Các biên bản xử phạt vi phạm hành chính, kết luận điều tra vụ án của Công an huyện Bình Chánh và cáo trạng của Viện KSND huyện Bình Chánh đối với quán phở của anh Nguyễn Văn Tấn - Nguồn: www.sggp.org.vn
- Câu chuyện về một người bán phở bị khởi tố hình sự - tội kinh doanh trái phép - vì mở tiệm bán phở khi chưa đăng ký kinh doanh khiến giới luật sư sửng sốt, hộ kinh doanh nhỏ lẻ bàng hoàng.
Bán phở cũng bị… khởi tố
Hôm nay, 19-4, Báo Sài Gòn Giải Phóng kể một câu chuyện có thật như đùa, rằng tòa án huyện Bình Chánh, TPHCM, chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án kinh doanh trái phép đối với anh chàng bán phở nhưng chậm đăng ký kinh doanh Nguyễn Văn Tấn.
Chuyện thế này: anh Nguyễn Văn Tấn, một người dân cư ngụ tại quận Bình Tân, thuê mặt bằng tại địa chỉ C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh mở tiệm bán cơm, phở, cà phê, nước giải khát... Ngày 8-8-2015, tiệm của anh Tấn khai trương thì ngày 13-8-2015, công an Huyện Bình Chánh đến kiểm tra hành chính và lập biên bản vi phạm “kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Dù năm ngày sau đó, ngày 18-8-2015, anh Tấn được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nhưng với hành vi kinh doanh không phép bị phát hiện từ 13-8-2015, Trưởng công an huyện Bình Chánh đã ra Quyết định xử phạt [vi phạm hành chính] anh Tấn 17 triệu đồng.
Chưa hết, ngày 10-9-2015, công an Huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra tiệm của anh Tấn và phát hiện hành vi sử dụng khu vực chế biến thực phẩm và sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm. Thế là, công an huyện Bình Chánh khởi tố anh Tấn tội kinh doanh trái phép. Ngày 25-1-2016 kết luận điều tra của cơ quan này đã chuyển sang Viện kiểm sát và tòa án huyện Bình Chánh.
Bất ổn về pháp lý
Theo quy định của pháp luật, với lỗi “không đăng ký kinh doanh” như ghi trong biên bản kiểm tra của công an huyện Bình Chánh ngày 13-8-2015, mức phạt vi phạm hành chính chỉ từ 5 – 10 triệu đồng (điều 1.8 Nghị định 124). Vậy tại sao anh Tấn bị phạt tới 17 triệu đồng? Là vì Trưởng công an huyện Bình Chánh “tự ý” phạt kèm thêm bốn hành vi khác, đó là vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống… theo Nghị định 178 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Nhưng vấn đề là căn cứ pháp lý nào để Công an và Viện kiểm sát huyện Bình Chánh quy cho anh Tấn tội kinh doanh trái phép?
Theo Bộ luật Hình sự, “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…” - Điều 159.
Như vậy, có thể thấy Công an huyện Bình Chánh đã dùng hai biên bản kiểm tra vi phạm hành chính để làm căn cứ truy tố anh Tấn tội kinh doanh trái phép vì biên bản ngày 13-8-2015 xác định anh vi phạm kinh doanh không phép và biên bản ngày 10-9-2015 xác định anh tái phạm.
Thế nhưng, kiểm tra các bút lục hồ sơ vụ án, thì biên bản kiểm tra lần 1 (ngày 13-8-2015) chỉ ghi hành vi vi phạm là “không đăng ký kinh doanh”; biên bản lần 2 (ngày 9-10-2015) chỉ xác định 2 lỗi mới là “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm” – vì khi đó anh Tấn đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Như vậy, không thể xác định anh Tấn đã tái phạm “kinh doanh không phép” và truy tố anh tội kinh doanh trái phép được.
Chưa kể, ngày 2-10-2015, UBND huyện Bình Chánh có công văn (số 2211/KT) gửi công an huyện này xác định: “Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn hoạt động kinh doanh ăn uống là kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký. Đối với phần ghi chú trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao là chỉ nhằm mục đích thông tin cho hộ kinh doanh biết để thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Trường hợp hộ kinh doanh không thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định”.
Trái tinh thần cải cách tư pháp
Trao đổi với TBKTSG Online, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, cho rằng, trong vụ việc này, có quá nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra Công an Huyện Bình Chánh. Việc “vạch lá tìm sâu” để xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh, rồi tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần thứ 2 nhằm củng cố căn cứ để “hình sự hóa” vi phạm này, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về động cơ không trong sáng của các cán bộ, điều tra viên trong vụ án này.
Trong khi Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm và Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã bỏ Tội kinh doanh trái phép, thì hoạt động tố tụng của Công an huyện Bình Chánh chẳng khác gì đi ngược lại chủ trương, chính sách của nhà nước (?!).
Theo ông Hưng, dù Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực (có hiệu lực vào ngày 1/7 tới), thì việc khởi tố vụ án cũng phải có căn cứ vững chắc, không thể dễ dàng, tùy tiện như vậy được. Khoản 1 điều 159 Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định rất rõ, muốn xử lý hình sự hành vi “Kinh doanh trái phép” thì phải đảm bảo 2 điều kiện: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này…hoặc, Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng. Trong khi đó, hành vi được xem là vi phạm lần thứ 2 không cùng với hành vi vi phạm lần 1, chưa nói đến là việc xử phạt như vậy là không có căn cứ.
Theo ông Hưng, hoạt động tố tụng của cơ quan CSĐT và VKSND huyện Bình Chánh có dâu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp – về hành vi “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại điều 293 Bộ luật Hình sự. Như đã thấy Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây đã bỏ Tội kinh doanh trái phép, như một chính sách để khuyến khích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là bộ luật này có hiệu lực, thì bỗng nhiên có một vụ án xuất hiện như đi ngược lại chính sách này.
“Hành nghề nhiều năm, đọc xong thông tin này tôi không tin nổi đó là sự thật. Một vụ án có quá nhiều sai sót trong hoạt động tố tụng, từ việc xử lý vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự. Tôi có cảm giác như cơ quan CSĐT tìm mọi cách để “triệt” chỗ làm ăn của người bán phở (?!)”, vị luật sư nói.
Và, ông cũng nói thêm: "Nếu cứ phát hiện người kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh là tiến hành khởi tố, thì nhà tù nào mà chứa cho nổi".