Bài viết này của ông Christopher Cox, cựu Chủ tịch Ủy ban chính sách của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ; và ông William Reynolds Archer, Jr. cựu Chủ tịch Ủy ban đặc trách thuế vụ Hạ Viện Hoa Kỳ, nay là chuyên gia tư vấn chính sách cao cấp tại PricewaterhouseCoopers.
Gần hai thập kỷ trước, hai chúng tôi cùng tham gia Ủy ban lưỡng đảng về cải cách thuế và trợ cấp của Tổng thống Clinton, tiền thân của Ủy ban quốc gia về cải cách và trách nhiệm tài khóa của Tổng thống Obama hiện nay. Năm 1994, chúng tôi dự đoán rằng, trừ khi kiểm soát được chi trợ cấp, hai chương trình Medicare (chăm sóc y tế-ND) và An sinh xã hội rút cục sẽ phá sản và trợ cấp sẽ bị cắt giảm mạnh.
18 năm sau, chẳng có gì thay đổi. Nguyên nhân? Vì cải cách trợ cấp là “vùng cấm” của nền chính trị Mỹ? Người ta cho rằng cử tri muốn giữ trợ cấp bằng mọi giá, dẫu có làm phá sản cả quốc gia?
Thật ra, công chúng và các nhà hoạch định chính sách không nhìn ra được bản chất vấn đề chính vì thiếu một “báo cáo tài chính” thật sự minh bạch của chính phủ. Làm sao những người có trách nhiệm lại có thể tuyên bố có đủ nguồn chi trả cho Medicare và An sinh xã hội trong nhiều năm sắp tới?
Những con số bị che giấu
Washington đang vật lộn với khoảng 600 tỷ USD “vách đá tài chính” cùng dự thảo ngân sách 2013. Nhưng vấn đề trầm trọng hơn nhiều là những nghĩa vụ nợ không có nguồn thanh toán do lương hưu và chăm sóc y tế lại không được động đến. Nếu chính phủ công bố một “bảng cân đối kế toán” toàn liên bang chính xác, đó sẽ là một con số khổng lồ.
Nhưng không. Trong nhiều năm, chính phủ không phải phát hành báo cáo tài chính như các doanh nghiệp vẫn làm. “Bảng cân đối kế toán” của Bộ Tài chính Mỹ chỉ liệt kê những khoản nợ như trái phiếu chính phủ phát hành ra công chúng, lương hưu của viên chức liên bang, và dự chi y tế sau nghỉ hưu. Nhưng nghĩa vụ nợ không có nguồn thanh toán của Medicare, An sinh xã hội cùng nhiều nghĩa vụ khổng lồ khác lại bị lờ đi.
Kết quả là tranh luận về chính sách tài khóa chủ yếu tập trung vào thâm hụt ngân sách năm hiện hành, tổng nợ chính phủ, cùng mối quan hệ giữa hai số liệu trên với GDP. Chúng ta thường nghe báo động về 15,96 nghìn tỷ USD nợ chính phủ (hơn 100% GDP), và thâm hụt ngân sách 2012 1,1 nghìn tỷ USD (6,97% GDP). Hai con số ấy nguy hiểm, nhưng còn cách xa số nợ thật của chính phủ liên bang.
Gánh nặng thật sự
Nợ thật sự của chính phủ liên bang, bao gồm an sinh xã hội, Medicare và lương hưu trong tương lai của viên chức liên bang, đã vượt 86,8 nghìn tỷ USD, tức 550% GDP. Cho năm tài khóa kết thúc ngày 31/12/2011, chi phí trích trước thường niên của Medicare và An sinh xã hội là 7 nghìn tỷ USD. Con số ấy bị lờ đi khi tính toán thâm hụt ngân sách. Thực tế, thâm hụt ngân sách chỉ bằng 1/5 con số trên.
Vì sao dân Mỹ chưa bao giờ nghe tới gánh nặng khổng lồ 86,8 nghìn tỷ USD từ những chương trình trên? Lý do thứ nhất: Con số thực không hiển hiện trên bất kỳ một bảng cân đối kế toán nào, dù có thể tính ra được. Trong báo cáo thường niên của Quỹ tín thác Medicare có ước tính riêng biệt cho các nghĩa vụ nợ không có nguồn than toán cho Medicare Part A (cho bệnh viện), Part B (bảo hiểm y tế) và Pard D (chi mua thuốc theo đơn).
