Tháng 6.2015, sau bảy năm thảo luận, tọa đàm, hội thảo, UBND TP.HCM có kết luận đồng ý với những đề xuất của Bộ Quốc Phòng về việc triển khai dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son. Nhưng những cuộc tranh luận, bàn thảo về số phận Ba Son vẫn tiếp tục.
Những người nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bảo tàng, di sản, người làm du lịch, người yêu quý lịch sử Sài Gòn, lịch sử tàu thuyền đều ngẩn ngơ, đau lòng trước tin Ba Son phải di dời và nhường chỗ cho khu trung tâm thương mại, cao ốc, biệt thự... Nhu cầu phát triển kinh tế, cải tạo cảnh quan của thành phố và giữ gìn lịch sử, văn hóa truyền thống có cách nào để dung hòa? Những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá của Ba Son: xưởng thủy 225 năm, cái nôi của công nghiệp hàng hải, sự hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, nơi ghi dấu những hoạt động của người thợ Tôn Đức Thắng, sau này là chủ tịch nước... sẽ còn lại gì trong khu phức hợp ấy?...
Toàn cảnh Ba Son
An bài 589m2?
Sau một thời gian dài xem xét, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định từ chối lời ngỏ của một tập đoàn Hàn Quốc và dành cơ hội đầu tư Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son cho doanh nghiệp trong nước. Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ thương mại TP.HCM (thành viên liên kết của Tập đoàn Vingroup) đã được lựa chọn.
Theo quy hoạch do nhà đầu tư đề xuất, khu Sài Gòn - Ba Son tương lai sẽ có 16 khối cao ốc 43-50 tầng dành cho thương mại, dịch vụ, căn hộ, văn phòng; 3,5ha xây dựng biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề; còn lại là diện tích dành cho dải cây xanh ven sông, đường giao thông, nhà ga metro, trường học... Diện tích dành cho di tích xưởng cơ khí và ụ tàu Ba Son được thu lại chỉ còn 589m2.
Tổng công ty Ba Son đề xuất phương án bảo tồn di tích trên quan điểm: “Tập trung vào một khu vực, vừa tiện cho công tác quản lý, tôn tạo, vừa hạn chế tính dàn trải, thiếu trọng tâm của hoạt động bảo tồn, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất của khu vực quy hoạch”.
Trong cuộc họp mới nhất ngày 15.8.2015 được Tổng công ty Ba Son tổ chức giữa tổ tư vấn về công trình bảo tồn di tích trong khu phức hợp và các cựu lãnh đạo Ba Son, tất cả các ý kiến đều không đồng ý với phần diện tích 589m2 “lọt thỏm” dành cho các giá trị lịch sử, văn hóa sâu dày và vô giá của Ba Son. Những người đã gắn bó với Ba Son gần cả cuộc đời còn bày tỏ: “nếu nơi đây mọc lên những cao ốc, biệt thự... dành riêng cho những người có tiền thì nhân dân sẽ rất băn khoăn”...
Theo đó, một phần nhà xưởng cơ khí sẽ được tu bổ, phục hồi nguyên trạng; một phần trong đó được cải tạo thành nhà truyền thống, trưng bày: một phần di tích ụ tàu cũ, mô hình nhóm công nhân làm việc, máy mà Bác Tôn đã sử dụng, sa bàn tổng thể xưởng cơ khí Arsenal de Saigon thời kỳ 1915-1916 và một số tư liệu, hiện vật khác.
Phương án này cũng đề cập đến việc phục hồi nguyên trạng ụ tàu đầu tiên mà theo nhận xét của Tổng công ty Ba Son: “Ụ tàu nhỏ này là nền móng để phát triển nhà máy đóng tàu Ba Son. Ụ tàu này còn khả năng phục hồi nguyên trạng và bên cạnh tính lịch sử, còn có những nét kiến trúc cổ kính đặc biệt hơn rất nhiều so với ụ tàu lớn xây dựng năm 1884”. Bên cạnh đó, còn xây dựng quảng trường lớn mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, kết nối với đường Tôn Đức Thắng hiện có, tạo nên không gian công cộng phục vụ giao tiếp xã hội, tổ chức lễ hội của thành phố; tổ chức cảnh quan và phát triển cầu cảng kéo dài, tổ chức lối đi bộ ven sông kết nối với quảng trường chính Tôn Đức Thắng.
Ụ tàu lớn Ba son được xây dựng năm 1884, hoàn thành 1888
Tổng công ty Ba Son tự nhận xét phương án của mình là “hoàn toàn hợp lý và cần thiết, đảm bảo quy hoạch khu Ba Son hiện hữu mang tính hiệu quả và bền vững”.
Tuy nhiên, những người đã nuôi hy vọng được thấy một Ba Son dành cho mọi người với cảnh quan sông Sài Gòn xanh mướt, thoáng đãng, ăm ắp những tầng lớp văn hóa, câu chuyện lịch sử thì lại không thể yên tâm. Nhìn vào sơ đồ thiết kế quy hoạch 1/500 đã được Bộ Quốc phòng gửi đến UBND TP.HCM, khu vực dành cho di tích lọt thỏm, nép bên một khu cao ốc thương mại, bao quanh là các khu biệt thự, nhà vườn. Và tìm mãi thì cũng không thấy chỗ nào dành cho quảng trường Tôn Đức Thắng, ụ tàu nhỏ được nêu trong phương án bảo tồn...
