Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Báo cáo Việt Nam 2035 chưa nhìn vào những trở lực khiến kinh tế chậm phát triển
Một chuyên gia tài chính bình luận với BBC rằng Báo cáo Việt Nam 2035 do các chuyên gia World Bank và Việt Nam thực hiện quá lạc quan’, không đi sâu vào những trở lực khiến kinh tế chậm phát triển.
Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, gồm bảy chương nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển với sáu chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết một số quan điểm, tư tưởng của báo cáo, được đưa vào nội dung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vừa qua.
Đồng thời, Bộ này đã và đang đưa các nội dung nghiên cứu này để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 trình Quốc hội phê chuẩn tháng 3/2016.
Hôm 25/2, trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Báo cáo Việt Nam 2035 quá lạc quan. Dường như những người thực hiện chỉ nhìn thấy được những điểm tích cực, triển vọng phát triển mà chưa nghiên cứu sâu về những trở lực đang khiến kinh tế Việt Nam chậm phát triển”.
Chuyên gia cho hay báo cáo chỉ nói chung về thể chế chính trị Việt Nam chứ không nhấn mạnh việc thay đổi thể chế theo quỹ đạo của cũng như sự vận hành của nền kinh tế thị trường thực thụ.
‘Chất lượng của tăng trưởng’
“Vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam bây giờ không phải là tỷ lệ tăng trưởng bao nhiêu % mà là định tính, chất lượng của sự tăng trưởng đó. Cụ thể là đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân, giảm thiểu vai trò dẫn dắt của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đời sống người dân có khấm khá hơn, tỷ lệ người nghèo có giảm hay không?...”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào nông nghiệp
Chuyên gia cho biết thêm: “Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp, trong lúc ngành công nghiệp phát triển rất chậm, nhiều dự án khởi động 20 năm chưa thấy thành quả, kỹ nghệ đóng tàu thủy, công nghiệp xe hơi gần như không phát triển”.
“Đó là chưa kể thêm những nguyên do: thiếu minh bạch trong quản lý tài chính, các báo cáo tài chính quan trọng thường ít được công khai. Bên cạnh đó là hệ thống pháp luật kinh tế chưa tương thích với kinh tế thị trường khiến vấn đề giải quyết nợ xấu chưa dứt điểm, chưa cho phá sản những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi”, ông nói.
Cũng liên quan đến Báo cáo Việt Nam 2035, hôm 25/2, Thời báo Kinh tế Sài Gòndẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một thành viên tham gia soạn thảo: “Thông điệp quan trọng nhất, xuyên suốt khắp báo cáo đó là phải cải cách thể chế nếu không muốn bị lạc hậu. Đó là lý do báo cáo có một chương dành riêng nói về cải cách thể chế và các chương còn lại ít nhiều đều có đề cập đến vấn đề này.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận được câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là liệu Việt Nam có thể đạt mực tăng trường 9% mỗi năm và duy trì liên tục trong 20 năm để hóa rồng?
Sau khi các chuyên gia World Bank và cả phía chúng tôi thực hiện chạy đủ các mô hình tính toán kinh tế thì câu trả lời là không thể”.
“Điều tốt nhất ngay khi chúng ta cải cách thể chế và nâng cao năng suất lao động thì cũng chỉ có thể được mức thu nhập trung bình bình quân đầu người hơn 7.000 đôla Mỹ hoặc 18.000 đôla nếu tính theo sức mua tương đương, bằng Malaysia năm 2010.
Còn nếu không cải cách, dự báo thu nhập bình quân năm 2035 đạt tối đa 4.500 đôla, hoặc 12.000 đôla tính theo sức mua tương đương”, bà Lan được báo này tường thuật.