Giá phải trả của 12 năm kinh tế phi thị trường
Sẽ đắt một cách khó lường
TTCT - Sau khi gia nhập WTO, VN sẽ còn bị xem là một nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm - so với Trung Quốc là 15 năm. Cái giá phải trả cho việc bị phân biệt đối xử này đắt đến mức nào? Do có những tương đồng nên trước hết ta hãy bắt đầu câu chuyện từ cách giải mã... “ván cờ Trung Hoa”.
“Ván cờ Trung Hoa”
Sau sáu năm gia nhập WTO, ngoài những thành quả đạt được, Trung Quốc vẫn chưa chứng minh được một cách thuyết phục với Mỹ và EU về việc mình không còn là một nền kinh tế phi thị trường. Khu vực quốc doanh vẫn tiếp tục giữ vị trí thống soái; quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện như những gìđã hứa; khu vực nông nghiệp vẫn còn được trợ cấp dưới hình thức này hình thức khác; vấn đề minh bạch hóa chưa rõ ràng; vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử; đồng nhân dân tệ liên tục được định giá quá thấp. Hệ quả là Trung Quốc luôn bị đe dọa bởi các vụ kiện bán phá giá với trung bình mỗi năm có tới 20 vụ kiện.
Giá phải trả như thế có quá đắt hay không thì vẫn khó cho người ngoài cuộc phán xét, do lẽ họ đã vô cùng khôn ngoan để sớm ở vào vị thế của người có thể giải thích các qui định của cờ WTO theo cách của họ, cho dù không phải họ là người bày ra thế cờ đó. Họ đã chủ động để có quyền tính toán nước đi thiệt hơn với thế trận đang nghiêng về mình.
Có thể hình dung trận thế này bằng cách điểm lại phiên đàm phán thượng đỉnh Mỹ - Trung mới đây vào giữa tháng 12-2006. Trái với những tuyên bố mạnh miệng trước đó, cuối cùng phía Mỹ vẫn không thể nào áp đặt được quan điểm và lệnh trừng phạt áp tăng thuế lên hàng xuất khẩu Trung Quốc vì việc phía Mỹ luôn qui cho đồng nhân dân tệ liên tục được định giá quá thấp, và do việc Trung Quốc đã và vẫn còn kế hoạch tiếp tục bơm tiền ào ạt để hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước khổng lồ, những việc làm mà phía Mỹ cho là Trung Quốc đang “cài số de”.
Đối với Trung Quốc, các lập luận kinh tế thị trường hay phi thị trường, cải cách hay là trượt lùi không quan trọng bằng lập luận gây nhiều tranh cãi rằng “tôi làm thế là vì lợi ích của nhân dân tôi”. Cách hành xử đó chính là sử dụng, quyền được biện minh của kẻ mạnh. Có lẽ vì thế mà Mỹ, cũng một kẻ mạnh khác và vì quyền lợi của nhân dân Mỹ, gần đây đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc xin được công nhận nền kinh tế thị trường.
“Ván cờ Việt Nam”
VN có thể rút kinh nghiệm gì từ “ván cờ Trung Hoa”? Nếu có thì câu hỏi tiếp theo là ta có ở vào vị thế đủ để được ngồi vào bàn cờ? Thay vì trả lời thẳng các câu hỏi, hãy thử điểm xem VN đang tính toán những “thế” gì cho ván cờ WTO của mình (cách chúng ta dùng từ “sân chơi” dường như không phù hợp khi nói về WTO).
Có lẽ điều quan trọng nhất cần nói đến trước tiên là khu vực quốc doanh, khu vực vốn vẫn được tiếp tục tuyên bố là chủ đạo. Thế nhưng, để xem chủ trương này là như thế nào trong thực tế có lẽ cần viện dẫn hình ảnh mà người ta thường hay nói đến cách mà người Trung Hoa “nói và làm”, đèn tín hiệu thì bên trái nhưng lại rẽ phải (signal left but turn right). Chính vì vậy, khái niệm vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước không quan trọng bằng thực tế đang diễn ra. Những chính sách trong thời gian qua và sắp tới cho thấy sắp tới đây, khu vực tư nhân mới chính là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Nói cho dễ hiểu, với vị thế hiện tại, ta phải tự tính kế giải ván cờ cho riêng mình thay vì chơi lại “ván cờ Trung Hoa”, để rồi phân biệt bị đối xử đúng 12 năm kinh tế phi thị trường và có thể là còn nhiều hơn thế nữa, vô cùng nguy hại đối với kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng của chúng ta.
Xem ra VN cũng đã bày tỏ ý muốn sớm kết thúc 12 năm kinh tế phi thị trường hoặc qua tiêu chí “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” bằng quyết tâm chấm dứt can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào nền kinh tế.
Tất nhiên nói và làm là hai việc khác nhau. Vấn đề khó nhất đối với VN là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Chính vì vậy, không phải không có lý khi năm 2007 được lấy là năm của cải cách hành chính để tăng tốc trong phát triển kinh tế, đồng thời cũng là năm thực hiện chủ trương “xóa bộ chủ quản” đối với doanh nghiệp nhà nước.
Cách tính toán nước cờ khai cuộc như thế là phù hợp với vị thế hiện nay. Vấn đề là liệu chúng ta có “đủ sức” để đi tiếp trọn con đường của mình?