Những yêu cầu bị bác bỏ
So sánh với ý kiến thu được từ các cuộc họp đã được tổ chức giữa các sở, ban, ngành của TP.HCM bàn về phương án bảo tồn các công trình trong khu vực Ba Son, những người làm công tác văn hóa ở TP.HCM càng thất vọng.
Trước đó, từ tháng 7.2012, trả lời đề xuất của Bộ Quốc phòng về phương án bảo tồn di tích tại Ba Son, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến: “Đề nghị Bộ Quốc phòng thống nhất với UBND TP.HCM về phương án trước khi triển khai các bước tiếp theo”.
Tháng 8.2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện UBND TP.HCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bảo tàng Tôn Đức Thắng... để bàn bạc về phương án bảo tồn di tích của Công ty TNHH một thành viên Ba Son (tên gọi thời điểm đó của Tổng công ty Ba Son - PV). Tại cuộc họp, đại diện các ban ngành của TP.HCM đã đặt ra những câu hỏi: Theo hồ sơ xác lập di tích, diện tích gốc của di tích xưởng cơ khí là 1.949m2, vậy khái niệm “tu bổ nguyên trạng một phần nhà xưởng cơ khí” sẽ thực hiện thế nào khi chỉ còn 589m2? Di tích có được xem là nguyên trạng, có còn yếu tố gốc không khi mất đi 1.360m2? Phương án nêu “trưng bày một phần di tích của ụ tàu cũ” mà không có bản thuyết minh lý do làm biến dạng di tích? Các công trình khác được xây dựng gần xưởng cơ khí và ụ tàu là những công trình gì, có làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích không?...
Bên cạnh những câu hỏi sát sườn là những ý kiến mang tính khẳng định mạnh mẽ được nêu ra: Vị trí ụ tàu lớn đã được xác định là khu vực bảo vệ di tích nên ụ tàu cũng phải được bảo vệ nguyên trạng theo quy định pháp luật. Phương án dự kiến tháo dỡ phần lớn di tích Xưởng cơ khí và hoàn toàn không xem xét việc giữ lại ụ tàu lớn là không đúng ý nghĩa việc bảo tồn, phát triển và vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Để khẳng định giá trị của di tích, xưởng cơ khí và ụ tàu lớn cần được tạo điều kiện giới thiệu rộng rãi trước công chúng. Nếu một di tích quốc gia, có ý nghĩa to lớn với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn bị phá hủy thì công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích khác có còn ý nghĩa?
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM đề nghị thực hiện quy hoạch thành phố theo đề xuất của Công ty Nikken Sekkei - Nhật Bản (bản quy hoạch tổng thể khu trung tâm TP.HCM 930ha của Nikkken Sekkei được TP.HCM sử dụng làm cơ sở quản lý xây dựng đô thị, bảo vệ cảnh quan, chỉnh trang phục vụ sự phát triển - PV), trong đó các di tích được bảo tồn và giữ gìn theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Sau đề nghị này, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo UBND TP.HCM “phối hợp với các cơ quan liên quan để đề nghị giữ lại ụ tàu và đề nghị công nhận Di tích lịch sử quốc gia đối với khu vực ụ tàu, nhà máy”. UBND TP.HCM cũng gửi công văn đến Bộ Quốc phòng và công ty Ba Son với nội dung này và giải thích thêm: việc bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đã được xếp hạng phải tính toán kỹ để có giải pháp bảo tồn hiện đại, hài hòa với sự phát triển.
Đáp lại các đề nghị này, công văn mới nhất của Bộ Quốc phòng gửi đến UBND TP.HCM vào tháng 3.2015 lại tiếp tục đề nghị điều chỉnh những chỉ tiêu quy hoạch: tăng dân số dự kiến của khu vực từ 5.400 người (mức tối đa TP.HCM đề nghị trước đó - PV) lên 11.593 người nhằm tăng giá trị nguồn thu khi chuyển quyền sử dụng đất; điều chỉnh hướng tuyến, mặt cắt của đường ven sông Sài Gòn và tuyến đường sắt trên cao đoạn đi qua Ba Son... Riêng vấn đề bảo tồn di tích, Bộ Quốc phòng vẫn giữ nguyên quan điểm và phương án cũ.
Tháng 6.2015, UBND TP.HCM ra kết luận thống nhất với đa số các đề nghị này.
Kiến nghị của Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM
Chúng tôi kiến nghị với lãnh đạo các cấp có trách nhiệm liên quan nên suy tính toàn diện, có trước có sau, vừa kinh tế kết hợp quốc phòng an ninh, vừa phát triển đô thị hài hòa với di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, sông nước sạch đẹp, hiện đại. Bằng mọi cách phải giữ lại hai ụ tàu (1.000T và 10.000T) cùng với trang thiết bị vận hành để đưa con tàu vào ra dock một cách tự nhiên như chức năng vốn có của nó. Bên cạnh đó là xưởng cơ khí gắn liền với việc sửa chữa tàu cấp dock, biến khu vực này thành “Bảo tàng hàng hải Việt Nam và Bảo tàng Tôn Đức Thắng - Ba Son”.