sản của cha mẹ và 1/10 là di sản của cụ Rớt).

Cụ Sanh chết năm 2007. Các con là ông Nguyễn Văn Hai, ông Nguyễn Văn Ba, bà Nguyễn Thị Tư, bà Nguyễn Thị Thị Thu Phương và ông Nguyễn Hữu Hùng được hưởng (ông Hai đại diện nhận, sau đó chia lại với nhau).

Cụ Trà Thị Út được hưởng 3/10 giá trị đất của căn nhà kể trên (2/10 là tài sản của cha mẹ và 1/10 là di sản của cụ Rớt). Do ông Trần Hữu Lộc đại diện nhận.

Cụ Trà Thị Buộn hưởng 2/10 giá trị đất của căn nhà trên. Cụ Buộn chết năm 1994. Các con được hưởng là:

+ Ông Võ Chánh Trung (đại diện và ông Trần Hữu Lộc).

+ Bà Võ Thị Rê (đại diện là ông Đặng Hoàng Tuấn).

+ Bà Võ Hoa Liêng (đại diện là ông Trần Hữu Lộc).

+ Bà Võ Kim Oanh (đại diện là ông Trần Hữu Lộc).

+ Bà Võ Ngọc Thanh (đại diện là ông Trần Hữu Lộc).

+ Ông Võ Văn Tốt (chết) các con là anh Võ Thanh Tùng, chị Võ Thanh Thủy, chị Võ Thị Thanh Loan và chị Võ Thanh Tuyền đại diện là ông Trần Hữu Lộc. Các con của ông Tốt từ chia lại với nhau.

+ Ông Võ Tấn Xuân (vợ là bà Phạm Thị Hạnh, con là chị Võ Thị Mai Thi).

Các con, cháu cụ Buộn sau khi nhận kỷ phần, tự chia lại cho nhau.

Khi có đơn yêu cầu, cơ quan thi hành án phát mãi nhà, đất kể trên. Giá trị thực tế được trừ 718.217.500đ tiền xây dựng của cụ Tám, trừ các chi phí phục vụ việc phát mãi, số còn lại chia theo kỷ phần nêu trên.

Các phần khác của quyết định án sơ thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, tại “Đơn đề nghị" ngày 26/7/2010, ông Trà Anh Kiệt cho rằng. Khi còn sống, cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt đã khước từ quyền hưởng di sản thừa tế của cha mẹ, đồng thời để lại toàn bộ quyền sở hữu căn nhà cho cụ Tám. Tòa án cấp phúc thẩm xác định căn nhà và quyền sử dụng đất có tranh chấp là di sản thừa kế chưa chia, từ đó chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, chia giá trị nhà đất cho 5 thừa kế của cố Tiếu, cố Láng là không đúng.

Tại Quyết định kháng nghị số 161/QĐ/KNGĐT-V5 ngày 27/l0/2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định:

Kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 73/2010/PTDS ngày 09/4/2010 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Huỷ bản án dân sự phúc thẩm 73/2010/PTDS ngày 09/4/2010 của Toà phúc thẩm

Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

XÉT THẤY:

Tại Quyết định số 880/QĐUB ngày 22/11/1981, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép vợ chồng cố Trà Văn Tiếu (Trà Văn Tiến), cố Lê Thị Láng được giữ lại sở hữu căn nhà số 11/5 Huỳnh Quang Tiên (nay là số 9/1 Đặng Văn Ngữ), phường 10, quận Phú Nhuận) thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy căn nhà này các đương sự tranh chấp có nguồn gốc là tài sản của vợ chồng cố Tiếu, cố Láng.

Cố Láng chết năm 1977; cố Tiếu chết năm 1982 đều không để lại di chúc. Ngày 16/02/1993, cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt lập văn bản khước từ quyền hưởng thừa kế đồng thời thống nhất nhượng quyền hưởng di sản cho cụ Tám. Văn bản này được các chính quyền địa phương nơi cụ Buộn, cụ Sanh, cụ Rớt cư trú xác nhận đúng là chữ ký, dấu tay điểm chỉ của các cụ. Việc cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt khước từ quyền nhận di sản thừa kế tuy không nằm trong thời hạn quy định của pháp luật (6 tháng kể từ khi biết thời điểm mở thừa kế), nhưng song song với việc khước từ thì cụ Buộn, cụ Sanh, cụ Rớt lại nhường quyền hưởng di sản cho cụ Tám; điều này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại mục 8 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt có văn bản nhượng quyền hưởng đi sản cho cụ Tám tại “Tờ khai chuyển dịch tài sản nộp thuế trước bạ” ngày 15/4/1993 (Phòng thu lệ phí trước bạ thuộc Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và tính thuế ngày 27/4/993), ở mục “Những người thừa kế di sản", cụ Tám đã kê khai rõ cụ Buộn, cụ Sanh và cụ Rớt “khước tìm di sản có chứng từ”, phần kê khai này đã được cơ quan kiểm tra và tính thuế đóng dấu xác nhận. Đến ngày 21/02/1997, cụ Út làm "Giấy ủy quyền” cho cụ Tám được thay mặt cụ Út quản lý sử dụng và định đoạt phần thừa kế của cụ Út đối với căn nhà trên trong thời hạn 10 năm. Nội dung ủy quyền của cụ Út cho cụ Tám không đồng nghĩa là cụ Út đã chuyển quyền sở hữu phần tài sản cụ được thừa kế trong căn nhà của cha mẹ sang cho cụ Tám. Tại “Tờ đăng ký nhà đất” ngày 09/8/1999 , cụ Tám đã kê khai nguồn gốc nhà, đất là: nhà của cha mẹ được thừa kế”, đồng thời liệt kê danh mục các tài liệu nộp kèm, trong đo có “Giấy khước từ di sản" ngày l6/02/1993 của cụ Buộn, cụ Sanh, cụ Rớt. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án các cấp chưa thu thập hồ sơ đăng ký kê khai và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho cụ Tám đúng tên để xác minh làm rõ Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận có xem xét giá trị của giấy khước từ di sản nêu trên hay không? là chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ để giải quyết vụ án. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào việc cụ Tám xác nhận cụ là đồng thùa kế trong bản “Di chúc" ngày 13/02/1996 “Đơn tường trình" về nguồn gốc nhà đất ngày 14/4/2004 và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 13/7/2004 của Ủy ban nhân quận Phú Nhuận cấp cho cụ Tám là đại diện thừa kế của cố Tiếu, cố Láng để xác định nhà đất là di sản thừa kế chưa chia của cụ Buộn, cụ Sanh, cụ Rớt, cụ Tám và cụ Út là chưa đủ căn cứ.