Và để kết thúc trọn ván cờ
Còn nhiều điều tiếp theo phải được xem xét để có thể kết thúc sớm “cái vòng kim cô” kinh tế phi thị trường, nhưng nên nhớ vấn đề này hơi tế nhị và khác với việc được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường với đầy đủ nhất ý nghĩa của nó. Vì vậy ta cần đặc biệt lưu ý đến những “điểm nóng” kinh tế - chính trị có liên quan, thay vì thuần túy tiếp cận từ khuôn khổ lý thuyết “thế nào là kinh tế thị trường”, bởi qui chế kinh tế phi thị trường nhiều khi được xem là một quyết định thuần chính trị hơn kinh tế.
Trước hết là vấn đề quyền sở hữu tài sản, nhất là sở hữu trí tuệ. Các nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ rất thiếu niềm tin nơi hệ thống tòa án VN trong xét xử các tranh chấp thương mại cũng như quyền sở hữu, và thường yêu cầu các tranh chấp xảy ra phải được đưa ra xét xử tại tòa án kinh tế Singapore. Tuân thủ luật lệ tới mức nào cũng là yếu tố quan trọng để được xem xét là quốc gia có tự do kinh tế tới đâu, làm sao xóa đi tư tưởng từ phía các nhà đầu tư rằng sẽ có lợi hơn nếu vận động hậu trường để được nhân nhượng hơn là tuân thủ luật lệ. Nói cách khác, tham nhũng không thể là điều đương nhiên cần phải có để phát triển kinh tế, như những “câu chuyện” mà người ta đang truyền tụng khi nói về những điều kỳ diệu và nghịch lý ở VN.
Chậm chạp nhất trong các cải cách để VN thật sự hướng tới kinh tế thị trường là khu vực tài chính ngân hàng. Sự chi phối tuyệt đối của hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh - bất chấp những nỗ lực cải cách quyết liệt của Chính phủ - sẽ là cản trở đáng kể để VN sớm thoát khỏi “cái vạ”12 năm kinh tế phi thị trường. Đó là chưa kể đến kế hoạch nâng cấp ào ạt hàng loạt các tập đoàn kinh tế quốc doanh, “tham vọng” mà những mặt tiêu cực của nó cần phải được nhận diện thấu đáo, ví dụ nó có liên quan gì đến mức độ ảnh hưởng của Chính phủ đối với phân bổ nguồn lực quốc gia (tiêu chí để xem xét chống bán phá giá)?
Đối với tính chuyển đổi của đồng tiền, một tiêu chí luôn được Mỹ và EU xem trọng để được công nhận là kinh tế thị trường thì sao? Đây cũng là vấn đề thời sự trong nước và quốc tế với các tình huống khá giống nhau giữa VN, Trung Quốc và Thái Lan gần đây. So sánh để thấy dường như VN đang đi “đúng bài” với việc đã được IMF công nhận thực hiện hoàn toàn điều VIII về tự do hóa các giao dịch vãng lai (chuyển tiền, du học...); các chính sách nới lỏng tự do hóa dòng vốn thời gian gần đây cũng được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao (so với Thái Lan vẫn sử dụng biện pháp hành chính mới đây để ngăn chặn dòng vốn chảy vào quốc gia này); chính sách tỉ giá hiện đang được thế giới theo dõi sát sao với việc Ngân hàng Nhà nước mới đây cho mở rộng biên độ tỉ giá từ 0,25% lên 0,5%, một động thái được cho là nhằm hướng đến một cơ chế tỉ giá linh hoạt hơn nữa. Tất cả đều nằm trong kế hoạch về một đồng VN có khả năng chuyển đổi.
Thời hạn kết thúc sớm qui chế kinh tế phi thị trường được xác định không phải chỉ thông qua các chứng cứ. Bằng chứng nhiều khi không quan trọng bằng đàm phán, nên ngoài việc tỏ rõ quyết tâm hướng đến thể chế kinh tế thị trường, ta cần quan tâm giải quyết những điểm nóng như chống tham nhũng và cải cách hành chính. Không thể nói là kinh tế thị trường khi mà tham nhũng ngày càng hoành hành (xếp hạng của “chỉ số tự do kinh tế” cho là càng có tự do kinh tế thì càng ít tham nhũng), vì vậy vấn đề thuộc về “hệ thống” chính là điều mà VN cần lưu tâm. Ta không ảo tưởng nhưng có thể chính bằng sự chân thành, hành động thực tế, quyết tâm và cả ngoại giao, triển vọng kết thúc sớm tình cảnh 12 năm kinh tế phi thị trường trước người láng giềng phương Bắc là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Khái niệm kinh tế thị trường - được vận dụng trong các vụ kiện bán phá giá - là vô cùng tùy tiện, mơ hồ và phi lý; ví dụ như ta mãi không bao giờ nhận được định nghĩa rõ ràng từ phía Mỹ và EU thế nào là “mức độ” ảnh hưởng của chính phủ đối với phân bổ nguồn lực quốc gia. Giá phải trả của các phán xét mập mờ như thế là không thể lường hết được và như vậy là quá đắt. Điều này có nghĩa là bất cứ kế hoạch phát triển nào của chúng ta cũng đều có thể bị tự động qui cho là có sự can thiệp của Nhà nước.
Việc kết thúc sớm nhất có thể thời hạn 12 năm kinh tế phi thị trường không chỉ giúp VN tránh được cái giá phải trả quá đắt, mà xa hơn nữa là nhằm vẽ lại hình ảnh của một đất nước VN thân thiện trước cộng đồng thế giới; lợi ích sau này mới là động lực giúp đất nước thật sự bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