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ tín thác Medicare vào tháng 4, giá trị hiện tại ròng của các nghĩa vụ nợ không có nguồn thanh toán của Medicare là 42,8 nghìn tỷ USD. Con số tương tự của An sinh xã hội là 20,5 nghìn tỷ USD.
Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ có trong tay một báo cáo tài chính minh bạch như các công ty đại chúng, họ ắt phải biết trong tương lai sẽ phải vay nợ nhiều đến đâu để thanh toán cho các nghĩa vụ này. Vay nợ như thế vượt xa khả năng của thị trường vốn toàn cầu, và làm phá sản không chỉ chính các chương trình trợ cấp mà cả toàn bộ chính quyền liên bang.
Mất khả năng thanh toán
Khi các “nghĩa vụ nợ không có nguồn thanh toán” đến hạn chi trả, người ta sẽ biết tác động của chúng là gì. Trên lý thuyết, Quỹ tín thác của Medicare và An sinh xã hội có đủ tiền để chi trả trợ cấp. Nhưng trên thực tế, các quỹ này trống rỗng, vì 100% thuế thu nhập dành cho các chương trình này chi hết ngay sau khi thu.
Để bù đắp cho thiếu hụt từ thuế thu nhập, các quỹ tín thác này nhận về các trái phiếu chính phủ không bán được trên thị trường. Đến nay, khi trợ cấp cho người cao tuổi đã vượt xa số thu thuế từ người lao độn, chính phủ phải hoán đổi các chứng khoán này lấy trái phiếu chính phủ bán được trên thị trường. Bộ Tài chính khi ấy sẽ phải phát hành không chỉ số trái phiếu này mà còn nhiều hơn thế để chi trả các khoản trợ cấp tới hạn.
Công thêm số thâm hụt bằng tiền mặt, hàng nghìn tỷ USD trái phiếu sẽ làm ngập lụt thị trường vốn trong nhiều năm tới, đặc biệt là khi Trung Quốc sẽ thay đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ bằng đầu tư trực tiếp, cùng khủng hoảng nợ công đang diễn ra tại Nhật Bản và Châu Âu.
Nếu tính cả chi phí trích trước của các chương trình trợ cấp, phải cần tới 8 nghìn tỷ USD mỗi năm để Mỹ thoát được vòng xoáy nợ nần. Và đó mới chỉ là tổng nợ chích trước của hai chương trình trợ cấp lớn nhất cộng thêm thâm hụt bằng tiền mặt.
Thuế vụ Hoa Kỳ không thể nào thu được tới 8 nghìn tỷ USD. Theo dữ liệu mới nhất, tổng thu nhập của tất cả các cá nhân nộp tờ khai thuế tại Mỹ và kiếm trên 66.193USD/năm là 5,1 nghìn tỷ USD. Tổng thu nhập tính thuế của tất cả các doanh nghiệp tại Mỹ đạt đỉnh 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2006. Như vậy, theo luật thuế, tổng thu nhập tính thuế của cá nhân và doanh nghiệp là 6,7 nghìn tỷ USD.
Nói tóm lại, nếu chính phủ tịch biên toàn bộ thu nhập chịu thuế của người Mỹ, cộng thêm thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp vào năm trước suy thoái, thì cũng không đủ bù đắp trên 8 nghìn tỷ USD số nợ tăng thêm mỗi năm. Một số quan chức và chuyên gia cho rằng vấn đề có thể giải quyết bằng cách tăng thuế đối với người có thu nhập cao, thậm chí toàn bộ người nộp thuế. Đó chỉ như muối bỏ bể. Chỉ khi nhìn thẳng vào những khoản trợ cấp không bền vững kia, vấn đề nợ chính phủ và thâm hụt ngân sách mới được giải quyết.
Công chúng và các nhà hoạch định chính sách không thể nhận thức cũng như giải quyết được vấn đề này nếu chính phủ không công khai báo cáo tài chính với những tiêu chuẩn vẫn áp dụng với khu vực tư nhân. Khi Quốc hội mới nhóm họp vào tháng 1, làm rõ những con số trên và đề ra các biện pháp đối phó chắc chắn phải nhận được sự ưu tiên cao nhất.
Minh Tuấn