Cụ Buộn chết năm 1994. Cụ Rớt chết năm 2006. Cụ Sanh chết năm 2007. Trước khi chết cụ Buộn, cụ Sanh, cụ Rớt đều không có ý liến bằng văn bản thay đổi việc đã nhường quyền hưởng di sản cho cụ Tám. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án còn có các tài liệu là "Tờ khai nộp tiền sử dụng đất" ngày 14/10/2004, có nội dung cụ Rớt “Đại diện cho các thừa kế”’ nộp tiền sử dụng đất và “Tờ khai lệ phí trước bạ” ngày 22/10/2004, có nội dung cụ Rớt “Đại diện cho các thừa kế" nộp lệ phí trước bạ. Thời điểm này cụ Tám đã được cấp Giấy chứng nhân quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Kiệt cho rằng đây là thủ tục để ông Kiệt xin phép sửa chữa nhà. Hơn nữa, các đương sự đều thừa nhận cụ Rớt bị mù lòa, không biết chữ. Nhưng quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều chưa xác minh làm rõ xem việc kê khai có đúng với ý chí của cụ Rớt không và ai đã giúp cụ Rớt kê khai văn bản trên? cơ quan nào đã yếu cầu cụ Rớt kê khai mục đích của việc kê khai (vì thực tế Chi cục thuế quận Phú Nhuận sau khi kiểm tra đã xác định không thu lệ phí trước bạ và không thu tiền sử dụng đất)?cũng là chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều thống nhất kết quả định giá của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ vào kết quả định giá để xác định giá trị tài sản cụ Út được hưởng, mà lại chia theo phần và cho cụ Út được hưởng theo kết quả định giá khi phát mại tài sản thi hành án là không đúng.

Ngoài ra, trong vụ án này có một số đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gồm: cụ Út, bà Rê, bà Tuyết, ông Tuấn, ông Trung, bà Liêng, bà Oanh, bà Thành và chị Tuyền. Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải xác minh làm rõ thời điểm các đương sự xuất cảnh ra nước ngoài để làm cơ sở cho việc áp dụng pháp luật đối với giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01/7/1991.

Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là có căn cứ. Tuy nhiên, cần phải hủy bản án phúc thẩm và hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 ngày 29/3/2011 của Quốc hội).

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 73/2010/DSPT ngày 09/4/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 3288/2009/DSST ngày 03/11/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “ Tranh chấp chia tài sản chung và chia thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hai, ông Nguyễn Văn Ba, bà Nguyễn Thị Tư, bà Nguyễn Thị Thu Phương với bị đơn là ông Trà Anh Kiệt; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: cụ Trà Thị Út, bà Lê Quang Ty, ông Trà Anh Tuấn, bà Trà Thị Tuyết, ông Võ Chánh Trung, bà Võ Hoa Liêng, bà Võ Kim Oanh, bà Võ Ngọc Thanh, chị Võ Thanh Tuyền, chị Võ Thị Rê, bà Phạm Thị Hạnh, chị Võ Thị Mai Thi, chị Võ Thị Thanh Thủy, chị Võ Thị Thanh Loan, anh Võ Thanh Tùng, bà Nguyễn Trung Thu, anhNguyễn Hữu Hưng, Công ty trách nhiệm hũm hạn một thành viên Cam Ly (do anh Trương Ngọc Hòa đại diện theo ủy quyền) và anh Phạm Trường Giang.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật

Image result for Làm sao để đăng ký tạm trú khi thuê nhà?

VPLS Minh Trí 

Gửi yêu cầu Email: a10mtri@gmail.com, dongtudhl@gmail.com, phucminh80@gmail.com

Liên hệ qua Hotline: 0902818158 - 0903724089- 0906834543 - 0906812689

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness